Sunday, February 10, 2019

TUYỂN TẬP THƠ TÔ THÙY YÊN (Trần Doãn Nho)




Trần Doãn Nho
February 10, 2019

Nhà thơ Tô Thùy Yên vừa cho phát hành tập thơ mới nhất của ông: Tô Thùy Yên – Tuyển Tập Thơ vào cuối năm 2018. Đây là một tập thơ bìa cứng, trang nhã và đơn giản. Chỉ trừ vài dòng cám ơn một số bạn hữu như Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Anh Khiêm, Huy Phương, Nguyễn Thanh Châu và Trần Hoài Thư đã giúp tìm thêm một số bài thơ thất lạc, tập thơ không có lời tựa, cũng không trích dẫn lời giới thiệu của bất cứ nhà văn hay nhà thơ nào. Ngay cả tiểu sử cũng vô cùng ngắn gọn ở phần phía trong của bìa sau:

Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên). Sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Học tại Gia Định và Sài Gòn. Viết từ cuối thập niên 1950. Tại ngũ từ 1964 đến 1975. Tù Cộng Sản 13 năm. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1993.

Từ trái: Chân Phương, Tô Thùy yên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho. (hình:TDN)

Tô Thùy Yên – Tuyển Tập Thơ gồm 96 bài thơ, gộp lại những bài từ hai tập trước, Thơ Tô Thùy Yên. Thơ Tuyển (1995) và Thắp Tạ (2004) cộng thêm với một số bài mới được tìm thấy và đưa vào sau này. Tác giả cho biết tập thơ không bán, chỉ để ký tặng. Chi phí in ấn tập thơ do nhà thơ Đỗ Quý Toàn (tức là bình luận gia Ngô Nhân Dụng) và bác sĩ/ca sĩ Bích Liên trang trải.

Từ khi qua định cư tại Hoa Kỳ, Tô Thùy Yên cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Ông tiếp tục làm thơ và đi nhiều nơi tham gia các buổi sinh hoạt văn học cũng như giới thiệu tập thơ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, trong những năm sau này, sức khỏe nhà thơ không được tốt, nên ông hiếm khi đi đâu và ít thấy xuất hiện trước công chúng. Vào năm 2017, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Sài Gòn thất thủ, đáp lời mời của trường đại học Yale muốn có tiếng nói của một nhà thơ miền Nam, dù đi đứng khá khó khăn, ông đã cố gắng đến tham dự và đọc thơ cùng với một số nhà thơ khác như  Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo và Chân Phương vào ngày 26 Tháng Tư, 2017. Trong dịp này, ông cũng tham dự một buổi sinh hoạt đọc thơ Tô Thùy Yên khác tại  trung tâm Việt-Aids do nhóm văn nghệ sĩ Boston tổ chức vào chiều tối ngày 28 Tháng Tư, 2017.

Hiện nay, bà Huỳnh Diệu Bích, vợ ông, cho biết, ông đang nằm tĩnh dưỡng ở bệnh  viện sau một cơn đột quỵ.

Tô Thùy Yên là một trong những nhà thơ lớn của Văn Học Miền Nam (1954-1975). Tôi đã từng viết một bài nghiên cứu khá dài về thơ Tô Thùy Yên, xin trích lại vài đoạn:

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc thơ Tô Thùy Yên là ngạc nhiên vì một số điểm có vẻ như “tương phản” trong thơ ông.

– Bài thơ (được xem) như đầu tay, “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” làm lúc còn là một thiếu niên, không phải là một bài thơ tình học trò với những rạo rực yêu đương, mộng tưởng, nhớ nhung vớ vẩn, mà lại là một bài thơ đẫm triết lý; không phải là một thứ triết lý chung chung, mà là chứa chất một cái nhìn rất bao quát, được tiếp tục được triển khai qua nhiều bài thơ về sau này, dưới những cách diễn đạt khác nhau về hữu hạn/vô hạn. Suốt mười lăm câu, tuyệt không có một từ ngữ triết lý nào, cũng không ám chỉ một ý niệm triết lý nào. Toàn bài là một bức tranh sinh động, rất đẹp, rất hoành tráng và chấm dứt bằng một bi kịch đầy ấn tượng: tàu chạy mất và con ngựa thì gục ngã. Một gục ngã êm đềm, thẩm mỹ! Một ẩn dụ triết lý tuyệt vời!

– Thơ Tô Thùy Yên rất nhiều khái niệm hoặc hình tượng triết lý – lời thơ đôi khi bí hiểm, khó hiểu – thì đồng thời lại không thiếu những hình ảnh hiện thực, có thể nói còn hiện thực hơn cả những nhà thơ hiện thực nhất.

– Thơ Tô Thùy Yên rất hiện đại, rất cách tân, trong lúc lại không thiếu gì những bài, những đoạn, những câu thơ rất cổ điển, rất tiền chiến, rất thơ mới. Bên cạnh “Tôi chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/Giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô,” chẳng hạn, ta lại đọc thấy “Có gã hề cuồng ra giữa chợ/Hát ngao những đoạn sấm truyền xưa/Bao giờ gió thổi cơn nồm lớn/Minh chúa giong thuyền ra cố đô” (Mùa Hạn) phảng phất không khí cổ điển hoặc “Bao giờ cho đến bao giờ nữa/Em gánh vui về họp chợ đông/Lòng ngát như hoa còn kịp buổi/Áo chưa người giữ để xin buông” nghe như thơ tiền chiến. Lại có đoạn rất Kiều: “Đêm nằm, lệ chảy mòn tay/Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều/Mịt mùng gió lửa liu hiu/Bóng nào khóc, bóng nào kêu, não nùng” (Hái rau).

Về điểm này, Nguyễn Hưng Quốc nhận xét “Có thể dễ dàng tìm thấy trong thơ Tô Thùy Yên vô số những dấu vết của truyền thống bên cạnh vô số những điểm cách tân độc đáo: cả hai hài hòa với nhau làm cho thơ ông, ở những bài thành công nhất, có cái hoàn hảo của những tác phẩm cổ điển.”

(…)

“Chữ nghĩa và tri thức đã tổng hợp nên Tô Thùy Yên. Với cách sử dụng chữ nghĩa độc đáo, tân kỳ và sáng tạo, Tô Thùy Yên đã mở ra nhiều cánh cửa của hiện thực. Cũng con sông đó, cũng biển đó, cũng trời đất đó, nói chung là cũng những sự vật đó, Tô Thùy Yên đã cho ta thấy nhiều hình dáng khác của chúng, lạ lùng và thú vị. Đồng thời ông mở ra nhiều cánh cửa từ những ý niệm triết học vốn đã bị đào xới mòn nhẵn nghe đến chán chường qua hàng ngàn năm nhân loại suy tưởng. Ai mà chẳng biết vô hạn, hữu hạn, biến dịch, tuyệt đối, chân lý… Tô Thùy Yên cũng lập lại chúng, nhưng lập lại một cách khác, choàng lên chúng những khuôn mặt mới, dịu dàng và thơ trẻ hơn. Kiến thức ông chín và sâu, được tiêu hóa đàng hoàng để hóa thành những thi-triết ảnh tươi mươi, sống động. Nhiễm chất thơ, nên thay vì đẻ ra những luận chứng siêu hình ngột ngạt đưa đến những tranh cãi hoài hoài không dứt – kéo dài cả mấy ngàn năm và vẫn còn tiếp tục – thì chúng mang lại cho ta những tuyệt vọng ngọt ngào của cuộc nhân sinh, khiến cho nỗi tuyệt vọng đôi khi cũng lấp lánh, tinh anh như niềm hy vọng.

Phải chăng, đó cũng chính là cùng đích của nghệ thuật?”

Như đã trình bày ở trên, tập thơ này có thêm một số bài chưa hề có trong hai tập thơ trước: “Em Đi,” “Bụi Đời,” “Hồn Vô Sở Cư,” “Trối trăng,” “Tháng Chạp Buồn,” “Những Ý Nghĩ Vào Buổi Chiều Trên Bãi Biển,”… Tôi đã có dịp giới thiệu một vài đoạn trong bài “Tháng Chạp Buồn” trong bài trước, “Đọc thơ Xuân” (https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/doc-tho-xuan/) . Lần này, xin giới thiệu vài đoạn trong hai bài thơ khác, được sáng tác cách nhau gần 50 năm.

“Những Ý Nghĩ Vào Buổi Chiều Trên Bãi Biển” đăng trên Sáng Tạo năm 1958 lúc tác giả đang còn rất trẻ, 20 tuổi. Qua hình ảnh của biến, nhà thơ suy gẫm về không gian. Cái bao la, cái mênh mông, cái to rộng của nó khiến nhà thơ cảm thấy mình trở nên nhỏ nhoi, vô nghĩa và chới với, “chết đuối vào không gian.”

Tôi đi trên bãi cát
Với giấc ngủ trong lòng
Hoàng hôn bị xử trảm
Máu bết vào không trung

Biển hàm tiếu lả tả
Từng cánh sóng mênh mang
Cõi đời cao lớn thế
Người vừa kích thước chăng
(…)
Biển ơi dù rộng lượng
Thôi cũng đừng bao la
Hãy thả tôi về với
Dải đất liền hào hoa

Tôi dừng chân chới với
Chết đuối vào không gian
Trời cầm lòng chẳng đậu
Bưng mặt trong màn đêm

Trong lúc đó, “Em Đi,” đăng trên tạp chí “Văn” (Hoa Kỳ), số Tháng Năm và Tháng Sáu, 2005, cho ta một hình ảnh khác: thời gian. Dưới cái tựa đề tưởng chừng như rất lãng mạn, bài thơ lại thấm đẫm suy tư về lẽ biến dịch của đất trời. Tất cả đều phải “đi.” Em đi, tôi đi, thế giới đi, cây cỏ đi. Đi, đi mãi. Đi đâu? Đến đâu? Trốn hay tìm? Rủi hay may? Không ai biết. Cứ phải đi, đi, đi…chỉ để thấy, “Cái ta muốn trốn nhạt dần bóng/Cái ta cầu gặp nhòe đi hình.”

Em đi lên núi, đi ra biển…
Đi trốn? Đi tìm? Giục giã đi
Mai sau nằm lại bên bờ cỏ,
Thôi cũng an lòng ta có đi
(…)
Băng qua những biên hạn nghi hoặc
Nhìn hoa để thấy đó là hoa…
Rúng động thần hồn, tiếng thét xé
Rớt xuống thời gian, bất kể ta

Trốn không trốn được, tìm không gặp
Đi, mãi đi, chừng đi lấy đi…
Một kiếp vô thường sao đủ rộng
Mà hòng trải trọn một đam mê?
(…)
Thế giới sớm chiều chuyển chóng mặt
Đời không thực tướng, biết sao thân?
(…)
Em qua rồi núi, qua rồi biển
Gặp gì thêm ngoài núi biển ra?
Hay vẫn bàn tay vô cảm ấy
Mơn man đau rát tận cùng ta

Tô Thùy Yên đã biến không gian và thời gian, hai phạm trù khô cứng của triết học, thành… thơ.

Thơ triết! (Trần Doãn Nho)

-------------------

Tài liệu tham khảo:

-Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình-hiện thực (Trần Hữu Thục)

-Tô Thùy yên. Tuyển tập Thơ

-Trang mạng “Bạn Văn Nghệ”





No comments: