Tuesday, December 10, 2024

NGƯỜI DÂN Ở ĐÂU TRONG "KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC"? (Diễm Thi / RFA)

 



Người dân ở đâu trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”?

Diễm Thi  |  RFA
2024.12.10

 https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ky-nguyen-vuon-minh-nguoi-dan-to-lam-12102024125237.html

 

“Đẩy thuyền cũng là dân; lật thuyền cũng là dân” là tư tưởng của Danh nhân Nguyễn Trãi khi nói về vai trò của Nhân dân đối với sự thịnh suy của vận nước từ thế kỷ thứ 15.

 

 

Đất nước lại một lần chuyển biến

 

Năm 1986, đất nước thống nhất đã 10 năm nhưng nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa lộ rõ sự thất bại, nền kinh tế kiệt quệ dẫn tới đời sống của người dân trở nên khốn đốn. Chính sách xóa bỏ tư hữu khiến người dân không ai muốn làm ăn, buôn bán nữa.

 

“Tôi mở quán ăn từ năm 1985 đến 1989. Dù vốn liếng của tôi, tay nghề của tôi, nhân công là gia đình tôi nhưng quán ăn là của phường với bảng hiệu là Cửa Hàng Ăn Uống dưới sự quản lý của một cửa hàng trưởng là người của phường. Bán được bao nhiêu tiền phải nộp hết cho phường. Sau đó họ “phát lương” lại cho gia đình tôi. Thật là bất công. Tôi uất nghẹn và đóng cửa sau 4 năm kinh doanh”. Bà Đức, một người dân Sài Gòn, thuật lại với RFA về hoàn cảnh lúc bấy giờ.

 

Trước Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thừa nhận rằng, trong mười năm (1975-1985) Đảng và Nhà nước đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế; sai lầm trong các giải pháp cụ thể về định mức giá và quản lý giá, về đổi tiền; sai lầm nghiêm trọng cả trong lĩnh vực phân phối, lưu thông.

 

Dàn lãnh đạo thời điểm đó nhận ra phải xóa sổ chính sách kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa để cứu vãn nền kinh tế. Tuy vậy, dù có thay đổi thì người dân vẫn là giới chịu tác động lớn nhất.

 

 

Dân ở đâu trong kỷ nguyên mới?

 

Những năm sau này, trước mỗi kỳ đại hội Đảng, “Nhân dân” lại được Đảng nhắc đến với những từ ngữ quen thuộc như “phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc”; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”.

 

Tháng 9 năm 2024, tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương có bài viết liệt kê hàng loạt mỹ từ “xác định nhân dân là trung tâm trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”, cho dù trong mối quan hệ chỉ có hai chủ thể thì không thể có ai là trung tâm cả.

 

Bài viết dẫn văn kiện Đại hội 13 rằng trong mọi quyết sách và mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn “lấy Nhân dân làm trung tâm”, phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân”, “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Gần 95 năm qua, Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Kỷ nguyên thứ nhất được gọi là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975). Kỷ nguyên thứ hai được gọi là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025). Và bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba được Tô Lâm gọi là “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với thời điểm khởi đầu là Đại hội lần thứ 14 của Đảng đầu năm 2026.

 

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Kỷ nguyên mới yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam. Nhưng, tất cả đều phải tuân theo sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

 

“Toàn Dân đóng góp rất nhiều, phản biện rất nhiều. Những góp ý mang tính chất xây dựng để đảng điều chỉnh đường lối sao cho ích nước lợi dân, để Đảng hiểu những sai lầm mà Đảng thực hiện từ xưa đến nay thì lại bị coi là “những luận điệu chống phá”. Vì thế dân rất ngại đóng góp, rất sợ đóng góp. Dân không biết thế nào mới vừa lòng Đảng và Nhà nước cả!” - Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ky-nguyen-vuon-minh-nguoi-dan-to-lam-12102024125237.html/000_hkg243713.jpg/@@images/b5383b7a-eff0-43b2-ba41-2110848733b7.jpeg

Một du khách nhìn vào hình mẫu một cửa hàng thực phẩm tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, cho thấy người Việt Nam xếp hàng mua gạo như thế nào trong nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa thời 1975-1986. AFP

 

Thực tế cho thấy, những người dám cất lên tiếng nói, nêu ra những quan điểm liên quan đến chống tham nhũng, tranh chấp đất đai hay đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, lại thường đối diện với nguy cơ bị ghép vào các tội như “tội xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, hay “tội tuyên truyền chống phá”. Ngoài ra, mới đây, trong khuôn khổ một hội nghị của Bộ thông tin và Truyền thông, chính quyền Việt Nam tiết lộ đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google, và TikTok kiểm duyệt hơn 15.000 nội dung bị cho là “chống phá đảng, nhà nước”. Theo đó, trong năm qua Facebook đã kiểm duyệt gần 9.000 nội dung, Google kiểm duyệt hơn 6.000 nội dung, Tiktok kiểm duyệt gần 1.000 video.

 

Nhà nước kiểm duyệt ngặt nghèo sự phản biện của người dân dù Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu sự giám sát của Nhân dân.

 

So với Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, Hiến pháp năm 2013 được coi có một bước tiến khi bổ sung phương thức Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

 

Tuy vậy, Đảng và Nhà nước chưa từng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nào về một vấn đề lớn hoặc một dự án lớn có ảnh hưởng đến xã hội, đến người dân.

 

Có thể nói "Quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước" được quy định trong Hiến pháp 2013 mới chỉ nằm trên giấy, Nhân dân vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Do đó, thật khó để thấy chỗ đứng của người dân Việt Nam, hay nói cách khác là dân tộc Việt Nam, trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Tô Lâm khởi xướng.

 

 

Bổn cũ soạn lại

 

Tháng 8 năm 2024, khi vừa nhận chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã yêu cầu thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau 40 năm đổi mới (1986-2026).

 

Ba tháng sau, trong buổi trao đổi chuyên đề với Học viện Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh để mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

 

---------------

Người dân kêu gọi Đổi Mới lần hai để khai thông "điểm nghẽn thể chế"

Đại hội XIV: Khởi điểm lịch sử mới sau 40 năm đổi mới?

Tân Tổng bí thư Tô Lâm – “Kỷ nguyên mới” có gì mới?

--------------

 

Theo ông Tô Lâm, đây là cơ hội để ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước. Làm sao để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Cách nói của Tô Lâm cho thấy ông đề cao vai trò của Nhân dân trong việc xây dựng đất nước theo tư tưởng “Lấy dân làm gốc” mà Đảng và Nhà nước vẫn luôn tuyên truyền từ thập niên 90.

 

Tuy vậy, theo Nhà báo độc lập Nam Việt ở Sài Gòn, lý luận của những người cộng sản bao giờ cũng thích sử dụng "nhân dân" và "dân tộc" làm nền cho các tuyên bố. Nhưng thực ra là để “làm đẹp câu từ cho sự mị dân” của những nhà lãnh đạo, không khác gì khẩu hiệu  quen thuộc "Nhân dân làm chủ".

 

Dĩ nhiên "Nhân dân" ở đây theo ý của Tô Lâm và Đảng Cộng sản, ắt là những người Việt Nam thuần phục Đảng Cộng sản, và sẵn sàng lắng nghe, tin những giải bày ngớ ngẩn về các dự án và sai lầm của họ trong lãnh đạo trong suốt nửa thế kỷ này, kể từ khi thống nhất địa lý. Còn Nhân dân với ý thức độc lập, dân tộc, và trách nhiệm với tổ quốc, thì rõ khó có thể nằm trong tầm nhìn của đảng độc tài”, nhà báo Nam Việt nhận định.

 

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn thì cho chính sách mới của Tô Lâm có “dân tộc Việt Nam” trong đó khá hấp dẫn với dân, nhưng hầu như chỉ mang tính chất mị dân và tuyên truyền để củng cố vị trí của ông ta trước thềm Đại hội 14. Nhà báo này lý giải, Tô Lâm nói đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc từ tháng 8 năm 2024, nhưng đến ngày 25 tháng 11 ông vẫn bị Công an Hà Nội đi cùng công an Quận Hoàng Mai đến nhà ông lập biên bản răn đe không được tiếp tục trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do nữa.

 

Nếu ông Tô Lâm muốn thực tâm cải cách thề chế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới thì phải có cái độc tài toàn trị đi. Đó là chìa khóa vạn năng”, ông Nguyễn Khắc Toàn kết luận ngắn gọn.

 

 







No comments: