16/02/2019
Từ
ngày 15 đến 17-2-2019, Hội sách Mùa Xuân được tổ chức ở Hà Nội. Hoạt động văn
hóa này nói riêng, cùng với sự bùng nổ ngành xuất bản nói chung, đã mang lại cảm
giác rằng sách đang là một hình ảnh tích cực trong việc phát triển xã hội. Thực
tế thảm hơn vậy và thảm hơn được nghĩ: Việt Nam là một trong những quốc gia có
tỷ lệ đọc sách kém nhất thế giới...
Theo
tổng kết của Cục Xuất bản, năm 2018, ngành xuất bản tung ra gần 32.000 cuốn
sách mới với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017; đạt doanh thu 2.506
tỷ đồng; nộp ngân sách 187,15 tỷ đồng (tăng 71% so với năm 2017); lợi nhuận sau
thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 212,34 tỷ đồng - tăng 11,5% so với năm
2017 (VietnamNet 26-1-2019). Tổng quát, “năm 2018, lượng sách ra thị
trường tăng trên 20%, nhiều nhà xuất bản doanh thu cao, tất cả các đơn vị đều
được đầu tư vốn, cơ sở vật chất và nhân sự đảm bảo hoạt động” (Zing 18-1-2019).
Không
chỉ thị trường sách, hoạt động thư viện cũng có vẻ “khởi sắc”. Hội thảo “Phát
triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” tổ chức tại Thư viện Quốc
gia ngày 5-12-2018 cho biết, Việt Nam hiện có một thư viện quốc gia, 63 thư viện
tỉnh, 663 thư viện huyện và 3.257 thư viện xã; cùng 16.727 phòng đọc sách làng,
thôn, bản; gần 400 thư viện thuộc các trường cao đẳng và đại học; 25.915 thư viện
trường phổ thông; 100 thư viện thuộc các bộ ngành, viện nghiên cứu; hơn 500 thư
viện và khoảng 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang…
Sách in nhiều và thư viện mọc khắp nơi
nhưng người đọc ở đâu? World
Culture Score Index cho biết Ấn Độ là quốc gia hàng đầu thế giới hiện
nay về “chỉ số đọc”, với trung bình 10 tiếng 42 phút mỗi tuần; Thái Lan thứ nhì
với trung bình mỗi tuần 9 tiếng 24 phút… Dân Malaysia đọc trung bình 12 cuốn/năm.
Trong khi đó, tại Việt
Nam, trung bình mỗi người đọc tổng cộng chỉ 4 cuốn/năm mà con số này bao gồm cả
sách giáo khoa! Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết
thêm, có đến 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc
và chỉ 30% đọc thường xuyên. Sách chất chồng chất đống, các hội chợ sách đông
nghịt, nhưng sách vẫn nằm ngoài đường hơn là vào nhà, sách ngủ trên kệ thư viện
hơn là trên tay. Đi hội chợ sách cũng cứ như đi hội chợ hoa. Ngắm nhiều hơn
mua. Hiện tượng tréo cẳng ngỗng này cho thấy sách được bán là sách gì và sách
thư viện là sách thế nào? Một cách khách quan, có thể điểm lại vài nguyên nhân
khiến người Việt ngán sách.
Yếu tố lười đọc như một “hiện tượng thời
đại” là không thể bỏ qua.
Chưa bao giờ người ta lười đọc sách đến như vậy. Tình trạng này xảy ra ngay tại
Mỹ, nơi sách được phát hành nhiều nhất thế giới. Với người Việt, máy tính bảng,
điện thoại, Facebook đã trở thành “tác nhân” bồi thêm vào tâm lý “chán” sách. Đọc
ngắn, thậm chí cực ngắn, đang trở thành một thói quen phổ biến. Ngay cả sinh
viên cũng “sợ” đọc sách. Tuy nhiên, đổ thừa cho thiết bị số là không hoàn toàn
chính xác. Sinh viên các nước khu vực, Thái Lan hay Singapore, vẫn ôm sách đọc
mỏi tay. Vấn đề ở chỗ học đường trung học và giảng đường đại học Việt Nam không
tạo ra được một không khí học thuật. Sự thất bại của giáo dục Việt Nam là ngành
giáo dục đã không mang lại được một không khí học thuật tự do và tìm kiếm tri
thức tự do để từ đó tạo cho người học cảm hứng đọc sách và bồi bổ kiến thức từ
sách. Sinh viên đến lớp nghe giảng như học trò phổ thông. Giảng viên đại học “dạy
chữ” như giáo viên phổ thông. Chẳng có gì để kích thích hứng khởi tìm hiểu và
nâng cao kiến thức. Tâm lý lười đọc càng thêm lười – một hiệu ứng lười mang
tính lây lan.
Nguyên nhân thứ hai là các nhà xuất bản. Thử vào vài nhà
sách lớn ở Sài Gòn, sẽ thấy “bội thực” với những đầu sách tương tự về nội dung.
Quanh đi quẩn lại cũng “làm thế nào để khởi nghiệp”, “7 bước đi đến thành
công”, “8 cách để làm giàu”, “9 phương pháp mang lại hạnh phúc”, “10 bài học thất
bại đáng giá” (các đề tài này dù được khai thác mạnh nhưng thành công ở đâu vẫn
không thấy gõ cửa và cũng chẳng có thất bại nào được rút ra, không chỉ đối với
ngành sách mà với cả quốc gia!). Các chủ đề khác được ưa chuộng là hồi ký; kỹ
năng sống và kinh nghiệm sống; học làm người (chủ yếu in lại sách cũ trước
1975); quản trị kinh doanh… Sự trùng đề tài khiến độc giả không chỉ khó khăn để
chọn lựa mà còn làm họ ngán. Sự “đánh hơi” thị trường của các công ty sách
không đủ độc đáo để tạo ra chỗ đứng riêng biệt cho từng công ty và mang lại sức
bền để đi đường dài. Có khi “thắng” được một cuốn đã là mừng hết lớn. Sự cạnh
tranh khốc liệt còn dẫn đến bát nháo, đặc biệt sách dịch, cuối cùng đưa đến một
tâm lý thị trường phổ biến: “Bà để bà ngắm chứ bà không mua!”. Sách in nhiều nhưng
bán được bao nhiêu và được người đọc đón nhận hay không, rõ ràng, không phải là
hiện tượng nhất thời. Nó là một thực trạng có khuynh hướng kéo dài. Cần nhắc lại,
năm 2014, trong 64 nhà xuất bản thì chỉ có 4 nhà làm ăn có lời và nộp thuế đầy
đủ!
Nguyên nhân thứ ba là sự can thiệp của
cấp quản lý.
Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát
triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, “khẳng
định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của
sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước”. Tiếp đó, ngày 24-2-2014,
Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm Quyết định số 284/QĐ-TTG chọn ngày 21-4 hàng
năm là Ngày Sách Việt Nam, cũng nhằm mục đích khuyến đọc. Như cách điều hành và
quản lý đặc sệt màu sắc XHCN trên mọi lĩnh vực, sách, làm sách, đọc sách cũng
đã bị “định hướng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chẳng “định hướng” nào tốt hơn
là buông “bàn tay lông lá” của các “quyết định” ra khỏi lĩnh vực xuất bản. Cho
đến nay, công ty tư nhân vẫn buộc phải “liên kết” với nhà xuất bản mới có thể
phát hành sách chứ không thể tự do làm sách; và nhà xuất bản thì phải chịu sự
kiểm duyệt nhà nước. Làm
thế nào có thể tạo ra và phát triển một nền “văn hóa đọc” khi sự hứng thú đọc bị
giới hạn trong khuôn khổ hạn hẹp bởi yếu tố kiểm duyệt chính trị?
Sự
thò mũi kiểm duyệt và thao túng nội dung xuất bản đã dẫn đến hậu quả là giới
làm sách không dám đầu tư đường dài, chỉ nhắm vào các thể loại “mì ăn liền” với
những chiến dịch “đánh nhanh rút lẹ” để đảm bảo an toàn nguồn vốn lẫn doanh
thu. Khả năng định hướng, về xu hướng lẫn thẩm mỹ, cho thị trường của giới làm
sách đã bị triệt tiêu bởi sự “định hướng” chính trị của các cơ quan nhà nước. Bất
chấp sự thật rằng ngày nay người ta có thể dễ dàng tìm kiếm “sách cấm” trên mạng,
bộ máy quản lý vẫn kiểm soát tuyệt đối nội dung sách in và sẵn sàng ban hành lệnh
cấm hoặc thu hồi bất cứ quyển sách nào không “phù hợp” vì “có những chi tiết cần
được thẩm định lại”, dù việc “thẩm định” một tác phẩm là việc của thị trường, của
người đọc, của giới phê bình, và không nhà nước nào có quyền thay mặt làm điều
đó cả! Từ Cung đàn số phận
của Lộc Vàng, Một cơn gió bụi của
Trần Trọng Kim, Petrus Ký - Nỗi
oan thế kỷ của Nguyễn Đình Đầu, đến The Spy Who Loved Us của
Thomas Bass… Từ hồi ký, sách sử, sách dịch, biên khảo… Tất cả đều bị kiểm duyệt.
Thị trường sách cứ thế không biết “đi đâu về đâu”, không dám đặt ra chiến lược
dài hạn, và cuối cùng không thể kích thích được tâm lý ham đọc trong xã hội.
Có
thể có người đặt câu hỏi rằng, trong bối cảnh thiết bị kỹ thuật số đang đè bẹp
thói quen đọc và như vậy cho dù không bị vòng kim cô kiểm duyệt chụp lên đầu đi
nữa thì liệu văn hóa đọc có thể hồi sinh được nổi không? Câu trả lời nên dành
cho giới làm sách. Nếu được “trả lại” tự do – một nền văn hóa tự do mà miền Nam
trước 1975 từng được thụ hưởng và gặt hái những kết quả rực rỡ, giới làm sách hẳn
sẽ biết họ phải làm gì và làm như thế nào để phát triển, và đặc biệt, để giúp độc
giả lấy lại niềm hứng khởi đọc cùng sự tự do chọn lựa đọc.
No comments:
Post a Comment