Thích Minh Tuệ và ba
đối tượng bị ngăn cản
Bình luận của Nguyễn Hà
Hùng
2024.12.02
“Ma
thì không sợ, chủ yếu là sợ người thôi” là câu trả lời của tu sĩ độc lập Thích
Minh Tuệ trong một lần khất thực. Đêm ngủ ngồi, ngày ăn một bữa chay, chân đất
đi bộ hàng ngàn cây số, không sở hữu tiền bạc… ông khác xa hầu hết tu sĩ của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người
Việt Nam dường như chưa có ai đang sống mà được dân yêu mến, rải hoa chào đón
như Thích Minh Tuệ. Rất nhiều video về ông thu hút nhiều triệu lượt xem. Nhưng
sự kính ngưỡng của dân khiến ông trở thành tâm điểm chú ý của chính quyền.
Kể
từ đó, các biện pháp kiểm soát được triển khai, từ ngăn chặn đoàn người đi
theo, đến chiến dịch tuyên truyền hạ thấp uy tín của ông. Những động thái này đặt
ra câu hỏi: Đâu là lằn ranh giữa tự do tín ngưỡng và quyền lực nhà nước?
Động
thái kiểm soát của nhà nước
Ngày
16/5 Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhận
định Thích
Minh Tuệ không phải tu sĩ phật giáo, nhưng không nêu căn cứ. Cùng ngày, Ban Tôn
giáo Chính phủ (BTGCP) nhắc
lại nhận
định của GHPGVN, yêu cầu "không để xảy ra tình trạng tập trung đông người",
"không để thế lực xấu lợi dụng, xúi giục".
Công
an dựng rào cản và đi kèm ông trên đường. Hạn chế người dân tiếp xúc trực tiếp,
quay phim, chụp ảnh hoặc đi theo ông. Đêm 3/6, ông và khoảng 70 tu sĩ bị bắt,
đưa đi nơi khác không rõ địa chỉ. Cho đến nay họ không thể tập hợp lại thành
đoàn.
Cùng
ngày 3/6, BTGCP nêu Thích Minh
Tuệ tự nguyện dừng đi khất thực và ẩn tu. Công an bắt đầu phạt những người
"thông tin sai lệch". Cùng ngày, các tu sĩ đi theo ông buộc phải ký
giấy tự nguyện dừng bộ hành. Sau đó, một số tu sĩ bị công an ngăn
chặn.
Các
chốt gác được thiết lập, kiểm soát việc tiếp cận ông. Nhiều ngày gia đình
ông không
biết ông ở đâu,
nhiều người dân tìm kiếm ông. Sau đó, ông xuất hiện và ở tại công ty Thiên Định
Tuệ, có bảo vệ canh gác không cho người dân tự do đảnh lễ.
Ngày
18/11, lần thứ hai, báo chí nhà nước nêu ông tự
nguyện dừng khất thực.
Họ đăng cùng tấm hình lá thư nói là do ông viết. Sau đó một tuần, họ đồng loạt
nêu Thích Minh Tuệ muốn đi
bộ đến Ấn Độ,
rồi lại đồng loạt gỡ bỏ tin này mà không giải thích.
Tại
sao chính quyền lo ngại ông? Bởi vì ảnh hưởng của ông quá lớn. Chính quyền
không chấp nhận tổ chức hay cá nhân nào chia sẻ quyền lực. Nó được nêu trong điều
4 Hiến pháp CHXHCNVN. Ngay cả GHPGVN cũng nằm trong cơ cấu của nhà nước.
Nhìn
lại lịch sử cho thấy, chính quyền không thừa nhận và đã đàn áp Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất nhiều năm qua. Chẳng hạn như Hòa thượng Thích Quảng Độ
bị 5 năm tù, 5 năm quản chế; Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị kết án tử hình…
Hành
động kiểm soát nêu trên củng cố thêm cáo buộc của các tổ chức quốc tế về chủ
trương đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam. Gần đây nhất Ngoại trưởng Mỹ
hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo
dõi Đặc biệt (SWL)
do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo.
Chiến
dịch truyền thông
Báo
chí trong nước triển khai một chiến dịch toàn diện nhằm hạ thấp uy tín của ông.
Tất cả loại hình báo chí, mạng xã hội và hệ thống dư luận viên đăng tải nhận
định của
BTGCP, GHPGVN. Họ khẳng định: "rõ
ràng “Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo", nhấn mạnh ông
không phải thần thánh.
Họ
nói người dân là "cuồng
tín", "tôn sùng một cách mù quáng", "ảnh hưởng an
ninh trật tự"; với truyền
thông tự do họ
cáo buộc: "hạ uy tín GHPGVN"; "chống phá chế độ". Họ biện
minh rằng
nhà nước tạo điều kiện để ông bộ hành, song phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe
người dân và "ổn định xã hội." Mặt khác họ kêu gọi đề cao cảnh giác.
Khéo
léo hơn truyền thông nhà nước, bài của một số KOL thừa nhận một phần "giá
trị Thích Minh Tuệ", từ đó nhận định không khách quan, không công bằng với
ông và người dân. Có
bài nhấn
mạnh mâu thuẫn gia đình ông, rồi cảnh báo "tung hô quá mức", không những
mơ hồ, mà còn gián tiếp cho rằng bậc tu chưa cao, tạo ra sự ngờ vực về giá trị
của ông.
Có
bài tấn
công phẩm chất của người dân thay vì tập trung vào vấn đề chính: "Dân tộc
cuồng lãnh tụ là dân tộc dậy thì muộn, hay còn gọi là những đứa bé lớn tuổi."
Lập luận "gọi thầy là Phật sống là làm nhục Phật" tạo cảm giác tội lỗi
trong lòng Phật tử, khiến họ ngần ngại trong việc thể hiện sự ủng hộ Thích Minh
Tuệ.
Kêu
gọi trí thức "không góp mặt trong đám đông" tạo ra tâm lý thờ ơ, dửng
dưng với những vấn đề xã hội,. Đề nghị "trầm tĩnh hơn" là chuyển hướng,
làm chậm lại, tạo ra sự thiếu quyết đoán. Những bài này có nhiều điểm trùng khớp
với chiến dịch nêu trên, bất luận có tham gia vào đó hay không.
Thường
xuyên trích dẫn nhận định của GHPGVN, nhưng lờ đi tuyên bố thiếu căn cứ của tổ
chức này về Thích Minh Tuệ cho thấy đây là một chiến dịch tuyên truyền. Việc
không giải thích sự "mất tích" của ông và những người khác vào đêm
3/6, không nêu ý kiến của họ về sự kiện này càng cho thấy tính chất không khách
quan của báo chí Việt Nam.
Ba
đối tượng bị ngăn cản
Quan
sát các động thái kiểm soát có hệ thống của nhà nước và chiến dịch truyền thông
nêu trên cho thấy có ít nhất ba đối tượng chịu sự ngăn cản. Đó là tu sĩ độc lập
Thích Minh Tuệ, người dân Việt Nam và sự phát triển quốc gia.
Đối
với Thích Minh Tuệ: Nhiều biện pháp giám sát mạnh nhất đã được thực hiện như bắt
cóc, giải tán "tăng đoàn", thiết lập chốt gác và lập hàng rào. Phương
thức kết nối với ông bị kiểm soát hoàn toàn, tới mức có những khoảng thời gian
không thể biết ông ở đâu.
Phát
ngôn của ông, ban đầu chỉ được xuất bản trên truyền thông nhà nước, sau đó qua
danh khoản của một vài cá nhân. Không rõ vì sao họ được phép tiếp cận ông.
Nhưng kỹ thuật này không mới. Tin mật của đảng vẫn rò rỉ theo cách tương tự nhiều
năm nay.
Đối
với người dân: Chính quyền ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do biểu
đạt của họ. Nhiều người bị công an phạt với lý do là đưa tin sai sự thật. Đổ lỗi
cho dân gây mất an ninh, trật tự, trong khi trách nhiệm của chính quyền là giữ
trật tự cho dân.
Hơn
nữa, chính quyền cần học tập các nước dân chủ, dân có quyền sử dụng đường xá để
tập hợp cùng nhau biểu thị tình cảm, tư tưởng, yêu cầu của mình. Quyền lợi của
dân là trên hết, tắc đường không phải là vấn đề trong hoàn cảnh này.
Đối
với sự phát triển quốc gia: Dùng quyền lực nhà nước để kiểm soát tất cả, nhân
danh giữ an ninh, trật tự để tước đoạt quyền tự do cơ bản của dân không phải là
cách làm của một chính quyền vì dân.
Hơn
nữa, chỉ trích người dân tôn sùng cá nhân là kém cỏi, thì khuyến khích họ phủ
nhận giá trị cá nhân là phản giáo dục. Tương tự, nếu tôn sùng cá nhân là biểu
hiện của một xã hội phát triển thấp thì phủ nhận giá trị cá nhân là không khuyến
khích đất nước phát triển.
Nếu
quyền lực của chính quyền được phép lấn át quyền tự do tín ngưỡng của dân thì
có lợi cho ai? Sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ đã tô đậm câu hỏi này trong quan
hệ giữa nhà nước và tôn giáo ở Việt Nam.
Cách
thức kiểm soát và tuyên truyền không những làm xói mòn phẩm giá một cá nhân mà
còn có thể tước đoạt quyền của mọi người dân. Điều này đặt ra câu hỏi cho chúng
ta: Làm thế nào để có một chính quyền biết lắng nghe và phụng sự nhân dân?
Hiện
tượng Thích Minh Tuệ nhắc ta rằng tự do tôn giáo và tín ngưỡng không chỉ là quyền
của bất cứ cá nhân nào, mà còn là giá trị cốt lõi của một xã hội phát triển.
Đây là một trong những "điểm nghẽn của điểm nghẽn" chính quyền cần
thay đổi.
No comments:
Post a Comment