Wednesday, January 30, 2019

LẤY 'MỠ' QUỐC GIA 'RÁN' DÂN LÀNH (Trân Văn)




29/01/2019

Cuối tuần trước, bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị tống giam cùng với ba viên chức, một đang là Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (Trần Nam Trang) và hai đã nghỉ hưu (Nguyễn Thành Rum, cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM. Vy Nhật Tảo, cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM). Nếu tính cả ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM) đã bị tống giam trước đó thì trong vụ án mà bà Diệp bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có ít nhất bốn viên chức đã tiếp tay cho bà Diệp biến công thự dành cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thành tài sản của Công ty Dương Bạch Dương (1), tạo điều kiện cho Công ty Dương Bạch Dương lấy công thự vừa kể vay thêm tiền và giờ, thiếu Agribank khoảng 4.000 tỉ đồng, chưa kể hàng trăm tỉ tiền thuế chưa thanh toán.

Đầu tuần này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Trần Việt Tân (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Công an), Bùi Văn Thành (Trung tướng, cựu Thứ trưởng Công an) bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Phan Hữu Tuấn (Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (Đại tá, Cục phó một cục của Tổng cục Tình báo Bộ Công an) bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả bốn đã tham gia vào việc tuyển dụng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm) làm “sĩ quan tình báo”. Lấy danh nghĩa “công vụ”, đề nghị hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bán rẻ hoặc cho Vũ “Nhôm” thuê với giá rẻ hàng loạt công thự, công thổ ở Đà Nẵng, Sài Gòn, gây thiệt hại ít nhất là 1.537 tỉ đồng (2).

***
Bà Diệp và Vũ “Nhôm” có một điểm chung: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chỉ trong một thời gian ngắn trở thành giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”. Sự giàu có ấy của cả hai đều dựa trên việc được thuê, được mua các công thự, công thổ với giá rẻ như bèo và song hành với biệt đãi của hệ thống công quyền, cả hai còn được hệ thống ngân hàng dành cho đủ thứ ưu đãi nên hết sức dễ dàng trong việc kiếm bạc tỉ. Cực giàu nên cả hai rất ngông, tìm đủ cách để khẳng định “đẳng cấp” của mình. Mạng xã hội và hệ thống truyền thông chính thức đã nói nhiều về sự ngông cuồng của Vũ “Nhôm” nhưng bà Diệp đâu kém: Đặt làm riêng một chiếc Rolls - Royce Phantom, tổng chi phí lên tới 2,3 triệu Mỹ kim, rồi bỏ tiền xây cho Công an Bình Định hai sân tennis để chiếc xe đó có thể mang tấm biển “độc nhất, vô nhị”: 77L-7777 (3).

Cũng giống như Vũ “Nhôm”, ngoài việc chơi ngông, bà Diệp luôn luôn tỏ ra hào phóng với người khác. Nếu Vũ “Nhôm” được tán tụng hết lời vì rộng rãi với thân hữu, láng giềng, kể cả bạn bè thưở còn hàn vi, những người “thất cơ, lỡ vận” thì bà Diệp nổi tiếng vì chỉ trong một thời gian ngắn góp tới ba tỉ đồng cho các chương trình từ thiện của báo Công an nhân dân. Bỏ ra 13 tỉ mua bức tranh “Văn Miếu - Văn hóa Việt” trong cuộc đấu giá do Quỹ Vì người nghèo tổ chức (4). Báo Công an nhân dân – một trong những cơ quan truyền thông từng không tiếc lời ca tụng bà Diệp - còn quảng bá rộng rãi ý tưởng mà tờ báo này cho là rất độc đáo của bà Diệp: Dành 200 tỉ để lập quỹ - làm giải thưởng thường niên tặng cho những “Bao Công đích thực” của hệ thống tư pháp Việt Nam, giá trị mỗi phần thưởng hàng năm có thể sẽ lên tới cả triệu Mỹ kim (5)!..

***
Mãi đến bây giờ, khi vô số công sản (cả động sản lẫn bất động sản) đã đổi chủ, chuyển thẳng từ sở hữu toàn dân vào tài khoản một số cá nhân, các viên chức hữu trách ở Việt Nam mới thừa nhận, đa số cá nhân mà trước nay, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vẫn xuýt xoa, trầm trồ về sự giàu có không bút nào tả xiết mà “vua đã biết mặt, chúa đã biết tên” chính là nhờ những bất hợp lý trong chính sách khai thác – sử dụng công sản, công thổ. Tháng 10 năm ngoái, khi công khố đã thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, thu ít – chi nhiều, phải liên tục vay để vừa trả nợ, vừa cầm cự, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đề cập đến “công khai”, đến “đấu giá” công sản, công thổ, ngăn chặn thất thoát tài nguyên, nguồn lực quốc gia (6).

Trung tuần tháng này, các chuyên gia nhiều ngành tiếp tục thở than về chính sách đất đai đang tiếp tục làm nội lực quốc gia thất tán, bất công và bất ổn xã hội gia tăng, chỉ có một số rất nhỏ trở thành “giàu siêu tốc” (7). Với hệ thống chính trị như trước nay, tiếp tục thực hiện “qui hoạch nhân sự”, tước bỏ quyền lựa chọn đại diện cho mình của các công dân, giành – giữ đặc quyền sắp đặt một số cá nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, với hệ thống công quyền vẫn xem sự tách bạch giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm hạn chế lạm quyền là luận điệu, âm mưu của “thế lực thù địch, phản động”, gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN,… thì làm sao ngăn chặn để không có thêm những Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách, Nguyễn Thành Tài, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum,… mới?

***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là trước khối tài sản càng ngày càng kếch xù, phình ra trong một thời gian rất ngắn của một số cá nhân, đa số người Việt chỉ bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ mức độ sang, giàu của những cá nhân phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác. Không ít người còn thấy tự hào vì chỗ mình cư trú trở thành nơi được ví von là… đáng sống, chứ không nhận ra rằng, những công trình kia, dự án nọ hủy hoại biển, rừng, đầu độc môi trường,… không nhận thấy rằng chính mình đang phải trực tiếp trả giá qua ngập lụt, kẹt xe, không gian sống càng lúc càng ngột ngạt, hậu quả thiên tai càng ngày càng tàn khốc. Chẳng có bao nhiêu người thấy rằng, sở dĩ một số cá nhân có thể gây ngỡ ngàng vì tổng giá trị tài sản của họ tăng nhanh và lớn khác thường vì chúng kết tinh từ nước mắt, mồ hôi, sức lực, thậm chí tạm ứng trước tương lai của cả một dân tộc!

Trung tuần tháng này, qua tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, “xuất đầu lộ diện” với hàng loạt tuyên bố, chẳng hạn, văn hóa riêng của Vingroup là “yêu nước, kỷ luật, văn minh”, đồng thời bày tỏ tham vọng sẽ buộc thế giới phải biết về một “Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp” (7). Cũng trung tuần tháng này, The Guardian – một tờ báo ở Anh, đăng: “Redefine the skyline: how Ho Chi Minh City is erasing its heritage” (8) mà Zing – một tờ báo điện tử tại Việt Nam biên dịch lại rồi giới thiệu với tựa: “Báo Anh tiếc nuối những di sản và bản sắc 'đang mất dần' của TP.HCM” (9). Trong phóng sự vừa kể, The Guardian mô tả Vingroup như một gã khổng lồ vô tâm song thừa quyền lực nên có thể dễ dàng hủy diệt cả di sản lẫn bản sắc của nơi từng được xem như hòn ngọc Viễn Đông.
Đó là một kiểu… “yêu nước”, một kiểu… “văn minh”?

Rất nhiều người biết sự hủy diệt mà Vingroup đã cũng như đang thực hiện không chỉ tẩy sạch hồn, cốt của Sài Gòn mà còn triệt tiêu nguồn lực tiềm ẩn trong tương quan giữa bảo tồn với phát triển. Tại sao những dự án, công trình của Vingroup có thể mọc lên tại những vị trị tốt nhất trên khắp Việt Nam, bất kể cách thức thủ đắc hết sức bất thường, chưa kể rất nhiều dự án, công trình gây nguy hại ở đủ mọi khía cạnh, ví dụ như đe dọa sinh hoạt đô thị (dự án cao ốc của Vingroup ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội – 10), ví dụ như biến đổi dòng chảy, có thể dẫn tới sạt lở cả một khu vực (dự án Central Park tại Vinhomes Tân Cảng, Sài Gòn – 11),… nhưng không ai có thể can gián? Thậm chí hệ thống truyền thông chính thức còn biên tập lại phát biểu của Thủ tướng Việt Nam khi phát biểu đó không có lợi cho Vingroup!

Đó là một kiểu… “trí tuệ, đẳng cấp” mà thế giới có thể mục kích?

***
Ngoài đất, còn có đủ loại tài nguyên, nguồn lực khác của quốc gia đã bị biến thành “mỡ”, vỗ béo vô số viên chức từ trung ương đến địa phương, giúp một số cá nhân ghi tên vào danh sách những người giàu nhất ở cả Việt Nam lẫn trên thế giới. “Mỡ” đó đã “rán” hàng trăm triệu người dúm dó vì bị thu hồi đất, vì chính sách an sinh èo uột, vì thuế càng ngày càng nặng, phí càng ngày càng đa dạng, vì môi trường sống bị ô nhiễm, vì kinh tế bất ổn, vì xã hội bất an, tương lai bất định… Còn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại tài nguyên, nguồn lực quốc gia còn là “mỡ” và dân chúng may mắn không bị “rán” trực tiếp thì cũng bị “rán” gián tiếp. So với thiên hạ, sự khác biệt, nếu có, nằm ở chỗ, tâm trạng nhiều người bị “rán” vẫn tràn ngập sự cảm kích, ngưỡng mộ. Thảm hơn cả là vẫn… tự hào!

---------------

Chú thích




















No comments: