I. Bản chất của chế độ CSVN
Cho dù được tô điểm bởi bất kỳ mỹ từ nào chăng nữa,
chế độ CSVN là một chế độ độc tài kể từ khi đảng này cướp chính quyền và cai trị
cho đến nay.
Sự ra đời của đảng CSVN gắn liền với Hồ Chí Minh, là
một người ngay từ đầu cho đến lúc chết vẫn luôn luôn thuần phục Tàu cộng. Yếu tố
sống còn và khả năng độc quyền cai trị của đảng CSVN lệ thuộc vào Tàu cộng. Lệ
thuộc từ đường lối chính trị, phương thức cai trị cho đến tài lực, vật lực lẫn
kiến năng. Lệ thuộc từ trong khói lửa chiến tranh như Điện Biên Phủ, xâm lược
VNCH sang đến những cuộc chiến mà kẻ thù là nhân dân như Cải cách ruộng đất,
Nhân văn giai phẩm... Tất cả, từ lãnh đạo cho đến mọi hoạt động, đều mang dấu ấn made
in China.
Do đó, chế độ CSVN không chỉ là một chế độ độc tài.
Nó là một thể chế vừa độc tài vừa nô lệ ngoại bang trong suốt chiều dài cuộc sống
của nó.
Với bản chất độc tài và nô lệ, điều gì đã xảy đến với
chủ quyền lãnh thổ Việt Nam?
Nếu sau thế chiến thứ 2, Hồng quân Nga tiến vào Đông
Âu và thiết lập những nhà nước cộng sản bù nhìn thì sau khi Liên bang Sô Viết sụp
đổ, mỗi quốc gia Đông Âu đều có thể tranh đấu để khôi phục chủ quyền cho những
vùng đất nếu vẫn còn bị Nga chiếm đóng. Những thể chế độc tài cộng sản còn sót
lại như Bắc Triều Tiên, Cu Ba dù tồi tệ đến bao nhiêu vẫn chưa để một tấc đất của
tổ quốc họ rơi vào tay ngoại bang.
Ngược lại, đối với Việt Nam, điều tệ hại là những mất
mát không phải vì bị cướp, hoặc vì hết lòng chiến đấu mà không đủ sức bảo vệ. Tổ
quốc Việt Nam bị mất đất, mất biển là do chính đảng CSVN ký kết nhường, đổi
chác, bán. Những ngòi bút ký của lãnh đạo đảng CSVN vào Công hàm 1958, Hiệp định
Biên Giới Việt Trung, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, Tuyên bố chung về Boxit
Tây Nguyên... và còn nhiều văn bản khác - đặc biệt là Hiệp ước Thành Đô, vẫn nằm
trong vòng bí mật đã công nhận nhiều phần lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam thuộc
về Tàu cộng. Những chữ ký của những lãnh đạo đảng cộng sản, tự phong là "đại
diện quốc gia" đã trao cho Tàu cộng một sức mạnh gấp ngàn lần xe tăng, đại
pháo, sư đoàn trong cuộc bành trướng của đại Hán: "thu tóm mà
không cần phải xâm lăng". Những chữ ký này sẽ làm cho dân tộc Việt Nam
gặp khó khăn gấp trăm lần khi phải tranh đấu để lấy lại những gì bị mất vì
chính phủ ký kết xác nhận nó thuộc về ngoại bang, so với nỗ lực đứng lên giành
lại những gì bị mất vì hành vi xâm lược.
Do đó, chế độ CSVN không chỉ là một chế độ vừa là độc
tài vừa nô lệ cho ngoại bang. Chính xác hơn, nó là một chế độ độc-tài-bán-nước.
Đây là bản chất, là căn cước của cộng sản Việt Nam. Và thực chất của tình trạng
mất đất, mất biển đã không đến từ xâm lăng mà đến từ một cuộc buôn bán đổi chác
dài hạn. Thủ phạm chính không phải là người mua, kẻ nhận mà chính là kẻ bán,
người dâng.
II.
Độc-tài nuôi bán-nước và bán-nước nuôi độc-tài
Độc-tài
nuôi bán-nước: Nếu Việt Nam là một nước dân chủ, đa đảng, tam
quyền phân lập thì đã không có Công hàm bán nước 1958, Hiệp định Biên giới, Hiệp
định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp ước Thành Đô và nhiều ký kết khác. Sẽ không có Tổng bí
thư một đảng cùng với mười mấy tên trong Bộ Chính trị toàn quyền quyết định
tương lai của dân tộc và tùy tiện sắp xếp biên giới của quốc gia với ngoại
bang. Sẽ không có những văn kiện với chữ ký của 2 tổng bí thư của 2 đảng, là những
người không được dân bầu, nhưng lại toàn quyền quyết định những vấn đề có tầm ảnh
hưởng vận mạng quốc gia. Sẽ không có một Quốc hội bù nhìn toàn là đảng viên cộng
sản ngồi đọc và chỉ biết được nội dung - hay một phần nội dung - sau khi văn kiện
đã được ký. Sẽ không có tình trạng cả nước không biết rõ toàn bộ nội dung những
hiệp định được ký kết, không nắm chắc đất nước đã bị mất những gì, mất bao
nhiêu. Do đó độc tài dẫn đến mất nước vì độc tài cai trị đã nắm vị
trí độc quyền bán nước.
Bán-nước
nuôi độc-tài: Đảng CSVN sẽ không thể độc tài cai trị cho đến
ngày nay nếu trong suốt nhiều thập niên liền không sống bằng những hỗ trợ trên
mọi phương diện từ Tàu cộng. Đảng không tồn tại nếu không mang căn cước
bán-nước bên cạnh tờ khai sinh độc-tài. Để độc tài, cộng sản
Việt Nam phải bán nước. Lý do:
Một guồng máy độc tài với những lãnh đạo, cán bộ
không có thực tài, thiếu khả năng, đầy bằng cấp giả, cộng thêm tham nhũng, hối
lộ thì không thể nào tự họ làm cho đất nước hưng thịnh. Do đó, đảng CSVN sẽ
không đủ khả năng để ngăn chận sự nổi loạn của quần chúng nếu không bắt tay với
Tàu cộng để người dân có miếng ăn, có áo mặt, có điện, có xăng, có xe, có mọi
thứ mặt hàng gia dụng...
Các lãnh đạo và cán bộ đảng sẽ không thể nào đi từ
vô sản không bằng cấp thành tiến sĩ tư bản đỏ bằng con đường "với
sức mình sỏi đá cũng thành cơm". Bài toán giải quyết và kết quả là một
nền kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu cộng - từ công trình xây dựng, nhiên liệu,
điện lực đến giao thông, hàng hóa, thực phẩm... Do đó, để thực hiện tham vọng
bành trướng, Bắc Kinh không cần phải huy động những sư đoàn tinh nhuệ vượt biên
giới Việt Tàu mà chỉ cần những công trình, công nhân Tàu giàn trải khắp Việt
Nam. Phương tiện xâm lược của Tàu cộng không cần phải là AK47, chiến đấu cơ
Chengdu J-20, tên lửa DF-31A mà là những cú phôn, những quyết định bằng lời có
thể dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, cúp điện cả nước và toàn bộ nền
kinh tế Việt Nam đi vào hỗn loạn. Nếu nói rằng cai trị là nắm quyền quyết định
hay ảnh hưởng lên vận mạng của một quốc gia thì đảng CS Ba Đình đã từng bước
trao cho đảng CS Bắc Kinh quyền cai trị Việt Nam. Bắc Kinh không cần phải có một
chính phủ người Tàu đóng đô ở Ba Đình để thống trị nước ta.
Đem giao cả nền kinh tế và biến nó thành một nền
kinh tế nô lệ cho Tàu cộng vẫn chưa đủ. Đảng CSVN đã "hòa tan" những
hoạt động của quốc gia với Tàu cộng trên mọi lãnh vực. Từ lãnh vực quân sự với
đường dây nóng, với các khóa đào tạo sĩ quan, sang đến lãnh vực tình báo, pháp
luật, an ninh xã hội, tòa án, hành chính... Tất cả đều có bóng dáng chỉ đạo của
đảng cộng sản Tàu. Việt Nam đã và đang bị cai trị bởi Bắc Kinh - chỉ có điều là
ở mức độ nào? 50%, 70%...? - không ai có thể biết chính xác - ngoài thái thú
Nguyễn Phú Trọng đang chiếm ngự cả hai ghế Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Nước.
III.
Những thử thách của phong trào dân chủ
Nếu trước đây, phong trào dân chủ có một phương hướng
chung trên con đường độc đạo là đấu tranh dẹp bỏ độc tài, xây dựng dân chủ, bảo
vệ và phát triển nhân quyền thì họa mất nước có thể làm cho phong trào có nhiều
ngã rẽ chọn lựa khác nhau:
1. Kỳ vọng vào đảng độc tài thoát khỏi vòng nô lệ của
Tàu cộng. Tên thời thượng là Thoát Trung.
2. Kỳ vọng vào một lãnh đạo "sáng giá nhất"
của đảng đứng lên lãnh đạo một cuộc cách mạng nhung để thoát ách nô lệ Tàu cộng
và hy vọng người này đứng về phía nhân dân để cởi trói độc tài.
3. Kiên trì tranh đấu để chấm dứt độc tài và xây dựng
dân chủ và xem đó là điều kiện nền tảng để có được sức mạnh toàn dân nhằm bảo vệ
tổ quốc.
Chọn lựa thứ nhất dành cho những người không thấy được
toàn bộ bản chất cốt lõi độc-tài-bán-nước của đảng CSVN, không nhớ hay không muốn
nhớ đảng này là thủ phạm dẫn đến tình trạng đất nước ngày hôm nay như đã trình
bày ở trên.
Chọn lựa thứ hai thuộc về những người xem việc người
dân Việt Nam có thể tự làm nên một cuộc cách mạng là vô vọng. Do đó họ phải
đánh cược số phận của đất nước vào niềm tin dành cho một người đang nằm trong bộ
máy độc tài, người mà: (1) từ trước đến giờ thành tích nói và không bao giờ làm
đã không thua bất kỳ ai; (2) sự nghiệp chính trị và vị trí lãnh đạo bị lệ thuộc
vào tập đoàn tay chân mà những mất mát về quyền lợi, cũng như phải đối diện với
những đe dọa nếu chống Tàu sẽ quay sang chống lại thủ lĩnh của họ; (3) cá nhân
vẫn nằm trong sự chi phối của một cơ chế tập thể lâu đời mà thành phần thân Tàu
đang chiếm đa số.
Chọn lựa thứ 3 là chọn lựa khó khăn nhất. Nếu 2 chọn
lựa đầu chỉ phải chống ngoại xâm và được sự hỗ trợ hay ít ra được yên thân bởi
đảng độc tài thì chọn lựa thứ ba là phải chống nội xâm lẫn ngoại xâm. Chọn lựa
thứ ba này đối diện với nhiều phản biện:
a. Lực lượng dân chủ còn quá yếu, sẽ bị tiêu diệt từ
trứng nước.
b. Sẽ không được sự ủng hộ nồng nhiệt từ quần chúng
vì tâm lý sợ hãi lâu đời và họ đang có chọn lựa an toàn với cá nhân của họ hơn.
Đó là đứng cùng với đảng (chọn lựa 1), hay ủng hộ một lãnh đạo "sáng
giá" của đảng độc tài (chọn lựa 2).
c, Đấu tranh chống độc tài bây giờ sẽ giúp cho Tàu cộng
thêm cơ hội tràn qua xâm chiếm Việt Nam.
Hai điều a. và b. đã hiện hữu và nó cũng là thử
thách của mọi đất nước bị độc tài cai trị cho đến ngày cách mạng thành công.
Điều c. là ngụy biện của đảng và những người chọn lựa
thái độ đồng lòng hay mong đợi ở đảng. Trên thực tế: Tàu cộng không cần xâm
lăng VN. Tàu cộng không thể lấy một lý do gì để tràn qua chiếm trọn VN trong thời
đại này. Và sự xâm lăng cho dù có đi nữa sẽ không có hiệu quả bằng sự chấp nhận
ký kết sang nhượng chủ quyền của tập đoàn tay sai như đã trình bày ở trên. Xin
đọc thêm bài "Trung
cộng: không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!!!???"
Do đó, nếu thấy rõ độc tài+bán nước là
khai sinh và căn cước của đảng CSVN thì chúng ta chỉ có một chọn lựa duy nhất
cho tương lai đất nước: Kiên trì tranh đấu để chấm dứt độc tài và
xây dựng dân chủ và xem đó là điều kiện nền tảng để có được sức mạnh toàn dân
nhằm bảo vệ tổ quốc.
Chọn lựa này sẽ gặp những bất hợp tác hay tệ hơn là
sự chống đối của những người có cùng khát vọng nhưng khác phương thức (hy vọng
đảng tự thay đổi, hy vọng có một lãnh đạo thức thời trong đảng). Do đó, khi những
thành phần quan tâm đến vận mạng đất nước đi vào 3 ngả rẽ thì phong trào dân chủ
phải đối diện với những thử thách mới, chồng chất lên những thử thách vốn đã
có.
Làm thế nào để vượt qua?
Chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ những nỗ lực vừa
qua, lượng giá tình hình chủ quan và khách quan để từ đó có một hướng chiến lược
tổng thể phù hợp với tình hình mới đang rất là đen tối.
Đây cần là một nỗ lực chung của nhiều người và xin hẹn
các bạn ở một loạt bài khác trong tương lai.
No comments:
Post a Comment