Sunday, February 28, 2010

TỆ NẠN BUÔN BÁN CON NUÔI TẠI VIỆT NAM

Tệ nạn buôn bán con nuôi tại Việt Nam

Mai Vân, Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 28/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 28/02/2010 16:27 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_7086.asp

Tạp chí Le Courrier International cũng quan tâm đến Việt Nam, nhưng trên mặt xã hội. Trích đăng bài phóng sự dài trên vấn đề con nuôi Việt Nam, tạp chí Pháp nêu bật thảm cảnh các bà mẹ trẻ, nghèo, phải bán con cho giới môi giới để họ bán lại cho người ngoại quốc tìm con nuôi.

.

Dưới tựa đề ''Viếng thăm một ''xưởng (sản xuất) em bé'', bên dưới dòng tiểu tựa ''trong hậu trường của việc nhận con nuôi'', Courrier International đưa độc giả đến tận Lạng Sơn, nơi mà theo tạp chí, các cặp vợ chồng khắp thế giới đến để xin con nuôi. Nhưng họ không biết là những trẻ sơ sinh mà họ nhận được là những đứa trẻ mà các bà mẹ đã bán, vì miếng cơm manh áo, với một khoản tiền nhỏ mọn.

.

Le Courrier trích dẫn ký giả nhật báo Hong Kong, South China Morning Post, Simmon Parry, đã giả danh một người muốn tìm con nuôi, tả cảnh ông đến một ngôi nhà không mấy sạch sẽ, sát cạnh một cô nhi viện, tiếp xúc với người môi giới, bà Tăng Thị Cai.

Đứa trẻ mà người ta đề nghị với tác giả bài báo, là một đứa bé trai tên Hoàng, 2 tháng tuổi, bụ bẩm. Giá đề nghị là 10 000 đôla. Tác giả bài phóng sự nhìn vẻ mặt của bà mẹ trẻ, phân vân, đau khổ, trong lúc mà bà môi giới thúc giục phải quyết định nhanh, vì bà đã bắt đầu làm thủ tục để giao đứa bé cho cô nhi viện. Bà còn nói thêm trước vẻ do dự của ông khách hàng, là nếu muốn con gái, thì cứ nói, bà có những bà sắp sinh nở. Có được cô bé gái thì bà sẽ gọi điện thoại để báo.

.

Tác giả bài phóng sự giải thích nếu ông từ chối đứa bé, thì nó sẽ được giao cho cô nhi Viện Lạng Sơn. Tại đây thì đứa bé, theo Simmon Parry sẽ được đề nghị với giá rất cao cho những người nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới. Và trong lúc mà những người xin con nuôi chi hàng ngàn đôla thì các bà mẹ trẻ chỉ nhận những khoản tiền rất ít ỏi : 6 triệu đồng, 300 đôla. Họ mang thai và sinh nở trong tình trạng bần cùng khốn khổ. Tác giả bài phóng sự, mô tả cảnh sống của họ tại nhà của bà Cai.

.

Khi tỏ ý muốn tìm con nuôi, ông đã được đưa ra dãy nhà phiá sau. Trong một căn phòng là các bà mẹ đã sinh nở, nằm với con trên các chiếc giường bằng gỗ ọp ẹp, đặt sát cạnh nhau. Tại một căn phòng khác, một số phụ nữ bụng rất to nằm chờ ngày hạ sinh.

.

Bà Cai, theo bài phóng sự, cho họ ăn ở, ngược lại họ phải cam kết giao con cho bà. Trước mặt người khách, bà Cai có vẻ ngượng ngùng về điều kiện sống của các phụ nữ. Bà đã nói đùa : ông có thể mang bé Hoàng đi mà không phải trả tiền nếu ông mua quạt máy hay máy điều hoà không khí cho các căn phòng này. Trong cuộc kèo nài để bán bé Hoàng, bà Cai còn giải thích là nếu qua trung gian một cơ quan ở Hà Nội thì phải trả đến 16 000 đôla. Còn qua bà thì chỉ mất 10 000 đôla, để mang đứa bé đi, bà sẽ giới thiệu những người lo tất cả thủ tục hành chính.

.

Bài báo nhắc lại một báo cáo điều tra của Mỹ năm 2008. Các nhà điều tra đã nêu lên hiện tượng bán con. Những 'nhà hộ sinh' kiểu như nhà bà Tăng thị Cai, không ít. Đây là một nguồn cung cấp trẻ sơ sinh cho những người tìm con nuôi, trực tiếp qua nhũng người như bà Cai hoặc qua ngã chính thức.

.

Simmon Parry giải thích là trước ông 4 ngày, một nhóm 6 cặp vợ chồng người Ireland, xin con nuôi theo ngã chính thức, đã đến Lạng Sơn. Họ không dừng lại trước nhà bà Cai mà đến cô nhi viện. Mỗi cặp đã chi 7500 euro. Điều mà họ không biết là cuộc sống các trẻ mà họ mang đi, không bắt đầu ở làng của mẹ chúng, hay cô nhi viện mà là tại những nhà hộ sinh như của bà Cai. Người này khẳng định : 6 đứa trẻ mà các cặp vợ chồng Ireland xin được đều đến từ nơi bà. Nếu không có bà thì sẽ chẳng có trẻ nít để xin. Bà Cai đã làm nghề trung gian này từ 10 năm qua. Không có quảng cáo gì cả, tất cả đều truyền miệng nhau.

.

Trong phần kết luận, Simmon Parry, nhắc lại là các cặp vợ chồng Ireland vừa nhận được con nuôi, cho là hiển nhiên là các em bé sẽ có điều kiện sống tốt đẹp hơn nhiều ở Ireland. Nhưng những gì ông thấy được ở Lạng Sơn đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về tiến trình xin và nhận con nuôi, về những người trục lợi và về các bà mẹ đáng thương.

Tác giả còn nhận thấy là đối với các bậc cha mẹ nuôi, trước mắt thì không có vấn đề gì, nhưng một khi các em này trưởng thành, tim hiểu về cội nguồn của mình, chúng sẽ nêu lên những câu hỏi mà các bố mẹ nuôi rất khó trả lời.

.

.

.

No comments: