Ba khả năng trong
tương lai cho cục diện chính trị ở Syria
Dương Ngọc Long | Guancha
Lê Thị
Thanh Loan, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/12/17/ba-kha-nang-trong-tuong-lai-cho-cuc-dien-chinh-tri-o-syria/
Kể
từ ngày 27/11/2024, dưới khẩu hiệu hoạt động quân sự “Răn đe xâm lược”, liên
minh vũ trang chống chính phủ do Hayʼat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh
đạo đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm
vào lực lượng chính phủ Syria và đạt được thành quả to lớn chỉ trong hơn 10
ngày. Vào ngày 8/12, tổng thống khi đó là Bashar al-Assad đã tuyên bố từ chức
và tới Moscow (Nga) để tị nạn chính trị. Điều này đã chấm dứt nửa thế kỷ cai trị
của gia tộc Assad ở Syria.
Theo
thông tin mới nhất, truyền thông Syria đưa tin vào ngày 10, chính phủ chuyển tiếp
với Mohammed al-Bashir của “Chính phủ Cứu quốc Syria” làm thủ tướng tạm quyền,
đã chính thức lên nắm quyền ở Syria vào cùng ngày.
VIDEO
:
Ba khả năng
trong tương lai cho cục diện chính trị ở Syria
https://www.youtube.com/watch?v=OEQ8F3iiBxg
Khó
thay đổi vai trò của HTS
Hayʼat Tahrir al-Sham
(HTS) là động lực chính gây ra vòng xung đột mới ở Syria. Tiền thân
của lực lượng cực đoan này là chi nhánh ở Syria của “Al Qaeda”. Được thành lập
sau khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ vào năm 2011, HTS từng lấy tên “Mặt trận
Al-Nusra” và “Jabhat Fateh al-Sham”, thủ lĩnh Abu Mohammad al-Jolani của nó từng
công khai cam kết trung thành với thủ lĩnh của Al Qaeda lúc bấy giờ là Ayman
al-Zawahiri. Lực lượng cực đoan HTS sở hữu khả năng thích ứng với địa phương và
đặc trưng của chủ nghĩa thực dụng tương đối mạnh mẽ.
Để
tránh các cuộc tấn công chống khủng bố quốc tế của các nước trong khu vực và cộng
đồng quốc tế, lực lượng cực đoan này đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Al Qaeda
sau năm 2016, đồng thời tuyên bố với thế giới bên ngoài rằng mình thực hiện một
chế độ cai trị theo chủ nghĩa Hồi giáo “ôn hòa”. Tuy nhiên, nhìn từ lịch sử cai
trị của tổ chức này ở Tây Bắc Syria, mặc dù vẫn chưa thực hiện các chính sách
xã hội khắt khe theo chủ nghĩa cơ yếu, nhưng tổ chức này vẫn áp dụng những biện
pháp trừng phạt rất cứng rắn đối với các lực lượng đối lập. Cái gọi là sự ôn
hòa được đặc trưng bởi các chiến lược tuyên truyền và quảng bá hình ảnh ra bên
ngoài tương đối mạnh mẽ, trong khi mô hình quản trị nội bộ của nó thì mang đậm
tính chuyên quyền và màu sắc Hồi giáo.
Trước
hết, HTS là một tổ chức tôn giáo cực đoan với hệ tư tưởng “chủ nghĩa thánh chiến”
chính trị. Dưới ngọn cờ của mình, nó đã che chở cho một số băng nhóm tôn giáo cực
đoan và các tổ chức khủng bố quốc tế được cộng đồng quốc tế công nhận. Hệ tư tưởng
chính trị của lực lượng cực đoan HTS xuất phát từ hệ tư tưởng cực đoan của
“thánh chiến Salafi”.
Tuy
nhiên, so với các tổ chức cực đoan toàn cầu hóa hay các lực lượng khủng bố quốc
tế như Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS, HTS không có yêu cầu chính trị và mục
tiêu thực tế đối với “thánh chiến” trên toàn cầu, mà tập trung vào việc mở rộng
ảnh hưởng chính trị, tôn giáo và quân sự trong nội bộ Syria. Kể từ năm 2017,
Julani đã lãnh đạo tổ chức cực đoan này dần làm nhạt bớt màu sắc “chủ nghĩa
thánh chiến” tôn giáo, củng cố hệ tư tưởng “chủ nghĩa thánh chiến” chính trị và
tập trung thực hiện sự cai trị chính trị ở vùng Idlib phía Tây Bắc Syria.
Nhìn
chung, sau nhiều năm phát triển hệ thống tổ chức, làm mới hệ tư tưởng và trao đổi
ngoại giao thực chất, HTS đã dần làm nhạt bớt màu sắc cực đoan tôn giáo của
mình, đồng thời sử dụng chủ nghĩa thực dụng để theo đuổi lợi ích tổ chức và kiểm
soát lãnh thổ, nhằm tránh kích động các phong trào đối lập chống lại sự cai trị
của nó, về đối ngoại thì “tẩy trắng” cho màu sắc cực đoan tôn giáo của mình và
cố gắng tránh khỏi các cuộc tấn công chống khủng bố của cộng đồng quốc tế và
các nước trong khu vực.
Tuy
nhiên, tầng lớp lãnh đạo của HTS vẫn có nền tảng tổ chức và xu hướng mang tính
“thánh chiến”, các chính sách và quan điểm ôn hòa hiện đang được thể hiện với
thế giới bên ngoài có thể là một hành vi chiến lược và nền tảng hệ tư tưởng
mang màu sắc chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có thể vẫn chưa nảy sinh sự thay đổi
mang tính thực chất. Lớp áo ôn hòa ở bề ngoài nhiều khả năng là một chiến lược
thích ứng, hơn là một sự cải tổ mang tính căn bản.
Thứ
hai, trong suốt 7 năm ẩn nấp ở Idlib, nhóm vũ trang HTS dần hợp nhất và hình
thành một hệ thống liên minh quân sự với năng lực thực chiến được hiện đại hóa.
Với sự hỗ trợ từ bên ngoài, phe này đã có được rất nhiều trang bị chiến đấu hạng
trung và hạng nặng, ngoài ra còn sở hữu máy bay chiến đấu không người lái cùng
nhiều lý thuyết và năng lực tác chiến được thực tế hóa khác.
Kể
từ năm 2017, nhóm cực đoan HTS tiếp tục mở rộng quy mô lực lượng vũ trang quân
sự và hiện có ít nhất 30.000 quân. Đồng thời, lực lượng cực đoan này cũng nỗ lực
hợp nhất các phe phái vũ trang thế tục hoặc tôn giáo chống chính phủ ở Tây Bắc
Syria, xây dựng một hệ thống ô dù bao gồm các hệ thống quân sự vũ trang chống
chính phủ với “Bộ Quản lý Hoạt động Quân sự” làm nòng cốt, và tăng cường sự phối
hợp giữa các phe phái vũ trang.
Hệ
thống này bao gồm các phe phái vũ trang như “Mặt trận Giải phóng Quốc gia”
(National Front for Liberation), “Phong trào Hồi giáo Ahrar al-Sham”, “Jaish
al-Izza”, “Phong trào Nour al-Din al-Zenki” và chi nhánh Syria của “Phong trào
Hồi giáo Đông Turkestan”. Ngoài ra, HTS còn tích cực hợp tác với các phe phái
vũ trang liên quan của “Quân đội Quốc gia Syria” (SNA, tiền thân là Quân đội
Syria Tự do) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, để cùng thực hiện phối hợp quân sự ở
Tây Bắc Syria và để cùng tấn công, đáp trả lực lượng chính phủ Syria và lực lượng
vũ trang người Kurd Syria. Lần này, HTS đã phát động kế hoạch quân sự mang tên
“Chiến dịch Răn đe xâm lược”. Các phe phái vũ trang khác trong liên minh đã
tích cực tham gia vào hoạt động này, bao gồm cả các chiến binh từ chi nhánh
Syria của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đã tích cực tham gia vào các hoạt
động quân sự tấn công quan trọng, trong đó có cuộc tấn công Aleppo.
Về
trang bị quân sự, HTS sở hữu một lượng vũ khí tấn công hạng trung và hạng nặng
nhất định. Trong hoạt động quân sự “răn đe xâm lược” này, lực lượng cực đoan
này đã tận dụng tối đa các phương thức chiến đấu bằng máy bay không người lái để
phát động các hoạt động tiêu diệt có chủ đích nhằm vào lực lượng vũ trang, cũng
như các quan chức quân đội và an ninh của chính phủ Syria. HTS nắm giữ các loại
vũ khí và trang bị hạng trung hoặc hạng nặng như tên lửa chống tăng dẫn đường tự
động, lựu đạn tên lửa, súng phóng tên lửa và xe tăng.
Thứ
ba, HTS không phải là một lực lượng tôn giáo cực đoan hay nhóm vũ trang theo
nghĩa thông thường, mà đã thiết lập một hệ thống quản trị địa phương với “Chính
phủ Cứu quốc Syria” làm nòng cốt ở khu vực Idlib. Dưới sự lãnh đạo của “Chính
phủ Cứu quốc Syria”, nhiều ủy ban hành chính trực thuộc đã thực thi chức năng
quản lý địa phương và thực hiện chức năng quản lý trong các lĩnh vực hành
chính, tư pháp, kinh tế, tài chính và thuế, giáo dục, văn hóa, nhân đạo và các
lĩnh vực khác.
Do
đó, lực lượng cực đoan HTS đã hoàn thành tính siêu việt chính trị của “tổ chức
thánh chiến” truyền thống, thiết lập một hệ thống quản trị địa phương tương đối
hoàn chỉnh và có hệ thống, đồng thời thu được nguồn thuế thông qua chính quyền
tự trị địa phương, nhằm hỗ trợ hoạt động của các cơ quan hành chính và chi tiêu
quân sự, cũng như thực thi sự cai trị lâu dài đối với hàng triệu công dân ở khu
vực Idlib.
Sau
khi thực hiện chiến dịch quân sự này, khi HTS dần tiếp quản các thành phố quan
trọng về mặt chiến lược như Aleppo, Hama, Homs và Damascus, hệ thống quản lý địa
phương của nó cũng dần được triển khai tại các thành phố do lực lượng của chính
phủ cũ kiểm soát này, qua đó phát huy chức năng quản lý đô thị, phát lương thực
cứu trợ cho người dân, thực hiện việc quản lý và giữ gìn an ninh trật tự đô thị.
Do
đó, HTS đang sử dụng kinh nghiệm cai trị được hình thành từ thực tiễn tự trị ở
địa phương để triển khai rộng rãi tại các khu vực thuộc sự kiểm soát của chính
phủ cũ, tăng cường sự hợp nhất trong quản lý hành chính và phát huy chức năng
quản trị của chính phủ. Vào ngày 9/12, tổ chức này đã chính thức mở rộng các hoạt
động quản trị địa phương thành mô hình thể chế của chính phủ lâm thời Syria và
tuyên bố thành lập tiến trình chuyển tiếp lâm thời “Chính phủ Cứu quốc Syria”.
Trên thực tế, đây là một bản sao của bộ khung thể chế và hệ thống quản trị địa
phương của tổ chức này ở vùng Idlib.
Cuối
cùng, có một mối quan hệ hợp tác mang tính thực dụng giữa HTS và Thổ Nhĩ Kỳ,
nhưng đó không phải là một cấu trúc quan hệ dạng đại lý-ủy thác mang tính chỉ đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực và mong muốn can thiệp tương đối mạnh mẽ vào vấn đề
Idlib ở Syria, đồng thời là lực lượng chủ chốt trong việc hình thành vùng giảm
leo thang Idlib. Kết quả là Nga, Syria và Iran đã không thể loại bỏ lực lượng đối
lập ở Syria một cách hiệu quả và kịp thời, qua đó tạo ra tiền đề quan trọng cho
cục diện chính trị hiện nay.
Nhìn
chung, trong suốt 7 năm ẩn nấp ở Tây Bắc Syria, lực lượng này đã dần hợp nhất với
các phe phái vũ trang chống chính phủ khác. Quá trình này phần nào đó nhận được
sự chấp thuận ngầm và hậu thuẫn từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa
vào SNA để thực hiện chiến lược vùng đệm ở Tây Bắc Syria và tích cực hỗ trợ để
HTS tăng cường tái thiết hệ thống tổ chức. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập
một khu vực Idlib ổn định, hợp tác và có trật tự.
Vì
vậy, dưới sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, HTS đã bắt tay với một số phe phái của
SNA để cùng duy trì mối quan hệ ổn định và sự hợp tác mong manh của hệ thống vũ
trang phe đối lập ở Syria. Do vậy, thế giới bên ngoài không nên đánh giá quá
cao tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với HTS. Hợp tác giữa hai bên dựa trên các
mục tiêu và lợi ích chung, chứ không phải là một mối quan hệ đại lý-ủy thác
mang tính chỉ đạo. Với sự trỗi dậy nhanh chóng của HTS, khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ
trong việc tạo ảnh hưởng để duy trì sự hợp tác theo dạng giao dịch giữa hai bên
phụ thuộc vào mức độ tương thích và trùng lặp về lợi ích và mục tiêu chung giữa
nước này và HTS.
Vì
sao lần này chính quyền Assad lại sụp đổ nhanh đến vậy?
Các
phe phái vũ trang chống chính phủ mà tiêu biểu là HTS đã lật đổ chính quyền
Assad với một tốc độ đáng kinh ngạc và hình thành nên cục diện chính trị mới ở
Syria. Đây là một kết quả mà thế giới bên ngoài không thể ngờ tới, nhưng có thể
tiến hành phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi chế độ nhanh chóng ở Syria
từ ba khía cạnh.
Thứ
nhất, ba trụ cột bên ngoài mà chính quyền Assad dựa vào để duy trì sự cai trị của
mình đã trở nên kém hiệu quả trong tình hình địa chính trị quốc tế và khu vực,
dẫn đến sự mất cân bằng nhanh chóng trong cán cân quyền lực giữa lực lượng
chính phủ Syria và các lực lượng vũ trang chống chính phủ.
Trên
thực tế, kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng nổ vào năm 2011, lực lượng chính
phủ Syria đã rơi vào thế bất lợi trên chiến trường trong các cuộc xung đột vũ
trang với nhiều phe nhóm đối lập khác nhau. Khoảng năm 2015, chính quyền Assad
đã cận kề hiểm nguy và chỉ sự can thiệp quân sự của ba bên Nga, Iran và
Hezbollah của Lebanon mới đảm bảo được việc chính quyền Assad đã xoay chuyển
tình thế, dần chuyển từ thế bất lợi sang thế chủ động trên chiến trường, rồi đẩy
toàn bộ lực lượng vũ trang đối lập đến Idlib và các khu vực khác ở Tây Bắc
Syria.
Vì
vậy, sự ủng hộ mạnh mẽ đến từ hỗ trợ quân sự của ba bên này là nguyên nhân
chính giúp chính quyền Assad có thể duy trì ở Syria. Tuy nhiên, do ảnh hưởng
chung của cuộc xung đột Nga-Ukraine và vòng chiến tranh mới ở Trung Đông, Nga,
Iran và Hezbollah của Lebanon phải đối mặt với những hạn chế tương ứng và không
thể nhanh chóng cung cấp sự hỗ trợ quân sự hiệu quả cho chính quyền Assad. Kết
quả là quân chính phủ Syria đã hoàn toàn sụp đổ trong cuộc xung đột lần này.
Thứ
hai, Syria từ lâu đã phải chịu các lệnh trừng phạt tập thể của các nước phương
Tây như Mỹ và Liên minh châu Âu, sự bức ép về kinh tế đã khiến việc tái thiết nền
kinh tế của Syria trở nên khó khăn.
Việc
nền kinh tế bị bóp nghẹt khiến chính quyền Assad phục hồi một cách yếu ớt trên
các lĩnh vực như kinh tế, quân sự và xã hội, sức mạnh quốc gia ở vào mức suy
vi. Sau khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ, do mục tiêu thay đổi chính quyền
không thành công, Mỹ chuyển sang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với
Syria theo “Đạo luật Caesar” với cái cớ là bảo vệ dân thường, khiến không gian
sinh tồn cho quá trình tái thiết kinh tế của Syria bị bót nghẹt.
Kể
từ năm 2018, tình hình chiến sự trong nước ở Syria về cơ bản đã bị đóng băng. Với
việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thiết lập cơ chế Astana nhằm làm giảm leo thang
xung đột trên toàn quốc, Syria dường như đã nghênh đón cơ hội tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ mà Mỹ áp đặt, công cuộc tái
thiết nền kinh tế của Syria đã rơi vào trạng thái đình trệ, kinh tế, xã hội và
sinh kế của người dân giảm sút nghiêm trọng. Syria đã bỏ lỡ một giai đoạn quan
trọng của cơ hội quốc gia. Do các lệnh trừng phạt và kiềm tỏa kinh tế của Mỹ, nền
tài chính quốc gia của Syria rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, dẫn đến sự
suy giảm dần về trang bị quân sự, nhân sự và nhuệ khí của lực lượng chính phủ
Syria, đồng thời lòng quân và lòng dân đều giảm sút.
Sau
khi vòng xung đột mới này nổ ra, lực lượng chính phủ Syria không có chút quyết
tâm và sức lực chiến đấu nào trên chiến trường, chiến trường trực diện lập tức
sụp đổ ngay khi vừa chạm trán. Quyền tài phán dài hạn của các biện pháp trừng
phạt kinh tế kiểu Mỹ đã phá hủy tiềm năng tái thiết quốc gia và xây dựng quân sự
của Syria.
Thứ
ba, chính quyền Assad đã mắc nhiều sai lầm chiến lược về chính trị và ngoại
giao.
Chính
quyền Assad đã không thực hiện hiệu quả việc hòa giải chính trị trên toàn quốc
trong thời kỳ có được cơ hội tái thiết đất nước, không nắm bắt được cơ hội bình
thường hóa ngoại giao với các nước thù địch như Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó đã bỏ lỡ cơ
hội tiềm tàng để loại bỏ mối đe dọa từ các thế lực thù địch. Về mặt tái thiết
chính trị, chính quyền Assad đã không tận dụng tốt các cơ hội hòa giải chính trị
trên toàn quốc mà các nền tảng điều phối như cơ chế Geneva và cơ chế Astana
mang lại, và trên thực tế vẫn đang trong tình trạng đối đầu quân sự với các lực
lượng vũ trang đối lập.
Vì
vậy, vấn đề Idlib đã phát triển thành giọt nước tràn ly khiến chính quyền Assad
sụp đổ.
Thực
tế đã chứng minh rằng, nếu trong thời kỳ chiếm ưu thế về quân sự, chính quyền
Assad có thể kịp thời thúc đẩy quá trình hòa giải chính trị trên toàn quốc và
loại bỏ ý chí chính trị trong cuộc kháng chiến vũ trang của phe đối lập, thì có
thể làm giảm các mối đe dọa tiềm ẩn về an ninh mà mình phải đối mặt. Về quan hệ
đối ngoại, mặc dù đã bình thường hóa quan hệ với thế giới Ả Rập trong hai năm
qua, nhưng Syria vẫn chưa nắm bắt được cơ hội để đạt được sự hòa giải ngoại
giao với kẻ địch lâu năm quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, xung đột giữa Syria
và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn khó lòng hòa giải. Đây là một sự thiếu khôn ngoan về mặt
ngoại giao của chính phủ Syria.
Sau
sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Assad, Syria hiện đang bị đặt vào một
tình thế phức tạp mà trong đó có ba bên cùng tồn tại:
Đầu
tiên là liên minh ô dù của các lực lượng vũ trang chống chính phủ với cơ cấu nội
bộ lỏng lẻo, lực lượng nòng cốt của phe này là HTS.
Thứ
hai là SNA, một hệ thống bao gồm các phe phái lực lượng vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng này xuất phát từ “Quân đội Syria Tự do” được thành lập trong giai đoạn
đầu của cuộc nội chiến Syria, chủ yếu dựa vào sự hậu thuẫn công khai của Thổ
Nhĩ Kỳ, địa bàn nằm tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria.
Thứ
ba là lực lượng vũ trang người Kurd Syria dưới danh nghĩa “Liên minh Dân chủ
Syria” (SDF). Tổ chức cốt lõi của phe này là Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd
Syria, dựa vào sự hỗ trợ quân sự lâu dài từ Mỹ để thúc đẩy quyền tự trị địa
phương ở miền Trung và miền Đông Syria.
Trong
tình hình mới phức tạp với sự cùng tồn tại của ba lực lượng trên, Syria đang
nhanh chóng bước vào một giai đoạn mới của quá trình tái thiết bản đồ chính trị
và cuộc xung đột giữa các nước lớn. Triển vọng phát triển của tình hình chính
trị và an ninh ở Syria hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự sụp đổ nhanh chóng của
chính quyền Assad không phải là tín hiệu chính trị cho thấy cuộc xung đột ở
Syria đã kết thúc, mà nhiều khả năng là điểm khởi đầu mới cho một vòng xung đột
tiếp theo và cú sốc địa chính trị mới ở Syria. Cộng đồng quốc tế và các nước
trong khu vực sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới trong tiến trình
thay đổi ở Syria. Những vấn đề như tái thiết chính trị và chuyển giao suôn sẻ,
sức lan tỏa của rủi ro an ninh và khủng hoảng nhân đạo ở Syria sẽ là điểm then
chốt trong việc quan sát xu thế của vấn đề Syria trong thời gian tới.
Ba
khả năng cho hướng đi trong tương lai
Cuối
cùng, hướng đi tổng thể của cục diện ở Syria tồn tại ba khả năng cơ bản.
Khả
năng đầu tiên là HTS và các phe phái vũ trang chống chính phủ khác sẽ thành lập
một chính phủ mang tính dung nạp, nhằm đạt được sự chuyển giao và chuyển tiếp
chính trị ổn định ở Syria. Đây là kết quả được mong đợi, vì nó phù hợp với lợi
ích chung của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng.
Hiện
tại, mặc dù tổ chức này đã tuyên bố thành lập Chính phủ Cứu quốc Syria, nhưng
việc liệu chính phủ lâm thời này có mang tính dung nạp hay không mới là chìa
khóa cho tính chính danh quốc tế của tổ chức này và khả năng duy trì sự ổn định
của cục diện chính trị trong nước. Bởi vì SNA cũng đã thành lập Chính phủ lâm
thời Syria ở miền Bắc Syria, trong khi lực lượng vũ trang người Kurd Syria thì
thành lập Lực lượng Dân chủ Syria ở khu vực phía Đông.
Do
đó, chìa khóa để đạt được hòa bình và ổn định ở Syria nằm ở việc liệu ba thực
thể chính trị khác nhau này có thể hoàn tất việc nhất thể hóa và hình thành một
hệ thống dung nạp được mọi phe phái chính trị, tôn giáo, giáo phái và các nhóm
dân tộc khác nhau hay không. Trước mắt, HTS có lẽ sẽ tìm kiếm vai trò chủ đạo nền
chính trị Syria, đồng thời tồn tại nhiều khác biệt và xung đột lợi ích trong việc
hợp tác với hai phe phái chính trị và quân sự lớn còn lại. Những kỳ vọng của
bên ngoài về tiến trình chính trị mang tính dung nạp này nhiều khả năng sẽ đổ bể.
Khả
năng thứ hai là HTS và SNA sẽ bắt tay nhau cùng tiến về phía Đông và làm nổ ra
một đợt xung đột quy mô lớn mới với lực lượng vũ trang người Kurd Syria. Đây là
rủi ro tiềm tàng nguy hiểm nhất trong diễn biến của vấn đề Syria, mà có thể sẽ
dẫn tới rủi ro an ninh nghiêm trọng mang tính lan tỏa và khiến cuộc khủng hoảng
nhân đạo lan rộng trở lại. SNA hiện đang thực hiện cái gọi là “chiến dịch Bình
minh Tự do” để phát động các cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang người
Kurd ở Manbij và các hướng khác. Xu thế này nhận được sự ủng hộ và công nhận rõ
ràng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng
thời, do tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hỗ trợ cho người dân tại các khu vực
mới bị chiếm đóng mà HTS và SNA hiện đang kiểm soát, thêm vào đó, kinh tế xã hội
địa phương ở Syria đã gần như sụp đổ trước đợt xung đột này, vậy nên việc sản
xuất lương thực và dầu mỏ tại địa phương gần như là giải pháp duy nhất để duy
trì thành quả tác chiến hiện có.
Theo
đó, khả năng thứ hai trong cục diện ở Syria là HTS và SNA sẽ cùng tiến hành một
cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang người Kurd Syria, tìm cách thống nhất
đất nước và tiêu diệt các chủ thể vũ trang phi nhà nước khác. Tuy nhiên, do lực
lượng vũ trang người Kurd Syria nhận được sự hỗ trợ và che chở công khai từ
chính phủ Mỹ, HTS có thể sẽ đợi đến khi quá trình luân chuyển giao giữa hai đảng
ở Mỹ hoàn tất và tiến hành thăm dò chính sách Syria mới của chính quyền Mỹ sau
khi Trump nhậm chức vào đầu năm tới, thì mới xem xét có nên tiến hành các hoạt
động quân sự nhằm thống nhất đất nước hay không.
Thứ
ba là ba bên duy trì sự cân bằng mong manh, mỗi bên sẽ thiết lập các vùng lãnh
thổ do mình kiểm soát và cái gọi là chính phủ tự trị của riêng mình, và đều
tuyên bố với thế giới bên ngoài rằng mình đại diện cho đất nước Syria. Đây sẽ
là kết quả của sự tan rã và chia rẽ chính trị của đất nước Syria, và cũng là một
thực tế chính trị có nhiều khả năng xảy ra trong ngắn hạn. Sau khi các lực lượng
vũ trang đối lập tiêu biểu là HTS nắm quyền kiểm soát các thành phố lớn ở trung
tâm, trong ngắn hạn cần phải ổn định nền tảng cai trị, loại bỏ các lực lượng vũ
trang hoặc quan chức của chính phủ cũ, thực hiện quản lý hiệu quả các thành phố
lớn, đồng thời bắt đầu quá trình chuyển tiếp của chính phủ mới.
Do
đó trong ngắn hạn, HTS có thể sẽ tìm cách củng cố các vùng lãnh thổ mà lực lượng
này hiện đang kiểm soát và tăng cường sự hợp nhất giữa các phe phái chính trị
khác nhau trong nội bộ. Cục diện chính trị mà ba thế lực cùng tồn tại này sẽ ở
vào trạng thái cân bằng mong manh trong một thời gian. Tuy nhiên, về lâu dài,
khả năng cao là HTS sẽ tìm cách sử dụng các biện pháp quân sự để hoàn thành việc
thống nhất đất nước. Cục diện cân bằng mong manh này khó có thể tồn tại lâu dài
và bền vững.
Tóm
lại, hiệu ứng cánh bướm và cú sốc địa chính trị mà sự thay đổi cục diện ở Syria
mang tới đang gây ra nhiều thay đổi trong tình hình khu vực. Sự sụp đổ của
chính quyền Assad và sự trỗi dậy của HTS không phải là những tín hiệu tích cực
cho việc thiết lập hòa bình ở Syria. Trong giai đoạn chuyển tiếp, nếu ba lực lượng
tham gia và các quốc gia can thiệp từ bên ngoài không đạt được nhận thức chung,
xây dựng được cơ cấu hệ thống chính trị ổn định, có tính dung nạp và lâu dài,
cũng như hình thành được sự đồng thuận về phân chia lợi ích, Syria có thể sẽ
rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và khiến xu thế giải thể đất nước bị đẩy
nhanh hơn.
No comments:
Post a Comment