Thursday, January 31, 2019

BẢN TIN NGÀY 31/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




31/01/2019

LTS: Bản tin hôm nay là bản tin cuối cùng của trang Tiếng Dân trong năm Mậu Tuất, mục Điểm Tin sẽ trở lại sau hai tuần nghỉ Tết. Chỉ riêng mục Điểm Tin tạm ngưng, tất cả bài vở ở các mục khác trên trang Tiếng Dân vẫn được đăng bình thường, để phục vụ quý độc giả không đi chơi Tết.
BBT Tiếng Dân kính chúc quý độc giả, các ủng hộ viên, các cộng tác viên, biên tập viên, cùng tất cả quý thân hữu, đón Xuân Kỷ Hợi bình an, hạnh phúc, mọi sự như ý.

*
Tin Biển Đông

Sau hàng loạt vụ tập trận, điều động quân sự, triển khai khí tài nhằm tăng cường quân sự hóa Biển Đông trong năm 2018, Trung Quốc đã xây xong một trung tâm cứu hộ hàng hải tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Cơ sở này là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm biến khu vực này thành trung tâm hậu cần lớn nhất ở Biển Đông. RFA đưa tin: Trung Quốc xây trung tâm cứu hộ tại Đá Chữ Thập ở Trường Sa.

Bộ Giao Thông- Vận Tải Trung Quốc tuyên bố, “trung tâm cứu hộ hàng hải tại Đá Chữ Thập sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện hơn cho công tác cứu hộ”. Trung tâm này “cũng là một bộ phận của cơ quan cứu hộ Biển Đông thuộc Bộ Giao Thông- Vận Tải của chính quyền Bắc Kinh”. Khái niệm “cứu hộ” đã được Bắc Kinh tận dụng triệt để trong quá trình “xâm lược mềm” ở Biển Đông.

Mối lo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông được Thượng viện Mỹ bàn luận, theo báo Thanh Niên. Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông James Inhofe cho rằng, hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng giống như “chuẩn bị cho Thế chiến 3”. Ông Inhofe lưu ý, “Mỹ đã theo dõi việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trước khi đưa vật liệu và khí tài đến đây”.

Lãnh đạo CSVN luôn tuyên truyền về chuyện giữ chủ quyền lãnh hải, nhưng vẫn thường để lọt lưới những sản phẩm phục vụ cho quá trình “xâm lược mềm” của Bắc Kinh. Mới đây, ít nhất 10 chiếc móc khóa có in bản đồ Trung Quốc kèm hình đường lưỡi bò đã được bày bán ở hội chợ thương mại Xuân Kỷ Hợi 2019 tại huyện đảo Phú Quốc. Báo Người Việt có bài: Móc khóa có in hình lưỡi bò xuất hiện tại hội chợ Xuân Phú Quốc.

GĐ Trung Tâm VHTT&DL huyện Phú Quốc cho biết, giới hữu trách huyện này đã thu hồi khoảng 400 móc khóa của một chủ gian hàng, trong đó có lẫn “khoảng 10 chiếc bằng gỗ có in bản đồ Trung Quốc kèm hình đường lưỡi bò”, sau khi một người dân phát hiện và báo cáo sự việc hồi tối 28/1.


Vụ xử hai cựu thứ trưởng Bộ Công an

Ngày 30/1/2019, HĐXX tuyên án Vũ “nhôm” và các cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo. Hai cựu thứ trưởng Công an lãnh 30 và 36 tháng tù, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành nhận án 30 tháng tù, cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân chịu án 36 tháng tù, đều về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng cộng hình phạt của 2 cựu thứ trưởng lũng đoạn tài sản công chưa đến 6 năm tù.

Nhà báo Hoàng Hải Vân đặt câu hỏi: Sử dụng tổng cục tình báo để lũng đoạn bộ máy nhà nước, lẽ nào chỉ bị kết án như những kẻ trộm vặt? Ông Vân nhận định: “Tôi thấy cơ quan công tố vẫn xem thường luật pháp”. Họ chỉ tuyên án rất nhẹ cho 2 cựu lãnh đạo công an “sử dụng Tổng cục Tình báo để lũng đoạn bộ máy Nhà nước mưu cầu lợi ích cho cá nhân, xé bỏ pháp quyền mà chính Bộ Công an phải có trách nhiệm bảo vệ”.

Bên cạnh đó, Vũ “nhôm” bị tuyên phạt 15 năm tù, theo báo Pháp Luật TP HCM. Tình tiết trong các vụ chiếm đất công sản cho thấy, Vũ “nhôm” chỉ là người thừa hành, nhưng HĐXX “xác định Vũ giữ vai trò chính, là người khởi xướng, chủ mưu và thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực nhất. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm”.

Cựu cán bộ công an Nguyễn Hữu Bách nhận án 5 năm tù, “tổng hợp hình phạt là 11 năm tù”, cựu tướng tình báo Phan Hữu Tuấn chịu án 5 năm tù, “tổng hợp hình phạt 12 năm tù”. HĐXX “cũng tuyên bố tịch thu 7 bất động sản và toàn bộ số tiền Vũ được hưởng lợi”.
Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Những án phạt Vũ “nhôm’ và đồng phạm phải nhận


Báo Tiền Phong có bài: Cựu trung tướng giúp Vũ ‘nhôm’ bất chấp thân phận tình báo. Theo đó, cựu cán bộ công an Nguyễn Hữu Bách và cựu tướng tình báo Phan Hữu Tuấn đã lợi dụng quyền lực họ có được để giúp Vũ “nhôm”: “Nếu bình thường, các bị cáo Tuấn và Bách chỉ soạn thảo 1 công văn nhưng có dự án các bị cáo đã soạn thảo 6 – 7 công văn. Đây chính là động cơ mục đích, có sự đồng thuận với nhau. Thậm chí 2 bị cáo Tuấn và Bách còn bất chấp việc lộ thân phận tình báo, bất chấp bí mật quốc gia”.

Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa: Mức án của Vũ ‘nhôm’ và 4 cán bộ ngành công an.


Báo Trí Thức Trẻ có bài: Sau khi bị tuyên hơn 30 tháng tù, 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an bình thản rời tòa. Bài viết hiếm hoi trên báo “lề đảng” vạch trần bản chất của chế độ “có cả rừng luật nhưng chỉ dùng luật rừng” ở Việt Nam. Theo đó, sau khi nhận án, 2 ông cựu thứ trưởng “bước ra khỏi cổng tòa với vẻ mặt khá bình thản”, không bị còng tay, không người áp giải, như thể vừa đi họp về, chứ không phải vừa nghe tuyên án.

Cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành ung dung ra về cùng luật sư sau khi tòa tuyên án. Nguồn: TTT

Cựu thứ trưởng Trần Việt Tân bình thản nói chuyện với công an sau khi tòa tuyên án. Nguồn: TTT

BBC có bài tổng hợp vụ Vũ ‘nhôm’: Hai tướng công an bị phạt 2 năm rưỡi và 3 năm tù. LS Đặng Đình Mạnh bình luận: “Vụ án xét xử hình sự hai tướng công an… đã làm hé lộ ra cho công chúng thấy nhiều góc khuất của nền kinh tế nước nhà. Trong đó, ngành công an đã tham gia kinh doanh dưới danh nghĩa các công ty bình phong chiếm rất nhiều ưu quyền để chiếm giữ, sử dụng công sản quốc gia trục lợi bất hợp pháp cho cá nhân”.


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Báo Giao Thông đưa tin: Cựu bác sĩ Hoàng Công Lương được người nhà nạn nhân kêu oan. Theo đó, “gần ngày tuyên án, người nhà các nạn nhân đồng loạt làm đơn đề nghị trả lại tự do cho cựu bác sĩ Hoàng Công Lương”. Trong đơn đề nghị, người thân của các nạn nhân cho rằng, BS Lương đã làm tròn trách nhiệm, “không liên quan gì đến nguồn nước RO gây ra vụ 9 người chết ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình”.

Báo Lao Động có bài: Trước giờ tuyên án, bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn tin mình vô tội. Chiều 30/1/2019, BS Lương nói: “Tôi vẫn tin tưởng rằng mình vô tội” và khẳng định, nếu tòa vẫn tuyên có tội thì ông sẽ kháng cáo đến cùng. Bài viết lưu ý: Trong quá trình truy tố, xét xử, BS Lương khẳng định “những chứng cứ mà VKS dùng để cáo buộc bị cáo phạm tội Vô ý làm chết người đã có dấu hiệu bị chỉnh sửa”.

Tuy nhiên, đến khi TAND TP Hòa Bình tuyên án các bị cáo trong vụ chạy thận tử vong: Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù, báo Dân Trí đưa tin. HĐXX cho rằng BS Lương phạm tội “Vô ý làm chết người” và đưa ra án phạt 42 tháng tù. “Các tình tiết  giảm nhẹ, bị cáo Lương đã tích cực cấp cứu nạn nhân sau sự cố, bố đẻ bị cáo là người có công với cách mạng nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định”.


Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Các án phạt trong vụ xử sự cố y khoa tại Hòa Bình.


Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Vì sao chú ruột cựu bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị khởi tố? HĐXX đề nghị VKS ra quyết định khởi tố BS Hoàng Công Tình vì cho rằng ông Tình có tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. BS Tình, Phó khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình cho biết, “bản thân ông rất bất ngờ và buồn”, khẳng định các bác sĩ đã làm hết trách nhiệm. Ông Tình nói thêm: “Tôi cảm thấy rất thất vọng với bản án toà tuyên đối với bác sĩ Hoàng Công Lương”.

Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời BS Nguyễn Thị Bích Nguyệt bình luận: ‘Lo bác sĩ khác sẽ co cụm sau bản án 42 tháng tù giam với Hoàng Công Lương’. BS Nguyệt nói: “Hành vi ra y lệnh của bác sĩ Lương là để điều trị cho bệnh nhân, không phải là để chết người. Sau khi bản án này được thực thi với bác sĩ Lương tôi lo rằng tất cả các bác sĩ khác sẽ trở lên co cụm”.


“Cố ý làm trái”

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên vừa kỷ luật Giám đốc Sở ở Phú Yên vì ưu ái người thân, VOV đưa tin. Ông Lê Văn Cựu, GĐ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên bị kỷ luật khiển trách vì đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo và trực tiếp ký hợp đồng lao động với em dâu vào làm kế toán Sở khi không thông qua tập thể lãnh đạo, không được sự đồng ý của Sở Nội vụ”.

Chuyện ở Đắk Nông: Chiếm dụng công quỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông vừa kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đăk R’lấp.

Hồi năm 2016, ông Phong đã “thanh toán hơn 260 triệu đồng tiền thưởng cho cán bộ, nhân viên cơ quan nhưng không chuyển vào tài khoản của cá nhân được hưởng mà chuyển vào tài khoản của thủ quỹ đơn vị; sau đó yêu cầu thủ quỹ đưa số tiền trên cho ông và chiếm dụng”.


Tin nhân quyền

Mới đầu năm 2019, lãnh đạo CSVN nhanh chóng chứng minh rằng họ sẽ tiếp tục đàn áp tôn giáo chứ không đối thoại. Chùa Sơn Linh Tự, ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, là ngôi chùa đầu tiên trong năm 2019 bị quan chức xua quân đập phá, trong lúc sư thầy trụ trì đang nằm bệnh viện. Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: Chính quyền đập phá chùa, bắt sư thầy nhập Giáo hội Phật giáo của nhà nước.

Sư thầy Thích Đồng Quang kể: “Ngày 11/1/2019, khi thầy đang nằm trị bệnh ở bệnh viện ngoài Đà Nẵng, vì có dấu hiệu là ung thư đại tràng giai đoạn đầu, thì nghe điện thoại của Phật tử gọi vào, nói rằng chùa đã bị đập phá… Ngày hôm sau, thầy cố chạy về xem tình hình thì thấy mọi thứ tan hoang rất là đau thương”.

VOA đưa tin: Gia đình tù nhân lương tâm VN gặp Bộ Ngoại giao Đức. Theo đó, gia đình các TNLT vừa gặp đại diện Bộ Ngoại giao Đức để “vận động chính quyền Berlin kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà tranh đấu đang bị cầm tù”. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ TNLT Trương Minh Đức, kể:

“Tôi có gặp Bộ Ngoại giao của Đức và trình bày việc chồng tôi bị bắt giam… Đó là một bản án oan sai và mơ hồ vì những việc anh ấy làm là những điều bình thường nhằm giúp các nhà đấu tranh bất đồng chính kiến và lên tiếng những điều bất công trong xã hội, giúp những người thấp cổ bé miệng, nghèo khổ”.

Một video clip lan truyền trên mạng về vụ viên trung tá công an Huỳnh Minh Lễ, Phó Trưởng công an phường Phú Thạnh, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, liên tục dùng chân tấn công một người dân địa phương là anh Lê Hữu Quốc, gây xôn xao dư luận hai ngày qua. Trung tá Lễ hiện đã bị đình chỉ công tác. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tạm đình chỉ công an dùng chân ‘tác động’ vào người làm chứng.

Ông Lê Hữu Quốc, người bị hành hung, kể rằng chiều 29/1 gần nhà ông xảy ra vụ đánh nhau nên ông vào can ngăn rồi được mời lên công an phường: “Tôi và đứa em làm chứng khác được công an tổ chức lấy lời khai riêng… Khi tôi quay ra thì gặp ông Lễ bước vào, hỏi tôi đi đâu rồi ông ấy bóp cổ, xô tôi té, dùng chân đạp lên người tôi”.


VOA có bài: Truyền thông nhà nước mô tả công an dùng chân ‘tác động’ nhân chứng, gây tranh cãi. Theo video trên, Trung tá lễ đã lấy chân đạp vào ông Quốc, nhưng nhiều báo “lề đảng” lại dùng từ “tác động”. Một cư dân mạng bình luận: “Báo lề đảng vắt óc moi tim mãi mới ra cụm (từ) lấy chân tác động để đánh tráo khái niệm”.


Ngành giáo dục: Càng ngày càng tệ

Chuyện các giáo viên bị trù dập vì dám đấu tranh chống tiêu cực, như thầy Đỗ Việt Khoa năm 2006, đã không còn xa lạ với nền giáo dục Việt Nam. Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Tân từ Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, gửi đơn cầu cứu đến báo Giáo dục Việt Nam, mong được bảo vệ vì cô đã bị trù dập 6 năm qua tại trường. Cô giáo Phan Tuyết viết: Chịu 6 năm oan trái, cô giáo Đắk Lắk cầu cứu Báo Giáo dục Việt Nam.

Trong đơn, cô giáo Tân cho biết: “Tôi muốn được quý Báo giúp đỡ vì 6 năm học liên tục tôi bị cắt thi đua Lao động Tiên Tiến chỉ vì nguyên nhân xuất phát từ việc điều động giáo viên sai quy trình, sai phương án của Phòng giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột. Từ đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ra sức lấy cớ trù dập tôi nhiều năm”.

Thêm trường hợp giáo viên bị trù dập: Giáp tết, giáo viên kêu cứu vì cho rằng bị kỷ luật oan sai, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Đó là trường hợp thầy giáo Phạm Quốc Đạt ở Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP HCM bị hiệu trưởng kỷ luật cảnh cáo, bị “tạm đình chỉ công tác giảng dạy, chủ nhiệm, để chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác cho nhà trường” vì “đã có những phát biểu thẳng thắn về tình hình giảng dạy môn Văn”.

Trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin: Xác minh được một trường hợp học sinh “tố” bị cô giáo phạt tự tát 50 cái vào mặt. UBND TP Thái Nguyên vừa có công văn về vụ nhiều phụ huynh tố cáo cô giáo phạt hàng loạt học sinh tự tát 50 cái tại Trường tiểu học Trung Thành. “Cơ quan chức năng chỉ mới xác minh được 1 trong số 4 học sinh”. Trước đó, chiều 15/1, “cán bộ phòng GD&ĐT TP.Thái Nguyên đã xuống trường làm việc, yêu cầu nhà trường có báo cáo chính thức nhưng đến chiều 16/1 vẫn chưa có báo cáo”.


Môi trường bị bức tử

Bài thứ hai trong loạt bài trên trang Môi Trường và Cuộc Sống về trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Ninh: UBND thị xã Từ Sơn đang “bao che” cho công ty Nam Hồng hoạt động trái phép, bất chấp pháp luật? Lãnh đạo Phòng TN&MT thị xã Từ Sơn thừa nhận, “thiếu sót trong việc kiểm tra công ty Nam Hồng và xin nhận trách nhiệm trước UBND Thị xã và người dân khi để tình trạng trạm trộn bê tông nhựa và bê tông thương phẩm hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhiều năm”.

Bài viết lưu ý: Công ty Nam Hồng hoạt động trái phép, gây ô nhiễm “suốt hơn 11 năm mà Thị xã Từ Sơn chưa 1 lần kiểm tra, xử lý”, chỉ đến khi “người dân quá bức xúc phản ánh thì Thị xã mới biết và cho kiểm tra”.

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi về vấn nạn xe quá tải chở cát, đá, xi măng ở Bến Tre: Xe quá tải chạy qua những cây cầu sắp sập, cơ quan chức năng ở đâu? Một người dân chia sẻ về tình trạng xe tải của Công ty Thành Quí lộng hành: “Tụi nó có sợ ai đâu. 1 ngày CSGT huyện chạy qua tuyến này 3 – 4 lần, nhưng xe của ông Quí chẳng bị ai bắt bớ gì?”  

Trước thông tin “Đoàn xe tải trọng khủng vừa nêu, nhờ có sự hùn hạp với 1 lãnh đạo công an huyện, nên doanh nghiệp Thành Quí mới bất chấp pháp luật, tha hồ chuyên chở quá tải qua cầu”, Thượng tá Phương, Phó trưởng Công an huyện khẳng định: “Cá nhân tôi, không có hùn hạp làm ăn gì với ông Quí hết”.


***




No comments: