Gouri Sharma
Trà Mi dịch thuật
Posted
on July 8, 2025
https://dcvonline.net/2025/07/08/nguon-goc-nguoi-duc-goc-viet/
Sau
khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng ngàn người tị nạn cộng sản đã đến Đức
và hàng ngàn người khác đến đây như những công nhân di cư. Một dịp kỷ niệm gần
đây đã gợi lên nhiều suy ngẫm.
Dieu
Ly Hoang (trái) và Kien Nghi Ha (phải), xuất thân từ hai nguồn gốc khác nhau ở
Việt Nam, hiện sống cùng khu phố ở Berlin [Giulio Ferracuti/Al Jazeera]
Berlin,
Đức – Năm 1979, Kien Nghi Ha sống tại Hà Nội với cha mẹ — đều là công nhân tại
một nhà máy điện — và người chị 12 tuổi trong một căn nhà chỉ có một phòng ngủ.
Cả gia đình dùng chung nhà vệ sinh và khu bếp ngoài trời với hàng xóm. Một bà cụ
hàng xóm, khi ấy đôi lúc trông nom hai chị em Ha.
Ông nhớ sàn nhà lát gạch mát lạnh là nơi lý tưởng để tránh cái nóng thiêu đốt của
mùa hè. Ông thường nằm đó nghe tiếng ồn ào sống động của đường phố và thỉnh thoảng
là tiếng xe điện vọng lại qua cánh cửa sắt màu xanh.
Bốn năm trước đó, vào năm 1975, quân đội cộng sản miền Bắc đã tiến chiếm miền
Nam và tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, thống nhất đất nước dưới chế
độ độc đảng — vẫn còn hiện hữu đến nay.
Ha là người thuộc cộng đồng Hoa Kiều, người Việt gốc Hoa, một nhóm dân thiểu số
lai Trung Hoa. Những cộng đồng như vậy, đặc biệt trong những năm đầu sau chiến
tranh, thường cảm thấy dễ bị thua thiệt.
Ông nhớ lại việc bị trẻ con xa lánh sau khi Việt Nam tấn công Campuchia — khi
đó là đồng minh của Trung Hoa — vào năm 1978, do nguồn gốc Trung Hoa của mình.
Ông kể, “Có đứa còn lấy đá ném tôi. Rất sốc, và lúc đó tôi không hiểu chuyện
gì đang xẩy ra.”
Ha,
khi đó là cậu bé 7 tuổi, đến Tây Berlin năm 1979 sau chuyến đi bằng thuyền và
máy bay [Ảnh: Kien Nghi Ha]
Gia
đình ông quyết định ra đi. Cha mẹ bán hết tài sản và bắt đầu hành trình nguy hiểm,
tốn kém bằng thuyền sang Hong Kong. Mặc dù không có gì bảo đảm an toàn, ước
tính khoảng hai triệu người đã rời khỏi Việt Nam theo cách này.
Lúc đó, những ai lo sợ cho tương lai dưới chính quyền mới đi tị nạn có thể chọn
định cư tại một trong ba nước: Tây Đức, Úc hoặc Hoa Kỳ.
Sự lựa chọn này không kéo dài lâu. Ba tháng sau khi chú của Ha rời Việt Nam,
người dân chỉ còn được phép di cư sang Mỹ.
Những rạn nứt tại Việt Nam phản ảnh sự chia cắt của nước Đức: miền Bắc Việt Nam
được Đông Đức (CHDC Đức) ủng hộ — đồng minh của Liên Xô, trong khi Tây Đức ủng
hộ miền Nam.
Sau khi đến Hong Kong, gia đình Ha tiếp tục bay tới Frankfurt rồi tới sân bay
Tegel ở Tây Berlin, nơi báo giới chờ sẵn để ghi lại hình ảnh “thuyền nhân” được
đón tiếp.
Ha kể, “Tôi không nhớ nhiều về lúc đến, nhưng nhớ là có rất nhiều phóng viên
muốn chụp hình chúng tôi.”
Gia đình được cấp một căn trong khu nhà xã hội, nơi có hàng ngàn người sống gần
phía tây Bức tường Berlin. Cha ông làm công nhân vận chuyển, mẹ là lao công
trong nhà trẻ.
So với tiêu chuẩn nhà xã hội thời đó, Ha cho biết căn nhà của họ khá tốt, có sưởi
trung tâm và nhà vệ sinh riêng.
Nhưng tiến trình hội nhập không dễ dàng. Ha cảm thấy cô lập vì là một trong số
ít học sinh dân thiểu số tại trường tiểu học.
Một
con đường khác
Chỉ
vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với
CHDC Đức, mở ra một con đường khác để Huong Mai có thể ra nước ngoài vài năm
sau đó.
Khi 21 tuổi, Mai rời Hà Nội đến Moskva rồi bay đến sân bay Schönefeld ở Đông
Berlin. Cô là một trong những nhóm công nhân hợp đồng đầu tiên, làm việc tại
nhà máy sản xuất ly thủy tinh.
Hiện 64 tuổi, Mai có một con trai 27 tuổi và điều hành cửa hàng vải ở thị trấn
nơi bà đã sống từ khi đặt chân đến Đông Đức. Mai đề nghị Al Jazeera dùng bí
danh để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Ngày 30 tháng 4 vừa qua, Việt Nam kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh. Đối với
cộng đồng lớn của người gốc Việt tại Đức — những người đến như người tị nạn cộng
sản và những người cộng nhân hợp đồng — mốc thời gian này đã khơi dậy nhiều suy
ngẫm.
Mai cho biết cô cảm thấy vui trong ngày kỷ niệm đó.
Bà nói, “Cha tôi từng kháng chiến chống Pháp, anh tôi thì chiến đấu chống Mỹ.
Vì vậy, với tôi, việc chiến tranh kết thúc rất có ý nghĩa vì máu của gia đình
tôi đã đổ trong các cuộc chiến đó.”
Anh bà sau đó cũng sang Đức vào thập niên 1990, đi một mình. Gia đình ông sang
đoàn tụ vào năm 2009.
Con gái ông — Dieu Ly Hoang, 26 tuổi — hiện sống tại khu Prenzlauer Berg, trùng
hợp thay là cùng khu phố với Ha. Đây là khu vực từng thuộc Đông Đức, nay là một
phần sôi động của thủ đô Berlin với những quán cà phê ấm cúng, nhà hàng sang trọng,
phòng yoga và những gia đình nước ngoài giàu có — nơi tiếng Anh phổ biến hơn cả
tiếng Đức.
Khi nhớ lại những câu chuyện về khẩu phần gạo thời chiến, Ly nói, “Việc nhìn thấy
những gì gia đình tôi đã trải qua và họ đã kiên cường như thế nào rất quan trọng
đối với tôi. Tôi biết mình may mắn vì không phải trải qua việc di tản, và tôi
không thể tưởng tượng được ông bà mình đã sống như thế nào.”
Ly, một chuyên viên nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, chia sẻ, “Tôi biết ơn sự hy
sinh của họ khi di cư để có cuộc sống tốt hơn, để tôi có thể được sinh ra và sống
trong hòa bình.”
Ha, nay 53 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ về nghiên cứu văn hóa và có hai con trai,
hiện là chuyên viên nghiên cứu hậu tiến sĩ về cộng đồng người Đức gốc Á tại Đại
học Tübingen. Thân thiện, cởi mở và hiểu biết sâu sắc về lịch sử phức tạp mà
mình là một phần trong đó, Ha cho biết những sinh hoạt tưởng niệm mang nhiều ý
nghĩa.
Ông nói, “Có một cuộc thảo luận mang tính học thuật và văn hóa đang diễn ra
để giúp chúng tôi hiểu được lịch sử này và ý nghĩa của nó đối với cộng đồng người
Đức gốc Việt.”
“Những
câu hỏi nẩy sinh trong những cuộc trò chuyện riêng tư và công khai, trong bài
báo, sách vở và tác phẩm nghệ thuật. Việc biết rõ hơn về lịch sử này giúp chúng
tôi hiểu rõ bản thân mình hơn trong xã hội Đức, vì thế hệ trẻ chúng tôi có thể
khám phá một quá khứ mà bản thân chưa từng trải qua. Điều đó giúp kết nối quá
khứ với hiện tại.”
Kien
Nghi Ha
Ước
tính có khoảng 35.000 người tị nạn cộng sản đến Tây Đức năm 1979, trong khi có
70.000 công nhân hợp đồng bắt đầu đến CHDC Đức từ năm 1980.
Khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, hai cộng đồng này — ít nhất là về mặt thể
chất — được đưa lại gần nhau.
Sử gia Đức Andreas Margara giải thích, “Tại CHDC Đức, người dân tự hào thể
hiện tình đoàn kết quốc tế, điều này song hành với thái độ thù địch đối với
phương Tây tư bản, trong khi chính phủ Tây Đức coi chiến tranh Việt Nam là một
phần của cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa cộng sản.”
Ly cho biết một số người thân của cô vẫn đề cập đến điều này khi nghe giọng miền
Nam.
Cô nói, “Họ không khó chịu hay có thái độ gì khác, nhưng họ nhận ra giọng
nói, kiểu như ‘Ồ, người này đến từ miền Nam’. Họ không đi sâu hơn, nhưng tôi có
thể cảm nhận được một sự phân biệt nhất định vì lịch sử đó. Thế hệ cha mẹ tôi,
kể cả những cựu chiến binh, không có không gian trong cộng đồng để gặp gỡ, chia
sẻ kinh nghiệm và hiểu nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, nước Đức thống nhất có thể là
không gian cho sự hòa giải nhiều hơn.”
Cô nói thêm rằng thế hệ mình “có nhiều cơ hội và không gian để đối thoại hơn”,
và kể lại việc gần đây đã gặp một sinh viên Việt Nam du học về lịch sử nghệ thuật
tại Đức và có rất nhiều điều để trò chuyện.
Mai đồng ý rằng cuộc sống của bà hiếm khi gặp người miền Nam, nhưng bà không
mang lòng thù hận.
Bà nói, “Mặc dù Việt Nam đã bị thiệt hại rất nhiều, chúng tôi đều là người
Việt Nam và đã đến Đức để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình.”
Người Việt Nam Cộng hòa đến Đức để tị nạn cộng sản. Người Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam qua Đức để thay đổi đời sống kinh tế.
©
2025 DCVOnline
Nếu
đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
‘We are all Vietnamese and came to Germany to build a better life’ | Gouri
Sharma | aljazeera | July 7, 2025
No comments:
Post a Comment