Đông Nam Á đang bắt đầu chọn phe
Yuen Foong Khong và Joseph Chinyong Liow - Foreign Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng,
biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2025/07/04/dong-nam-a-dang-bat-dau-chon-phe/
Tại
sao khu vực này đang nghiêng về phía Trung Quốc?
Khác
với hầu hết các khu vực trên thế giới, Đông Nam Á đã thấy mình đang ở giữa cuộc
cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết các nước lớn ở các
khu vực khác của Châu Á đã có lựa chọn của riêng mình: Australia, Nhật Bản, Hàn
Quốc, và Đài Loan đều đứng về phía Mỹ; Ấn Độ dường như đang xích lại gần Mỹ,
còn Pakistan thì với Trung Quốc; và các quốc gia Trung Á đang xây dựng quan hệ
ngày càng chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Nhưng phần lớn Đông Nam Á, một khu vực với
gần 700 triệu dân, vẫn chưa thuộc về ai. Cường quốc nào thành công trong việc
thuyết phục các nước Đông Nam Á chủ chốt – như Indonesia, Malaysia,
Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam – đi theo đường lối của mình sẽ
có cơ hội tốt hơn để hiện thực hóa các mục tiêu của mình ở châu Á.
Tuy
nhiên, suốt hàng thập kỷ, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã phủ nhận quan niệm rằng
họ phải chọn phe. Ngay cả khi Bắc Kinh và Washington biến cuộc cạnh tranh của họ
thành sự kiện chi phối địa chính trị toàn cầu, thì các quan chức trong khu vực
vẫn lặp đi lặp lại câu thần chú rằng họ có thể là bạn với tất cả mọi người. Tất
nhiên, họ không hề phớt lờ thực tế địa chính trị đang thay đổi. Như Thủ tướng
Singapore Lý Hiển Long đã nói vào năm 2018, “Tôi nghĩ rằng chúng ta rất muốn
không phải đứng về phe nào, nhưng vẫn có khả năng Hiệp hội các Quốc gia Đông
Nam Á ASEAN phải lựa chọn phe này hoặc phe kia. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy
ra sớm.”
Đánh
giá của ông Lý về tình thế khó khăn này không chỉ phản ánh quan điểm của hầu hết
các nước Đông Nam Á, mà còn của nhiều nơi trên thế giới. Nó phản ánh sự bàng
hoàng trước những đòi hỏi của cuộc cạnh tranh siêu cường. Xét cho cùng,
Singapore đã phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tự xem mình là một
trung tâm trung chuyển với cánh cửa mở rộng với thế giới. Việt Nam, một chế độ
chuyên chế cộng sản trên danh nghĩa, đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu
quan trọng, kết nối với cả chuỗi cung ứng của Trung Quốc lẫn phương Tây. Các quốc
gia quần đảo rộng lớn như Indonesia và Philippines, từng bị tàn phá bởi các cuộc
xung đột nội bộ, đã chứng kiến GDP của họ tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2000.
Khi các quan chức Đông Nam Á bác bỏ ý tưởng rằng họ phải chọn phe, trên thực tế,
họ đang bày tỏ sự ưu tiên của mình đối với trật tự toàn cầu đã thịnh hành sau
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một trật tự được đặc trưng bởi các kết nối kinh
tế ngày càng dày đặc và cạnh tranh địa chính trị giảm dần.
Nhưng
sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, trật tự đó bắt đầu đã tan biến. Đông
Nam Á hiện đang ở giữa cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Trung Quốc và Mỹ
ngày càng đối đầu gay gắt ở châu Á. Và các nước Đông Nam Á, dù muốn hay không,
cũng không còn miễn nhiễm với những áp lực đi kèm với cuộc cạnh tranh giữa các
cường quốc. Khi phân tích lập trường của 10 quốc gia Đông Nam Á về một loạt các
vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Mỹ, có một điều trở nên rõ ràng: trong 30
năm qua, nhiều quốc gia trong số này đã chuyển hướng, dần dần nhưng rõ ràng, từ
Mỹ sang Trung Quốc. Một số nước dịch chuyển đáng kể hơn những nước khác. Và một
số nước thực sự đã xoay xở để “phòng bị nước đôi,” vượt qua rạn nứt giữa hai
siêu cường. Tuy nhiên, hướng đi chung vẫn rất rõ ràng. Các nước Đông Nam Á có
thể khẳng định rằng họ đang đứng ngoài cuộc, nhưng các chính sách của họ cho thấy
điều ngược lại. Khu vực này đang nghiêng về Trung Quốc, một thực tế không mấy tốt
đẹp cho tham vọng của Mỹ ở châu Á.
CUỘC
CHƠI QUYỀN LỰC
Theo
Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy – thước đo quyền lực tương đối của các quốc
gia dựa trên một vài biến số, bao gồm năng lực kinh tế và quân sự, ảnh hưởng
ngoại giao và văn hóa – sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đã đạt gần 90% so với
Mỹ vào cuối những năm 2010. Đây là kết quả của sự tăng trưởng ngoạn mục của
Trung Quốc kể từ thập niên 1980 và cách Bắc Kinh biến những thành tựu kinh tế của
mình thành sức mạnh ngoại giao, quân sự, và thậm chí là văn hóa. Sự trỗi dậy của
Trung Quốc đã thúc đẩy các học giả Mỹ hồi những năm 1990 tranh luận về việc Mỹ
nên kiềm chế hay hợp tác với gã khổng lồ châu Á đang trỗi dậy, và rõ ràng là
phe hợp tác đã thắng thế. Dù các chính quyền Clinton và George W. Bush từng trải
qua một số thời điểm căng thẳng với Trung Quốc, nhưng họ không xem nước này là
kẻ thù. Các cuộc chiến ở Trung Đông sau vụ tấn công ngày 11/09 đã khiến
Washington mất tập trung, và phải đến khi chính quyền Obama “xoay trục sang
Châu Á,” Mỹ mới nhận ra thách thức tiềm tàng mà Trung Quốc đặt ra đối với bá quyền
của Mỹ trên khắp lục địa này. Nhưng ngay cả khi đó, Obama và đội ngũ an ninh quốc
gia của ông cũng không xem Trung Quốc là đối thủ ngang hàng hoặc là mối đe dọa
an ninh quốc gia, phần lớn là vì họ, giống như những người tiền nhiệm của họ,
cho rằng việc hội nhập vào trật tự kinh tế do Mỹ lãnh đạo sẽ khiến Trung Quốc dần
trở nên tự do hơn về chính trị.
Mọi
thứ đã thay đổi với chiến thắng bầu cử của Donald Trump. Chính quyền Trump đầu
tiên đã gạt bỏ mọi quan điểm rằng Trung Quốc sẽ gia nhập trật tự quốc tế tự do
một cách hòa bình, hoặc rằng họ sẽ chấp nhận các cải cách chính trị tự do. Lập
trường này, được thúc đẩy bởi sự kiên quyết của Trump rằng ông sẽ không cho
phép Trung Quốc “lớn hơn” Mỹ, đã hoàn toàn thay đổi chính sách của Mỹ.
Washington giờ đây tin rằng một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và chuyên chế là
một mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ. Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, Chiến
lược Quốc phòng năm 2018, và các tuyên bố chính sách liên quan đến Trung Quốc
khác trong thời kỳ đó – bao gồm các bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence
tại Viện Hudson năm 2018 và của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Thư viện và Bảo
tàng Tổng thống Richard Nixon năm 2020 – đều xem Trung Quốc là đối thủ địa
chính trị mạnh nhất và nguy hiểm nhất của Mỹ. Đánh giá đó vẫn được duy trì sau
thất bại bầu cử của Trump năm 2020, khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Chính quyền Biden sử dụng ngôn ngữ có chừng mực hơn, nhưng bản chất chính sách
vẫn giữ nguyên: Trung Quốc là “thách thức địa chính trị có hậu quả lớn nhất” đối
với Mỹ, Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 của Biden tuyên bố, và là “đối thủ
cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế, và ngày càng có
sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để thực hiện điều đó.” Tuy
nhiên, chính quyền Biden đã làm tốt hơn chính quyền Trump bằng cách khéo léo tập
hợp các đồng minh của Mỹ để giúp kiềm chế Trung Quốc, như một phần của “cuộc cạnh
tranh cực đoan” trên tất cả các khía cạnh quyền lực có liên quan.
Cuộc
cạnh tranh Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ trở nên gay gắt, phức tạp, và nguy hiểm
hơn cuộc đối đầu Mỹ-Xô trong Chiến tranh Lạnh. Khác với Liên Xô, một quốc gia lạc
hậu về kinh tế so với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc là một đối thủ ngang
hàng đáng gờm hơn nhiều. Ngoài ra, cũng có nhiều điểm nóng tiềm tàng hơn ở châu
Á, bao gồm Bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan, và Biển Đông. Khi cạnh tranh
trở nên dữ dội hơn, mỗi siêu cường sẽ muốn có càng nhiều quốc gia đứng về phía
mình càng tốt.
Đông
Nam Á, một khu vực chỉ nhận được sự chú ý thất thường từ các thủ đô phương Tây
dù có dân số đông và sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, sẽ là một đấu trường
chính trong cuộc cạnh tranh này. Đối với một số quốc gia trong khu vực – đặc biệt
là những quốc gia như Philippines, vốn có các hiệp ước liên minh hoặc quan hệ
an ninh chặt chẽ với Mỹ – ranh giới đã được vạch ra rõ ràng. Họ muốn duy trì
quan hệ chặt chẽ với Washington, dựa trên niềm tin rằng việc triển khai sức mạnh
quân sự của Mỹ trong khu vực sẽ góp phần mang lại hòa bình và ổn định. Các quốc
gia Đông Nam Á đứng về phía Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, bao gồm Indonesia,
Malaysia, Singapore, và Thái Lan, nhìn chung đã trở nên thịnh vượng nhờ tiếp cận
được các khoản đầu tư và thị trường, trong khi những nước đứng về phía Liên Xô
hoặc Trung Quốc – như Việt Nam – có quá trình tăng trưởng chậm hơn nhiều. Trong
Chiến tranh Lạnh, rõ ràng là Liên Xô không phải là đối thủ của phương Tây về mặt
kinh tế. Nhưng ngày nay, nhiều người Đông Nam Á tin rằng Trung Quốc có thể tạo
ra thách thức lớn cho Mỹ.
Không
có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia chưa từng phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và
Washington giờ đây cũng muốn không phải lựa chọn gì cả; họ muốn cả hai, vừa giữ
bánh trong tay, lại vừa được ăn bánh. Quan điểm thông thường (được đơn giản
hóa) là các quốc gia Đông Nam Á trông cậy vào Mỹ về an ninh và trông cậy vào
Trung Quốc về thương mại, đầu tư, và tăng trưởng kinh tế. Nhưng cả Trung Quốc
và Mỹ đều đang ngày càng thất vọng với động thái phòng bị nước đôi này. Bắc
Kinh muốn nắm giữ nhiều thứ hơn là chỉ ảnh hưởng kinh tế trong khu vực. Còn
Washington dưới chính quyền Trump thứ hai muốn tăng cường quan hệ kinh tế và
thương mại với Đông Nam Á, một phần là vì muốn được bù đắp cho chiếc ô an ninh
mà họ đã giương ra cho Châu Á.
Một
số liên kết ngoại giao quan trọng nhất ở Đông Nam Á hiện vẫn chưa được xác định.
ASEAN, một hiệp hội gồm 10 quốc gia trong khu vực, không có lập trường tổng thể
về hai siêu cường, do các lợi ích quốc gia khác nhau của các quốc gia thành
viên. Trên thực tế, những khác biệt về quan hệ với Trung Quốc và Mỹ từng thử
thách sự đoàn kết của ASEAN trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong
tương lai. Để có cái nhìn rõ hơn về hướng đi của khu vực, việc làm hữu ích là
xem xét sự liên kết của từng quốc gia ASEAN dựa trên các lựa chọn chính sách của
họ.
DỊCH
CHUYỂN
Để
hiểu được sự liên kết của các quốc gia ASEAN, chúng tôi đã xem xét năm lĩnh vực
tương tác giữa họ với Trung Quốc và Mỹ: sự can dự “chính trị-ngoại giao” và
“quân sự-an ninh,” quan hệ kinh tế, sự gần gũi về văn hóa-chính trị (hay quyền
lực mềm) và tín hiệu (thông điệp công khai của các quốc gia). Chúng tôi theo
dõi bốn chỉ số trong mỗi lĩnh vực, với tổng cộng là 20 tiêu chí đánh giá sự
liên kết. Ví dụ, về mặt chính trị-ngoại giao, chúng tôi thu thập dữ liệu về sự
liên kết trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc, mức độ hợp tác song
phương, số lượng các chuyến thăm của quan chức cấp cao, và tư cách thành viên
trong các nhóm đa phương. Về mặt kinh tế, chúng tôi xem xét dữ liệu nhập khẩu,
xuất khẩu, các hiệp hội doanh nghiệp, và mức nợ nước ngoài. Kết hợp các thước
đo này cho phép chúng tôi đưa ra một điểm số duy nhất cho mỗi quốc gia. Điểm số
bằng 0 cho thấy sự liên kết hoàn toàn với Trung Quốc, trong khi điểm 100 cho thấy
sự liên kết hoàn toàn với Mỹ. Dựa trên bộ tiêu chí này, chúng tôi coi các quốc
gia có điểm số trong khoảng 45 đến 55 là những nước đã phòng bị thành công khi
cân bằng giữa hai siêu cường.
Chỉ
số mà chúng tôi gọi là “Chỉ số Phân tích Sự Lựa Chọn Liên Kết” mang lại hai
phát hiện chính. Đầu tiên, khi các nước Đông Nam Á nói rằng họ không muốn lựa
chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, điều đó không có nghĩa là tất cả họ đều đang do dự.
Bằng cách lấy trung bình vị trí liên kết của họ trong 30 năm qua, chúng tôi nhận
thấy rằng bốn quốc gia – Indonesia (49), Malaysia (47), Singapore (48), và Thái
Lan (45) – có thể được coi là những nước phòng bị thành công, đang cố gắng hết
sức để vượt qua sự chia rẽ. Các quốc gia ASEAN khác thì liên kết chặt chẽ hơn với
một siêu cường. Philippines (60) rõ ràng liên kết với Mỹ, trong khi Myanmar
(24), Lào (29), Campuchia (38), Việt Nam (43), và Brunei (44) đều liên kết với
Trung Quốc.
Thứ
hai, khi chia giai đoạn 30 năm thành hai khoảng thời gian 15 năm, một bức tranh
năng động hơn về cách các liên kết thay đổi – một bức tranh có lợi cho Bắc Kinh
– đã xuất hiện. Ví dụ, điểm số liên kết của Indonesia trong giai đoạn đầu
(1995-2009) là 56, nhưng trong giai đoạn thứ hai (2010-2024) là 43, thay đổi 13
điểm theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Nước
này đã chuyển từ việc nghiêng một chút về phe Mỹ sang nghiêng một chút về phe
Trung Quốc. Cho đến năm 2009, Thái Lan vẫn là một nước quyết tâm phòng bị nước
đôi (49), nhưng kể từ đó đã nghiêng hơn về phía Trung Quốc (41). Philippines, một
đồng minh hiệp ước của Mỹ, cũng đã xích lại gần Trung Quốc hơn một chút dù vẫn
đứng về phía Mỹ; điểm số của nước này là 62 trong giai đoạn đầu và 58 trong
giai đoạn thứ hai. Malaysia (từ 49 xuống 46) và Singapore (từ 50 xuống 45) cũng
đã dịch chuyển nhẹ về phía Trung Quốc, dù cả hai vẫn nằm trong nhóm các quốc
gia phòng bị nước đôi. Campuchia (từ 42 xuống 34), Lào (từ 33 xuống 25), và
Myanmar (từ 24 xuống 23) thì tiếp tục nghiêng hẳn về phía người hàng xóm
phía bắc, liên kết vững chắc hơn với Trung Quốc. Quốc gia duy nhất đã dịch chuyển
phần nào xa khỏi Trung Quốc và hướng về Mỹ trong 30 năm qua là Việt Nam, dù
không nhiều (từ 41 lên 45). Các phép đo của chúng tôi trong giai đoạn gần đây
cho thấy Việt Nam sắp gia nhập hàng ngũ các nước như Malaysia và Singapore, những
nước đã cân bằng giữa hai siêu cường.
KÉO
VÀ ĐẨY
Sự
dịch chuyển của Đông Nam Á về phía Trung Quốc không phải do một yếu tố duy nhất
nào, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu chính trị trong nước của
các chính phủ Đông Nam Á, nhận thức về cơ hội kinh tế và sức mạnh bền bỉ của Mỹ,
cũng như địa lý. Chính trị trong nước cũng có thể đóng vai trò quyết định.
Campuchia là một ví dụ minh họa. Cuộc đảo chính năm 1997 – vốn đã đưa nhà lãnh
đạo của đất nước, Hun Sen, lên nắm quyền – đã khởi đầu cho sự suy giảm nghiêm
trọng trong quan hệ Mỹ-Campuchia và sự cải thiện trong quan hệ Trung Quốc-Campuchia.
Mỹ đã đình chỉ viện trợ và áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia sau cuộc
đảo chính, mà họ lên án là làm suy yếu nền dân chủ.
Bước
sang những năm 2010, Mỹ cũng lên án hồ sơ nhân quyền và tham nhũng của
Campuchia. Vì những lời chỉ trích này, chế độ Hun Sen đã xem Washington là mối
đe dọa đối với an ninh của mình. Không có gì ngạc nhiên khi Campuchia chọn liên
kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, những người đem đến cho họ vô số hình thức hỗ
trợ mà hiếm có chỉ trích nào. Bắc Kinh cung cấp cho Phnom Penh khoản đầu tư nước
ngoài đáng kể, hỗ trợ chính trị, và viện trợ quân sự, đồng thời cũng không tìm
cách làm suy yếu tính chính danh của chế độ.
Nhiều
chính phủ trong khu vực đã xây dựng tính chính danh của mình nhờ vào khả năng
tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Điều này cũng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc, nước
đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Các chế độ phi dân chủ ở
ASEAN tin rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu kinh tế và mong muốn đảm
bảo tính chính danh chính trị của họ. Khi nói đến đầu tư trực tiếp nước ngoài,
Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ trong khu vực, nhưng đang nhanh chóng bắt kịp ở một số
quốc gia thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, sáng kiến đã tài trợ cho
các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên toàn thế giới.
Những
khoản đầu tư như vậy đã buộc nhiều nước phải xem xét lại cách nhìn nhận thế giới
truyền thống của họ. Chẳng hạn, quân đội Indonesia đã nghi ngờ Trung Quốc và
thông cảm với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, một động thái được minh họa một cách
thảm khốc bằng các vụ thảm sát người gốc Hoa và những người bị cho là có cảm
tình với cộng sản hồi thập niên 1960. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, các
nhóm tinh hoa chính trị và doanh nghiệp mới đã thành công thúc đẩy chương trình
nghị sự hướng tới tăng trưởng. Họ xem Trung Quốc là nguồn cơ hội kinh tế, chứ
không phải là nguồn đe dọa về mặt ý thức hệ. Và họ đã hướng Indonesia nghiêng về
phía Trung Quốc bằng cách chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc, thực hiện
các chuyến thăm cấp cao – vào năm 2024, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng
thống mới đắc cử Prabowo Subianto là tới Trung Quốc, và vào tháng 05/2025, Thủ
tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến thăm đáp lễ tới Indonesia – tham gia các
cuộc tập trận quân sự với Trung Quốc, và tránh thông lệ phổ biến là đem người
Indonesia gốc Hoa làm vật tế thần cho những bất ổn kinh tế của Indonesia.
Việc
Trump trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên lo ngại về các cam kết quân sự và kinh tế
của Mỹ đối với Đông Nam Á. Chính quyền Trump thứ hai dường như có ý định chuyển
giao trách nhiệm về an ninh của châu Âu cho các chính phủ châu Âu, nhưng chiến
lược của họ với Trung Quốc và châu Á nhìn chung vẫn chưa rõ ràng. Về mặt an
ninh, chuyến thăm Philippines và Nhật Bản vào tháng 3 của Bộ trưởng Quốc phòng
Pete Hegseth cho thấy Mỹ vẫn muốn củng cố các liên minh châu Á của mình, bắt đầu
với hai trong số những đồng minh kiên định nhất trong khu vực. Trong lúc
Philippines đối đầu với Trung Quốc về các vùng biển đang tranh chấp, Hegseth
tuyên bố rằng cam kết của Mỹ đối với Philippines là “vững như bàn thạch.” Nhưng
Thái Lan, một đồng minh hiệp ước chính thức khác của Mỹ, lại không nằm trong
hành trình của Hegseth. Một cách tiếp cận khôn ngoan hơn, dựa trên sự hiểu biết
về việc Thái Lan đang nghiêng về phía Trung Quốc và lợi ích của Mỹ trong việc
ngăn chặn sự dịch chuyển đó, đáng lẽ đã phải đưa Hegseth đến Bangkok.
Các
đối tác chiến lược khác của Mỹ cũng sẽ theo dõi chặt chẽ sự hiện diện của quân
đội Mỹ tại Đông Nam Á; họ sẽ phải điều chỉnh lại sự phụ thuộc an ninh và hợp
tác với Mỹ nếu họ kết luận rằng Washington có khả năng rút lui khỏi khu vực.
Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã bày tỏ lo ngại
về những ám chỉ từ chính quyền Trump đầu tiên, rằng họ có thể cắt giảm các cam
kết ở nước ngoài của Mỹ. Ông hy vọng rằng Mỹ sẽ xem xét lại việc cắt giảm quy
mô can dự của mình tại Châu Á-Thái Bình Dương. Nếu không, ông tiếp tục, ASEAN sẽ
phải chuẩn bị cho những trách nhiệm an ninh nặng nề hơn. Gần đây hơn, vào tháng
4/2025, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã lập luận rằng “trạng thái bình thường
mới” sẽ là một thế giới mà trong đó “Mỹ đang lùi bước khỏi vai trò truyền thống
của mình là người bảo vệ trật tự và cảnh sát thế giới.” Tuy nhiên, không có quốc
gia nào khác sẵn sàng lấp đầy khoảng trống này. “Kết quả là, thế giới đang trở
nên phân mảnh và hỗn loạn hơn.” Niềm tin của Trump rằng việc triển khai sức mạnh
quân sự của Mỹ phục vụ cho những người được bảo vệ nhiều hơn là phục vụ cho nước
Mỹ đã khiến một số người ở Đông Nam Á lo ngại. Vào tháng 2, Ng Eng Hen, khi đó
là Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, lưu ý rằng hình ảnh của Washington trong khu
vực đã thay đổi từ “người giải phóng thành kẻ phá rối, rồi thành một chủ nhà đi
đòi tiền thuê.” Và như một nhà ngoại giao cấp cao Đông Nam Á hiện sống tại
Washington đã nói nửa đùa nửa thật với một trong số chúng tôi sau chuyến thăm
thảm họa đến Nhà Trắng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 2:
“Ukraine có khoáng sản quan trọng để cung cấp. Còn chúng ta có gì?”
Trên
mặt trận kinh tế, Trump đã áp thuế quan “đối ứng” cao đối với nhiều nước Đông
Nam Á vào đầu tháng 4. Dù các mức thuế này đã bị tạm dừng và tương lai của
chúng vẫn chưa chắc chắn, nhưng mối đe dọa đó hiện đang bao trùm các nền kinh tế
của khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á không chỉ sợ mất đi khả năng quan trọng là
tiếp cận với đầu tư của Mỹ và thị trường Mỹ, mà còn sợ Mỹ sẽ từ bỏ vai trò lãnh
đạo kinh tế của mình – nhường lại vai trò lịch sử là định hình kiến trúc kinh tế
của khu vực cho các nước khác. Nếu có thể thấy rõ rằng Mỹ đang rút khỏi khu vực
về mặt kinh tế và quân sự, thì 10 quốc gia này sẽ ngày càng phải dựa vào nhau
và hợp tác nghiêm túc hơn với Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Nhưng nhu cầu
đó sẽ bị cân bằng, và thậm chí có thể bị lấn át, bởi sự cám dỗ hướng đến Trung
Quốc.
Ở
cấp độ cơ bản, địa lý định hình các quyết định mà nhiều quốc gia trong nhóm này
phải đưa ra. Những nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, chẳng hạn như
Lào, Myanmar và Việt Nam, sẽ cảm nhận được sức hút tự nhiên của Bắc Kinh. Chắc
chắn, điều đó có thể được điều chỉnh bởi những nghi ngờ hoặc thái độ thù địch
trong lịch sử, như trường hợp của Việt Nam, nước đã phải chống lại cuộc xâm lược
của Trung Quốc vào năm 1979. Nhưng vị trí gần gũi có thể buộc người ta phải thỏa
hiệp. Ở Myanmar, chính quyền quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021
đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về hỗ trợ ngoại giao và thương mại, dù họ
biết rằng Bắc Kinh cũng hỗ trợ các nhóm phiến quân vũ trang sắc tộc hoạt động ở
các khu vực biên giới. Lào đã trở nên gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn
của Trung Quốc để xây dựng các đập thủy điện dọc theo Sông Mekong trong biên giới
của mình; các khoản vay cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc hiện chiếm một nửa số nợ nước
ngoài mà quốc gia không giáp biển này phải gánh chịu. Địa lý cũng giúp giải
thích tại sao Việt Nam chỉ thận trọng tiến gần hơn đến Mỹ. Dù Washington công
khai thể hiện sự quan tâm đến việc nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên mức “đối tác
chiến lược toàn diện,” Việt Nam vẫn phản đối mãi cho đến năm 2023, tức là 15
năm sau khi nước này thiết lập mức quan hệ như vậy với Trung Quốc. Mỹ vẫn ở rất
xa, bất kể mạng lưới căn cứ quân sự rộng lớn của họ. Và việc rút quân càng khiến
họ ít có khả năng cam kết nguồn lực và nhân sự để đảm bảo hòa bình và ổn định ở
Biển Đông, một trong những điểm nóng chính của khu vực, nếu tình hình trở nên
căng thẳng.
NHƯỜNG
LẠI SÂN CHƠI
Dù
Đông Nam Á rõ ràng đang nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng các mô hình liên kết
không phải là bất biến. Các quốc gia có thể thay đổi định hướng của mình khá
nhanh chóng. Ví dụ, dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo từ năm 2001 đến
năm 2010, Philippines nghiêng về phía Trung Quốc. Người kế nhiệm bà, Benigno
Aquino III, người cai trị từ năm 2010 đến năm 2016, đã kéo đất nước trở lại với
Mỹ. Rodrigo Duterte, người kế nhiệm Aquino, đã chuyển sang phía Trung Quốc; và
người kế nhiệm ông, Ferdinand Marcos, Jr., lại xoay trở lại phía Mỹ.
Trong
số các quốc gia Đông Nam Á có đa số dân theo đạo Hồi, bao gồm Indonesia và
Malaysia, sự tức giận đối với việc Washington ủng hộ cuộc chiến của Israel ở
Gaza đã khiến các chính phủ xa lánh Mỹ và nghi ngờ những lời kêu gọi của Mỹ về
cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Một cuộc khảo sát năm 2024 của Viện
ISEAS-Yusof Ishak cho thấy một nửa trong số gần 2.000 chuyên gia được thăm dò ở
khắp 10 quốc gia Đông Nam Á – những người đến từ giới học thuật, viện chính
sách, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, truyền thông, chính phủ, và các tổ chức
khu vực và quốc tế – đồng ý rằng ASEAN nên chọn Trung Quốc thay vì Mỹ. Chỉ một
năm trước đó, 61% số người được thăm dò đã ủng hộ Mỹ thay vì Trung Quốc.
Nhiều
chính phủ Đông Nam Á có thể không nhận ra rằng, trên thực tế, họ đã chọn phe rồi.
Vì họ duy trì quan hệ với cả hai siêu cường, nên họ tin rằng chính sách đối ngoại
của họ đang được điều chỉnh và cân bằng một cách tinh tế. Họ chọn thứ mình muốn
từ những gì Mỹ và Trung Quốc bày ra. Họ có thể ký vào Sáng kiến Vành đai và Con
đường của Trung Quốc, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, thỏa thuận thương
mại tự do được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, cũng như
Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Bắc Kinh. Nhưng
đồng thời, họ có thể tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn
đầu (nhưng hiện đã bị bỏ rơi), hoặc tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương vì Sự Thịnh vượng gần đây hơn, và các chương trình khác của Mỹ được
thiết kế để chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường. Họ cũng hoan nghênh các
khoản đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ với vòng tay rộng mở. Đầu tư trực tiếp nước
ngoài của Mỹ vào Đông Nam Á vượt xa các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Nhật
Bản, và Hàn Quốc cộng lại. Thông qua những lựa chọn như vậy, một quốc gia có thể
đạt đến điểm tới hạn và cuối cùng nghiêng về phe này hơn phe kia mà không nhận
ra rằng mình đã vượt qua ranh giới. Ví dụ, Indonesia có thể đang “mơ màng” tiến
gần đến một liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc – không phải là vì một lựa chọn
đại chiến lược có ý thức, mà là vì sự tích lũy các lựa chọn của nước này (chẳng
hạn như việc tham gia các sáng kiến đa phương khác nhau của Trung Quốc) trong
các lĩnh vực khác nhau theo thời gian có thể khiến nước này nghiêng hẳn về phía
Bắc Kinh.
Dù
Trung Quốc đang trỗi dậy còn Mỹ thì thoái lui, Đông Nam Á vẫn không sẵn lòng từ
bỏ Washington. Các cuộc thăm dò liên tiếp cho thấy Đông Nam Á xem Trung Quốc là
cường quốc kinh tế và chiến lược có ảnh hưởng nhất trong khu vực, vượt xa Mỹ với
biên độ đáng kể. Nhưng người Đông Nam Á cũng có nhiều quan ngại đáng kể về cách
Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh đó. Trong cuộc thăm dò năm 2024 của Viện
ISEAS-Yusof Ishak, khi được hỏi họ tin tưởng ai, giới tinh hoa từ nhiều lĩnh vực
khác nhau của xã hội xếp hạng Nhật Bản đứng đầu, Mỹ thứ hai, Liên minh châu Âu
thứ ba, và Trung Quốc đứng thứ tư. Nói cách khác, dù Trung Quốc vẫn là một đối
thủ dai dẳng và đáng gờm đối với Mỹ, và dù phần lớn Đông Nam Á có vẻ đang hướng
về Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xoa dịu những lo ngại
và giành được lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
Chính
quyền Trump thứ hai có thể khiến nhiệm vụ của Bắc Kinh trở nên dễ dàng hơn nếu
mức thuế trừng phạt “Ngày giải phóng” mà họ áp dụng vào ngày 02/04 đối với các
quốc gia ASEAN quan trọng, như Indonesia, Malaysia, và Việt Nam, không được giảm
đáng kể; hoặc nếu các quan chức chủ chốt của Mỹ không tham dự các cuộc họp thường
niên của ASEAN; và nếu họ hiện thực hóa lời đe dọa áp đặt mức thuế 100% đối với
các quốc gia đã tham gia BRICS (như Indonesia) hoặc đang có động thái tham gia
khối này (như Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam). Nếu không thay đổi cách làm của
mình, chính quyền Trump sẽ tự đánh đổ lòng tin và thiện chí mà những người tiền
nhiệm đã xây dựng ở Đông Nam Á trong nửa thế kỷ qua.
------------------
Yuen
Foong Khong là
Giáo sư Khoa học Chính trị và Đồng Giám đốc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hóa tại
Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Joseph
Chinyong Liow
là Giáo sư Chính trị So sánh và Chính trị Quốc tế và Hiệu trưởng Trường Khoa học
Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội tại Đại học công nghệ Nanyang,
Singapore.
Nguồn: Yuen Foong Khong và Joseph
Chinyong Liow, “Southeast Asia Is Starting to Choose,” Foreign Affairs, 24/06/2025
No comments:
Post a Comment