29/01/2019
EVFTA (Hiệp định
thương mại tự do Việt Nam - châu Âu) đã chính thức bị Liên minh châu Âu (EU)
hoãn vô thời hạn vào tháng Giêng năm 2019 do chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam
đã tuyệt đối không làm gì, nếu không muốn nói là làm ngược lại, để cải thiện
tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng tại dải đất hình chữ S quằn quại này.
Những chóp bu nào của Việt Nam ‘mất ăn’ với kết quả
hoãn EVFTA?
Quan chức đầu tiên phải kể đến là Nguyễn Phú Trọng.
Lưu
truyền sử xanh?
Là người ‘mê hiệp định’, vào năm 2015 thậm chí Trọng
đã chấp nhận luôn cả định chế công đoàn độc lập để đánh đổi Hiệp định kinh tế
Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông ta được Tổng thống Mỹ Barak Obama mời đến
Washington, cho dù công đoàn độc lập luôn bị chính quyền Việt Nam quy chụp như
‘một thủ đoạn của diễn biến hòa bình’ và đánh đồng với Công đoàn Đoàn Kết ở Ba
Lan lật đổ chế độ cộng sản vào những năm 80 của thế kỷ XX.
2015 cũng là khoảng thời gian mà cuộc chạy đua quyết
liệt và không kém tiểu xảo lẫn thủ đoạn giữa hai họ Nguyễn - Nguyễn Phú Trọng
và Nguyễn Tấn Dũng - diễn ra đầy kịch tính. Ai mang về được TPP sẽ ghi điểm trước
Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và đương nhiên sẽ nhận được tỷ lệ phiếu
bầu cao hơn.
Nhưng do TPP bị Mỹ rút ra vào đầu năm 2016 và khiến
kinh tế Việt Nam, dù có tham gia vào CPTPP (hiệp định thay thế cho TPP), cũng
chỉ có tiếng không có miếng, Nguyễn Phú Trọng lại theo đuổi một mục tiêu mới:
EVFTA.
Luôn khoe thành tích Việt Nam đã ký kết và triển
khai các FTA (hiệp định thương mại song phương) với nhiều nước, Nguyễn Phú Trọng
hẳn mong mỏi EVFTA sẽ giúp cho chế độ của ông ta cứu vãn tình trạng cạn kiệt
ngoại tệ, bội chi ngân sách và suy sụp chân đứng kinh tế để có thể kéo dài tuổi
thọ được năm nào hay năm đó. Với Trọng, duy trì được sự sống của đảng và cũng
là cái ghế của ông ta, dù chỉ là lây lất, là nhiệm vụ tối thượng.
Một biểu ngữ có nội dung "không trao đổi mậu dịch tự do với những chế
độ thiếu tự do."
Sau khi ngồi ngay vào ghế của ‘cố chủ tịch nước Trần
Đại Quang’ và chính thức trở thành ‘Tổng chủ’ với quyền uy gần như tuyệt đối,
chẳng có gì bảo đảm là Nguyễn Phú Trọng sẽ không nối gót Tập Cận Bình ở Trung
Quốc - sửa hiến pháp, ‘tư tưởng Tập Cận Bình’, bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch
nước và về thực chất là ‘hoàng đế suốt đời’. Chỉ còn gần hai năm nữa là đại hội
13 của đảng CSVN sẽ tiếp biến, một khoảng thời gian không nhiều để Nguyễn Phú
Trọng chuẩn bị tư thế ‘cán bộ cấp chiến lược’ và có thể được ghi tên ‘lưu truyền
sử xanh’, nếu ông ta thực sự quyết tâm thu xếp câu chuyện công - tư ấy. EVFTA nếu
thành công sẽ một đòn bẩy Ácsimét để đưa tên Trọng vào lịch sử, như cách mà chí
ít thì giới văn nhân cận thần của ông ta cũng nghĩ thế.
Nhưng còn một quan chức không kém thèm khát các hiệp
định thương mại với nước ngoài, dù lòng mong mỏi này có vẻ hào nhoáng hơn Nguyễn
Phú Trọng. Đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghiêng
nghiêng ngoẹo ngoẹo
Với Phúc, Tổng sản lượng quốc gia GDP là tiêu chí
quan trọng nhất, không chỉ phản ánh ‘nội lực’ của nền kinh tế mà ông ta điều
hành, mà còn chứng minh cho thành tích của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của
ông ta. Trong rất nhiều cuộc thăm viếng các địa phương ở Việt Nam, Phúc cứ luôn
nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo tô điểm cho GDP. Thậm chí ông ta còn bộc lộ ý đồ chỉ
đạo Tổng cục Thống kê tìm cách, hoặc thay đổi cách thống kê làm sao để gộp cả
phần ‘kinh tế ngầm’ nhằm làm tăng GDP và làm đẹp những con số trong các báo cáo
của chính phủ.
Các FTA và đặc biệt là EVFTA có một phần ‘cống hiến’
lớn cho GDP. Chỉ cần ký được EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ có hy vọng ít nhất duy
trì được số xuất siêu khoảng 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, chưa kể
triển vọng gia tăng giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng Phúc đặc biệt cần để bổ sung
vào báo cáo ngoại thương toàn số đẹp của ông ta.
Vào năm ngoái, Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thực hiện
một chuyến công du đến 3 nước châu Âu để ‘quốc tế vận’ cho EVFTA. Tại đó, ông
ta hùng hồn nói về ‘Việt Nam là một nước dân chủ’, bất chấp thực tồn đàn áp
nhân quyền khốc liệt của chế độ ông ta đối với người dân và giới bất đồng chính
kiến - nguồn cơn sâu xa và trực tiếp nhất mà đã khiến Liên minh châu Âu (EU)
vào tháng Giêng năm 2019 phải quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA.
Giờ đây, Nguyễn Xuân Phúc có lẽ đang hối tiếc những
tuyên bố của ông ta trước quốc tế về ‘Việt Nam dân chủ’ và chỉ trích một cách hằn
học của ông ta đối với ‘thế lực thù địch trong nước’. Những lời nói hớ đó không
chỉ bị quốc tế coi thường bản lĩnh chính trị và cả nhân cách một thủ tướng Việt
Nam, mà còn khiến Phúc không còn nhiều cơ hội chường mặt ra thế giới để ‘lập
thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 13’.
Đại hội 13 sắp mang lại một cơ hội đầy thách thức
cho Nguyễn Xuân Phúc. Một đại hội mà cứ với cái đà Nguyễn Phú Trọng hoặc đang
có những dấu hiệu mệt mỏi của tuổi già, hoặc không còn đủ sức ngồi cả hai ghế
mà do đó sẽ phải ‘nhường’ bớt một ghế (có thể là ghế tổng bí thư) cho người
khác, cái tên Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở nên khó cạnh tranh trong cuộc chạy đua
ngày càng tăng tốc và bứt tốc để thay thế cho một Nguyễn Phú Trọng già cỗi về
tuổi tác và có thể cả về tâm hồn.
Thiệt thòi hơn Phúc, những chóp bu được xem là ứng cử
viên khác cho chức tổng bí thư - Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng
ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính - đều chỉ thuần túy làm phần hành bên đảng
mà không có cơ hội nắm được khối hiệp định thương mại và cường điệu thành tích
loại này. Còn Còn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điệu đàng lại bị xem là
yếu ‘bản lĩnh chính trị’ nhất, chỉ biết ‘gật’ với bất kỳ hiệp định thương mại
nào mà phía chính phủ chuyển qua quốc hội, và trong thực tế chỉ biết chờ ngóng
‘buồn ngủ gặp chiếu manh’.
Trong bối cảnh thật tế nhị và sôi sục trên, không thể
xem là ngẫu nhiên với một cuộc thăm viếng của Thủ tướng Phúc đến Tổng cục 2 vào
đầu năm 2019, được tiếp bằng thảm đỏ và hàng tiêu binh danh dự. Có thể cho rằng
đây là lần đầu tiên Phúc hiện ra một cách chính thức tại cơ quan tình báo quân
đội còn lại và duy nhất ở Việt Nam (sau khi Tổng cục Tình báo của Bộ Công an bị
giải tán vào đầu năm 2018 chủ yếu bởi ‘thành tích Vũ Nhôm’). Sự hiện diện đầy ẩn
ý và không thiếu hàm ý chính trị ấy ít nhất cũng phát đi thông điệp rằng ông
Phúc không chỉ là lãnh đạo thuần túy điều hành kinh tế - xã hội mà còn có thể lấn
sân qua những hoạt động mang tính đặc thù và thuộc loại ‘hàng hiếm’ hơn.
Chỉ có điều nếu không giành giật được EVFTA, trong
khi Trọng khó bề tìm ra tiền để nuôi đảng thì Phúc cũng chẳng giành đoạt được
thành tích đáng kể nào để chứng minh rằng ông ta hoàn toàn xứng đáng với chức vụ
tân tổng bí thư tại đại hội 13, nếu quả còn xảy ra đại hội này.
----------------------
27/01/2019
Ngay sau khi tin tức về EVFTA (Hiệp định thương mại
tự do Việt Nam - châu Âu) bị Liên minh châu Âu (EU) hoãn lại việc phê chuẩn lan
truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trong dư luận (trừ mặt báo nhà nước) vào
ngày 24/1/2019, một số nguồn tin từ nội bộ đảng CSVN đã xác nhận tâm trạng
chung của giới lãnh đạo cao cấp là bị bất ngờ và thất vọng đến mức ‘mặt cứ thượt
ra’ mà không biết phải nói gì.
‘Mặt
cứ thượt ra’
‘Không biết nói gì’ cũng là cách mà Bộ Ngoại giao
thông qua người phát ngôn của mình thể hiện vào ngày 24/1 trong một cuộc họp
báo. Trang thông tin điện tử của Chính phủ tường thuật rằng khi trả lời câu hỏi
của phóng viên về thông tin một số tổ chức dân sự kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu
thông qua EVFTA, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ nói là hiện
nay cả Việt Nam và EU đang tích cực các nỗ lực và thủ tục để sớm có thể chính
thức phê chuẩn và đưa EVFTA đi vào thực thi. Nhưng hoàn toàn không có bất kỳ một
lời lên án hay chỉ trích nào - theo não trạng và thói quen trước đây - đối với
‘một số tổ chức dân sự’ mà trong rất nhiều lần thể chế độc đảng độc trị Việt
Nam đã gán ghép với ‘các thế lực thù địch’ và ‘diễn biến hòa bình’.
Vậy ‘một số tổ chức dân sự’ là những tổ chức nào?
‘Tưởng
rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng’
Vào trung tuần tháng 11 năm 2019 khi Hội đồng châu
Âu chuẩn bị một cuộc họp để bỏ phiếu về khả năng có phê chuẩn EVFTA và sau đó
trình cho Nghị viện châu Âu hay không, một bản kiến nghị khẩn cấp của Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chức xã hội dân sự
trong và ngoài Việt Nam gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ
quan liên quan, yêu cầu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyền Việt Nam đã
không làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền, và ‘nhân quyền trên hết’ - điều
kiện cần của Nghị viện châu Âu - cho tới nay đã hoàn toàn bị chính thể độc trị ở
Việt Nam phớt lờ.
Nhiều cái tên tổ chức xã hội dân sự trong nước mà
chính quyền Việt Nam nhẵn mặt đã hiện diện trong bản kiến nghị trên: Hội Bảo vệ
quyền tự do tôn giáo, Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập
Việt Nam, Bầu Bí Tương Thân, Defend the Defenders và một số tổ chức tôn giáo
khác. Hoàn toàn có thể thông cảm với tâm trạng bị bất ngờ và thất vọng của giới
chóp bu Việt Nam khi nhận được tin EVFTA bị hoãn. Bởi trước đó, ‘đảng và nhà nước
ta’ vẫn tự tin với kết quả ‘EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn’ cùng một luồng
dư luận trong nội bộ đảng về ‘châu Âu cần Việt Nam hơn Việt Nam cần châu Âu’, đặc
biệt sau cuộc điều trần EVFTA tại Brussels của Bỉ vào tháng 10 năm 2018 mà sau
đó Ủy ban châu Âu đã chuẩn thuận EVFTA và gửi tờ trình cho Hội đồng châu Âu để
xem xét phê chuẩn, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hệ thống tuyên giáo và
báo đảng đồng ca về ‘thắng lợi EVFTA’.
Trạng thái tự tin của giới chóp bu Việt Nam còn kéo
dài đến giữa tháng 1 năm 2019, với những tờ báo nhà nước khấp khởi tin tức
‘EVFTA sắp được phê chuẩn’ khi Hội đồng châu Âu, do sức ép của một số nghị sĩ
và doanh nghiệp châu Âu muốn thúc đẩy nhanh thủ tục của hiệp định này mà không
đếm xỉa đến tình trạng nhân quyền bị xâm phạm trầm trọng ở Việt Nam, chuẩn bị mở
một cuộc họp về vấn đề này.
Nhưng thái độ tự tin thái quá đã phải trả giá. Những
tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam - giới mà chính quyền luôn coi
thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của
đảng CSVN, đã làm nên một chiến thắng ngoạn mục nhưng được tích lũy bởi chiều
sâu hệ thống: bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA đã có tác động đáng kể đến EU.
Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng
lòng’ đối với đảng CSVN: nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn
công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu
tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân
chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn. Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng
giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân
lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ
Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối
trá về nhân quyền.
Chỉ ít tháng trước chiến thắng về hoãn EVFTA, giới tổ
chức xã hội dân sự cũng đã giành một thắng lợi quan trọng: vào tháng 9 năm
2018, 50 tổ chức dân sự đã đồng loạt gửi thư cho các cơ quan quốc tế về tình trạng
hãng Facebook có nhiều dấu hiệu và biểu hiện ‘đi đêm’ với chính quyền Việt Nam
để bóc gỡ nhiều ‘tin phản động’ - mà thực chất là bài viết mang tính phản biện
chính quyền của những người đấu tranh nhân quyền. Sau đó và cùng với một cuộc
điều trần của lãnh đạo Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ, Facebook đã phải điều chỉnh
thái độ ‘bóc gỡ’, để cho đến đầu năm 2019 Facebook đã bị chính quyền Việt Nam
chỉ đạo cho hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng loạt đấu tố về thái độ ‘bất hợp
tác’ và không chịu đóng thuế.
Còn giờ đây sau vụ EVFTA bị hoãn, có lẽ giới chóp bu
Việt Nam đã phải nhìn nhận Xã hội dân sự không chỉ là một thực thể, mà còn là một
thực thể không hề yếu ớt trong cuộc chiến nhân quyền với chính quyền, rất tương
hợp với cảnh ‘nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe
nghiêng’.
Chiến thắng mang tên EVFTA của giới xã hội dân sự
vào đầu năm 2019 có thể là một điềm tốt cho xu thế nhân quyền tăng tiến tại Việt
Nam trong năm nay, nhưng lại là một điềm xấu cho sự tồn vong của chế độ ‘Việt
Nam cùng Venezuela nắm tay nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội’.
Cơ
hội còn lại cho đảng độc trị
Theo lịch trình dự kiến trước đây mà chính phủ Việt
Nam đặt rất nhiều kỳ vọng và đã triển khai nhiều cuộc vận động vừa ngấm ngầm vừa
công khai để hoàn thành thủ tục ký kết và phê chuẩn càng sớm càng tốt, Hiệp định
EVFTA có thể sẽ được Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét phê chuẩn vào tháng Hai
năm 2019. Tiếp đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu
để thông qua.
Nhưng quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là
bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị
xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định
này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân
quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật
câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo
cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia
vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể
Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến
cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp
đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực
tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui
vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.
Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của
Quốc hội EU và là cơ quan có thẩm quyền rất quan trọng, bên cạnh Hội đồng châu
Âu, để trình dự thảo EVFTA cho Nghị viện châu Âu xem xét - tuy là người được
xem là ôn hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân
quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định
nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử
một quốc hội mới của châu Âu - với những gương mặt mới và quan điểm mới mà rất
có thể sẽ ưu tiên nghị trình cho những vấn đề cấp thiết khác chứ không phải là
xem xét phê chuẩn EVFTA để Việt Nam được ‘ăn sẵn và ăn ngay’.
Nhưng thực tế là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến
phiên họp của Nghị viện châu Âu - cơ hội cuối cùng để thể chế cộng sản Việt Nam
nhận được hy vọng từ EVFTA. Chính quyền Việt Nam sẽ phải làm gì từ đây đến lúc
đó để ‘còn nước còn tát’?
No comments:
Post a Comment