Bùi Văn Phú
04/02/2019
Thày u tôi rời làng quê ở Nam Định di
cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954. Khi mới vào, thày u ở Khu 7 xứ Nghĩa
Hòa, Ngã ba Ông Tạ, là một trong nhiều xứ đạo mới được thành lập để định cư người
Bắc di cư.
H01 : Hình bên trái : Tết Kỷ Hợi 1959 ở Long Hải,
Phước Lễ. Tác giả đứng bên phải, cạnh anh con bác và thân phụ đứng sau cùng với
người bác. Hình bên phải : Tác giả, bên trái, cùng hai bạn bên những cành mai tại
chợ hoa Nguyễn Huệ năm 1975 (Ảnh gia đình)
Thày có một người anh và một cô em gái và u có một anh
trai, đều ở lứa tuổi 20 hay 30, đã có gia đình, cùng nhau rời quê vào Nam.
Ai cũng nghĩ chỉ tạm xa anh em, bà con làng xóm hai năm thôi, khi có tổng tuyển
cử thống nhất đất nước rồi sẽ được trở về với quê cũ ở làng Long Cù, quê nội ;
hay làng Chiền, quê ngoại, thuộc xã Trực Chính, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Mỗi khi gia đình xum họp thày u thường kể cho con
cháu nghe về nguồn gốc gia đình như thế.
Chừng một năm sau ngày rời quê Bắc, u sinh ra tôi ởxứ
Nghĩa Hòa, có cha chính xứ làĐinh Huy Năngvàđược linh mục phó xứĐinh Bình Định
rửa tội.
Ít lâu sau thày u dọn ra Khu 9, trước đó là vườn
nhài. Đến tuổi đi học, tôi vào trường tiểu học Nghĩa Hòa có thày Nguyễn Văn
Tích làm hiệu trưởng và được học với các thày Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Độ, Đinh
Canh Phê (tức thày giáo Thành), Nguyễn Văn Lộc và thày Thủy. Thày Thủy dạy lớp
Nhì được chừng nửa niên học thì đi quân dịch, có thày Lộc thay.
Cô và bác phía thày cùng sống ở Nghĩa Hòa. Bác phía
u là hiến binh, được giao nhiệm sở ở nhiều tỉnh thành nên ngày còn bé vào dịp tết
tôi được theo thày u đi Phước Tuy, Đà Lạt, Tây Ninh, Vũng Tầu để chúc tết bác.
Tôi nghe thày u kể lại chứ không nhớ những chuyến đi xa này, chỉ nhớ một lần tết
ra nhà bác ở Vũng Tầu, ở chơi với các anh chị nhiều ngày, sáng sáng ra sân
quyét hoa đại, đem phơi khô và chiều đi lễ nhà thờ ở bãi trước.
Một người chú, chồng của em gái thày tôi, làm nghề
thủ công, bán hàng rong. Chú người làng Báo Đáp nên khéo tay. Khi thì chú làm
đèn Trung thu, khi làm hoa giấy, nhuộm quần áo, khi đạp xe đi bán cà-rem, bánh
bông lan, bánh su, bán đu đủ bò khô. Cô chú không có con nên đời sống cũng đủ.
Vào những ngày nghỉ chú thường chở tôi đi chơi bằng xe đạp, mua chim, cá cảnh về
cho tôi chơi.
Nhiều năm tôi đã đi với cô chú ra gian hàng bán hoa
giấy, hoa ny-lông ở chợ Tết Ông Tạ. Có một năm cô chú cho tôi đi Long Xuyên bán
hàng tết. Tôi nhớ chiếc xe ngựa chở mấy bồn hoa hai bên, từ nhà ra bến xe Miền
Đông ngồi trên chiếu trong xe mà cứ nơm nớp lo cỗ xe bị chổng ngược lên hay sợ
ngựa nổi chứng phóng nhanh nên hai tay cứ bám chặt thành xe.
Tôi thoáng nhớ chợ tết miệt vườn đông sạp hàng hoa,
trái và ký ức còn ghi đậm là những đêm ngủ tại sạp hàng, có mắc mùng nhưng vẫn
bị muỗi đốt ngứa ơi là ngứa.
Gia đình tôi nghèo. Thày là lính, u lo việc nội trợ
chăm sóc đàn con thơ nên tết về nhà chẳng có hoa, chỉ hạt dưa, ít bánh mứt, còn
bánh chưng chỉ được ăn rán khi tết đã qua. Cô chú chẳng giầu, nên năm nào cũng
chờ đến chiều 30 Tết chú đạp xe lên chợ hoa Nguyễn Huệ, có năm mua được bó
lay-ơn là loại hoa chú thích, nhưng đắt nhất. Còn không cũng mua một chậu cúc,
thược dược hay vạn thọ để trưng ba ngày tết. Nhà tôi hay nhà cô chú chưa bao giờ
có mai hay đào khi tết về. Nhưng ngày đầu năm cô chú lại vẫn muốn tôi là người
xông đất, cô bảo vì tôi học giỏi. Tết năm nào cũng vậy.
H02 : Tết 1973 với gia đình hai bên nội ngoại. Tác
giả đứng ở bìa trái (Ảnh gia đình)
Tết về tôi nhớ nhất là tiếng pháo nổ rền vang trong
đêm giao thừa và ba ngày tết. Nghe người lớn nói pháo nổ giòn nhất là hiệu Điện
Quang hay Nhật Quang bán ở nhiều nơi ngoài đường Lê Văn Duyệt.
Đêm giao thừa nghe pháo nổ không ngủ được, nôn nóng
chờ sáng Mồng Một được mặc quần áo mới, ở nhà chờ có chú bác, bà con hàng xóm đến
chúc tết gia đình và mừng tuổi.
Sang ngày Mồng Hai tôi cùng với những đứa trẻ trong
xóm ra ngã ba đường, đem những đồng tiền mừng tuổi còn mới ra đánh bầu cua tôm
cá hay ăn quà. Khi thấy nhà nào chuẩn bị đốt tràng pháo dài treo trước cửa, đám
trẻ chúng tôi bu lại, bịt tai xem. Pháo nổ hết thì ùa vào đống xác pháo đỏ hồng
giành nhau tìm pháo xì, pháo đẹt. Pháo nổ lớn có pháo đùng, pháo đại nhưng tôi
thích nhất và còn nhớ trò chơi gọi là "pháo kích" của mấy anh lớn
trong xóm. Một ống dài chừng một mét, đường kính mười phân, một đầu bít kín, gần
cuối có đục một lỗ bằng đầu đũa, đầu kia là lon sữa ghi-gô chụp lên. Bỏ vào một
cục khí đá, rồi dựng ống lên một giàn tre như súng pháo kích và đặt ở giữa đường.
Một anh lấy que diêm, đốt qua lỗ đã đục. Một tiếng nổ thật to vang lên, chiếc
lon ghi-gô bắn cao lên trời rồi rớt ở một khoảng xa giàn phóng chừng hai chục
mét. Mỗi lần nghe tiếng nổ lớn, bọn trẻ con vỗ tay thích thú.
Tết Mậu Thân. Như nhiều người Việt, tôi không thể
nào quên. Đêm giao thừa và ngày Mồng Một pháo nổ rền vang khắp xóm ngõ. Sáng Mồng
Hai tôi đang tụ họp quanh một bàn bầu cua tôm cá ở ngã ba đường. Bỗng dưng một
anh lính hải quân trong xóm phóng xe Honda về đến nhà, tay bị băng bó, anh nói
Việt Cộng đã tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân và đài phát thanh. Trong xóm vẫn
nghe tiếng nổ giòn và dài như pháo. Một bác lớn tuổi ra ngã ba đường nói lớn để
thông báo cho biết thủ đô đang bị tấn công và yêu cầu mọi người ai về nhà nấy.
Một số còn tiếp tục trò chơi đỏ đen, ông cầm bàn bầu cua hất tung tóe lên và
yêu cầu giải tán.
Không khí vui tết trong an bình bỗng tan nhanh và
xóm ngõ tràn ngập lo âu. Người lớn và thanh niên lo tổ chức canh gác tại các
ngã đường vào ban đêm. Một đêm nghe tiếng la lớn và chân người chạy rầm rầm.
Sáng nghe tin có kẻ lạ vào xóm ăn trộm gà bị bắt, hắn than thở nhà nghèo, dân đấm
hắn mấy quả rồi thả cho đi cùng với con gà trộm được.
Lên cấp ba, học trường Nguyễn Bá Tòng, tôi mới biết
phố xá Sài Gòn nhiều hơn vì có những ngày cúp cua lớp học thêm bên trường Trường
Sơn, Ziên Hồng đi chơi quanh bưu điện hay bên nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế và thấy
cuối năm tây có nhiều tiệm bán đèn ông sao, có những sạp bán thiệp Giáng Sinh,
gần tết bán thiệp xuân với hình mai, đào, hình ông đồ với bút mực giấy đỏ.
Khi lên đại học, chợ hoa Nguyễn Huệ trở nên quen thuộc
hơn vì thường cùng bạn chiều chiều đi rảo quanh ngắm hoa tươi, chụp hình kỷ niệm.
Ngắm hoa thôi chứ không có tiền mua và cũng để có dịp nhìn những cô gái bán
hàng xinh như hoa.
H03 : Hình kỷ niệm của tác giả tại chợ hoa Nguyễn Huệ,
trước ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Ảnh gia đình)
Chợ Bến Thành năm nào cũng tưng bừng, nhộn nhịp, rộn
ràng với nhạc xuân và những lời quảng cáo mời khách mua vang vang từ cửa hàng
kem Hynos, nai khô cá thiều và rượu dâu Đà Lạt là những tiệm bán sản phẩm ngay
mặt tiền của chợ.
Chợ Tết năm 1975 có hai cô gái ở gian hàng kem Hynos
trông dễ thương nên mấy đứa bọn tôi có tán tỉnh chọc ghẹo mà được chú ý. Hai cô
hẹn gặp sau giờ bán hàng sẽ nói chuyện nhiều hơn. Hai cô gái xinh này là Phạm
Ngọc Châu và Ngọc Anh, nhà ở bên Khánh Hội, là em của thi sĩ Phạm Thiên Thư hiện
đang tu ở chùa Vạn Hạnh. Biết thế ba đứa chúng tôi rất vui, vì quen được người
đẹp và lại là em của một thi sĩ nổi danh nữa. Hẹn sau tết có dịp gặp lại nhau.
H04 : Cuốn lịch bỏ túi năm 1975 tác giả còn lưu giữ
(Ảnh : Bùi Văn Phú)
Tết năm đó, dù đã lớn, là sinh viên năm thứ hai trường
luật, nhưng tôi vẫn nhận được nhiều tiền mừng tuổi từ cô chú bác và người thân
của gia đình. Có lẽ vì mọi người biết tôi con nhà nghèo, học giỏi nên quí mến
thưởng cho vào dịp tết.
Từ năm lớp 11 tôi bắt đầu đi làm thêm để có tiền mua
sách học, cho các em ít tiền để tiêu vặt vì thày u có 7 người con và u đã phải
tần tảo buôn bán ngoài chợ. Tôi đi vẽ quảng cáo trong hai năm cuối bậc trung học
và hai năm đầu đại học đọc mô-ran, sửa bản chữ cho một nhà in.
Với số tiền mừng tuổi được hơn mười nghìn, tôi mở trương
mục tiết kiệm tại một ngân hàng ở Ngã tư Bảy Hiền.
Sau tết tình hình quân sự và chính trị bất ổn. Nhưng
tôi vẫn lạc quan tin tưởng vào giải pháp chính trị hòa giải theo tinh thần của
Hiệp Định Paris đã được các bên ký kết hai năm trước.
Mấy bạn thân thường tụ họp, đàn ca những "Ca
khúc Da vàng" với niềm mơ ước quê hương hết chiến tranh của Trịnh Công
Sơn, những bài "Bình ca" của Phạm Duy để mừng đất nước đã có hòa bình
:
Mang giầy vớ tốt mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình…
Với lý tưởng phục vụ quốc gia từ những ngày còn ở bậc
trung học, tôi tham gia vào các sinh hoạt chính trị, đã đi vận động cho giáo sư
Nguyễn Duy Bảo, ứng cử viên vào hội đồng tỉnh Gia Định và ông đắc cử. Năm sau
có bầu cử thượng viện, tôi tham gia vận động cho liên danh của bác sĩ Nguyễn Tiến
Hỷ nhưng ông không thắng cử.
Lên đại học tôi gia nhập phong trào chống tham nhũng
của linh mục Trần Hữu Thanh, với linh mục Đinh Bình Định là phó của phong trào,
và có sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ, dân biểu đối lập với chính quyền.
Tôi và một anh bạn tìm đường gia nhập đảng Quốc Tiến
của cựu nghị sĩ Trương Vĩnh Lễ, người đã ra tranh cử phó tổng thống trong liên
danh với tướng Nguyễn Cao Kỳ. Đã được gặp ông Ngọc, là tổng thư ký của đảng
này, nhà ở trong hẻm cạnh Đại học Vạn Hạnh, nhưng chưa chính thức được kết nạp.
Tình hình quân sự trở nên căng thẳng sau khi Phước
Long bị cộng sản chiếm, rồi đến Buôn Mê Thuột. Nhiều tin đồn được loan truyền
như sẽ có đảo chánh, sẽ có một Mậu Thân thứ hai, sẽ có đổ bộ ra Bắc.
Dân tình hoang mang. Tôi nghe câu nói "Tú tài Mậu
Thân, cử nhân Ất Mão" mà cũng lo vì nếu đúng thế thì như sau Tổng Công
kích Tết Mậu Thân 68, tuổi nhập ngũ được đôn lên theo lệnh tổng động viên,
thanh niên có tú tài đều phải vào quân đội. Ất Mão 1975 sẽ là lúc những sinh
viên có bằng cử nhân cũng phải lên đường tòng quân.
Đầu tháng Tư tình hình quân sự trở nên bi đát hơn.
Nhiều người dân lánh nạn cộng sản từ những tỉnh phía bắc đã chạy về tới Sài
Gòn. Có đảo chánh chăng khi một máy bay đã ném bom vào Dinh Độc Lập ?
Tôi lo, nhưng vẫn chú tâm vào việc học để chuẩn bị
cho kỳ thi cuối năm chỉ còn hơn hai tháng nữa.
Thấy tương lai đất nước bất ổn, tôi quyết định rút
tiền tiết kiệm mới bỏ vào ngân hàng hôm sau tết. Trong trương mục có 10 nghìn đồng,
tôi rút ra 9 nghìn. Rủ bạn đi ăn những món ngon của Sài Gòn mà trước đây ít khi
được ăn là bánh mì Hương Lan trước cửa bưu điện, kem trên đường Lê Lợi.
H05 : Sổ trương mục tiết kiệm của tác giả (Ảnh
: Bùi Văn Phú)
Món ngon nhất là phở xào áp chảo trong một tiệm gần
cầu Trương Minh Giảng, đối diện rạp chiếu bóng Minh Châu, chỉ nhớ gọi đó là
quán ông Điền. Một đĩa phở xào giòn với thịt bò thơm ngon, giá 700 đồng.
Chẳng bao lâu miền Nam dần bị bộ đội cộng sản chiếm
hết. Chiều 29/4 tôi nhảy xuống tàu ở bến Kho 5, con tàu Saigon II, không có
máy, được kéo ra khơi. Tôi ra đi một mình, bỏ lại hết tất cả người thân và bạn
bè.
Tết Ất Mão là cái tết sau cùng của tôi trên quê
hương.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển rồi qua các trại
tị nạn, tháng Tám năm 1975 tôi được định cư ở thành phố đại học Berkeley.
Tháng Hai năm 1976, một buổi sáng đang ngồi trong lớp
ở một trường đại học cộng đồng, nhìn ra cửa sổ thấy tuyết lất phất rơi. Cái lạnh
càng làm nhớ nhà da diết.
Không rõ tết là ngày nào mà chỉ đoán qua tin tức
nghe được trên làn sóng ngắn của đài BBC, đài VOA mới biết xuân đang về trên
quê nhà.
Tối đến, nhà có mấy anh chị em con bác phía u tôi nữa,
nhưng cũng không có hai bác ở bên nên ai cũng buồn, cũng nhớ nhà. Nơi đất mới tết
về thiếu vắng mẹ cha, không bánh chưng, kẹo mứt, pháo nổ, nhạc xuân. Nằm đắp
chăn cho ấm người và ấm lòng. Nhưng không ngăn được dòng nước mắt khi trong ký ức
còn văng vẳng những câu ca :
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên hiên…
Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Mà sao đời con sao còn lênh đênh…
Tết Bính Thìn 76 là cái tết đầu tiên của tôi trên đất
Mỹ. Một cái tết lạnh vàbuồn, rất buồn.
Bùi
Văn Phú
No comments:
Post a Comment