Sunday, February 28, 2010

KHÁC BIỆT GIỮA XÃ HỘI CHÂU ÂU và VIỆT NAM

Nhân bài viết của Joyce Anne Nguyen, thử so sánh những khác biệt giữa xã hội châu Âu và Việt Nam

LinMat, X-Cafe

28.02.2010

http://x-cafevn.org/node/2785

(Tiêu đề do diễn đàn X-Cafe đặt)

Tôi thích bài viết của em J.A.N. Cũng thấy được là một người ở lứa tuổi như em viết và diễn tả những điều em quan sát, so sánh như thế chứng tỏ em là người sâu sắc, không hời hợt như đa phần bạn trang lứa chỉ quan tâm đến ăn diện, chơi bời. Phần khác chắc do ảnh hưởng từ mẹ và những rắc rối mẹ em gặp phải khiến em càng bức xúc và quan tâm hơn đến chính trị.

Tôi đồng ý với những quan điểm của em về cách tuyên truyền, giáo dục theo kiểu tẩy não ở VN. Những điều em quan sát được trong 1 năm qua là những mặt mạnh của những xã hội dân chủ, mạng người được coi trọng, nhân quyền được đề cao. Sau này ở lâu hơn nữa, em sẽ thấy được những mặt yếu, những cái mâu thuẫn của những xã hội đó. Nó không hẳn do thể chế chính trị, mà là kết hợp nhiều yếu tố, kể cả bối cảnh lịch sử là trong thời gian dài, các nước Bắc Âu không tham gia chiến tranh, phúc lợi xã hội được hình thành từ khá lâu, nên thành ra nền kinh tế không hẳn là tư bản như Mỹ mà có nhiều hơi hướng Chủ nghĩa Xã hội như giảm cách biệt giữa giàu nghèo, đánh thuế nặng vào người giàu và ưu ái hơn cho người nghèo.

Có những điều gây ngạc nhiên, nhưng đáng đặt dấu hỏi là vì sao mà ở Thụy Điển (là láng giềng và khá giống Na Uy), số người chết vì tự tử cao gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông. Và trong độ tuổi từ 16 – 59 thì nguyên nhân tử vong phổ biến nhất là tự tử. Ở đây tôi không so sánh với VN vì số này dù cao cũng không thấm tháp gì so với con số ở VN, dù ở VN không có thống kê rõ ràng.

Vấn đề trên không hẳn là do chế độ chính trị, mà là từ nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Người dân Bắc Âu sống cách biệt, thích tự do riêng tư, không có thói quen tám chuyện như người Việt. Tôi nghe một anh bạn bản xứ nói là ở những nhà chung cư, nếu một người sắp ra khỏi nhà, tới cửa nghe tiếng xục xịch từ cửa hang xóm thì sẽ nán lại một chút mới mở cửa để tránh chạm mặt và nói chuyện với anh hàng xóm. Rất nhiều người bị stress, bị burned out do không chịu nổi nhịp sống, làm việc tất bật. Các bác sĩ tâm lý thường quá tải với các bệnh nhân và không đủ thời gian nói chuyện, hỏi han họ thường xuyên, và cứ ghi đơn thuốc những loại thuốc ngủ, an thần cho họ, mà những thuốc này đôi khi còn làm tệ hại hơn, và người bệnh tìm lối giải thoát bằng cách tự tử.

Hay là vì mức sống càng cao thì người dân càng đòi hỏi hơn, và càng ít hài long hơn với những gì xã hội, chính quyền mang đến cho họ. Ở Việt Nam thì hay quan niệm có làm thì mới có ăn, nên nhiều người không mong đợi là khi thất nghiệp, họ sẽ cứ có thu nhập đều đều hàng tháng dù ít hơn. Còn người TD thì đòi mức trợ cấp cao vì đó là quyền lợi của họ sau khi họ đã đóng thuế. Nên cái survey về chỉ số hạnh phúc gì đó xếp VN ở hạng cao, chắc một phần nó phản ánh không phải hạnh phúc, mà là sự an phận của người dân.

Phúc lợi cao trong xã hội mang lại những mâu thuẫn và một sức ỳ trong nền kinh tế. Đó là vì sao nhiều người Mỹ gọi Obama là socialist do những cải cách về y tế của ông, họ không muốn Mỹ trở thành giống Pháp và những nước Bắc Âu, nơi có những người làm việc ít nhưng vẫn đòi hỏi được nhận quyền lợi nhiều.

Đã phúc lợi cao thì phải thuế má cao, thuế cao thì doanh nghiệp, những chủ tư bản không còn lợi nhuận và phải chuyển nhà máy, công ty ra Đông Âu, sang châu Á, Phi. Công việc thì ít đi thì nguồn thu thuế cũng ít đi, và không chỉ công ty tư nhân cắt giảm người mà ngay cả chính quyền địa phương, nhà nước cũng phải cắt giảm nhân viên, trường học đóng cửa, giáo viên mất việc. Nó tạo ra một nền kinh tế không tăng trưởng mà lâm vào suy thoái nặng, có một sức ỳ có thể cảm nhận được. Lớp trẻ không có hy vọng gì về có việc sau khi học xong, khi được phỏng vấn về tương lai bạn thấy thế nào, rất nhiều người trẻ nói rằng họ thấy mù mịt.

Người trẻ không có động lực gì để học tập, mà chỉ muốn kiếm những việc lao động chân tay gì mau kiếm ra tiền, vì 18 tuổi họ đã sống riêng rồi, đủ thứ chi phí phải lo, thiếu tiền tháng nào là nguy cơ mất nhà thuê tháng đó. Rất nhiều học sinh học xong cấp 3 không hề định học tiếp ngay lên đại học, mà muốn kiếm việc đơn giản, hay lên Na Uy làm lặt vặt gì đó vì mức lương trên đó cao hơn. Vì họ nghĩ là muốn học lúc nào chẳng được, đâu có thi cử gì, đâu có phải trả tiền gì.

Ở Việt Nam một điều dễ nhận thấy là tinh thần hiếu học. Càng nghèo thì càng cố học giỏi lên để đổi đời, có điều kiện chút thì ráng du học nước ngoài, xin học bổng.

Còn giáo dục ở Thụy Điển không có truyền thống thu phí, ngay cả đối với sinh viên nước ngoài. Trường Đại học có càng nhiều sinh viên thì càng được nhiều thu nhập từ phía chính phủ, vì chính phủ cấp ngân sách cho trường Đại học theo chỉ tiêu đầu người, khoảng 5000 Euro/người/năm. Sinh viên đi học thì vừa được trợ cấp đi học, vừa được cho vay để đảm bảo thu nhập tháng khoảng 900 Euro. Tỉ lệ trợ cấp và tiền vay khác nhau tùy trình độ người học. Ai chưa có bằng đaị học thì phần trợ cấp được nhiều, phần vay ít, trong khi người có bằng rồi thì ngược lại. Nên những người nhập cư đi học, trong cùng một lớp học ngoại ngữ, ai có trình độ thì được trợ cấp chỉ bằng 1/3 những người học ít. Những người trình độ thấp thì được mức thu nhập cao, thế là họ cứ học lề mề, kéo dài từ năm này qua tháng khác, coi việc học là để tạo ra thu nhập, vì họ cũng chẳng hy vọng gì có việc nếu học cao lên. Nên có nhiều người đi học không phải để lấy kiến thức, mà chỉ để lấy tiền.

Vì Thụy Điển là xã hội hướng tới công bằng, nên mức lương của trí thức và lao động chân tay không chênh lệch nhau lắm, thậm chí những người có tay nghề thì thu nhập còn cao hơn nhiều những người trí thức. Những người trẻ không có ý định phải làm bác sĩ kỹ sư để được oai hơn người, mà học theo sở thích và sở trường của họ, không muốn học ba mẹ cũng không ép. Sau show truyền hình cải tạo những căn nhà bình thường thành những căn sang trọng, khác hẳn trước, thì 2 anh chàng thợ mộc và thợ sơn trong seri này trở nên nổi tiếng, và số lượng học sinh đăng ký vào trường dạy nghề thợ mộc tăng lên đáng kể.

Chục năm trước, việc kiếm một chân lao động như lắp ráp xe hơi khá dễ dàng mà thu nhập lại cao, người không trình độ cũng có thể mua nhà, mua xe. Họ thỏa mãn với cuộc sống, lập gia đình,có con, và ngày tháng trôi đi, khi nền kinh tế thay đổi, những việc làm công nhân như thế không còn nữa, họ hưởng lương thất nghiệp và hy vọng công ty phục hồi, sẽ gọi họ trở lại làm việc, nhưng họ không hiểu là những công việc đó là một đi không trở lại, các nhà máy đều dần biến mất ở đây, chuyển ra nước ngoài và họ phải học thêm nếu muốn tìm việc khác. Vào thập niên 90, ngành công nghiệp đóng tàu đã bị xóa sổ, và nhân công từ đó chuyển qua công ty dịch vụ và lắp ráp xe hơi làm. Đến bây giờ, ngành công nghiệp xe hơi sắp bị mất đi, mà không có ngành công nghiệp mới nào nổi lên thay thế, lượng lao động dư thừa làm tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Điều trớ trêu là khi thất nghiệp thì họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu đi học thì họ sẽ bị mất trợ cấp. Mà mức trợ cấp đi học thì thấp hơn nhiều trợ cấp thất nghiệp, trong khi họ đã quen mức sống cũ rồi, vướng bận gia đình, con cái rồi, khó trở lại đời sống sinh viên chật vật được, mà lớn tuổi them thì càng ngại học, thế là họ đành ở nhà, thà không làm gì cả chứ không đi học, và thế là hy vọng đổi nghề càng ít đi. Họ dây dưa mãi mà không có được tấm bằng đại học. Có nhiều người so bì rằng tại sao chính phủ đổ một đống tiền vào làm một cái đám cưới linh đình cho cô công chúa vào tháng 6 năm nay, thì tại sao họ không giúp tôi chi phí tổ chức đám cưới đi, tôi đang gặp khó khăn nè.

Những người tàn tật ở đây đều có assistant phụ giúp hầu như 24/24, nếu 1 assistant không đủ giúp họ đi lại thì sẽ được sắp xếp 2 assistants. Trong thời buổi ít việc, mà xã hội nhiều người già thì số việc dễ kiếm nhất là chăm sóc sức khỏe. Nhiều người Việt sẽ ngạc nhiên khi thấy những cô gái da trắng trẻ trung, xinh đẹp, nhưng rất hài lòng khi đi làm việc assistant cho những người tàn tật, ngày ngày đưa đón họ và bên cạnh họ suốt ngày để chăm sóc, vì họ hưởng lương từ nhà nước và công việc ít biến động.

Ngay cả những học sinh vào dịp hè, nếu nó bỏ thời gian ra chăm sóc anh chị em ruột nó bị tàn tật thì nó cũng được nhà nước trả lương tính theo giờ. Khi đó tôi tự hỏi, nếu nó đã quen với việc được trả tiền để chăm sóc người nhà, thì sẽ thế nào khi không có tiền, nó có chăm sóc người nhà vì tình ruột thịt, vì chữ hiếu không.

Lại nói qua chuyện chính trị. Ở Việt Nam nó được coi là thứ xa lạ, khô khan, ít được người trẻ quan tâm, nhưng ở Thụy Điển nó là chủ để khá phổ biến. Ngay từ trung học đã có môn học Samhallskunskap / Kiến thức về xã hội, trong đó học sinh được học về hiến pháp, qui trình làm luật, sự khác biệt giữa Quốc hội và Chính quyền, qui trình bầu cử, các quyền công dân, các đảng phái khác nhau, các logo và tiêu chí của các đảng, phân biệt sự khác nhau giữa các đảng. Bài tập về nhà thường là một vấn đề nào đó trong xã hội sinh viên tự chọn và viết bình luận, tha hồ mà phê bình chỉ trích. Nên 16 tuổi mà thảo luận chuyện chính trị thì không có gì đáng ngạc nhiên. Nói là chính trị nhưng nó liên quan tới mọi mặt trong xã hội, chính quyền có chính sách gì lien can đến quyền lợi của người dân, thì người dân đều có quyền chỉ trích, phản đối, nên việc đóng cửa một nhà trẻ, xây con đường mới, hay tăng phí công đoàn gì thì đều là chuyện chính trị.

Chính trị ở Thụy Điển là một nghề nghiệp, ai thích hùng biện, cái lưỡi dẻo chút lá có thể tham gia một Đảng nào đấy rồi từ từ đi lên. Có một đảng mang tính phát xít mà đảng viên đa số là những người ít học. Với một số người, do ít học, không bằng cấp nên khó kiếm việc, nhưng họ lại nghĩ là nguyên nhân là do có nhiều người nhập cư quá, nên người bản xứ như họ khó kiếm việc, nên họ tham gia Đảng phát xít bài người nhập cư. Nhiều người học xong trung học rồi thôi, cứ theo nghề làm chính trị. Nên báo chí đã từng đăng là, so sánh với Mỹ, nhiều bộ trưởng là luật sư và có cả người đã đoạt giải Nobel, thì trong chính quyền Thụy Điển, tới 60% bộ trưởng không có bằng đại học.

Khi nền kinh tế khó khăn, thì những người làm chính trị lại có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn những người trí thức. Người ta thống kế là trên các báo, số lượng những bài viết về chính trị gia nhiều hơn hẳn số lượng bài viết về những doanh nhân thành đạt.

Nói về chuyện tin hay không tin những gì các phương tiện truyền thông đưa, các nhà báo đưa tin sự việc nhưng ít khi viết khách quan, mà văn phong bị ảnh hưởng bởi chính kiến, quan điểm của họ. Một anh bạn Pháp gốc Việt hỏi tôi tin bao nhiêu phần trăm những gì báo chí viết ra. Anh nói rằng anh chỉ tin 20% những gì báo ở Pháp viết (nói thêm rằng, ba của anh này là Việt lai Pháp, 15 tuổi đã sang Pháp, nhưng rất ủng hộ cộng sản và ảnh hưởng lên những đứa con của ông). Ba anh này thì nói trước đây Việt Nam sử dụng nguồn tin đa số lấy từ nguồn ở Liên Xô, còn bây giờ thì cũng đưa những bản tin từ nguồn báo Anh, Mỹ, Pháp, những nước tư bản. Theo tôi, với mỗi cá nhân, tốt nhất là họ nhận được tin tức từ nhiều chiều, tự phân tích, tham khảo và có chính kiến riêng của mình. Ngay cả về cùng một sự kiện như chiến tranh Iraq, báo Mỹ viết khác mà báo ở châu Âu viết khác. Cái quan trọng là người dân không bị bưng bít thông tin, sự thật không bị che lấp như thường thấy ở Việt Nam. Ví dụ như vụ hối lộ để được in tiền polymer, báo ở VN cũng đăng, nhưng chỉ nói qua loa là công ty Úc hối lộ cho một số công ty ở nước ngoài, mà không nói rõ ra nước ngoài đây là VN.

Thật là bực mình khi hôm qua vào trang tiếng Việt của BBC mà nó cũng bị chặn ở VN. Cái đáng lưu ý là người dân ở VN chỉ bàn tán với nhau, facebook bị chặn rồi, làm thế nào để vô đây, mà họ không thắc mắc tại sao nó bị chặn, có người còn ngây ngô nghĩ rằng vì nhiều người chơi game trên facebook quá, nên chính quyền chặn để công nhân viên nhà nước không phí thời gian làm việc vào chơi game, họ không hiểu được nguyện nhân thực sự của việc chặn này. Họ không cảm thấy bực bội khi một quyền công dân của họ bị tước đoạt, quyền được biết thông tìn từ nhiều chiều khác nhau.

.

.

.

No comments: