Sunday, October 20, 2019

QUY TRÌNH TỰ DIỄN BIẾN (Dương Quốc Chính)





Về tâm lý chung của con người thì thường phải bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân mình, thì người ta mới phản ứng. Quyền lợi bị ảnh hưởng càng nhiều thì phản ứng càng mạnh mẽ.

Tất nhiên có người bị xâm phạm quyền lợi mà vẫn mặc kệ, thì là quá hèn, hoặc bị thiểu năng hay tàn tật, thân phận con sâu cái kiến, không bàn ở đây.

Dưới chế độ CS, chính quyền thường muốn triệt tiêu tranh đấu của dân đối với bộ máy công quyền. Dân chúng kiện nhau thì không sao, nhưng kiện chính quyền hay cơ quan đoàn thể thì liệu hồn. Chính vì thế, nên nếu quyền lợi của dân mà bị xâm phạm bởi cơ quan nhà nước hoặc do sự tắc trách của cơ quan nhà nước, là dân sẽ tránh.

Pháp luật VN nói chung vẫn chủ yếu để bảo vệ chính quyền, 1 cách công khai, và bảo vệ kẻ mạnh, 1 cách bán công khai. Vì thế, dân cũng ngại va chạm với quan, người nghèo ngại kiện cáo người giàu. Bởi vì có tiền và có quyền là dễ chạy án hơn.

Thế là sự bất công càng bền vững, khi mà dân vừa ngu (không hiểu luật), vừa hèn. Người có quyền và có tiền ngày càng lũng đoạn.

Các nhận định trên mình có được sau quá trình quan sát và tư vấn luật cho nhiều người. Đơn giản như việc tranh chấp khi xây dựng nhà cửa, phân xử ở Phường, hay việc phạt vi phạm hành chính trái luật (Giao thông…). Thường khi dính đến pháp luật, người dân sẽ tìm đến các mối quan hệ để chạy, thay vì tìm hiểu luật để khiếu nại.

Khi quyền lợi cá nhân bị xâm phạm

Có lẽ do tâm lý đám đông, nên nếu quyền lợi cá nhân bị xâm phạm chung với 1 nhóm người thì người ta sẽ ít hoặc không đấu tranh nữa. Bởi cách suy nghĩ “Ai cũng bị như thế, nên điều đó là bình thường, để bọn khác đấu tranh đi, mình hưởng lợi được rồi, thiệt hại thì nó chịu. Kệ, nhà bao việc“.

Nếu bạn đi chợ mua mớ rau, bị tính tiền sai 5 ngàn, bạn có thể mắng chửi người bán rau. Nhưng nếu bạn đi mua xăng, bị ăn bớt 5ng, hoặc bạn bị tính tiền điện, nước, điện thoại mất 10ng, bạn sẽ tặc lưỡi bỏ qua. Một phần vì thằng ăn cắp nó to quá, bạn không dám chửi nó, nhất là khi nó lại là người nhà nước.

Vụ nước bẩn cũng vậy, nếu thằng hàng xóm ném chất bẩn vào bể nước nhà bạn, bạn chửi nó ngay, thậm chí kiện nó, nếu nó không quá giàu và chức to hơn bạn. Nhưng nếu thằng làm bẩn nước là chủ đầu tư khu chung cư hay khu đô thị, là nhà máy nước, là doanh nghiệp lớn, hoặc do sự tắc trách của cơ quan chính phủ thì bạn lại dễ dàng bỏ qua cho nó! Thế mới éo le.

Khi quyền lợi của người thân bị xâm phạm

Bên trên viết về quyền lợi cá nhân, trực tiếp bị xâm phạm chung hoặc riêng. Bạn có thể cũng phản ứng nếu người thân của mình bị xâm phạm quyền lợi. Với người càng thân, bạn phản ứng càng mạnh và sẽ yếu dần với người dưng.

Vừa rồi, nếu bố mẹ bạn ở vùng bị nước nhiễm bẩn hoặc ở nơi nước ô nhiễm do Formosa, bạn có thể sẽ lên tiếng. Nhưng nếu họ hàng thằng hàng xóm hoặc thằng bạn cấp 1 bị ảnh hưởng, bạn sẽ kệ mẹ nó. Liên quan gì đâu. Nhà bạn chưa bị mà.

Vậy quy trình từ 1 người thiện lành thành 1 phản động là thế nào?

Người thiện lành chỉ lên tiếng khi quyền lợi cá nhân bị xâm phạm, thậm chí vẫn không lên tiếng nếu đối tượng xâm phạm quá mạnh.

Nếu diễn biến thêm 1 chút thì họ sẽ lên tiếng khi quyền lợi của họ chung với 1 đám đông nhỏ (như cư dân 1 tòa chung cư).

Thêm chút nữa khi đám đông cùng bị ảnh hưởng to hơn, ví dụ quận Thanh Xuân bị nhiễm bẩn nước và thủy ngân trong không khí… Vừa rồi có 1 số anh em Sài Gòn rung đùi khi thấy anh em Hà Nội bị ô nhiễm nước, tại dell liên quan, yên tâm vì Sài Gòn có nhà máy nước của nhà nước!

Bọn phản động sẽ vẫn lên tiếng, khi chúng có nguy cơ bị ô nhiễm tương tự, khi quyền lợi cá nhân không liên quan lắm.

Người thiện lành chỉ lên tiếng khi đối tượng xâm phạm là cá nhân hoặc nhóm nhỏ yếu thế như mình hoặc yếu hơn mình. Bọn phản động lên tiếng kể cả khi đối tượng xâm phạm mạnh hơn, quản lý cả tỉnh, cả nước và đông hơn, thậm chí đông đến 4 triệu người.

Người thiện lành chỉ lên tiếng khi có “quan hệ”, có thể chạy. Bọn phản động lên tiếng khi thấy đối tượng xâm phạm làm sai luật.

Người thiện lành chỉ lên tiếng khi người thân bị xâm phạm quyền lợi. Bọn phản động lên tiếng cả khi quyền lợi quốc gia bị xâm phạm.

Một số đồng chí đảng viên dám tranh đấu ở cơ quan, nhưng nín ở cấp cao hơn. Hoặc chửi đến Ủy viên Trung ương, nhưng vẫn kính nể bác Trọng mọi mặt. Như thế gọi là diễn biến đến bẹn.

Tóm lại, quy trình từ thiện lành hay bò đỏ thành phản động, hay con người mới TBCN là:

Đối tượng tranh đấu từ cá nhân hay nhóm nhỏ yếu thế thành nhóm lớn, quyền lực. Nhóm lớn nhất, quyền lực nhất là đảng cầm quyền.

Nguyên nhân dẫn đến tranh đấu là từ quyền lợi cá nhân bị xâm phạm đến quyền lợi của tỉnh nhà, của quốc gia bị xâm phạm.

Dân xứ giãy chết nó đấu tranh cho nhân quyền hay môi trường ở tận VN, chính là do họ đã đạt đỉnh cao của phản động! Mà người VN gọi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Vì các lý do trên mà mình cho là anh Quang đã mon men đi vào quy trình tự diễn biến. Rất đáng trân trọng, cho dù anh vẫn chưa thể tranh đấu với những nhóm đông hơn, mạnh hơn.

Với phân tích trên, bác Hồ, giai đoạn trước 45, chính là 1 phản động điển hình! Chúng ta nên học tập tấm gương bác.







No comments: