Friday, July 11, 2025

THAKSIN TUYÊN BỐ CẮT ĐỨT QUAN HỆ, HUN SEN GỢI Ý THÁI LAN ĐIỀU TRA BẠN CŨ (BBC News Tiếng Việt)

 



Thaksin tuyên bố cắt đứt quan hệ, Hun Sen gợi ý Thái Lan điều tra bạn cũ

BBC News Tiếng Việt

7 giờ trước

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6280yjpepgo

 

"Tôi từng rất thân với ông ta - như anh em ruột thịt. Nhưng sau những gì ông ta làm với con gái tôi, tôi thực sự sốc. Sao chuyện đó lại có thể xảy ra được? Còn mối quan hệ ấy [giữa tôi và ông Hun Sen]... cứ để nó chấm dứt. Tôi không quan tâm nữa."

 

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã tuyên bố như vậy trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được phát sóng trực tiếp trên kênh Nation TV vào ngày 9/7.

 

Đây là lần đầu tiên ông Thaksin lên tiếng công khai kể từ khi con gái ông là bà Paetongtarn vướng vào bê bối điện đàm với lãnh tụ Campuchia Hun Sen dẫn đến việc bị đình chỉ chức thủ tướng Thái Lan.

 

Ông Thaksin nói thêm rằng mối quan hệ giữa ông và Hun Sen đã chấm dứt sau vụ rò rỉ đoạn ghi âm, và ông từng cố gắng hiểu điều gì đã xảy ra, đoán rằng có thể bản thân đã vô tình làm Hun Sen phật lòng.

 

Cùng ngày, ở phía bên kia biên giới, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng đã nhắc tới người bạn thân năm nào.

 

Trong một bài viết trên mạng xã hội, ông Hun Sen đã phản bác lại luận điểm cho rằng một ông trùm người Campuchia đang bị Thái Lan điều tra vì có mối quan hệ thân thiết với ông.

 

Người này tên là Kok An, đang bị điều tra vì bị cho là có dính líu tới các mạng lưới lừa đảo ở Poipet, Campuchia.

 

"Nếu việc điều tra và trấn áp Kok An là vì ông ta thân thiết với tôi, thì tòa án Thái Lan cũng nên mở cuộc điều tra đối với ông Thaksin," ông viết. "Ai cũng biết Thaksin cực kỳ thân với tôi - thân đến mức ông ấy còn có sẵn một phòng riêng tại nhà tôi."

 

"Để xem tòa án Thái Lan có dám mở cuộc điều tra nhằm vào Thaksin hay không?" ông Hun Sen thách thức.

 

Tháng trước, ông Hun Sen từng đưa ra nhiều tuyên bố liên quan tới ông Thaksin, bao gồm việc ông Thaksin giả vờ bệnh và xúc phạm hoàng gia Thái Lan.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bbd3/live/0aa16ef0-5d64-11f0-b5c5-012c5796682d.jpg.webp

Ông Hun Sen thăm ông Thaksin tại dinh thự Ban Chan Song La ở Bangkok vào tháng 2/2024 để tăng cường "tình anh em" 32 năm giữa hai người. Hiện ông Hun Sen nói rằng ông Thaksin diễn vở kịch giả đò bệnh để đánh lừa người dân Thái Lan.

 

Mối quan hệ giữa hai chính trị gia lão làng này bắt đầu rạn nứt từ tháng trước, sau khi ông Hun Sen tung lên mạng đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra về vấn đề biên giới hai nước. Những lùm xùm xung quanh vụ việc đã khiến bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ thủ tướng.

 

Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Thaksin khẳng định rằng tình hình căng thẳng ở biên giới hai nước sẽ không leo thang thành xung đột toàn diện.

 

"Thái Lan và Campuchia không đang có chiến tranh. Đây là tranh chấp biên giới, và chúng ta vẫn có thể đối thoại," ông nói.

 

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng ông rất tức giận khi biết tin có tới 12.000 binh sĩ được điều động tới khu vực biên giới Thái – Campuchia.

 

Ông kể mình đã gọi điện cho một phiên dịch viên của ông Hun Sen và nói: "Anh hãy nói với sếp anh - con cái chúng ta là thủ tướng của hai nước. Chúng ta định đem quân đánh nhau à?"

 

Trước đó, trong một cuộc khảo sát do Viện Phát triển Quốc gia (NIDA) thực hiện từ ngày 30/6 đến ngày 2/7 đối với hơn 1.300 người Thái Lan trên 18 tuổi chỉ ra rằng phần lớn người Thái tin ông Hun Sen có động cơ cá nhân và ẩn ý phía sau việc gia tăng căng thẳng ở biên giới hai nước.

 

Về cuộc khảo sát này, ông Hun Sen cho rằng đây là một điều hết sức "bất thường và hiếm thấy".

 

"Đây là chuyện vừa nực cười vừa phi lý. Thế nhưng Thái Lan lại làm được điều đó," ông viết, đồng thời gợi ý rằng thay vì tổ chức khảo sát về lãnh đạo nước ngoài, thì "người dân Thái Lan nên dành thời gian khảo sát về chính các nhà lãnh đạo của mình thì hơn."

 

Trước đó, NIDA đã công bố một khảo sát quý vào tháng Sáu cho thấy các chỉ số đáng quan ngại cho bà Paetongtarn. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm xuống còn 9,2%, so với con số 30,9% hồi tháng Ba.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ca09/live/303d93a0-5d64-11f0-b5c5-012c5796682d.jpg.webp

Ông Thaksin và bà Paetongtarn trong một sự kiện vào ngày 9/7

 

Bị ông Hun Sen 'dụ'?

 

Trong buổi phỏng vấn trên Nation TV, ông Thaksin nói rằng bà Paetongtarn đã bị dụ để nói chuyện riêng với ông Hun Sen mà không hề biết cuộc trò chuyện đó bị ghi âm.

 

Theo ông Thaksin, chính ông Hun Sen là người đề nghị được nói chuyện sau khi căng thẳng biên giới bùng phát.

 

Vì vậy, bà Paetongtarn đã đến một khách sạn ở Bangkok, đi cùng Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai, Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa và Cố vấn thủ tướng Prommin Lertsuridej, để chờ cuộc gọi từ ông Hun Sen.

 

"Họ đã chờ ở đó suốt ba tiếng đồng hồ, trong khi Huot, phiên dịch viên, nói rằng ông Hun Sen đã ngủ," ông Thaksin kể.

 

"Vì thế tôi gọi điện cho con gái và bảo rằng không cần đợi nữa, cứ về nhà đi. Họ rời đi sau đó. Nhưng rồi ông Hun Sen lại gọi thẳng vào số cá nhân của con gái tôi. Ông ta có ngủ đâu - có lẽ ông ta đã lên kế hoạch ghi âm từ trước."

 

"Thủ tướng (Paetongtarn) khi đó muốn dàn xếp vì có quan hệ cá nhân. Nhưng tôi đã sai khi tin một người như Hun Sen," ông nói.

 

Trước đó, ông Hun Sen từng cho biết mình đã chủ động ghi âm lại cuộc trò chuyện để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra.

 

Khi được hỏi liệu ông có liên lạc gì với ông Hun Sen sau khi bà Paetongtarn bị đình chỉ hay không, Thaksin cho biết ông chỉ gửi một tin nhắn: "Những gì ông làm đã gây hại cho cả ông và tôi."

 

Ông nói thêm rằng Hun Sen đã không trả lời tin nhắn này.

 

"Ông ta không hủy hoại chúng tôi - mà là hủy hoại chính ông ta. Ông ta giờ không còn chút uy tín nào. Không ai còn muốn nói chuyện với ông ta nữa," Thaksin nói.

 

 

Bộ trưởng Văn hóa Paetongtarn đã làm gì?

 

Hiện chưa rõ ông Hun Sen có bị tác động tiêu cực gì từ vụ việc lần này hay không, nhưng bà Paetongtarn thì rõ ràng đã bị ảnh hưởng.

 

Tính tới nay, bà Paetongtarn đã bị đình chỉ chức vụ thủ tướng được 9 ngày, và đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Văn hóa được khoảng một tuần.

 

Trong thời gian ngắn này, truyền thông đã nhiều lần đưa tin về bà trên cương vị mới, cùng với những tuyên bố của bà về "quyền lực mềm" của Thái Lan.

 

Quyết định đầu tiên bà Paetongtarn đưa ra trên cương vị bộ trưởng Văn hóa là đình chỉ việc trao trả 20 cổ vật từ Thái Lan cho Campuchia, với lý do hạn chế về ngân sách.

 

"Việc trao trả cổ vật không được coi là vấn đề cấp bách và không được cấp ngân sách từ chính quyền trung ương.

 

[…]

 

"Với tình hình quan hệ hai nước hiện tại, Bộ Văn hóa khuyến nghị cần xem xét lại quá trình bàn giao cổ vật", bà nói.

 

Đáp lại động thái này, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia kêu gọi Thái Lan tôn trọng thỏa thuận về việc trao trả 20 cổ vật, sau khi phía Thái Lan trì hoãn với lý do gặp khó khăn về ngân sách.

 

Trong một bức thư gửi bà Paetongtarn, Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật Phoeurng Sackona xác nhận rằng phía Campuchia sẽ chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển, theo đúng thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên vào tháng Tư.

 

"Tôi đề nghị Bộ Văn hóa Vương quốc Thái Lan tiến hành thực hiện thỏa thuận trong khung thời gian đã được thống nhất, nhằm tránh những chậm trễ thêm nữa. Phía Campuchia sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi chi phí liên quan đến việc vận chuyển này," bà tuyên bố.

 

Năm 2000, chính quyền Thái Lan đã tịch thu 43 cổ vật Campuchia được nhập lậu từ Singapore. Qua nhiều năm, 23 hiện vật đã được hoàn trả cho Campuchia sau khi được Nội các Thái Lan phê duyệt vào các năm 2009 và 2015; 20 cổ vật còn lại bị giữ lại để xem xét do nguồn gốc không rõ ràng.

 

Sau khi chính phủ Campuchia nộp các tài liệu chứng minh quyền sở hữu, Cục Mỹ thuật Thái Lan đã xác minh rằng các hiện vật này có nguồn gốc từ Campuchia. Năm 2024, nội các Thái Lan dưới thời Thủ tướng Srettha Thavisin đã phê duyệt việc hồi hương số cổ vật còn lại, dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 7/2025.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f261/live/5a401fb0-5d64-11f0-a40e-a1af2950b220.jpg.webp

Bà Paetongtarn đã đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Văn hóa được khoảng một tuần

 

Bên cạnh đó, bà Paetongtarn cũng đang gặp sức ép khi lượng du khách Trung Quốc tới Thái Lan giảm mạnh.

 

Trên trang Facebook cá nhân, cựu Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul tuyên bố rằng sự sụt giảm khách du lịch này liên quan tới Dự luật về Tổ hợp Giải trí Tích hợp (thường được gọi là Dự luật Casino) – một chính sách chủ chốt của đảng Pheu Thai cho phép hoạt động cờ bạc diễn ra hợp pháp tại tại Thái Lan.

 

Ông nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về điều này.

 

"Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra đề nghị với bà Paetongtarn ba lần riêng biệt trong cuộc họp, mà tôi cũng tham dự với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ," ông Anutin nói, nhắc tới chuyến đi tới Bắc Kinh của bà Paetongtarn hồi tháng Hai.

 

Theo ông Anutin Charnvirakul, dù Trung Quốc không thể quyết định chính sách của Thái Lan, việc làm ngơ những lời cảnh báo như vậy là thiếu khôn ngoan.

 

Bà Paetongtarn đã phản bác những tuyên bố của ông Anutin Charnvirakul, cáo buộc vị cựu bộ trưởng này phóng đại tính chất cuộc gặp giữa bà và ông Tập.

 

Bà Paetongtarn cho biết bà coi các phát biểu của ông Tập chỉ là những khuyến nghị và trao đổi quan điểm, chứ không phải cảnh báo.

 

Theo bà Paetongtarn, ông Tập đã nói rằng ông không thích sòng bạc và luôn chú ý đến việc công dân Trung Quốc đến những quốc gia có casino hợp pháp.

 

"Tôi đã giải thích rằng điều chúng tôi đề xuất là một khu tổ hợp giải trí, và nếu có bất kỳ yếu tố nào liên quan đến cờ bạc thì cũng chỉ chiếm không quá 10%. Tôi thậm chí đã viện dẫn các mô hình thành công như Singapore và Macau," bà Paetongtarn nói.

 

Bà cũng tuyên bố ông Anutin đã "tô màu" sự việc khi nói rằng ông Tập đã ba lần cảnh báo Thái Lan từ bỏ kế hoạch này.

 

Bà cũng phản pháo lại ông Anutin rằng nguyên nhân thật sự khiến lượng khách Trung Quốc sụt giảm là do lo ngại về vấn đề an toàn, đặc biệt là tội phạm – vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.

 

"Cựu Bộ trưởng Nội vụ Anutin dường như đã quên rằng sự sụt giảm trong lượng khách Trung Quốc liên quan đến các vấn đề về an toàn, chứ không phải vì dự luật casino."

 

------------

Tin liên quan

·         

Số phận chính trị thủ tướng Thái Lan: khó ngồi hết nhiệm kỳ?

1 tháng 7 năm 2025

·         

Hun Sen thắng lớn khi đẩy Paetongtarn vào thế mất ghế thủ tướng?

2 tháng 7 năm 2025

·         

Ông Hun Sen công kích Thái Lan để đánh lạc hướng dư luận Campuchia?

30 tháng 6 năm 2025

·         

Vì sao tinh gọn nhưng một sở lại có đến 18 phó giám đốc?

5 tháng 7 năm 2025

·         

Trump áp thuế cao lên châu Á và ảnh hưởng từ 'tấm gương' Việt Nam

8 tháng 7 năm 2025

·         

Thỏa thuận Donald Trump - Tô Lâm: Có qua có lại hay một chiều?

8 tháng 7 năm 2025

 





No comments: