Sunday, October 13, 2019

VĂN NGHỆ LÀM KHỔ LÃNH TỤ (Giang Nam - VNTB)




13/10/2019

Trong lịch sử loài người, thực ra một lãnh tụ cao cả đến đâu cũng có quyền hưởng một cuộc sống bình thường. Đôi khi có thể khác thường một chút cũng được. Công chúng xưa nay không quá khắt khe với vĩ nhân. Nhất là cuộc đời nhiều khi lâm vào những cảnh huống khó lường. Các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn có những chuyện bê bối nhân dân biết cả nhưng vẫn thờ phượng công lao chủ yếu của vua chúa tướng lãnh…Thậm chí đôi nét đời thường của lãnh tụ còn làm người dân cảm thấy gần gũi và có thể học tập được. 

Mỹ học chân chính xưa nay đã lập thuyết như vậy.  

Chính vì quan niệm sai lầm và / hoặc bốc đồng mà đám văn nghệ sĩ muốn tỏ lòng mình kính yêu lãnh tụ, tỏ ra mình là người ca tụng giỏi, nên đã ra tay ca tụng một lãnh tụ thoải mái ngôn từ, vô hình trung tạo một vòng vây ngôn từ bao quanh lãnh tụ khiến lãnh tụ trở nên…khó xử. 

Quan niệm sai lầm khi “xức dầu thành” cho lãnh tụ thành thần tượng cao vời vợi, người dân “kính nhi viễn chi”, nên khi hô hào “học tập làm theo” thì lại khó khăn. “Xức dầu thánh” là thi pháp thời trung cổ, đến thời hiện đại trở nên rất lạc hậu, trái lại trở thành hài kịch 

Tuy vậy có lãnh tụ như Mao trùm Trung cộng mặc kệ tuyên truyền ca tụng, ông ta vẫn mặc sức ăn chơi xả láng sáng về sớm (xem Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông千秋功罪毛泽东”, Thông tấn xã Việt Nam dịch và in phát hành nội bộ). Lãnh tụ Mao coi việc ca tụng như đó là nghĩa vụ công tác của các người văn nghệ sĩ. 

Bài hát "Vì nhân dân quên mình" của Doãn Quang Khải nhờ giai điệu và một số ca từ hào hùng của nó nên bộ đội dễ thuộc. Thế nhưng các câu khoa trương “Người chỉ biết có dân", "người chỉ vui khi nào toàn dân hết đau thương" thì quả là khoa trương quá mức. Bởi vì sự thật là trong suốt thời gian cuộc đời của lãnh tụ ấy thì toàn dân còn đói khổ và tổn hại vì chiến tranh, chưa hết đau thương. Vậy thì cả đời lãnh tụ sẽ không được vui . 

Nhưng ông Tố Hữu lại làm thơ ví von thế này: 

Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười, 
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng. 
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng 
Đêm tàn bay chập chạng dưới chân Người”

Vậy mà nhà nước lại chọn bài hát này làm bài hát chính thức cho quân đội. 

Ông Cụ đi công tác, nhìn mãi khẩu hiệu “muôn năm” dọc đường đi, bèn cười cười bảo mấy ông tháp tùng rằng “mình chỉ muốn nằm  hôi”. Có thể đó là nói đùa vui, có thể là nói thật. Ai khẳng định? Có thể ông Cụ cũng chẳng thích cái câu tung hô kiểu phong kiến đó nghe rất nhàm tai. 

 Hay chuyện “cậu bé đuốc sống Lê Văn Tám”, tác giả Trần Huy Liệu phó thác cho GS Phan Huy Lê công bố (sau khi ông Liệu qua đời) đó là hư cấu phục vụ tuyên truyền. Báo chí chính thống cũng chả dám công bố rộng rãi, Đảng im lặng, sợ dân sốc. Nhưng đã có những công viên, trường học lỡ quá trớn tuyên truyền đặt tên mất rồi, nay đục sửa làm sao?! 

Rồi chuyện xe tăng nào vào dinh Độc lập đầu tiên nữa. Trót chỉ đạo cho lãnh đạo có công to nhất rồi, giờ cần ghi công lại cho ông cấp thấp hơn thì phức tạp quá. Hóa ra lãnh đạo cướp công của lính ? Thôi đành mặc nó vùi sâu chôn chặt. Ai ngờ bọn nhà báo có bằng chứng nước ngoài cứng họng, chọc thối, nên đành công bố sự thật. Lại còn vụ ai soạn văn bản “bàn giao/ đầu hàng” ngày 30-4 nữa. Sau cùng quân đội chọn đi hàng hai là: hai người cùng soạn. Báo chí nước ngoài vẫn kiên quyết chỉ có một ông trung tá Bùi Tùng thôi, chẳng phải anh đại úy (nay là trung tướng). 

Hay như việc công bố ngày lãnh tụ qua đời, nó không hề nhạy cảm khi nói ra sự thật. Nhưng cũng phải mất 20 năm mới dám công bố sự thật, đó cũng là sau “đổi mới”, quan niệm cũng đã cởi mở hơn. 

Chuyện phức tạp hơn nhiều lần là duy trì việc ướp xác. Bao năm nay đã tuyên truyền về việc phải ướp xác  ồi, giờ muốn hỏa táng là cực kỳ khó ăn khó nói, bởi đồng bào quen nghe vậy rồi. Trươc đây đã nêu ra lý do “ướp xác” là cần thiết, là tỏ lòng biết ơn. Nay dân trí thay đổi, kể cả một số quan trí cũng thay đổi, nghĩ lại, thực lòng muốn ngừng lại, thì biết lấy lý do gì bây giờ? 

Mặt khác ai cũng biết di chúc của bất kỳ ai cũng là thiêng liêng, trừ phi di chúc đó trái luật hoặc trái đạo đức. Nhưng đố ông quan đương chức nào dám mở miệng đòi thực hiện đúng di nguyện của lãnh tụ. Thế nên, có lẽ các ông “đương” mới phải gợi ý (xúi) các ông cựu, hưu trí nói ra chuyện đó. Vừa rồi có ông Nguyễn Đình Bin (cựu thứ trưởng ngoại giao), trước đó là ông Nghị (cựu bí thư HN). Ông Phạm Quang Nghị nói trong tạp chí “Xưa và Nay” của Hội sử học, ông Bin viết Bản Kiến Nghị gửi thẳng trung ương và quốc hội, và nói luôn trên trang FB cho đồng bào cùng biết để gây áp lực rộng rãi. Vậy mà các báo chính thống cũng không dám đăng tin vì chưa biết ý chính thống Ban tuyên giáo thế nào. Ngay cả ý kiến của ông Nghị chỉ có tạp chí “Xưa và Nay” của Hội Lịch sử dám đăng. Mà Tạp chí đó có mấy ai đọc đâu. Lỡ mấy ông cựu chiến binh “vào sinh ra tử” mà đọc được có khi kéo nhau đi đào cả mả bố tổng biên tập lên ấy chứ. 

Tương tự vậy, về danh xưng "ngụy Sài gòn". Có thể thực tâm đảng và tuyên giáo cũng muốn bỏ từ đó lâu rồi, vì nói thế khó xử ngoại giao lắm. Lại còn gây bất đồng dân tộc nữa. Trên hệ thống madia của đảng cũng đã giảm tối đa khi nhắc tới “ngụy”. 

Nhưng đảng cũng chả dám ra 1 văn bản chính thức nào về việc từ bỏ danh xưng "Ngụy" để chỉ chế độ VNCH. Vì trót nhồi sọ nhân dân lâu quá rồi, bây giờ mà ra văn bản đấy, khéo “bò đỏ” nó biểu tình. Thế nên đảng mới chơi bài lẳng lặng xúi hội anh em sử gia sửa lại quốc sử, xóa chữ Ngụy đi. Vụ đấy hẳn là có chỉ đạo từ BCT, chứ bố các anh sử gia dám tự tiện. Việc bỏ khái niệm “ngụy” là tất yếu phải làm, lý do cơ bản nhất là để có lý lẽ mà đòi hai quần đảo HS-TS . 

Thực tế là thế, nhưng cuộc “tái tẩy não” cho “quần chúng kiên trung” là vô cùng khó. Đảng cũng phải sợ “đám cứng não” này, nhất là mấy bố tướng tá, cậy công dây dưa tý máu xương, giờ vỗ ngực công thần, nhận mình “có chính nghĩa hơn cả đảng”! 

Trên mạng có đăng clip mấy ông tướng và một ông tiến sĩ bò đỏ đòi gặp cả Tổng bí thư để kiến nghị, bức xúc về việc bỏ chữ ngụy. TBT cáo bận, trưởng ban Tuyên giáo cáo bận, đẩy cho anh Đam phó thủ ra tiếp CCB ! Xem clip đó buồn cười lắm. Anh Đam học thạc sĩ quản trị kinh soanh ở vương quốc Bỉ, dĩ nhiên không tự tin về lịch sử nên phải ngồi cạnh với anh gì GS TS lịch sử, các anh vuốt ve xoa dịu, vuốt mông đàn bò. Đại khái là: "Mình bỏ từ ngụy đi thôi, để còn dễ ăn nói với bạn bè quốc tế, chứ bản chất bọn kia vẫn là ngụy thôi, anh em cứ yên tâm, chỉ thay đổi cái danh xưng thôi". Anh em bò hỉ hả ra về ca khúc khải hoàn. Nhưng mà anh em sử gia vẫn kệ họ, vẫn chẳng có ngụy ngiếc gì cả sất, báo chí quốc doanh vẫn cứ "quân lực VNCH" với "chính quyền VNCH”. 

Vừa rồi, chương trình “Đối diện” của VTV lên sóng cho ông tướng chém gió chửi Ngụy, để được đúng 1 ngày là xóa luôn khỏi clip online VTV. Anh em bò đỏ lại lên cơn bức xúc làm đơn từ kiến nghị với anh Trần Bình Minh tổng trùm VTV, đòi phục hồi clip, mà có ăn thua đâu, bố anh Minh cũng chả dám phục hồi, khéo đã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc rồi. Tổng biên tập có lẽ đã lôi đầu anh nhà báo Thân Đức Hoàng ra mắng ngu làm khổ tụi tao rồi. Anh em “bò đỏ” nghe nói hiện đang lập team đấu tố bọn GS lật sử mới ghê chứ. 

Đảng lâm vào cảnh “đi mắc núi về mắc sông”. 

Thôi thì, đảng đành mặc kệ đợi họ chết già đi. Mắng họ thì họ cãi sao ngày trước đã nói vậy bây giờ lại thay đổi. Đảng muốn hòa hợp dân tộc, muốn bắt tay với Mỹ để phát triển đất nước và bảo vệ lãnh thổ (chính là để bảo vệ đảng), hóa ra “lực lượng kiên trung” lại đang là lực cản lớn nhất để thay đổi. Mà cản trở chính là chống đảng, chống lại sự phát triển, chứ chẳng phải phản động nào cả. 

Thiên hạ đang chờ bộ sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đang biên soạn, sẽ tung ra thực hiện vài năm nữa, chờ xem tác giả sẽ viết sao về “giai đoạn nhức nhối” này. Đến đó sẽ lại có tranh luận không nhỏ giữa các lực ượng tuyên truyền và công luận. Mặc kệ cũng chẳng được đâu. 

Lại còn câu hát quốc tế ca “Đấu tranh này là trận cuối cùng… Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” thực là rất chướng tai. Trót qui định làm bài hát chính thức của hội nghị lễ lộc của đảng, nay muốn sửa thì khó quá. Thôi thì đành để cho băng nhạc phát không lời cho đỡ ngượng. 

Trở lại chuyện tuyên giáo Đảng ra sức mắng mỏ Mạng Xã Hội, nhắc dân cảnh giác MXH. Nếu không có MXH, câu chuyện tráo nhân thân của trưởng phòng thuộc tỉnh ủy Đắk Lắk đã vỡ ra sau thời gian lặng lẽ dài vì cố che đậy. Chỉ khi MXH đăng tin thì báo chí nhà nước mới có cớ vào cuộc. Tỉnh ủy mới buộc phải ráo riết giải quyết hậu quả, không che mãi được. Đảng ủy xã quê quán nhân vật cô Thảo mới té ngửa nói họ chưa bao giờ xác minh lí lịch của đương sự. 

Cái mạng Lotus hệ quả của “triết học Phây sờ búc” của Nguyễn Mạnh Hùng bộ trưởng TT&TT đã ra đời. Đó cũng là chỉ biện pháp tuyên truyền, “rung cây nhát khỉ” hoặc xài một số kinh phí lại được báo công.Thiên hạ bảo là “châu chấu đá voi”, chưa biết kết quả ra sao nhưng chỉ được vài ngày báo đài ồn ào, còn dư luận lặng sóng luôn. Không một tiếng vang. 

Trái ngược với tuyên truyền là bưng bít. 

Tỉnh ủy Sóc Trăng cấp 1 tỷ đồng lắp camera cho thường vụ tỉnh ủy, họ biết rõ trái qui định và trái lòng dân. “Bưng bít” cao thủ bằng cách qui định “Bảo Mật” ngay trong cái Lệnh chi xuất do phó bí ký. Vậy mà vẫn “bật mí”, do chính nội bộ tung ra mạng xã hội chứ ai vào đây. 

Nào là chuyện 9 cán bộ doanh nghiệp “đi nhờ chuyên cơ thủ lãnh Quốc hội” cố ém nhẹm được 10 tháng nay bị báo chí nước ngoài làm lộ. Bộ Đầu tư vẫn cố che kín tên tuổi 9 người đào thoát hi hữu đó. Một số báo và MXH vẫn kêu đòi công khai danh tính. Im lặng rất nguy hại, nó cho thấy 9 người kia liên quan lãnh đạo cao cấp chứ chẳng phải người thường. “Tuyên truyền” và “bưng bít” là con dao hai lưỡi rất nguy hại. 

Kể ra hết những cái lỗi “việt vị tuyên truyền” và “bưng bít thông tin” bây giờ nhiều lắm. 

Có ai nhã hứng tranh luận với người viết không?






No comments: