Thursday, July 10, 2025

GIÁM ĐỐC LITTLE SAIGON RADIO : RFI TIẾNG VIỆT ĐÃ LÀ "MỘT PHẦN ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA" (RFI)

 



Giám đốc Little Saigon Radio: RFI Tiếng Việt đã là « một phần đời sống của chúng ta »

RFI

Đăng ngày: 09/07/2025 - 15:45

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20250709-gi%C3%A1m-%C4%91%E1%BB%91c-little-saigon-radio-rfi-ti%E1%BA%BFng-vi%E1%BB%87t-%C4%91%C3%A3-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-c%E1%BB%A7a-ch%C3%BAng-ta

 

Hôm nay 09/07/2025 là tròn 35 năm ngày thành lập Ban Tiếng Việt RFI. Từ hơn 30 năm qua, chương trình tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI đến được với đông đảo công chúng tại Mỹ liên tục mỗi ngày là một phần đáng kể thông qua làn sóng của Đài phát thanh Little Saigon Radio, ở California.

 

HÌNH :

Logo của chương trình tiếng Việt, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI. © Ảnh RFI

 

Nhân dịp 35 năm ngày thành lập Ban Việt ngữ, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc Little Saigon Radio, và cũng là người có mặt tại Little Saigon Radio từ ngày đầu thành lập.

 

NGHE : 
09:01

Ông Nguyễn Hữu Công, California (Mỹ)

 

*

RFI : Xin Ông cho biết một đôi nét về Đài phát thanh Little Saigon Radio với chương trình tiếng Việt của RFI.

 

Ông Nguyễn Hữu Công : Chúng tôi là Nguyễn Hữu Công, người trông coi chương trình của Little Saigon Radio. Đài của chúng tôi phát thanh tại Hoa Kỳ, chính xác là tại miền Nam California từ ngày mùng 1 tháng 7 năm 1993. Đây là một chương trình tư nhân. Chúng tôi bắt đầu phát thanh từ 9 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, rồi lên đến 24 tiếng. Bây giờ thì chúng tôi lui xuống 14 tiếng một ngày.

 

Chúng tôi tiếp vận những đài Việt ngữ trên toàn thế giới, trong đó có BBC, có RFI. Chương trình RFI có một tiếng đồng hồ thôi. Gói trọn tất cả. Thành thử chúng tôi phát đi phát lại nhiều lần. Có những khung giờ khác nhau. Thí dụ như là 5 giờ sáng chúng tôi đã có rồi. Rồi đến 7 giờ 30 chúng tôi lại phát một lần nữa. Rồi đến 10 giờ chúng tôi lại phát một lần nữa. Chiều chúng tôi lại phát một lần nữa, v.v. Mỗi lần như thế chúng tôi lựa ra những chương trình. Cái quan trọng là bởi vì có những người họ nghe được giờ này, có những người nghe được những giờ khác.

 

Chương trình của Little Saigon Radio bao giờ cũng đặt vấn đề tin tức trước nhất. Little Saigon Radio chúng tôi muốn mở cánh cửa ra cho tất cả mọi người được đón nhận những tin tức. Ngoài những tin tức ở nước Mỹ mà chúng tôi loan báo bằng tiếng Việt thì chúng tôi muốn có những tin tức của những đài phát thanh ngoại quốc mình phải nói là những đài ngoại quốc tế như là RFI, BBC, VOA rồi là RFA, và chúng tôi soạn cái chương trình như vậy. Từ ngày có đài, mình có tin tức của mình. Mỗi đầu giờ chúng tôi có tin tức của chúng tôi, ngoài ra có những tin tức của BBC, của RFI, của VOA thì đều gửi đến quý vị thính giả.

 

*

RFI : Xin Ông cho biết cảm nghĩ cảm nghĩ chung về RFI tiếng Việt với thính giả người Việt tại Mỹ.

 

Ông Nguyễn Hữu Công : Đài RFI cung cấp cho thính giả người Việt tại Hoa Kỳ một cái nhìn khác biệt. Mình bây giờ gọi là đa chiều. RFI có những cái nhìn rất là cấp tiến từ một lục địa già. Nhiều người họ thích ghê lắm. Thực sự thì mọi người nghĩ rằng là như thế này: nước Mỹ là nước mới thành lập, thế nên những quan điểm của họ sẽ rất là phóng khoáng rất là liberal, rất là cấp tiến thế này thế kia. Thế nhưng mà thực ra bây giờ với phong trào dân túy lan rộng trên khắp thế giới, người ta có nhiều cái quan điểm bảo thủ ghê lắm.

 

Trong khi đó thì ở bên Âu Châu, người ta nói là đây là cái lục địa già cỗi bao nhiêu thế kỷ rồi thì đáng lẽ nó phải bảo thủ ghê lắm, nhưng mà lại đưa ra những quan điểm rất là phóng khoáng, những cái nhìn hợp với những đà tiến của nhân loại. Để cho mọi người có những cái nhìn khác nhau. Nhiệm vụ của truyền thông là mình đưa tin rồi thì người nghe , người xem sẽ tự phán xét.

 

Tôi là một người phải để ý tới chương trình từng chữ một, từng tiếng một. Thành thử tôi thú vị với những chương trình của RFI. Đây là ý kiến riêng của tôi thôi. Từ cách dùng chữ, những cái chữ mà lâu lắm tôi không được nghe thì là tôi lại nghe ở đài RFI. Sung sướng lắm ! Cái hay của RFI là như này. Dĩ nhiên là đưa tin, dĩ nhiên là điểm báo..., thế nhưng mà nó nằm sâu ở trong cái chương trình của RFI, nó vẫn có cái tính cách gọi là tính cách văn chương của nước Pháp. Trong tất cả những bản tin, trong tất cả những nhận xét, nhất là những cái nói về văn chương và nói về nhạc, thật tuyệt vời, nó vẫn cứ lẩn khuất những cái lãng mạn văn chương của Tây, nó bàng bạc trong tất cả cái chương trình của RFI. Đó là theo nhận xét của tôi.

 

*

RFI : Đài Little Saigon Radio « tiếp vận » RFI như thế nào ạ ?

 

Ông Nguyễn Hữu Công : Chương trình của quý vị là một tiếng đồng hồ, quý vị chia ra phần này phần kia, có khi là thể thao, có khi là âm nhạc, có khi điểm báo…. Nếu mà chúng tôi có một tiếng thì chúng tôi sẽ phát trọn vẹn một tiếng. Đó là vào lúc từ 5 giờ đến 6 giờ sáng. Khi chúng tôi có 30 phút, thì chúng tôi lại lấy một cái phần chỉ có 30 phút thôi. Quan trọng là mình trải dài ra. Chắc không nói thì Trọng Thành cũng biết là những chương trình phát thanh của mình, mình làm sao mà nó khớp vào được một cái khung giờ chỉ khoảng từ 15 đến 20 phút thôi. Cái khung giờ mà người ta ngồi trên xe không chạy đi đâu được, ngồi trên xe thì phải nghe radio. Hoàn toàn là những cái prime time, những giờ tốt cả.

 

Radio là cái đồng hồ của tất cả mọi người. Thí dụ như 5 giờ sáng, radio đầu giường, bật lên là RFI. Cái giờ đó ngày nào cũng như vậy. Ngày nào cũng như vậy. Rồi đến 7 giờ 45 phút, gạch một cái là RFI. Có những cái khung giờ cố định để mọi người biết đến cái giờ đó là RFI.  Y như những chương trình trên TV vậy. Chúng tôi sắp đặt cái múi giờ đó cho những chương trình của RFI và nhắm vào từng lứa tuổi. Cái giờ 5 đến 6 giờ sớm quá. Mấy ông trẻ tuổi thì còn đang ngáy khò khò đâu có để ý gì cả. Thế nhưng mà các bác lớn tuổi thì nghe đó. Nghe kỹ đó. Thế rồi đến 7 giờ 45 thì có một số quý vị ngồi trên xe đi làm. Rồi đến 10 giờ, đó là một số thính giả khác họ ngồi ở nhà, họ uống cà phê lai rai họ nghe. Và lúc 3 giờ chiều, 3 giờ 15, thì một số người đi làm về họ ngồi trên xe. Tức là mình nhắm vào từng nhóm khán giả khác nhau, các lực lượng thính giả khác nhau. Có những người không bao giờ họ nghe cái bản tin lúc 5 giờ cả. Không bao giờ.

 

*

RFI : Theo Ông, điều gì khiến RFI Việt ngữ gắn bó với thính giả tại Mỹ ?

 

Ông Nguyễn Hữu Công : Theo tôi biết, radio ở trong những gia đình Việt Nam mở suốt ngày. Nhất là những người lớn tuổi thì y như là một người bạn để mà thủ thỉ suốt ngày. Thực ra đài bây giờ đã là đời sống rồi, là một phần của đời sống của những người ở miền Nam California của những người ở Việt Nam sống ở Mỹ rồi. Thử tưởng tượng một cái ngày nào đó nó tắt tiếng thì buồn đến như thế nào. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi yêu quý các bạn cũng như là yêu quý một cái phần đời sống của chúng ta. Tiếng Việt là đời sống của chúng ta. Và chúng ta được trò chuyện, chúng ta đưa những cái tin đó, những cái sinh hoạt đó bằng tiếng Việt thì còn cái gì sướng bằng, phải nói như vậy. Tôi xin nhắc lại với quý vị thính giả chuyện của ông Kim Thánh Thán, nói về những điều sung sướng trong đời. Ông nói một lần buổi sáng thức dậy ra ngoài bến sông. Thấy một người xa quê đã lâu. Thấy một người nói cái tiếng của đất nước mình : ôi sung sướng ! Ông ấy chỉ nghe người nói ở bến sông thôi, mà nghe nói thổ âm của đất nước ông, mà ông cho là một cái tuyệt khoái ở trong đời. Thì bây giờ ngày nào mình cũng được nghe Sài Gòn Little Radio, được nghe RFI thì nỗi sung sướng nó đến như thế nào, cái sự gắn kết đến như thế nào. Xin cảm ơn, xin cảm ơn RFI, xin chúc mừng sinh nhật 35 năm của RFI tiếng Việt. Xin cảm ơn các bạn toàn ban biên tập. Xin cảm ơn.

*

Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc Little Saigon Radio. Xin cảm ơn Little Saigon Radio đã chuyển tiếp chương trình của RFI tiếng Việt đến khán thính giả tại Mỹ.

 

 

 

 


No comments: