Thứ Sáu, 02/08/2019 - 08:03 — songch
Những
ngày giáp Tết, tin tức về nhà báo Trương Duy Nhất bị mất tích sau khi tới Cao ủy
Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees,
viết tắt UNHCR) tại Bangkok xin tị nạn chính trị, khiến nhiều người bàng hoàng.
Thông tin anh bị bắt cũng đã kịp thời xuất hiện trên một số báo, đài nước
ngoài, cả trên trang web của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Trương Duy Nhất là một nhà báo, blogger, nhà bất đồng
chính kiến nổi tiếng. Anh từng có một thời gian dài làm phóng viên báo Công An
tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng rồi phóng viên báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung.
Là chủ nhân của trang blog “Một góc nhìn khác” được thành lập
từ năm 2007. Và thực sự là Trương Duy Nhất đã luôn cố gắng để làm được điều mà
anh treo ngay trên đầu trang blog này: “Có thể không mới, chưa hẳn đã
hay, nhưng là một góc nhìn khác”.
Blog “Một góc nhìn khác” được chia
thành nhiều mục, từ bút ký-phóng sự, chân dung-nhân vật, từ tin tức-sự kiện,
chính trị-xã hội, du lịch-thể thao, giải trí-thư giãn, góc văn hóa, từ hoạt động
bàn tròn trện BBC, ngụ ngôn của Nhất, bình chọn của Nhất, Nhất trong góc nhìn bạn
bè cho tới góc bạn đọc…Những bài viết của anh thường, ngắn, sắc, cái nhìn của
anh dù có những khi gây tranh cãi, nhưng thường là khác với số đông và thú vị,
mang tính phát hiện. Chính vì vậy mà trang blog “Một góc nhìn khác” luôn
có số lượng người đọc đông đảo, trên facebook anh cũng có số lượng follower khoảng
hơn 62, 000 người, thuộc vào hàng top ten những facebooker bất đồng chính kiến
có nhiều người theo dõi, đọc bài. Một trong những chuyên mục thú vị nhất do anh
thực hiện từ nhiều năm nay là bình chọn Top ten ấn tượng (của
năm), Top ten hình ảnh ấn tượng (của năm), Top ten
phát ngôn ấn tượng (của các quan chức, trong năm), Nhân vật của
năm, Bức ảnh của năm v.v…
Đến năm 2010 thì Trương Duy Nhất bỏ việc tại báo Đại
Đoàn Kết và trở thành người viết báo tự do, viết blog, toàn tâm toàn ý cho
trang blog “Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác”. Và khá nhiều
lần anh đụng chạm không chỉ những vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra tại VN,
mà những cá nhân quan chức cụ thể như Thủ tướng, Tổng Bí thư…Cho tới lúc bị bắt,
Trương Duy Nhất đã viết và đăng tải hàng trăm bài trên trang blog của mình.
Ngày 26.05.2013, Bộ Công An cùng với Công an Đà Nẵng
đã tiến hành bắt khẩn cấp Trương Duy Nhất. Chiều cùng ngày anh bị di lý ra Hà Nội
để phục vụ điều tra về "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công
dân" theo điều 258, Bộ luật Hình sự.
Nhiều người vẫn nhớ bức ảnh, không rõ do ai chụp,
Trương Duy Nhất thong dong đi giữa hai người lính áp tải ra phi trường đi Hà Nội,
mặt mũi tươi tỉnh cứ như đi…du lịch. Và lúc đứng trước tòa, Nhất chắp tay sau
đít, cũng vẫn thái độ ung dung, cứng cỏi, trả lời rành mạch những câu hỏi của
Tòa.
Ngày 4.3.2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã
mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trương Duy Nhất 2 năm tù về tội “Lợi
dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, công dân”. Theo BBC, Trương Duy Nhất bị kết tội do
đã viết 11 bài đăng trên trang blog của mình, trong đó nặng nhất, có lẽ là 2
bài "chấm điểm Thủ tướng" và yêu cầu "Tổng
bí thư phải ra đi". Vì những bài công kích trực diện vào Thủ tướng
lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng, nhiều người ngờ rằng việc Nhất bị bắt là có bàn
tay trả thù của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng trước tòa, đáp lại lời kết tội “Lợi
dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, Trương
Duy Nhất cho rằng anh chỉ "chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những
hiện tượng chưa đúng với hy vọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục,
sửa chữa và rút kinh nghiệm".
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 26.6.2014 Tòa án Nhân
dân tối cao Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với nhà báo Trương Duy Nhất.
Nhiều người cũng nhớ lời nói cuối cùng của Trương Duy Nhất, trước khi toà tuyên
án: "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến
họ vinh quang!” Sau này anh còn lặp lại nhiều lần câu này trong một số
bài viết.
Ngày 26.5.2015, Trương Duy Nhất được ra tù sau 2 năm
thi hành án. Chế độ hèn hạ, còn cố chơi bẩn cú chót, thay vì thả anh tại cổng
nhà giam có vợ con, bạn bè đến đón, thì lại áp tải anh lên xe đưa đi và ném ra
lề đường cách trại vài km để anh phải vất vả tìm đường về nhà.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thả, Trương Duy
Nhất tuyên bố mở lại trang “Một góc nhìn khác” và tiếp tục viết,
như không hề có bất cứ sự e ngại hay khó khăn nào. Thời gian sau này anh cộng
tác với blog RFA, thỉnh thoảng tham gia bàn tròn cuối tuần, bàn tròn thứ Năm
trên BBC tiếng Việt. Vẫn một cái nhìn khác với số đông, đôi khi gây tranh cãi,
sắc sảo, thú vị và trực diện.
Tôi chưa từng gặp Trương Duy Nhất ngoài đời. Chúng
tôi chỉ nghe tên nhau, đọc bài của nhau, một vài lần trò chuyện với nhau khi
cùng tham gia một số chương trình bàn tròn Điểm tin của BBC. Và bây giờ nghe
tin anh bị mất tích tại Thái Lan. Bài viết cuối cùng đăng trên facebook của anh
là vào ngày 23.1
Những người quen Trương Duy Nhất ở Thái Lan cho biết
anh bị mất tích vào hôm 26.1 tại một trung tâm mua sắm ở ngoại ô Bangkok. Cảnh
sát Thái Lan khẳng định họ không giam giữ Trương Duy Nhất. Đối với tất cả những ai hiểu
chuyện, thì đều biết ngay rằng Trương Duy Nhất đã bị “bắt cóc” bởi công an nổi,
công an chìm của VN.
Khi tin Trương Duy Nhất bị bắt vừa lan truyền, có
người thắc mắc hỏi tôi rằng “tôi không hiểu tại sao giờ này mà Nhất lại
đi”, tôi đã trả lời: "Có thể anh Nhất đã nhận được những thông tin
hay lời cảnh báo rằng mình sẽ bị bắt lại và lần này sẽ là án dài hạn nên trốn
đi trước? Không biết được, nhưng phải có lý do gì đó chứ nếu chỉ đơn thuần là
muốn ra đi thì anh ấy đã có thể tìm cách ra đi từ lâu, đâu đợi đến bây giờ!"
Phải, nếu muốn đi thì Trương Duy Nhất đã đi từ lâu,
chẳng hạn như anh từng đi Mỹ du lịch, gặp lại cả người bạn tù thân thiết của
mình là nhà báo tự do, blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải, bị nhà cầm quyền VN
trục xuất thẳng từ nhà tù sang Mỹ! Hoặc anh có thể xin tỵ nạn chính trị tại
Canada, nơi con gái đang theo học, an toàn hơn rất nhiều so với trốn sang Thái
Lan.
Từ lâu, ai cũng biết, tại Cambodia hay thái Lan đầy
công an chìm, chỉ điểm của nhà cầm quyền VN, sang mấy quốc gia này rất dễ bị nhận
mặt, rồi bị nhà cầm quyền cho người tóm. Đã có nhiều trường hợp như vậy mà cụ
thể là câu chuyện anh Lê Trí Tuệ, một trong những người sáng lập Công đoàn Độc
lập Việt Nam vào năm 2006, đã bị mất tích tại Campuchia vào năm 2007 một cách
bí ẩn sau khi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) phỏng vấn và cấp giấy!
Hơn mười năm qua không ai có tin tức gì về Lê Trí Tuệ, có lẽ anh đã bị cộng sản
thủ tiêu!
Trương Duy Nhất không muốn đi, cũng như hầu hết những
người bất đồng chính kiến, chẳng ai muốn từ bỏ quê hương, người thân, bạn bè, đồng
nghiệp, sự nghiệp, môi trường thân yêu để sống lưu vong, chỉ là buộc phải chọn
lựa ra đi mà thôi.
Nhà báo Trương Duy Nhất bị “bắt cóc”, không hiểu sao
lần này tôi cứ thấy lo ngại cho anh, sợ lành ít dữ nhiều. Có thể anh có những
thông tin liên quan đến Vũ Nhôm và thân nhân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì
cùng là dân Đà Nẵng, Nhất từng làm báo Công an Đà Nẵng nhiều năm, và khá thân với
phe Nguyễn Bá Thanh nên có thể biết nhiều, thậm chí còn liên quan một số vụ việc.
Chỉ sợ nhà cầm quyền lần này sẽ không xử Nhất bằng bản án chính trị để anh có
thể tiếp tục hiên ngang, cứng cỏi, ngẩng cao đầu như lần trước, mà chúng sẽ
nhân dịp này buộc vào cổ anh một bản án dân sự với với thời gian có khi lên đến
15, 20 năm! Một công đôi việc, vừa dập tắt một ngòi bút ngang ngạnh mà chúng ngứa
mắt từ lâu, vừa làm cho anh mất luôn uy tín chính trị!
Ai cũng biết, làm việc trong một môi trường báo chí
như ở VN, mà lại là báo Công An, lại thân với một vài quan chức nào đó, nếu
không nắm được những tin tức “hậu trường chính trị” thì cũng khó mà không dính
líu vụ này vụ kia. Nhưng mặt khác, cũng chính vì “ở trong chăn” như vậy nên người
ta mới hiểu rõ bộ mặt của chế độ, giống như một số cựu bộ đội, đảng viên, con em
gia đình cách mạng ‘gộc”, khi đã hiểu rõ bộ mặt của chế độ này thì sự thức tỉnh
của họ thường là quyết liệt và không bao giờ còn ngây thơ, cả tin vào VC nữa!
Với tôi, quãng đời Trương Duy Nhất làm báo trước đó
tôi không tính, nhưng từ khi anh tuyên bố bỏ làm báo để trở thành nhà báo tự
do, nhất là từ khi anh bước chân vào nhà tù nhỏ rồi sau đó ra tù vẫn tiếp tục
viết, thì đó mới là anh, Trương Duy Nhất!
Nhà cầm quyền VN bây giờ ngày càng sắt máu, ngang
nhiên cho người bắt bớ, bóp miệng người dân, bức hại, bắt cóc người bất đồng
chính kiến ngay tại nước khác, bởi họ biết rõ, thế giới bây giờ ít có thời gian
quan tâm đến chế độ độc tài ở VN! Một khi những vụ bức hại người bất đồng chính
kiến cỡ như vụ nhà báo người Saudi Arabia Khashoggi bị thủ tiêu man rợ ở Thổ
Nhĩ Kỳ mà Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump không lên tiếng, thậm chí còn bênh vực,
bao che cho chính quyền Saudi Arabia và vụ án mạng này có nguy cơ sẽ không được
làm sáng tỏ thì chúng ta có thể thấy ngay hậu quả sẽ là sự khuyến khích các chế
độ độc tài tiếp tục bắt cóc, giết hại những người dám nói lên sự thật!
Mặt khác, một chế độ không thể chấp nhận dù những lời
chỉ trích ôn hòa thì chỉ có mỗi một con đường là tự đi thẳng đến sự diệt vong,
bởi sự thối nát băng hoại của nó mà không cần ai phải làm “cách mạng” lật đổ!
Và như thế là trong những ngày Tết này, thêm một gia
đình bất đồng chính kiến mất đi niềm vui đón xuân về.
Cầu mong mọi sự an lành cho nhà báo Trương Duy Nhất!
No comments:
Post a Comment