Friday, July 11, 2025

CHÂU ÂU CẦN THOÁT KHỎI THẾ BỊ ĐỘNG DO LẬP TRƯỜNG “BẤT NHÂT” CỦA TRUMP VỀ UKRAINA (Trọng Thành – RFI)

 



Châu Âu cần thoát khỏi thế bị động do lập trường « bất nhất » của Trump về Ukraina

 Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 10/07/2025 - 15:01  -  Sửa đổi ngày: 10/07/2025 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250710-ch%C3%A2u-%C3%A2u-c%E1%BA%A7n-tho%C3%A1t-kh%E1%BB%8Fi-th%E1%BA%BF-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%99ng-do-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-b%E1%BA%A5t-nh%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A7a-trump-v%E1%BB%81-ukraina

 

Ngày 02/07/2025, chính quyền Donald Trump bất ngờ thông báo đình chỉ cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraina, với lý do vũ khí dự trữ trong kho còn ít. Quyết định bị nhiều người lên án là phản bội lại cuộc kháng chiến của Ukraina. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, mùng 07/07, Trump tuyên bố sẽ cấp vũ khí giúp Kiev chống xâm lược và lên án Nga khá gay gắt.

 

HÌNH :

Tổng thống Donald Trump (P) gặp tổng thư ký NATO Mark Rutte tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở La Haye, Hà Lan, ngày 25/06/2025. AP - Alex Brandon

 

Giới quan sát lo ngại lập trường « bất nhất » của tổng thống Mỹ đang đẩy nhiều nước châu Âu vào thế chờ đợi, bị động, hy vọng vào sự thay đổi nào đó của nước Mỹ theo chiều hướng có lợi hơn cho châu Âu.

 

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Trump đưa ra một quyết định có hại cho Ukraina như vậy. Vào đầu tháng 03/2025, Washington đã tạm ngưng cung cấp tin tức tình báo đúng vào lúc quân đội Ukraina bị đẩy lùi tại tỉnh Kursk, miền tây nam nước Nga, dẫn đến việc các lực lượng Ukraina phải gánh chịu nhiều thất bại, và bị đẩy lùi khỏi địa bàn chiến lược này. Lần này việc Washington cắt vũ khí lại xảy ra đúng vào lúc quân đội Nga liên tục oanh kích Ukraina bằng tên lửa và drone với quy mô chưa từng có kể từ đầu chiến tranh, và thường dân thường xuyên là mục tiêu tấn công.

 

Việc Mỹ ngừng cấp vũ khí có nguy cơ đẩy Ukraina vào tình thế ngày càng bất lợi. Tuy nhiên, điều được nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý là ngay sau khi ông Donald Trump đột ngột thay đổi thái độ, tại châu Âu và kể cả tại Ukraina, nhiều người lại bắt đầu dấy lên hy vọng rằng rút cuộc tổng thống Mỹ đã hiểu được bản chất của chế độ Putin, tham vọng của Matxcơva dùng cuộc chiến chống lại thường dân Ukraina để buộc Kiev phải đầu hàng.

 

Trong một bài phân tích trên Le Figaro, nhà báo Isabelle Laserre, chuyên về chính trị quốc tế, nhấn mạnh đến « thái độ bất nhất của Trump đang đẩy châu Âu và Ukraina vào tình trạng bất định ». Trong bối cảnh Nga đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn không chỉ với Ukraina mà với cả Liên Âu, việc nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn đặt hy vọng vào Donald Trump tiền hậu bất nhất, và một khi « cơn sóng thần Donald Trump » qua đi, nước Mỹ có thể có được một chính quyền khác, sẽ đối xử tốt hơn với châu Âu, là một tâm thức cực kỳ nguy hiểm.

 

Để thoát khỏi tâm thức chờ đợi thụ động và không để ảo tưởng ru ngủ, cần hiểu rõ tính chất nhất quán đằng sau lập trường có vẻ như « bất nhất » của tổng thống Trump. Ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống thứ 47 của nước Mỹ và các thế lực thân cận theo chủ trương MAGA ( Nước Mỹ trên hết ), vẫn không ủng hộ việc tiếp tục hậu thuẫn Ukraina về quân sự. Với châu Âu, Trump và những người thân cận cũng thường xuyên phát đi thông điệp lên án « sự lợi dụng »« sự ỉ lại » vào nước Mỹ.

 

Ngả về Nga: Lập trường nhất quán của Donald Trump

 

Chính sách của chính quyền Trump về nhiều mặt cũng là sự tiếp nối của các chính quyền tiền nhiệm, đòi các nước châu Âu phải tăng chi cho quốc phòng, để nước Mỹ có thể chuyển hướng sang châu Á, đối phó với đối thủ chính là Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama là người đầu tiên xác lập chính sách « xoay trục sang châu Á », trong lúc tổng thống Joe Biden, vào thời điểm khởi đầu cuộc xâm lăng của Nga, cũng chỉ cung cấp vũ khí nhỏ giọt cho Ukraina.

 

Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn của chính quyền Donald Trump, so với các chính quyền tiền nhiệm, là thái độ ngả về Nga rõ rệt. Tháng 02/2025, tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ đã bỏ phiếu một nghị quyết về chiến tranh Ukraina giống với lập trường của Nga, chống lại các đồng minh phương Tây. Mới đây nhất là vào cuối tháng 6, chính quyền Trump đã có nhiều biện pháp giảm nhẹ trừng phạt Nga, làm sói mòn mặt trận đoàn kết của những nước ủng hộ Ukraina.

 

Nhà báo Isabelle Laserre dự đoán, dưới vỏ bọc của chính sách hậu thuẫn Ukraina, về cơ bản, chính quyền Trump về lâu về dài có xu thế ngả mạnh sang chế độ Putin. Thái độ « quỵ lụy » của nhiều lãnh đạo châu Âu, như tổng thư ký NATO Mark Rutte, hy vọng tổng thống Mỹ thiện chí hơn, đang đặt tương lai châu Âu vào tình trạng nguy hiểm. Trong tình hình hiện tại, các nước châu Âu không thể cứ thụ động hy vọng vào Trump mà phải nỗ lực hướng đến tự chủ về an ninh. Chuyến công du Anh đầu tháng 07/2025 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, siết chặt các hợp tác quốc phòng, đặc biệt về vũ khí hạt nhân, tên lửa, lực lượng tác chiến chung, chính là một nỗ lực căn bản theo hướng này.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - ANH - HỢP TÁC

Anh - Pháp công bố chiến lược răn đe hạt nhân chung nhằm đối phó với Nga

 

 

 

 

 

 



No comments: