Sunday, October 13, 2019

HÀ NỘI Ô NHIỄM NẶNG : CHÍNH QUYỀN CHẬM HOÀN TẤT HỆ THỐNG QUAN TRẮC (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ Bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2019

Ô nhiễm kéo dài tại Hà Nội, thủ đô Việt Nam có lúc đứng trong nhóm thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Điện mặt trời trên mặt nước tại Đông Nam Á dự kiến tăng gấp 100 lần trong thập niên tới. Phản ứng hy hữu tại Nga : Gần 200 linh mục Chính Thống Giáo lên tiếng bảo vệ người biểu tình đòi dân chủ bị giam giữ. Vụ tự sát gây chấn động của một hiệu trưởng mầm non ngoại ô Paris. Trên đây là một số chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, Hà Nội, với không khí đầy bụi đặc như sương, đã thế chân Bắc Kinh để trở thành một trong các thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Không khí xã hội cũng nóng hơn với các tranh cãi dữ dội về độ tin cậy của các chỉ số chất lượng không khí Hà Nội.

AirVisual rút đi, rồi trở lại
Đỉnh điểm là vụ một nhân vật nổi tiếng trên mạng Facebook (với khoảng 350 nghìn người theo dõi) kêu gọi tẩy chay ứng dụng đo lường không khí nổi tiếng toàn cầu AirVisual, lên án AirVisual đục nước béo cò, bóp méo thông tin để bán sản phẩm máy lọc không khí. Theo hãng tin Reuters, AirVisual - một trong các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất từ Apple Store - đã phải thông báo rút ứng dụng và tạm đóng cửa Facebook tại Việt Nam, vì nhận được hàng loạt đe dọa.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, Facebooker Vũ Khắc Ngọc đã có thư ngỏ xin lỗi AirVisual, kêu gọi AirVisual ‘‘trở lại hoạt động tại Việt Nam’’, và thừa nhận những lời lên án không hề dựa trên hiểu biết về‘‘cách thức AirVisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo…’’.

Cuộc tranh cãi đánh lạc hướng dư luận
Không khí Hà Nội ô nhiễm nặng trong tiết vào thu, với làn sương bụi đậm đặc, là điều mà mắt thường cũng thấy. Số lượng bệnh nhân nhập viện, do các căn nguyên tim mạch và hô hấp tăng cao, được một số cơ sở y tế ghi nhận.

Tuy nhiên, vấn đề gây sôi sục dư luận trong thời gian qua là : Liệu Hà Nội có phải là ‘‘thành phố ô nhiễm nhất thế giới’’ hay không ? Tranh cãi này dường như đã và đang đánh lạc hướng chú ý của công luận về trách nhiệm của chính quyền, trong việc đo lường chất lượng không khí, để căn cứ vào đó có các biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm kéo dài đã nhiều năm.

Thông tin đầy đủ và chính thức về thực trạng ô nhiễm là vấn đề then chốt. Bởi hành động của chính quyền sẽ chỉ quyết liệt, như kỳ vọng của xã hội, một khi có đủ thông tin ‘‘chính thức’’ cho thấy thực trạng.

Một chính quyền "bát nháo"?
Trong một trả lời phỏng vấn đầu năm nay, lãnh đạo chi cục Môi Trường Hà Nội khẳng định : tại Hà Nội, nhìn chung chất lượng không khí vẫn ở mức ‘‘trung bình’’. Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hiện rõ. Trong lúc bộ Tài Nguyên Môi Trường yêu cầu người dân tin tưởng vào số liệu của chi cục Môi Trường Hà Nội, thì lãnh đạo cơ quan này thừa nhận số lượng trạm quan trắc hiện tại không đủ cho phép đánh giá chất lượng tổng thể không khí Hà Nội (1) (riêng về phần mình, người đứng đầu chi cục Môi Trường tuy tự nhận ''không đủ'' phương tiện để đánh giá tổng thể, nhưng vẫn thản nhiên, hùng hồn đưa ra đánh giá chung!).

Báo chí trong nước đầu tháng 10/2019 phanh phui một hiện tượng tiêu biểu cho ứng xử vô trách nhiệm từ phía chính quyền. Trong một báo cáo trình lên Quốc Hội về không khí Hà Nội, hồi tháng 7/2019, bộ Tư Pháp đã sử dụng các số liệu của bộ Tài Nguyên - Môi Trường, có từ năm 2004, do không được bộ Tài Nguyên - Môi Trường cung cấp số liệu ô nhiễm mới (2).

Bài học Bangkok
Trả lời RFI Tiếng Việt, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (chủ tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch Việt Nam) một mặt ghi nhận đã có một số tiến bộ, mặt khác cũng chỉ ra chính quyền còn đang rất chậm trễ trong kế hoạch xây dựng các trạm quan trắc (cố định) (3), nhằm cung cấp các số liệu chính thức một cách ‘‘đầy đủ’’‘‘minh bạch’’, đủ độ tin cậy, làm cơ sở cho việc có chính sách đúng, đủ mức, kịp thời.

Chủ tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch Việt Nam nhắc đến bài học Thái Lan :
‘‘Ở Bangkok, người ta có đến 40 trạm cố định. Hà Nội chỉ có 3 trạm, làm sao cung cấp được đầy đủ ?! Bộ Giáo Dục (Thái Lan) đóng cửa một số trường trong đầu năm 2019, vì chỉ số AQI cao. Việt Nam chưa làm được. Vì sao họ làm được như vậy ? Vì họ có đến 40 trạm. Bộ Giáo Dục, bộ Tài Nguyên - Môi Trường Thái Lan có quyền làm như thế, bởi họ đương nhiên dựa vào hệ thống quan trắc của họ. Ở Việt Nam, chỉ có vài ba trạm thì làm sao làm thế được ! Và chúng ta cũng chưa có các quy định. Tôi nghĩ đấy là bài học rất tốt để Việt Nam thực hiện trong những năm tới.
Bây giờ, tôi nghĩ trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin, xã hội phát triển, thì chuyện minh bạch dữ liệu là điều mà Nhà nước (phải) rất có trách nhiệm. Không thể giấu được đâu… Thông tin càng minh bạch bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu’’.

Khẳng định vai trò hàng đầu của hệ thống trạm quan trắc cố định không đồng nghĩa với lãng quên một nguồn gốc căn bản của tình trạng ô nhiễm khó giải hiện nay : Quy hoạch đô thị kém, khiến cơ sở hạ tầng quá tải, mật độ dân số quá đông, hay điều mà nhiều người gọi là ‘‘quy hoạch bị phá nát’’, ‘‘bị đảo lộn’’ do sự thông đồng giữa quan chức chính quyền với bên ngoài (‘‘Bi kịch đô thị Hà Nội, TP.HCM khi ‘'quá chiều chuộng nhà đầu tư'’ - trang news.zing.vn). Chưa kể đến việc xây dựng, hoặc dự án xây dựng ồ ạt các nhà máy gây ô nhiễm, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than.

Điện mặt trời trên nước : Xu thế mới
Tháng 09/2019 vừa qua, hàng loạt điều tra cho thấy xây dựng các trạm điện mặt trời nổi trên mặt nước, trên đất liền hay trên biển, đang ngày càng trở thành một xu thế lớn tại châu Á và vùng Đông Nam Á. Theo dự báo của Wood Mackenzie Power and Renewables, điện mặt trời nổi trên nước sẽ tăng trưởng với tốc độ 22% trong 5 năm tới.

Thị trường điện mặt trời nổi chủ yếu tập trung tại châu Á, với công suất chiếm 87% toàn cầu. Hàn Quốc và Đài Loan đứng đầu. Trong khi đó, theo dự đoán của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, trong vòng từ 5 đến 15 năm tới, tại khu vực Đông Nam Á, điện mặt trời nổi ước tính sẽ tăng gấp 100 lần so với hiện nay. Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường đứng đầu.

Dự án điện mặt trời trên hồ Chungju, Hàn Quốc.RFI/Frédéric Ojardias

Vì sao điện mặt trời nổi trở nên hấp dẫn ? Phóng sự của thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul cho biết phong trào điện mặt trời nổi:

‘‘Chỉ cần 5 phút đi thuyền là có thể đến được một trạm điện mặt trời nổi nhỏ nhất trên hồ Chungju: 8.600 tấm pin mặt trời, nổi trên mặt nước nhờ các bộ khung bằng thép và những chiếc phao xanh. Joo In Ho - người đứng đầu tập đoàn khai thác thủy điện Hàn Quốc, phụ trách dự án này - cho biết :

‘‘Trạm điện nổi này, gồm ba khối 1MW mỗi khối, chiếm diện tích bề mặt 37.000 m². Trạm sản xuất đủ điện để phục vụ 1.000 gia đình, mỗi gia đình bốn người hàng năm. Các trạm điện mặt trời nổi của chúng tôi do các định chế bảo vệ môi trường công lập giám sát. Họ giám sát về môi trường thực vật, động vật dưới nước, các trầm tích, chim chóc. Kết luận là không có bất cứ tổn hại nào cho con người, cũng như môi trường’’.

Trạm điện mặt trời nổi nói trên nằm tại một hồ nhân tạo, xung quanh là rừng. Mực nước lên xuống hàng chục mét tùy theo mùa. Như vậy có vấn đề là phải tìm ra được giải pháp để bảo đảm trạm điện được cố định an toàn. Tuy nhiên, xây lắp trạm mặt trời trên mặt nước có nhiều lợi ích, như ông Suh Dong Il, phụ trách việc lắp đặt cho biết.

Theo ông, các trạm điện mặt trời làm trên mặt đất gặp trở ngại với nhiệt độ. Nhiệt độ từ mặt đất dâng lên làm giảm đáng kể hiệu suất. Các trạm nổi trên mặt nước, với không khí thường là mát hơn, có hiệu suất cao hơn từ 6 đến 10%.

Trạm mặt trời nổi có rất nhiều lợi ích, tại một quốc gia thiếu đất, trong lúc ngành công nghiệp pin mặt trời nở rộ. Theo ông Suh Dong Il, 70% diện tích Hàn Quốc là rừng, nếu xây các trạm điện trên đất liền, thì phải phá rừng. Như vậy rõ ràng là rất khó. Trong khi, chỉ cần một khu vực có đủ nước, như sông, hồ, đập chứa nước… là đã có thể thiết lập được một trạm điện mặt trời.

Hiện tại nhiều nghiên cứu được tiến hành để xây dựng các trạm điện mặt trời trên biển, nơi các điều kiện khó khăn hơn nhiều. Nhà máy điện mặt trời khổng lồ Saemanguem, với công số hơn 2 GW (gigawatt) (lớn nhất thế giới), được che chắn bởi một con đê lớn, sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022’’.

Giáo hội Chính Thống Nga : ‘‘Cuộc cách mạng thầm lặng’’
Theo AFP, giữa tháng 9/2019, một lá thư ngỏ của một nhóm hơn 100 linh mục Chính Thống Giáo Nga gây chấn động. Các linh mục lên án chính quyền đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ trong mùa hè vừa qua, tố cáo không khí sợ hãi mà chính quyền cố tình reo rắc.

Theo một số chuyên gia, hành động của các linh mục là ‘‘dũng cảm’’ và ‘‘một cuộc cách mạng thầm lặng’’ đang diễn ra trong lòng Giáo hội Chính Thống Nga, nơi toàn bộ hệ thống vốn dựa trên ‘‘sự phục tùng tuyệt đối’’. Thay đổi trong nội bộ Giáo hội Chính Thống có ý nghĩa hệ trọng với nước Nga, bởi 71% dân chúng cho biết tin tưởng vào Giáo hội.

Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

‘‘Chúng tôi đang ở trong một nhà thờ nhỏ ở trung tâm thủ đô Matxcơva, cách điện Kremlin chừng một cây số. Buổi cầu nguyện diễn ra dưới tầng hầm, nơi khoảng vài chục tín đồ đang quỳ gối. Cuối nghi thức này, chúng tôi gặp cha Oleg Batov, một trong những người đầu tiên ký thư ngỏ ủng hộ những người biểu tình.

Ông nói : ‘‘Tôi làm điều này bởi tình thương đối với những người vô tội hiện đang bị giam giữ. Khi các cảnh sát bị kết án, các hình phạt chỉ mang tính biểu tượng, trong khi đó, đối với những người biểu tình bình thường, thì chỉ vì một chiếc cốc bằng nhựa ném vào các lực lượng an ninh, họ cũng phải chịu các hình phạt rất khắc nghiệt’’.

Tại Nga, rất hiếm khi các nhà tu hành lại can thiệp trực tiếp đến như vậy vào các vấn đề xã hội gây tranh cãi. Sáng kiến này lại càng dũng cảm hơn khi Giáo hội Chính Thống Giáo Nga được coi như một đồng minh của điện Kremli, của tổng thống Putin.

Cha Oleg Batov nói : ‘‘Như ông thấy, tôi không sợ. Trong những ngày gần đây, tôi đã nhận được vô số các tin nhắn ủng hộ. Điều khiến tôi sửng sờ nhất là số người tham gia ký tên, từ khoảng 40 lên đến hơn 180 người hiện nay’’.

Không có gì gây ngạc nhiên khi lá thư này đã gây ra tranh luận dữ dội trong nội bộ giới tăng lữ Chính Thống Giáo. Sau khi lên án các linh mục ký vào thư ngỏ, cuối cùng ban lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo Nga đã có một lập trường mềm mại hơn, thậm chí họ còn chỉ ra những kẽ hở trong hệ thống tư pháp hiện hành tại Nga’’.

Pháp : Tưởng niệm trên toàn quốc một giáo viên tự sát
Trở lại nước Pháp, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, giáo giới toàn quốc chấn động sau cái chết của nữ hiệu trưởng một trường mầm non. Trước khi tự sát, cô giáo Christine Renon đã để lại một lá thư dài ba trang, gửi đến các đồng nghiệp, giãi bày tâm trạng kiệt sức, nỗi cô đơn trước các nhiệm vụ nặng nề, những cải cách liên tục và trái ngược.

Nhiều cuộc tưởng niệm cô giáo Christine Renon diễn ra trên toàn nước Pháp ngày 03/10. Các trường học tại tỉnh Seine-Saint-Denis đóng cửa để giáo viên tiễn đưa đồng nghiệp. Hàng trăm, hàng nghìn giáo viên sát cánh nhau, tuần hành trên đường phố, nhớ đến người đồng nghiệp ‘‘tràn đầy sức sống’’‘‘luôn tươi vui’’ với học sinh, với đồng nghiệp, cống hiến hết mình. Đối với nhiều người, Christine Renon đã chết vì ‘‘quá yêu thương’’‘‘chết vì quá tận tâm với lý tưởng’’.

''Elle s'appelait Christine Renon / Cô ấy tên là Christine Renon" : Một biểu ngữ trong cuộc tuần hành của giáo giới tiễn đưa đồng nghiệp, Bobigny, ngày 03/09/2019.Thomas SAMSON / AFP

Đối với hai giáo viên trẻ Manon và Marion, trường trung học Jean-Jaurès, ở Pantin, giáo giới nước Pháp đồng cảm với Christine Renon bởi họ chia sẻ cùng cảnh ngộ :

‘‘Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi làm việc trong những điều kiện tồi tệ, và người ta nói rằng điều này có thể xảy ra với bất cứ đồng nghiệp nào. Chúng tôi có cảm giác là những nỗi khổ của chúng tôi đã không được lắng nghe, không được xem xét, trong lúc điều kiện làm việc thì đang xuống cấp. Tôi làm giáo viên từ 5 năm nay, tôi thấy điều kiện làm việc kém đi. Ít thời gian hơn, ít người hơn. Những vị trí vắng người không bao giờ được thay thế. Cuối cùng là không thể chịu đựng được nữa !’’.

Một giáo viên khác bày tỏ nỗi phẫn nộ : ‘‘Tình cảm giận dữ, hiển nhiên là như vậy, trước việc một người tự sát để tố cáo các điều kiện làm việc của ngành giáo dục quốc gia. Làm thế nào mà chúng tôi không nổi giận được ?! Chúng tôi đã cống hiến vô cùng lớn. Chúng tôi đã cống hiến thời gian của mình, tâm huyết của mình. Đây là một nghề mà chúng tôi làm với biết bao khát khao cống hiến, lòng say mê.
Như vậy là một đồng nghiệp đã tự sát bởi không được cấp trên lắng nghe, bất chấp việc cô ấy đã nhiều lần lên tiếng là không chịu nổi gánh nặng của công việc, vậy mà người ta còn chồng chất thêm việc cho cô ấy. Cuối cùng thì cô ấy đã chọn cái chết. Chúng tôi không thể thờ ơ với chuyện đó được. Chúng ta đã để một phút mặc niệm cố tổng thống Jacques Chirac, vậy mà với Christine Renon, chúng ta lại không làm gì. Rõ ràng là dửng dưng, thiếu lòng biết ơn !’’.

‘‘Cảm nhận hạnh phúc’’ : Sức mạnh của tình liên đới
Cũng ngày 03/10, bộ trưởng Giáo Dục Pháp Jean-Michel Blanquer thừa nhận cần phải thảo luận để làm cho ra nhẽ điều kiện làm việc của các hiệu trưởng và có biện pháp can thiệp kịp thời. Một ủy ban - gồm đại diện các nghiệp đoàn, hiệu trưởng đại diện cho nhiều khu vực khác nhau - có trách nhiệm giám sát vấn đề này. Vấn đề ‘‘cảm nhận hạnh phúc trong công việc’’ được bộ trưởng Giáo Dục coi là một trong ‘‘ba thách thức chủ yếu’’ của nền giáo dục Pháp, cùng với môi trường và bình đẳng về cơ hội.

Chứng kiến phản ứng của giáo giới tại Pháp trước cái chết của người đồng nghiệp, không khỏi không nghĩ đến trường hợp một cô giáo hiệu trưởng trường mầm non, ở Việt Nam, qua đời hôm 03/10. Theo báo chí trong nước, cô Nguyễn Thị Thanh đã chọn cái chết, sau khi gửi đơn phản đối những đánh giá ‘‘bất công’’ của cấp trên đối với cá nhân hiệu trưởng và tập thể giáo viên trường mầm non này. Không biết có bao nhiêu giáo viên chia sẻ cảnh ngộ của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thanh ? (4)

Ghi chú

1 - Theo một thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường, ông Lê Công Thành, thì ‘‘chỉ số trên các trang mạng về ô nhiễm không khí chỉ mang tính chất tham khảo, người dân nên tìm thông tin chính thức trên website của TP Hà Nội hoặc của Tổng cục Môi trường’’ (mạng thanhtra.com.vn). Trong lúc chi cục trưởng Môi Trường Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, thừa nhận ngược lại : ‘‘để đánh giá tổng thể chất lượng không khí trên toàn bộ địa bàn Thành phố chỉ dựa vào 10 trạm quan trắc (trong đó chỉ có 2 trạm cố định) là không thể’’ (trang thanglong.chinhphu.vn).

2 - ''Nguyên nhân dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc trên, theo bộ Tư Pháp, là do khi thực hiện báo cáo gửi Quốc Hội, báo cáo của bộ Tài Nguyên - Môi Trường và của UBND thành phố Hà Nội gửi đến bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên cán bộ soạn thảo đã tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí'' (trang vov.vn, ngày 11/10/2019).

3 - Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, việc phát triển các trạm cảm biến di động, đo lường chất lượng không khí (Low Cost Air Pollution Sensors), với ưu thế giá rẻ, để sử dụng như các phương tiện đo lường bổ trợ, là biện pháp rất nên được khuyến khích (hiện tại chi cục Môi Trường Hà Nội có 8 trạm như vậy). Nhưng về mặt số liệu chính thức, các trạm cảm biến di động này không thể thay thế cho hệ thống ''các trạm cố định'', với mức độ đo lường chính xác hơn. ''Các trạm cố định'' được chính quyền các nước sử dụng như một phương tiện đo lường chính thức, bởi tuân thủ các quy trình, phương pháp ISO, các phương pháp hiệu chuẩn, hiệu chỉnh được quốc tế công nhận.

4 - Nhà tâm lý giáo dục, giáo sư Mạc Văn Trang, trả lời RFI Việt ngữ, cho biết về các áp lực đối với giáo viên ở Việt Nam: ‘‘Thứ nhất, số học sinh trong một lớp rất đông. Có lớp đến 50, 60. Quan tâm được hết các em rất mệt. Thứ hai, chấm bài người ta yêu cầu chấm điểm theo định kỳ, ở tiểu học đến 8, 9 môn. Lớp đông như thế, cô phải chấm từng bài một rất mệt. Thứ ba là ‘‘thi đua’’. Trong ngành giáo dục các nước không có chuyện thi đua. Ở Việt Nam lại có chỉ tiêu thi đua đủ thứ : Nào là kết nạp Đội, hoạt động Đội, kế hoạch nhỏ… Rồi các hoạt động xã hội, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra còn sinh hoạt khác khá nhiều… họp chi bộ, chi đoàn, công đoàn… So với nước ngoài, áp lực với giáo viên Việt Nam rất nặng.

Tôi đã đi dạy học mấy chục năm. Khi nào mình được tự do sáng tạo, nghiên cứu nội dung, trình bày theo phương pháp của mình, thể hiện nghệ thuật sư phạm của mình, chinh phục được học sinh, thì mình cảm thấy rất thích thú, không mệt. Nhưng nếu phải dậy những môn mình không thích, rồi trước áp lực như thế gây chán nản, mệt mỏi. Chưa kể sức ép phụ huynh ai cũng muốn con mình giỏi, khác với nước ngoài. Con mình thua kém là không được... Cô phải cố gắng để thỏa mãn kỳ vọng của học sinh.

Ở Việt Nam, tất cả các giáo viên đều chịu sức ép chung như vậy cả, nhưng vì Việt Nam hạn chế dân chủ, nên người ta không dám biểu tình, phản đối. Và thậm chí giáo viên nào có ý kiến trái ngược… có khi người ta đuổi (hiệu trưởng có quyền đuổi giáo viên), nên người ta không dám biểu hiện ra. Ở nước ngoài, tôi nghĩ có những áp lực, bất mãn. Việc một người tự sát về các bất mãn tất nhiên là tác động đến tất cả giáo viên khác. Nhưng ở Việt Nam, thì có như thế cũng không dám tỏ thái độ, vì sợ bị đuổi’’.

-----------------

Cùng chủ đề

Thu Hằng - RFI
Thứ Hai, ngày 30 tháng 7 năm 2018







No comments: