Saturday, January 26, 2019

VENEZUELA : ĐẠI BIỂU TÌNH & ĐƯỜNG VỀ KHÔNG NÔ LỆ (Trọng Đức)




Trọng Đức
Thứ Sáu, 25/01/2019

Khó ai có thể ngờ được một đất nước từng siêu giàu, ngồi trên kho vàng đen lớn nhất thế giới như Venezuela lại có ngày nghèo đói lụi bại tới mức hơn 3 triệu dân (10% dân số) phải bỏ xứ mà đi. Hơn 20 năm trước, người dân Venezuela đã chọn con đường nô lệ bởi mù quáng tin vào những hứa hẹn viễn vông của Hugo Chavez rồi bị vỡ mộng dưới thời Nicolas Maduro. Nay, những con người tuyệt vọng cùng cực ấy đang đánh đổi tất cả mọi thứ, kể cả sinh mạng để dũng cảm lựa chọn một con đường mới, một con đường không nô lệ cho họ và những thế hệ mai sau.

https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2019/01/venezuela-768x432.jpg
Đại biểu tình tại Venezuela (Ảnh: Youtube)

Trong tác phẩm Đường về nô lệ, tác giả người Áo Friedrich von Hayek nhận định rằng, khi nhà nước kiểm soát quyết sách kinh tế qua kế hoạch hóa tập trung, xã hội không tránh khỏi mối nguy hiểm của chế độ chuyên chế. Nếu người dân chấp nhận từ bỏ tự do cá nhân để đổi lấy yên bình và giàu sang trong chốc lát, thì tất yếu sẽ dẫn đến bị tước đoạt tự do, áp bức và hình thành chế độ độc tài bạo ngược.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Venezuela. Năm 1998, Hugo Chavez đắc cử Tổng thống. Cùng với việc sửa Hiến Pháp theo hướng kéo dài nhiệm kỳ (giống Putin hiện nay), ông mua chuộc sự trung thành của người nghèo bằng cách tăng cường trợ cấp y tế, giáo dục, xây nhà ở miễn phí… Để có tiền phân phát “những bữa ăn miễn phí” khổng lồ như thế, ông ta tìm cách quốc hữu hóa tất cả nền kinh tế nhân danh công bằng cho nhân dân. Chavez quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ, vốn là nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia, trục xuất các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhà nước cũng có quyền ấn định giá cả, trợ giá và hoàn toàn quyết định lượng cung ứng hàng hóa. Venezuela bị áp đặt vào một nền kinh tế cứng nhắc, mệnh lệnh và quan liêu; những động lực từ cạnh tranh thị trường và tư nhân hóa gần như biến mất hoàn toàn. 

Với nguồn dầu mỏ khổng lồ và nhu cầu dầu mỏ tăng đột biến trong những năm 2008 (gần 150 đô Mỹ một thùng), người Venezuela từng giàu tới mức “sáng bắt máy bay sang châu Âu dự tiệc”, chiều “bắt máy bay về”. Tuy nhiên, cùng với việc giá dầu suy giảm nghiêm trọng (còn 53 đô một thùng năm 2015 và 35 đô năm 2016), Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng và suy thoái. Chính phủ cánh tả của nước này cũng phồng lên và tha hóa cùng cực. Chavez và Maduro thay thế nhánh tư pháp bằng tay chân thân tín và mua chuộc quân đội bằng chiếc bánh béo bở ở công ty dầu khí quốc gia PDVSA. Chính vì thế, dù bị phản đối bởi toàn bộ Quốc hội Venezuela, Maduro vẫn đắc cử Tổng thống lần 2 nhờ sự lũng đoạn ủy ban bầu cử, và các tay trong trong tòa án tối cao đã ra lệnh giải tỏa các đảng đối lập có nguy cơ đe dọa ông ta. Từ 2014 đến nay, hàng nghìn cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên đường phố Venezuela, nhiều nỗ lực đảo chính thất bại, nền kinh tế hỏng hóc, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản và hàng triệu người phải bỏ chạy sang các nước láng giềng để mưu sinh. Nhưng bởi vì nắm chắc tư pháp và quân đội, chế độ Maduro vẫn ung dung cầm quyền và đưa ra lý giải về thất bại kinh tế một cách rất mị dân: do bọn phản động và đế quốc tư bản phương Tây chống phá. Gọng kìm nô lệ tại đất nước này được kẹp chặt bởi nghèo đói, bạo lực, giết chóc, đàn áp và bắt bớ.

Tuy nhiên, nay biến chuyển tại Venezuela đã có bước tiến mạnh mẽ. Ngày 21/1, 27 binh sĩ nổi loạn đòi bắt Maduro đã thất bại nhưng lời kêu gọi đại biểu tình của họ thì không. Ngày 23/1, lãnh đạo trẻ của Quốc hội Venezuela Juan Guaido, người từng bị bắt giam vì một nỗ lực đảo chính bất thành, kêu gọi cả nước xuống đường phản đối chế độ Maduro. Hàng triệu người hưởng ứng. Trên các đường phố của thủ đô Caracas, đối mặt với cảnh sát vũ trang và đạn hơi cay, người biểu tình hô vang “chúng tôi muốn thay đổi, chúng tôi muốn tự do”.

Guaido tuyên bố ông là Tổng thống lâm thời và nhanh chóng có được sự ủng hộ của Mỹ, Canada và các nước lớn Mỹ Latinh. Mỹ đang tìm cách chặn dòng tiền của Venezuela, viện trợ cho phe đối lập. Washington còn tuyên bố họ sẵn sàng sử dụng “mọi biện pháp” nếu Maduro dùng vũ lực đàn áp những người biểu tình. Chính phủ Maduro tức giận tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ, đòi đuổi tất cả nhân viên sứ quán Mỹ về nước.

Một tia hy vọng mới đang bừng lên đối với những người Venezuela, tuy nhiên khó khăn vẫn chồng chất trước mắt. Nicolas Maduro sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Quân đội nước này vẫn trung thành với ông ta, trong khi đó Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng tuyên bố ủng hộ Maduro là Tổng thống chính danh duy nhất của nước này.

Juan Guaido và người biểu tình (Ảnh: Youtube)

Tính tới nay, 26 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, nhưng những người biểu tình khẳng định họ sẽ không dừng lại.

“Chúng tôi chịu đựng quá đủ rồi. Chúng tôi sẽ lật đổ Maduro dù cho có phải phá hủy mọi thứ”, một người biểu tình nói trước phóng viên hiện trường trong khi những người khác ném đá vào những cảnh sát có vũ trang đang bắn lựu đạn hơi cay.

Trọng Đức

---------------------------

Xem thêm:








No comments: