Nguyễn Đình Cống
11/10/2019
Tôi đọc sách “Chia tay ý thức hệ”, của TS Hà Sĩ Phu
(HSP), tự do xuất bản. Đang rất say sưa với những ý tưởng, những nhận xét, những
đề xuất rất chính xác, rất phù hợp thì bỗng nhận ra một điều, rằng liệu có phải
HSP trước đây đã bị nhầm, như tôi cũng đã từng bị nhầm như vậy. Đó là về vai
trò của Mác Lê ở VN.
Ảnh bìa sách “Chia
tay ý thức hệ” của TS Hà Sĩ Phu
Từ năm 2012 tôi đã phát hiện ra chỗ nhầm lẫn của
mình. HSP viết một ý tương tự với sự nhầm đó trong bài “Đôi điều suy nghĩ của một
công dân”, vào năm 1993. Không biết đến bây giờ ông đã nhận ra chưa.
Nghĩ rằng còn có nhiều người mắc phải nhầm lẫn như vậy
nên tôi viết bài này nhằm trao đổi, thảo luận. Liệu tôi đúng hoặc sai bao nhiêu
phần trăm trong các lập luận dưới đây? Liệu có phải tôi và HSP bị nhầm hay
không?
Xin trích câu của HSP (trang 137, sách đã dẫn): “Ta
biết ơn chiếc thuyền nan đã đưa ta qua sông, nhưng sang bờ rồi mà cứ cắm cúi
mang “chiếc thuyền Marxist chỉ huy” trên lưng như cái mai rùa thì tránh sao khỏi
bị người ngoài đàm tiếu và người thân nghi ngờ rằng có sự che đậy hoặc cất giấu
cái gì trong đó”.
Chiếc thuyền nói về câu chuyện một Hành giả đi tìm đất
Phật, gặp con sông, may nhờ tìm được chiếc thuyền nan giúp vượt qua. Sang được
sông rồi, Hành giả cõng chiếc thuyền trên lưng, tiếp tục trèo núi.
Tôi cũng như HSP đã dùng hình tượng chiếc thuyền để
chỉ việc ĐCSVN mang trên lưng, đội lên đầu Chủ nghĩa Mác Lê (CNML), cho rằng nhờ
nó mà ĐCS đã thắng lớn trong chiến tranh cách mạng và thống nhất đất nước
(CTCM). Nhận thức này được nhiều người công nhận, dựa trên suy luận như sau:
a- Đảng CSVN theo CNML.
b- ĐCSVN đã thắng lớn trong CTCM.
c- Suy ra, nhờ CNML mà ĐCSVN đã thắng lớn trong
CTCM.
Suy luận tiếp, đã nhờ nó mà thắng lớn thì nó là rất
quý giá. Nó rất quý giá thì phải kiên trì và tôn thờ nó.
Những suy luận như trên có hình thức kiểu Tam đoạn
luận, nhưng không phải. Đó là kiểu ngụỵ biện, dựa vào 2 tiên đề a và b. Từ 2
tiên đề đó không thể rút ra kết đề c. Nhưng mới nghe qua thấy rất có lý, vì thế
nó đánh lừa được nhiều người cả tin (trong nhiều năm tôi cũng ở trong số người
đó).
Phản bác suy luận trên không có gì phức tạp, chỉ cần
suy nghĩ một chút. Nếu dùng logic thì đặt câu hỏi về “Chu diên” của a và b. Bằng
cách suy luận thông thường thì đặt ra vài câu hỏi để kiểm chứng. Sau đây là vài
câu đó: Bản chất của CNML gồm những vấn đề gì? ĐCSVN đã vận dụng những điều gì
của CNML, kết quả thế nào? Những nguyên nhân trực tiếp nào tạo nên thắng lợi của
CTCM? Điều cụ thể nào của CNML tạo nên thắng lợi của CTCM? (Đừng nói chung
chung).
Trả
lời: Bản chất của CNML là chống bóc lột, xóa bỏ
kinh tế tư nhân, quốc hữu hóa và tập thể hóa nền kinh tế, vô sản chuyên chính,
đấu tranh giai cấp v.v… ĐCSVN đã vận dụng CNML trong cải cách ruộng đất, hợp
tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, đưa kinh tế quốc doanh thành
chủ đạo, đẩy đấu tranh giai cấp đến chỗ huynh đệ tương tàn, xem một bộ phận
nhân dân là thù địch… Những việc này phải chăng chỉ là những sai lầm, chẳng có
chút gì đóng góp vào thắng lợi của CTCM.
Nguyên nhân trực tiếp tạo nên thắng lợi của CTCM là
lòng yêu nước, sự hy sinh của nhân dân, là tài năng của những con người VN
trong chỉ huy (tuy rằng một số họ là đảng viên, nhưng tài năng vốn là phẩm chất
của họ chứ không phải nhờ CNML mà có). Khả năng của nhân dân do ĐCS huy động, dựa
chủ yếu vào lòng yêu nước chứ cơ bản không phải dựa vào CNML.
Có ý kiến lập luận rằng, nhờ hợp tác nông nghiệp mà
Nhà nước huy động được sức người, sức của cho CTCM. Đây là một loại ngụy biện dựa
vào hình thức. Hỏi: Cuối năm 1953, đầu 1954, khi chưa có hợp tác xã, Nhà nước
huy động được sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ là nhờ cái gì, từ
năm 1956 đến 1975, Nhà nược huy động sức người, sức của ở các thành thị nhờ vào
cái gì. Hợp tác xã làm suy sụp nền nông nghiệp, đẩy đa số nông dân vào cùng cực,
đó không phải là biện pháp để huy động sức người, sức của.
Sự thắng lợi của CTCM có một phần lớn nhờ vào sự viện
trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Nhiều người cho rằng đó là nhờ
CNML. Xem qua tưởng là thế, nhờ cùng chung ý thức hệ, nhưng nghĩ kỹ thì không
phải. Nguyên nhân chính làm cho các nước XHCN giúp cho cuộc kháng chiến của
nhân dân ta (theo Di chúc HCM, là giúp cuộc kháng chiến chứ không phải giúp
nhân dân ta) không nhờ gì vào CNML, mà vì ĐCSVN chịu nhận làm lính xung kích của
phe XHCN. Người ta cung cấp vũ khí cho những tên lính xung kích chết thay cho họ.
Dựa vào những lập luận trên đây có thể rút ra kết luận
rằng, CNML đối với dân tộc VN không giống như chiếc thuyền nan đối với người
Hành giả tìm Phật.
Người Hành giả mang trên lưng chiếc thuyền trong khi
leo núi chứng tỏ trí tuệ quá thấp kém. ĐCSVN đội CNML lên đầu, kiên trì nó,
không những thể hiện sự thấp kém về trí tuệ, mà còn che đậy hoặc cất giấu cái
gì trong đó. Điều này tôi hoàn toàn tán thành với TS HSP và xin vạch ra, cái gì
ấy là lòng tham vô độ và sự đểu giả quá mức. Người ta tham quyền lực thống trị.
Từ tham nhũng quyền lực sẽ có được vô số của cải cho cá nhân, gia đình, phe
nhóm. Sự đểu giả là dựa vào chuyên chính vô sản để đàn áp những xu hướng bất đồng,
để tuyên truyền dối trá về sự vinh quang và sáng suốt của Đảng nhằm mê hoặc quần
chúng, nhằm biến những kẻ cuồng tín thành nô lệ.
Trên đây là vài ý kiến với TS HSP, một nhân cách rất
được kính trọng và nể phục về trí tuệ và lòng dũng cảm, xứng đáng là một trí thức
quân tử.
Xin các vị có quan tâm đến CNML và sự nghiệp của Dân
tộc Việt, hãy phân tích, đánh giá để làm sáng tỏ, tránh nhầm lẫn về vai trò của
một chủ nghĩa đã lỗi thời, mang lại lợi ít, hại nhiều cho nhân loại, tránh việc
phải biết ơn và thờ phụng những thứ nhân danh này nọ, đã làm hại đân tộc này và
loại bỏ nó một cách dứt khoát, không thương tiếc.
No comments:
Post a Comment