Saturday, January 26, 2019

NỀN TẢNG DÂN KHÍ BẠC NHƯỢC SẼ DẪN ĐẾN SỰ BỆNH HOẠN (Dương Tu)




Dương Tu
26/01/2019

Từ chuyện bác sĩ bị phạt 5 triệu đồng vì “nói xấu” bộ trưởng y tế, sau đó ông này viết kiểm điểm (1) với tâm thế quỵ lụy của một thần dân dưới chế độ phong kiến chứ không phải của một công dân dưới chế độ dân chủ gấp vạn lần tư bản, mình cho rằng vấn đề ở Việt Nam hiện nay không còn là dân trí nữa mà là dân khí (2).

Thật vậy, dân trí thấp kết hợp với dân khí èo uột tạo ra sự tối tăm trong khi dân trí khá hơn trên nền tảng dân khí bạc nhược sẽ dẫn đến sự bệnh hoạn.

Hình dưới đây thử mô phỏng 5 giai đoạn phát triển của một xã hội như là kết quả của mối tương quan giữa dân trí và dân khí.


Trước thời điểm A, cả dân trí lẫn dân khí đều ở mức thấp trong một xã hội hoang dã. Vào giai đoạn này, rất có thể dân khí còn vượt trội đôi chút so với dân trí nhờ bản năng hướng thiện và chống lại những điều sai trái một cách tự nhiên của con người.

Giai đoạn tối tăm, sau đó là hậu tối tăm trung gian chỉ kết thúc khi dân trí đạt đến một ngưỡng nhất định nhờ thông tin và tri thức được trao đổi, lan truyền nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Điểm tới hạn B có lẽ tương ứng với sự phổ biến rộng rãi của Internet tại Việt Nam từ đầu thập niên trước.

Nhưng không như kì vọng về một giai đoạn phát triển cao hơn nhờ dân trí được nâng lên, hiện chúng ta đang sống trong thời kì tương đối bệnh hoạn khi dân trí đủ cao trong khi dân khí lại không được cải thiện tương xứng, khiến cho mức độ khác biệt giữa hai yếu tố này đạt giá trị cực đại.

Sự bệnh hoạn của giai đoạn này là hệ quả của việc con người trở nên khôn lỏi hơn, biết cách sử dụng tri thức, thậm chí khéo léo nhân danh những điều tốt đẹp để biện minh cho sự cơ hội, hèn nhát và nhu nhược của họ.

Văn minh chỉ ló rạng từ điểm tới hạn C tại một thời điểm nào đó trong tương lai khi dân khí vượt qua ngưỡng bạc nhược và èo uột để tiệm cận với hoặc vượt lên trên dân trí: một người văn minh cần phải có ý thức rõ ràng về phẩm giá, danh dự, quyền con người cũng như quyền công dân của anh ta để hành xử chính trực, đàng hoàng với lòng tự trọng và kiêu hãnh, bất kể học thức, địa vị hay mức độ nhận thức.

Nếu dân khí không được chấn hưng kịp thời, sự gia tăng dân trí chỉ càng nhấn chìm thêm xã hội trong sự bệnh hoạn và đạo đức giả triền miên.

References

Bác sỹ bị phạt từng viết kiểm điểm mong Bộ trưởng Y tế "giơ cao đánh khẽ"
Dân trí và Dân khí





No comments: