Wednesday, February 6, 2019

RỘN RÃ MỘT THỜI BÁO TẾT HỌC SINH SÀI GÒN (Nguyễn Mạnh Hà)




Nguyễn Mạnh Hà
Gửi cho BBC từ Việt Nam
6 tháng 2 2019

Trong thời buổi báo giấy dần trở nên xa lạ với bạn đọc thì việc học sinh trung học làm báo bán được hàng nghìn bản vào dịp Tết quả là sự lạ. Tất nhiên chuyện xảy ra cách đây cũng hơn nửa thế kỷ tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Báo Xuân Trưng Vương 1974. PHẠM CÔNG LUẬN

Bộ mặt của trường

Gặp nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách tại buổi giới thiệu Sách Tết ở Hà Nội, ông lại mang chuyện làm báo Tết thời còn học trường Võ Trường Toản- Sài Gòn ra kể: "Báo Tết của học sinh được đón nhận rầm rộ. Nó giống như danh dự của trường, thể hiện trình độ văn hóa học sinh của trường, nên thi đua kinh lắm,bài vở chuẩn bị cả năm."

Báo Tết của học sinh gọi là "giai phẩm Xuân" đầu những năm 1970 in offset, bìa màu với trường giàu ở thành phố, còn tỉnh lẻ quay roneo- cốt sao vừa túi tiền học trò. Cả trăm trang đâu phải chuyện chơi. Nhà văn Lê Văn Nghĩa nhớ mỗi lần in cỡ 1-2 ngàn bản. Còn theo Trịnh Bách, có trường in tới 5 ngàn bản- trong khi tạp chí Bách Khoa thời hoàng kim cũng chỉ được 4.500 (thống kê của Nam Bộ đất và người). "Vì ở những trường lớn, ngoài số báo bán cho học sinh và phụ huynh, còn phải in đủ để bán sang các trường khác và các sạp báo," ông Bách nói.

Nhà báo Phạm Công Luận trong tập 1 Sài Gòn chuyện đời của phố (NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2015) bổ sung nguyên nhân bùng nổ báo Tết học sinh khi đó:
"Báo Xuân học đường là cơ hội của các cây bút học đường do báo chí người lớn thu hẹp dần đất dành cho tuổi trẻ, nhiều tờ báo khác bị đóng cửa do tình hình khó khăn thời chiến."

Báo chí là một trong những hoạt động quan trọng của hiệu đoàn- tổ chức sinh hoạt ngoại khóa (thể thao, văn nghệ…) của học sinh trong trường do các học sinh ưu tú trong các lĩnh vực đó cầm chịch.

"Vì thế, trước tháng 12 dương lịch là các trưởng ban (báo chí) các lớp- không phân biệt lớn nhỏ (trường thời đó gộp cả cấp II và III- PV)- được lệnh của trưởng khối 'báo chấy' toàn trường kêu gọi tham gia viết bài cho giai phẩm trường mình. Quyền lợi của 'nhà văn, nhà thơ' là được đăng bài và hãnh diện với bạn bè, ngoài ra không còn gì hết"- Lê Văn Nghĩa viết trong bài Tết và giai phẩm học trò (đăng báo Công an TP HCM Tết năm nay).

Ông Nghĩa cho hay, bài vở sau khi được nhóm báo chí xử lý phải chuyển cho giáo sư hướng dẫn báo chí đọc, rồi cũng phải có giấy phép từ Bộ Thông tin mới được đem đi in.

Báo Tết của học sinh Sài Gòn phát hành cả ở các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Biên Hòa, Đồng Nai... Những học sinh khéo ăn nói nhất được cử đi làm nhiệm vụ bán báo. Nhiều trường nam nữ học riêng nên nhiệm vụ gây phấn khích nhất là mang báo sang trường khác phái bán. Lê Văn Nghĩa, học Petrus Ký từ 1965 đến 1972 so sánh: "Nó giống như thám hiểm một thế giới khác vậy, lạ lắm…"

Công phu bán báo
Trong cuốn truyện dài Mùa hè năm Petrus (NXB Trẻ- 2013), Lê Văn Nghĩa dành hẳn hai chương kể về hai chuyến "thám hiểm" của đội bán báo Petrus Ký sang trường nữ Gia Long và ngược lại. Trích phát biểu của trưởng khối báo chí Petrus Ký tại trường bạn: "Hôm nay, học sinh Petrus chúng tôi nhân mùa Xuân về, đem miếng trầu cay đến để giới thiệu với những người bạn gái Gia Long những tình cảm chân thành. Mai đây, rồi chúng ta sẽ rời bỏ ngôi trường yêu dấu của mình để tung bay vào vạn nẻo đường đời, nhưng những kỷ niệm đời học sinh sẽ vẫn còn mãi vì nó được ghi đậm bằng những áng văn chương thời học sinh…" Thính giả vỗ tay nhiệt liệt.

Báo Xuân Gia Long 1975.  PHẠM CÔNG LUẬN

Theo truyện thì bán báo cho nữ sinh coi vậy mà dễ, các cô cùng lắm chỉ trêu các cậu là "ốm nhom như thằng ghiền" hay "thi sĩ ròm".

- Em ơi trong cuốn giai phẩm này có truyện nào giống truyện Vòng tay học trò không em?"
- Làm sao mà có được anh. Tụi mình là học sinh mà.
-Như vậy thì có chuyện "vòng tay em" không?

Trên đây là một mẩu đối thoại giữa cô bán báo Gia Long với các quỷ nam Petrus Ký trong Mùa hè năm Petrus. "Sốc" hơn, một nam sinh lớn tuổi có tí cay cú vì bị gọi là "em" đã "len lén đi tới đi tới phía sau lưng" "đánh nhẹ vào mông" cô bán báo. Theo nhà văn thì đúng là hai bên trêu chọc nhau dữ dội, đối đáp có thêm thắt, còn hành động "metoo" kia là có thật. 

Nhưng đến khi đem ra thi thố văn chương thì biết ai "chị" ai "em". Cuộc thi báo tết học sinh tháng 2/1975 có trên 50 tờ tham gia. Ban Giám Khảo là các nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ Minh Quân, Minh Đức Hoài Trinh, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, ố Oanh, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác…"

Các trường ở Sài Gòn gửi thẳng đến Ban Giám Khảo, các trường ở tỉnh lỵ, quận lỵ thì Ty giáo dục phải tuyển chọn trước khi gửi về." nhà báo Phạm Công Luận cho hay.

Báo Xuân Trần Lục 1971.  PHẠM CÔNG LUẬN

Kết quả, giai phẩm xuân nữ trung học Gia Long chiếm giải Nhất, kế đến là nữ trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), nam trung học Võ Trường Toản giải Ba. Hai trường nữ Sương Nguyệt Anh,  Lê Văn Duyệt cùng Petrus Trương Vĩnh Ký chia nhau Khuyến khích. 

Các cây bút nữ được giám khảo nhận xét "tình cảm trong thi ca phong phú hơn, đối thoại trong truyện ngắn linh hoạt hơn".

Căn nguyên theo Lê Văn Nghĩa:
"Các 'nường' dư thời giờ suy tưởng ra những ý hay văn đẹp, còn các chàng bị Sở Động Viên nhắc nhở nếu thi không đậu sẽ vào quân trường nhe các em, cha mẹ hăm he nếu không thi đậu năm nay thì đời con sau nầy sẽ hát bài Xuân nầy con không về nhá liệu mà cái thần hồn… Còn tinh thần đâu mà thơ với truyện!"

Theo Lê Văn Nghĩa thì khoảng thời gian đầu thập kỷ 1970 ở miền Nam, văn chương nữ cũng ở thế thượng phong trên "thị trường chữ nghĩa". "Vì người sáng tác thuộc phái nữ, đề tài sáng tác, nhân vật điển hình ở phái nữ, và cả độc giả cũng là phái nữ… Ngoài xã hội phụ nữ chiếm phần ưu thế thì trong cuộc tranh đua giữa các báo xuân học đường, phái nữ cũng phải chiếm ưu thế"- nhận định của bán nguyệt san Bách Khoa số 425, phát hành tháng 3/1975.

Không thờ ơ trước thời cuộc

Theo Phạm Công Luận, Gửi người em lớp 6- thơ của Trần Bích Tiên, lớp 10 trường Bùi Thị Xuân từ giai phẩm Xuân đã được đăng trang trọng trên Bách Khoa- tạp chí uy tín thu hút các học giả hàng đầu miền Nam lúc đó. Bài thơ có đoạn: "Này em lớp sáu này em nhỏ/ Em hãy dừng chân một chút lâu/ Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ/ Tóc em thơm ngát mùi hương cau/ Hương cau vườn chị xa như tuổi/ Ba má chị nằm dưới mộ sâu/ Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa/ Chị đi về hai buổi âm u…"

Cạnh đó là thơ của Nguyễn Đăng Châu trong báo Đất Hồng trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng: "Anh nói bé nghe chuyện làng chuyện xóm/ Chú Bảy anh Ba ngã xuống hôm nào/ Đường quê mình đi dày công nuôi nấng/ Bằng xác bà con sữa mặn má đào…"

Lê Văn Nghĩa dẫn lời tựa giai phẩm xuân 1972 của trường Tân Văn- Tân Việt: "Tuổi trẻ thì bất hạnh bởi thực tại phũ phàng; lớn lên trong lửa đạn để tha thiết mơ vói đến hình ảnh thanh bình-hình ảnh chưa một lần diện kiến. Ở ý nghĩa đó, tuyển tập giai phẩm nầy hiện diện mong bày tỏ phần nào những khát vọng của lớp người trẻ tuổi…" Như vậy bất chấp chủ điểm Xuân Tết, những cây bút trẻ còn trên ghế nhà trường vẫn đầy ưu thời mẫn thế.""Trước 1975, học sinh chững chạc hơn bây giờ," Phạm Công Luận nhận định.

"Vì các hoạt động ngoại khóa ở Sài Gòn hết sức sôi nổi, thứ nữa thời chiến bao giờ giới trẻ cũng trưởng thành sớm." Theo Trịnh Bách, chính việc làm báo góp phần làm cho học sinh thời đó "đứng đắn" hơn, ngoài cũng do chương trình giáo dục. Tức là lớp 1 có cả môn "phổ thông thường thức" dạy quét nhà, rửa rau, rửa bát… trong khi các nhà khá giả cho con đi học thêm vẽ, nhạc. Lớp 4-5 ngoài bơi, học cả phụ mẹ dưỡng nhi, dưỡng thai. Lớp 9 ngoài học về giới tính trên lớp, giáo viên còn dẫn học sinh đến rạp xem những bộ phim đặc dụng như Helga và chồng của Thụy Điển."

Mỗi lớp cấp II trở lên đều có một học sinh làm trưởng ban báo chí - chịu trách nhiệm làm bích báo lớp. Mỗi trường lại có vài thi văn đoàn do học sinh tự lập để trau dồi việc viết lách, ngoài phục vụ nội san còn gửi các báo bên ngoài như Thiếu Nhi, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm, Tuổi Hoa…

Báo tường hay nội san là hoạt động không có gì lạ tại các trường phổ thông thời gian gần đây, nhưng phát triển chuyên nghiệp đến mức trở thành "ngoại san" như thuở trước 1975 chắc chắn bất khả, và cũng không cần thiết. Đơn giản, mỗi thời phải có cách làm, cách chơi riêng để đánh dấu hoa niên.






No comments: