Tuesday, January 29, 2019

EVFTA - ĐỪNG ĐỂ LỠ MÃI (Nguyễn Ngọc Chu | Hoàng Tư Giang)




29/01/2019

Đáp ứng các tiêu chuẩn EU, một mặt chẳng những giúp cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU để thoát dần phụ thuộc vào Trung Quốc, mà còn – ở mặt khác – đưa Việt Nam xích gần với xã hội Âu châu.

EVFTA – ĐỪNG ĐỂ LỠ MÃI
Nếu không được Nghị viện Châu âu thông qua trước cuộc bầu cử tiếp theo cuối tháng 5/2019, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ đối mặt với sự chậm trễ, rất bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, và bất lợi ngay cho chính Nhà nước Việt Nam.

CON ĐƯỜNG GIAN TRUÂN
Sau 14 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp bộ trưởng, trưởng đoàn cùng cấp nhóm chuyên viên kỹ thuật, kéo dài gần suốt trong 3 năm, đến ngày 4/8/2015 Việt Nam và EU đã công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU.

Chiều ngày 18/10/2018 phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16 tại Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi : “Tôi rất hoan nghênh các bạn doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi”.

Ngày 23/01/2019 tham dự Diễn đàn kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ), trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp đa quốc gia ( Apple, Facebook…) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần kêu gọi các doanh nghiệp đa quốc gia góp tiếng nói chung để EU sớm phê chuẩn EVFTA.
Gần 3 năm đàm phán, gần 4 năm sau đàm phán mà vẫn chưa được EU phê chuẩn, con đường EVFTA thật gian truân.

ĐỪNG THÊM MỘT LẦN BỎ LỠ THỜI CƠ
Trên con đường hội nhập quốc tế, Lãnh đạo Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà sau đó chính họ đã thừa nhận sự hối tiếc. Điển hình là bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và gia nhập WTO.

Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đã có cơ hội thực hiện ngay sau 1975. Nếu bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ được thực hiện trong những năm 1976 – 1977 thì tình hình đã khác, ngay cả cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2/1979.

Tương tự là cơ hội gia nhập WTO. Việt Nam đã có thể gia nhập WTO trước năm 2000. Nhưng rồi cũng bắt nguồn là từ các cấp lãnh đạo cao nhất mà Việt Nam chậm trễ.

Nay thì đến lượt EVFTA.

Khi được thông qua EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mới.

Quan trọng nhất là, EU sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu (=0%) đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong vòng 7 năm, EU sẽ xóa thuế nhập khẩu đến 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Theo số liệu thống kê năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 38,27 tỷ USD. Với thuế nhập khẩu khoảng 14% được đưa về 0% cho khoảng 70% tổng số kim ngạch xuất khẩu, thì Việt Nam sẽ nhận được một nguồn tài chính lớn, cùng với một động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU.

Lấy thí dụ về thị trường thủy sản và thị trường dệt may. Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Liên minh châu Âu là một trong hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với doanh số năm 2018 vào khoảng 1,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Thuế xuất nhập khẩu vào EU là khoảng 14%. Từ đó để thấy được giá trị của EVFTA đối với ngành thủy sản Việt Nam quan trọng đến mức độ nào.

Với ngành dệt may, EVFTA cũng là niềm hy vọng lớn. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU năm 2017 là 3,785 tỷ USD. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 22,4 tỉ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó Mỹ và EU là 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

Liên minh châu Âu là một trong 4 nền kinh tế hùng hậu nhất của thế giới. EU là đối trọng với các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Quan trọng hơn nữa, Liên minh châu Âu là một xã hội bao gồm 28 quốc gia văn minh nhân bản. Nền kinh tế EU là nền kinh tế công nghệ hiện đại với dân số trên 500 triệu người và GDP lên đến 15000 tỷ USD. Chuẩn mực EU về nhiều mặt là chuẩn mực văn minh tiên phong.

Đàm phán đáp ứng các tiêu chuẩn của EU để mở rộng hợp tác với EU là đường đi đúng đắn cần thiết. Đáp ứng các tiêu chuẩn EU, một mặt chẳng những giúp cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU để thoát dần phụ thuộc vào Trung Quốc, mà còn – ở mặt khác – đưa Việt Nam xích gần với xã hội Âu châu.

Nghị viện Châu âu khóa mới sẽ được bầu cử vào cuối tháng 5/2019. Phương án tốt nhất cho Việt Nam là EVFTA cần được Hội đồng Châu âu ký và Nghị viện Châu âu bỏ phiếu thông qua trước tuyển cử khóa tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thúc đẩy EVFTA. Các lãnh đạo Việt Nam khác hãy chung tay cùng Thủ tướng. Chuẩn mực châu Âu là niềm mơ ước của nhiều quốc gia. Hãy xóa bỏ rào cản. Đừng thêm một lần bỏ lỡ cơ hội bước theo tiến bộ văn minh nhân loại.


-------------------------------------
EVFTA   

Tháng 2/2017, một đoàn nghị sỹ thuộc Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu đã gặp gỡ báo chí tại HN và đưa ra những thông điệp rất mạnh về sự cần thiết đảm bảo các quyền của người dân. Thông điệp đó liên quan trực tiếp đến EVFTA và được đưa ra sau các cuộc tiếp xúc với các giới khác nhau ở HN.

Thật đáng tiếc, báo chí không có một dòng nào. Tất cả đã tự kiểm duyệt, né tránh. Nay, với việc thông tin về EVFTA đã được họ phát đi sơ bộ, cứ cảm thấy buồn bực, bất lực. Lẽ ra, đừng lo ngại, hay sợ hãi thì những thông điệp đó đã được phát đi, được cảnh báo để ít nhất thu hút được sự quan tâm của ai đó. Nhưng liệu có giúp ích gì ko?

Nền kinh tế VN hơn lúc nào hết đã trở phụ thuộc vào thị trường thế giới và FDI. Độ mở của nền kinh tế trên 229%, cao nhất thế giới; FDI chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Nếu không có những nguồn lực nước ngoài này, trong bối cảnh nguồn lực trong nước đã cạn kiệt, liệu chúng ta có tăng trưởng, có phát triển như vừa qua? Dứt khoát là không.

Nghị quyết 06 khóa XII về hội nhập kinh tế quốc tế khẳng định: ”Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế”.

Lẽ ra bất kỳ động thái, hành động nào thuộc ”các lĩnh vực khác” phải đồng điệu với ”hội nhập kinh tế quốc tế” thì ko có chuyện EVFTA như vậy. Cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế này thì còn khổ. Rốt cuộc, ai phải chịu trách nhiệm?


_____


Cuối tháng 7/2018 Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu, Nghị sĩ Bernd Lange, đến HN và gặp gần như “tất cả” các BCT để tìm đồng thuận. Ngược lại, trong cả năm 2018 và tháng 1/2019 lãnh đạo VN cũng có các cuộc tiếp xúc dày đặc với các nhà lãnh đạo EU để tìm sự ủng hộ.

Sự hối hả này là có lý do: chương trình nghị sự với những cái đầu thiện tâm đang khép lại. Ông Bernd Lange, người Đức, giải thích: “Nghị viện Châu Âu sẽ bầu cử vào ngày 26/5/2019, nên tôi hy vọng việc thông qua EVFTA sẽ được thực hiện ngay trong nghiệm kỳ này vào tháng 3/2019. Nếu chậm 1 năm thì không ai biết điều gì sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện Châu Âu”.

Hiệp định này quan trọng với ta không chỉ về thương mại, đầu tư mà đặc biệt ở chỗ, thúc đẩy cải cách bên trong, thay đổi cách nhà nước cư xử với thị trường (tham khảo thêm tút về CPTPP tôi viết 2 tuần trước). EU cũng nhìn ta với con mắt tương đối thiện cảm khi gợi ý cho nợ việc ký phê chuẩn 3 công ước của ILO cho phép người lao động thành lập tổ chức công đoàn.

Nhưng đó là không đủ. Có nhiều điều cần phải cải thiện ngay lập tức, có nhiều lĩnh vực phải đi theo giá trị phổ quát của nhân loại. Nếu không sẽ rất khó, sẽ mất cơ hội, mà mất cơ hội là tụt hậu, là nghèo hèn. Lẽ ra có Nghị quyết 06 của BCT về hội nhập, thì tất cả phải đi theo tinh thần của nó.

“Việc dời lại Hiệp định mở ra một cánh cửa cơ hội”. Câu nhắn nhủ đó của hai Nghị sỹ EP thật thấm thía.








No comments: