Thursday, February 21, 2019

TỪ VACCINE QUINVAXEM ĐẾN COMBEFIVE : TRẺ EM VIỆT NAM LÀ CHUỘT BẠCH? (Mẹ Nấm)





Năm 2011-2015, vaccine Quinvaxem 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều người nghi ngại vì độ an toàn của nó. Bộ Y tế vẫn tiếp tục quyết định sử dụng mặc dù vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích. Năm 2018, Quinvaxem ngưng sản xuất nên vaccine CombeFIVE có nguồn gốc từ Ấn Độ được lựa chọn. Tuy nhiên, loại vaccine này ngay từ lô đầu sử dụng cho đến nay cho thấy tỉ lệ trẻ tai biến sau tiêm chủng là con số đáng bàn. Trẻ em Việt Nam một lần nữa lại được đem ra làm vật thí nghiệm vì lý do “nghèo” chăng?

Quinvaxem là loại vaccine phối hợp "5 trong 1" do hãng Berna Biotech (Hàn Quốc) sản xuất, phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra. Quinvaxem được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ năm 6/2010 đến khi dừng sử dụng đã có hơn 63 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm. Mặc dù được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng và hiện đang sử dụng phòng bệnh cho trẻ ở 90 quốc gia, tuy nhiên, Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem đã không sử dụng vaccine này vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vaccine toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) dễ gây phản ứng cho cơ địa trẻ. Bản thân nhà sản xuất cũng cảnh báo phải cân nhắc hết sức cẩn thận bởi có rất nhiều tác dụng phụ sau tiêm như: sốt 40 độ C, đột quỵ hoặc sốc, khóc thét kéo dài hơn 3 giờ, co giật…

Vào tháng 5/2013, đã có quyết định tạm ngưng sử dụng vaccine Quinvaxem do hàng loạt biến chứng xảy ra cho trẻ và có 5 ca tử vong liên tiếp trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên sau đó 5 tháng, với kết quả đánh giá độc lập và khuyến cáo an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trong số này 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng, 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm văcxin nhưng đều hồi phục, các trường hợp còn lại là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccine. Bộ Y tế tiếp tục sử dụng Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Một quan chức Bộ Y tế vì sao tiếp tục sử dụng Quinvaxem sau khi có hàng loạt biến chứng như sau:
“Chưa từng có tiền lệ về chuyện này nhưng nếu có xảy ra cũng rất khó để quy trách nhiệm. Việc ngừng tiêm vắc-xin này cũng rất khó khăn vì có thể làm “vỡ” hệ thống tiêm chủng mở rộng đã ổn định. Còn việc từ chối nhận viện trợ bằng vắc-xin thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức này. Dự kiến, thời gian tới có thể GAVI (*) sẽ viện trợ Việt Nam vắc-xin ngừa bệnh Rubella và tiêu chảy do Rotavirus”.

(GAVI là tên viết tắt của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, tổ chức tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015, trị giá 38,5 triệu USD).

Sau khi Hàn Quốc dừng sản xuất Quinvaxem, vaccine CombeFIVE của Ấn Độ được chọn để thay thế từ cuối tháng 12/2018.

Theo kết quả do Bộ Y tế công bố lô vaccine đầu tiên ComBE Five do Ấn Độ sản xuất (loại thay thế vắc xin Quinvaxem) có kết quả kiểm định chất lượng ngày 8/6/2018 chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất cung cấp lô vắc xin mới để kiểm định. Ngày 10/9/2018, kết quả kiểm định lô vắc xin mới này đạt yêu cầu. Bộ Y tế đã chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan tiến hành thủ tục mua sắm theo quy định để sớm đưa vắc xin ComBE Five vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (1).

Tháng 12/2018 thống kê sơ bộ thông tin từ báo chí cho thấy, đã có 3 trẻ tử vong sau khi tiêm CombeFive tại Hà Nội và Nam Định, đây là 2 trong số 7 tỉnh thành áp dụng chương trình thay thế vaccine Quinvaxem.
Trả lời báo chí chiều nay, 7-1, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, trong số hơn 100.000 liều vaccine “5 trong 1” ComBE Five đã được tiêm, tỷ lệ trẻ gặp phản ứng sau tiêm vẫn hoàn toàn nằm trong giới hạn an toàn. (2)

Tại Bình Định hơn 30 trẻ nhập viện do phản ứng với CombeFIVE, trong đó có 3 trường hợp sốt nặng, tím tái, khó thở. (3) Ở Hà Nội cũng có trẻ em phản ứng với CombeFive. (4) Tiền Giang có 60 trẻ nhập viện sau khi tiêm vaccine CombeFIVE.

Thông tin kiểm định của những lô vaccine CombeFIVE sau không còn thấy công khai nữa. 

Trong quá khứ đã có người cho rằng báo chí thổi phồng mọi chuyện khiến dân hỗn loạn, và dân thì ngu nên tẩy chay vaccine khiến con em mình lao đao rơi vào dịch bệnh.

Ở đâu ra cái lối lý luận đó?

Người dân có quyền mất niềm tin trước các kết luận của Bộ Y tế hay WHO không?

Với tôi, người dân hoàn toàn có quyền không tin vào những kết luận thổ tả của các quan chức Bộ Y tế kiểu như: bệnh tả là do mắm tôm gây ra.

Người ta có quyền yêu cầu Bộ Y tế và những người có liên quan phải có trách nhiệm lên tiếng và chấm dứt hành vi trục lợi của các nhóm lợi ích chi phối ngành dược phẩm Việt Nam không?

Không - những người lên tiếng vấn đề vaccine và phản ứng với Bộ Y tế đều bị vu là "phản động", có người còn bị an ninh mời lên đồn vì ký tên vào thư yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức.

Trẻ con Việt Nam, hoàn toàn có quyền được hưởng dịch vụ tiêm chủng an toàn xứng đáng với sinh mạng một con người. Bạn hãy thử đưa con đi tiêm chủng ở phường, xã một lần cho biết quy trình, để thấy sinh mạng của con em mình có được xem trọng hay không. Vì Việt Nam là một nước nghèo nên trẻ con phải chịu kiểu "trời kêu ai nấy dạ" sao?

Chúng ta - những bậc làm cha, làm mẹ có nhiều sự lựa chọn vì an toàn của con em mình. Trong thời đại này, thông tin khá đầy đủ nếu bạn chịu khó tìm kiếm và phân tích. Vì thế, hãy cẩn thận nghiên cứu để bảo vệ trẻ con.

Vaccine không xấu nhưng chất lượng vaccine là vấn đề! Chính sách y tế và cả giáo dục sẽ phải được quan tâm đúng nghĩa nếu các bậc phụ huynh hiểu rõ và dám lên tiếng vì quyền lợi của con em mình.

Mạng sống của mọi trẻ em trên thế giới này đều đáng quý ngang nhau.

22.02.2019

-----------------
Chú thích:






--------------------------------

.
.
.




No comments: