Từ khi thoát khỏi thời kỳ hái lượm, con người cần có
đất để trồng trọt và chăn nuôi, một bộ phận thoát ly nông nghiệp nhưng cũng làm
sản phẩm công nghiệp và dịch vụ để trao đổi với những người có đất mà cùng sinh
sống. Ở nước ta, khi 70% dân số vẫn là nông dân thì sở hữu đất đai là quyền
thiêng liêng của người dân mà bất kỳ chinh quyền nào cũng phải tôn trọng. Yêu
nước trước hết là yêu mảnh đất mà mình đang sinh sống, đánh giặc ngoại xâm trước
hết là để bảo vệ mảnh đất mà tổ tiên để lại cho mình.
Vì đạo lý đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi
ra đời, đã phải giương cao khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, coi đó là nền tảng
phát huy chủ nghĩa yêu nước để chống ngoại xâm. Chính quyền ông Ngô Đình Diệm
và chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu cũng phải giương cao khẩu hiệu đó. Không được
nông dân ủng hộ thì không một chính quyền nào có thể tồn tại trên đất nước này.
Sau một thời gian dài sai lầm áp đặt chủ nghĩa giáo
điều, trong đó có “tập thể hóa đất đai”, đất nước rơi vào khủng hoảng. Từ hơn
30 năm trước, công cuộc đổi mới bất đầu từ việc trả dần lại đất cho nông dân, từng
bước từ khoán 10, khoán 100 đến công nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho cá nhân
và hộ gia đình. Đất nước đã hồi sinh từ điều căn bản đó. Dù chưa công nhận quyền
tư hữu về ruộng đất, nhưng với 5 quyền của người sử dụng đất thì thực chất nông
dân cũng đã có quyền sở hữu trên thực tế rồi. Đa số nông dân chỉ quan tâm đến
thực chất, ít người để ý đến chữ nghĩa.
Nhưng luật pháp về đất đai vốn là thành tựu của đổi
mới, đã bị các nhóm lợi ích kéo lùi để trục lợi, khiến cho quyền sử dụng đất của
nông dân bị đe dọa. Với việc tùy tiện cho phép chính quyền thu hồi đất của nông
dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án kinh tế và “đền bù” với giá rẻ mạt quy
định tại Điều 62 Luật Đất đai và các điều khoản liên quan đến giá đất của luật
này, hàng chục vạn ha đất của nông dân đã bị chính quyền tước đoạt để giao cho
các đại gia buôn đất. Hiện nay bất kỳ nông dân nào cũng có nguy cơ bị thu hồi đất
theo cái gọi là quy hoạch và lòng tham của các đại gia buôn đất câu kết với một
bộ phận quan chức. Hiến pháp không bảo vệ được tài sản là đất đai của nông dân,
đơn giản là chúng ta không có tòa bảo hiến. Quy định cho phép chính quyền thu hồi
đất của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án rõ ràng là vi hiến, nhưng do
không có tòa bảo hiến nên các cơ quan nhà nước chẳng coi Hiến pháp là cái đinh
gì.
Theo đạo lý nghìn đời nay, đất canh tác và đất ở là
tài sản của từng cá nhân và gia đình của người dân, và theo lẽ phải thời hiện đại
thì doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để kinh doanh phải mua lại của nông dân
một cách sòng phẳng theo giá thị trường. Người dân cũng được góp vốn vào doanh
nghiệp bằng đất. Còn đất rừng, đất thắng cảnh và đất phục vụ cho các công trình
công cộng là đất công do nhà nước quản lý. Nhà nước có thể cho tư nhân đấu thầu
sử dụng phần đất công chưa sử dụng vào mục đích công cộng để kinh doanh, nhưng
tuyệt đối không động đến rừng, đến các thắng cảnh. Tuy nhiên, do việc quy hoạch
và việc ban hành luật bị các nhóm lợi ích thao túng, nên đất rừng và đất thắng
cảnh lần lượt bị các đại gia buôn đất thâu tóm.
Bán đảo Sơn Trà, núi Bà Nà ở Đà Nẵng bị tư nhân xé
nát làm dự án. Một loạt các thắng cảnh và sông suối tự nhiên ở phía Bắc được tư
nhân hóa vô tội vạ, biến thành các cụm chùa chiền “du lịch tâm linh”. Rừng
phòng hộ Hoàng Liên Sơn cũng bị các đại gia buôn đất xẻ thịt. Một loạt các thắng
cảnh thắng tích ở nhiều nơi trên đất nước này đã, đang và sắp bị tư nhân chiếm
hữu. Nước ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nói là để bảo vệ
người yếu thế, để phát triển công bằng bền vững mà làm những chuyện thương luân
bại lý gây tổn hại đến hồn thiêng sông núi ngay cả các nước tư bản toàn tòng
cũng không dám làm.
Giờ thì người nông dân đang sống trên những mảnh đất
không chắc là của mình. Giờ thì bờ biển cũng lần lượt do tư nhân quản lý, dân
muốn xuống tắm biển không còn dễ dàng như trước, nhiều nơi phải mua vé. Rừng
nguyên sinh không còn nữa, những câu chuyện đường rừng đang lùi dần vào cổ
tích. Thắng cảnh thắng tích của đất nước vốn là nơi để dân đến hành hương hòa
mình với hồn thiêng sông núi, nay đã và sẽ không còn là của mình nữa. Người Việt
chúng ta đang ở đậu trên mảnh đất của mình, đang trở thành khách trên đất nước
mình.
Tôi không nói đây là bản chất của chế độ. Đây là sự
lầm lạc có thể sửa chữa được, dù đã quá muộn. Việc sửa chữa bắt đầu từ Luật Đất
đai, nó phải được sửa theo đạo lý của dân tộc và lẽ phải của thời đại.
HOÀNG HẢI VÂN
No comments:
Post a Comment