Tuesday, March 17, 2020

COVID-19 ĐANG LÀM THAY ĐỔI BẦU CỬ MỸ NHƯ THẾ NÀO (Nguyễn Quỳnh Thiên Trang - Luật Khoa)




17/03/2020

Dịch COVID-19 đang làm thay đổi hoàn toàn bức tranh bầu cử Mỹ.

Tổng thống Donald Trump bối rối “xù lông nhím” bảo vệ những thành quả kinh tế trước thảm họa dịch bệnh. 

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều muốn chống dịch, nhưng lại kèn cựa nhau như đá gà khi ban hành gói giải pháp liên quan đến virus Vũ Hán.

Các ứng cử viên tương lai từ Đảng Dân chủ như Joe Biden và Bernie Sanders tận dụng thời cơ “đề xuất” kế hoạch ứng phó với dịch bệnh của riêng họ. 

Còn người dân Mỹ thì bắt đầu cuống cuồng xem virus Vũ Hán là một mối đe dọa thật sự cho xã hội, và không biết sẽ đi bầu như thế nào vào tháng 11 tới đây.

Tất cả những điều đó đang xảy ra, khi chỉ chừng tám tháng nữa là đến cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống và lưỡng viện Quốc hội. Liệu virus Vũ Hán sẽ gây ảnh hưởng lớn thế nào đến chính trường quốc gia quyền lực nhất thế giới này? 

Phép thử thật dành cho chính quyền Trump

Trump là một trong những vị tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Song có một thứ phe đối lập vẫn ít dám nói đến để đả phá Trump, đó là kinh tế. Xui rủi thay cho họ, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì tính chính danh của một tổng thống. 

Theo các thống kê kinh tế chính thống hiện nay, và dù rằng sẽ có rất nhiều cách giải thích khác nhau về những chỉ số này, hầu hết đều công nhận rằng kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phát triển hơn bao giờ hết. 

Theo Forbes, chỉ số tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ tiếp tục đạt trên 2,3% trong ba năm ông nắm quyền. Ngoài tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua, con số công việc trong ngành sản xuất, công nghiệp cũng tăng mạnh dưới thời ông nếu so sánh với cựu Tổng thống Obama. 

Thậm chí, mức tăng lương cũng vượt trung bình của rất nhiều đời tổng thống trước đó. Chỉ cách đây vài tuần, các chỉ số chứng khoán Dow Jones hay S&P 500 vẫn đang tiếp tục tăng bằng những con số chóng mặt. Riêng Dow đã tăng đến hơn 10.000 điểm – tức khoảng 60% kể từ khi Trump làm chủ Nhà Trắng. 

Vậy nên, Trump có vẻ vẫn cầm đằng chuôi của các đối thoại về phát triển kinh tế Hoa Kỳ
Nhưng coronavirus đang làm thay đổi cuộc chơi.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trên truyền hình ngày 13/3/2020. Ảnh: Jason Redmond / Reuters.

Theo Giáo sư Robert Shiller, thuộc Đại học Yale, người đoạt giải Nobel kinh tế 2013, phép thử của coronavirus dành cho nền kinh tế Hoa Kỳ là chưa từng có tiền lệ. Ông so sánh nỗi sợ của thời kỳ Đại khủng hoảng năm 2008 với nỗi lo sợ dành cho coronavirus, khi một bên chỉ là trạng thái bi quan của các nhân tố vi mô trong nền kinh tế, còn virus Vũ Hán là một cái gì đó thật, hiện hữu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. 

Đại dịch khiến người ta ngừng chi tiêu, ngừng sử dụng dịch vụ… không chỉ đơn giản vì họ lo ngại về tương lai, mà lo ngại về chính sự sống còn của họ. Quan trọng hơn, chỉ cách đây vài tháng, người tiêu dùng, các công ty và thậm chí các nhà kinh tế học Hoa Kỳ chưa từng nghĩ rằng khả năng “đóng cửa nền kinh tế” có thể xảy ra. Vì vậy, họ không có sự chuẩn bị cần thiết. 

Chỉ số S&P 500 đã giảm luân phiên nhiều ngày, với tỉ lệ giảm nghiêm trọng nhất tính từ cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 2008. Trong khi đó, chỉ có 30% người lao động thu nhập thấp tại Hoa Kỳ hiện nay được tiếp cận với chế độ nghỉ có hưởng lương. Người lao động sẽ phản ứng như thế nào khi buộc phải lựa chọn giữa hoặc nghỉ ốm hoặc mất nguồn thu nhập? 

Câu trả lời nằm ở các chính sách đối phó của Trump. Và cử tri Mỹ thì có thói quen đổi màu lá phiếu của mình mỗi khi họ không hài lòng về nền kinh tế. Chính Đảng Cộng hòa đã trải nghiệm điều này. Năm 2008, sau cuộc Đại khủng hoảng bong bóng nhà đất, cử tri Hoa Kỳ “cho không, biếu không” cả Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện cho Đảng Dân chủ. Vậy nên kịch bản này có thể sẽ xảy ra nếu cách ứng phó của Trump khiến cho nền kinh tế bị trì trệ, hay quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. 

Trump nhận thấy điều này, và liên tục đăng đàn “xù lông” trên các mặt trận Twitter, Facebook để nhắc nhở người dân rằng chính quyền Barack Obama phản ứng tệ thế nào với dịch cúm lợn (swine flu) hồi năm 2009. Song đến cuối cùng, đây là trận chiến của Trump, và nó sẽ quyết định vận mệnh của chiến dịch tái tranh cử của ông này.

Các ứng cử viên ra tay

Virus Vũ Hán cũng làm thay đổi hoàn toàn chương trình vận động bầu cử cũng như điểm nhấn chính sách mà các ứng viên Đảng Dân chủ mong muốn gửi đến cử tri Hoa Kỳ. 
Trong vòng chưa đầy nửa ngày sau khi Tổng thống Trump đọc diễn văn đầu tiên về coronavirus, ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân Chủ Joe Biden cũng xuất hiện trước truyền thông để làm rõ những phương án và cách thức mà ông cho là sẽ bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của người dân Mỹ. 

“Chủng virus này làm lộ rõ những thiếu sót nghiêm trọng của chính quyền hiện tại. Công chúng đang sợ hãi, và sự sợ hãi này càng được nhân rộng bởi họ đã không còn tin tưởng Tổng thống đương nhiệm, khi mà ông này tiếp tục từ chối tin tưởng vào sự thật” – Biden cáo buộc. 

Ông khẳng định mình sẽ cung cấp chương trình thử nghiệm virus miễn phí, tăng cường năng lực đối phó của hệ thống dịch tễ Hoa Kỳ. Chương trình nghỉ việc có hưởng lương nếu người lao động bị dính dịch cũng được hứa hẹn. Cả hai định hướng của ông đã được Donald Trump thừa nhận và ủng hộ trong một đạo luật vừa thông qua ngày 13/3 mới đây. 

Hai ứng viên của Đảng Dân chủ, Joe Biden và Bernie Sanders đụng cùi chỏ tay thay vì bắt tay như thông lệ. Ảnh: CNN.

Không chịu thua kém, ứng cử viên Đảng Dân chủ duy nhất còn lại, ông Bernie Sanders, cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chiến. Ông tự nhận là một nhà “dân chủ xã hội” (democratic socialist), vốn luôn muốn thúc đẩy các chính sách bao tiêu, một chính phủ liên bang mạnh mẽ hơn cùng với hệ thống trợ cấp an sinh xã hội trọn gói do nhà nước kiểm soát. Dịch cúm virus Vũ Hán có vẻ tạo cơ hội rất tốt để Sanders truyền tải những thông điệp của mình.

Cụ thể, hệ thống an sinh và y tế cộng đồng mà người dân Hoa Kỳ đang thụ hưởng chủ yếu vẫn thông qua bảo hiểm y tế tư nhân, và Sanders muốn nhà nước thay thế vai trò này một cách toàn diện. Nhìn chung, chiến dịch đối phó của Sanders là một phiên bản cực đoan hơn những gì Biden đề xuất. 

Ông cũng không quên chỉ trích Trump: “Chúng ta đang có một chính quyền bất tài. Sự bất tài, cũng như sự liều lĩnh của họ, sẽ đe dọa đến mạng sống của rất nhiều công dân đất nước này”. 

Rõ ràng, dịch bệnh hoành hành đang và sẽ thay đổi các thảo luận và tranh cãi chính sách trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới đây. 

Ai còn dám đi bỏ phiếu?

Các cuộc mít tinh và bầu cử là thời điểm tập trung đông người. Điều gì sẽ xảy ra khi cử tri lo sợ bị nhiễm bệnh khi đi cổ động và đi bầu?

Các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ vẫn còn phải diễn ra tại hàng chục bang từ nay đến tháng 6. Còn cuộc bầu cử tổng thống và lưỡng viện sẽ diễn ra vào tháng 11. Trong khi các chiến dịch vận động tranh cử trực tiếp đã hoàn toàn bị dời lại và chuyển thành các buổi “thuyết trình” online, nhiều tiểu bang khác đang đối mặt với câu hỏi liệu họ phải tổ chức bầu cử như thế nào. 

Đã có những thảo luận về cách mà Nga sẽ can thiệp và gây thiệt hại cho bầu cử Hoa Kỳ nhờ vào loại vũ khí “corona” mới. Các quan chức Hoa Kỳ đang nhắc đến khả năng Nga sẽ tiếp tục dùng các kênh mạng xã hội tuyên truyền tin giả về corona nhằm gây ảnh hưởng đến tâm lý bỏ phiếu, định hướng chính trị cũng như số lượng người tham gia các đợt bầu cử. 

Cử tri California đeo khẩu trang đi bầu cử sơ bộ ngày 3/3/2020. Ảnh: AP Photo/Ringo H.W. Chiu.

Một số khác cho rằng coronavirus thật sự là một mối đe dọa cộng đồng và các cuộc bầu cử sơ bộ lẫn chính thức cần tìm cách thích nghi với dịch bệnh, thực hiện đúng định hướng hạn chế tiếp xúc xã hội. 

Một trong những hình mẫu được nhiều người nhắc đến hiện nay là cơ chế bầu sơ bộ tại tiểu bang Washington (không phải thủ đô Washington D.C.). Người dân ở đây bỏ phiếu qua thư trong vòng 18 ngày tính từ ngày bầu cử đổ về trước. 

Hình thức này từng gợi lên những tranh cãi về ưu điểm (như độ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian của cử tri) và khuyết điểm của nó (như độ tin cậy, chính xác và khả năng bị thao túng hay bỏ phiếu hộ). Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh, rõ ràng phương cách bầu cử này mang lại nhiều lợi ích hơn. Song khác với Washington, các tiểu bang khác vẫn chưa có đủ kinh nghiệm và thông tin để có thể thực hiện hoàn toàn bầu cử qua hộp thư. 

Cũng cần nhớ rằng đây không phải lần đầu tiên bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ bị đe dọa bởi dịch bệnh. 

Năm 1976, Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford tranh cử với ứng cử viên từ Đảng Dân chủ Jimmy Carter đúng lúc các nhà khoa học đang lo ngại một đợt cúm lợn khác bùng phát. Nhiều người cho rằng nếu không kiểm soát tốt, đợt dịch bệnh sẽ gây ra những thiệt hại nhân mạng không thua kém gì đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918. Vaccines được gấp rút sản xuất, và được sử dụng đại trà ngay sau đó. Khi cộng đồng đã miễn nhiễm với virus, các hoạt động vận động tranh cử, đi bỏ phiếu… diễn ra bình thường.




No comments: