Tuesday, February 12, 2019

ĐIỂM SÁCH : "TẦM NHÌN LẠC QUAN? : TÁI CÂN BẰNG, ĐẢM BÁO & GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC CHO QUAN HỆ MỸ - TRUNG" (Ngô Thị Thu Hương & Nguyễn Phương Hoài)



Ngô Thị Thu Hương  &  Nguyễn Phương Hoài
Thứ tư, 09 Tháng 1 2019 09:27

Rebalance, Reassurance, and Resolve in the U.S.-China Strategic Relationship   
BROOKINGS                            May 30, 2017

Cuốn sách tập trung phân tích hai ý chính: (i) Các nguyên nhân dẫn đến xung đột, căng thẳng leo thang của hai cường quốc Mỹ - Trung; và (ii) những đề xuất nhằm xoa dịu và giảm nhẹ căng thẳng leo thang của hai nước. Cuốn sách còn có giá trị tham khảo đối với cả với những nước ngoài cuộc, có thể nhìn vào những diễn biến đó để điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp hơn để chịu ít tổn thương nhất khi cuộc chiến giữa hai ông lớn thực sự nổ ra.

Kể từ sau chuyến thăm của Richard Nixon đến Bắc Kinh, mở quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung đầu những năm 1970, quan hệ hai nước  đã diễn biến theo chiều hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và ngày càng phức tạp, khó dự đoán. Nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Obama đã thực thi chính sách xoay trục, tái cân bằng về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ về an ninh mà còn về các vấn đề kinh tế và chính trị. Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (American First), đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu và việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng, hiện đại hóa quân sự dẫn đến xu hướng đối đầu kịch liệt, thể hiện rất rõ qua chiến tranh thương mại gần đây.

Cuốn sách của Michael E. O’Hanlon và James Steinberg gồm 8 chương, 101 trang, tập trung phân tích hai ý chính: (i) Các nguyên nhân dẫn đến xung đột, căng thẳng leo thang của hai cường quốc Mỹ - Trung; và (ii) những đề xuất nhằm xoa dịu và giảm nhẹ căng thẳng leo thang của hai nước. Cuốn sách còn có giá trị tham khảo đối với cả với những nước ngoài cuộc, có thể nhìn vào những diễn biến đó để điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp hơn để chịu ít tổn thương nhất khi cuộc chiến giữa hai ông lớn thực sự nổ ra.

Nguyên nhân dẫn đến căng thẳng leo thang của hai cường quốc

Sau khi quan hệ Mỹ - Trung mở ra kể từ đầu những năm 1970, cùng với chính sách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách mạnh mẽ và vươn lên đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Sự phát triển kinh tế đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc giúp Trung Quốc tập trung củng cố, gia tăng sức mạnh quân sự và quốc phòng của mình. Việc Trung Quốc gia tăng những hành động gây hấn và phô trương sức mạnh quân sự đã làm dấy lên mối lo ngại của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.

Cuốn sách này tập trung vào phân tích các khía cạnh trong quan hệ chiến lược Mỹ -Trung trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề an ninh, đề cập đến nỗ lực từ hai phía trong việc giải quyết vấn đề chung như Bắc Triều Tiên, duy trì ổn định khu vực,... tuy nhiên xu hướng gần đây lại cho thấy sự mơ hồ, mập mờ trong quan hệ hai nước, báo trước một tương lai đầy bất trắc và rủi ro.

Xét trên khía cạnh tích cực, Mỹ - Trung hợp tác khá chặt chẽ với nhau về những vấn đề toàn cầu như chống lại dịch bệnh Ebola, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, chống biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tiêu cực, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong quan hệ hai nước như căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và việc gia tăng bành trướng, phô trương sức mạnh, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ luôn ủng hộ Trung Quốc phát triển lành mạnh lâu dài và mong muốn hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Dù Trung Quốc có mong muốn, tham vọng được nổi bật, có tiếng nói chi phối trên các diễn đàn toàn cầu thì để tránh xung đột với Mỹ, Trung Quốc cần theo đuổi một tầm ảnh hưởng theo xu hướng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tầm nhìn chiến lược của mỗi quốc gia ảnh hưởng rất nhiều bởi các giá trị trong quá khứ, với Trung Quốc là truyền thống đạo Khổng, đề cao nhân nghĩa, phép tắc còn với Mỹ là chủ nghĩa dân chủ đã tồn tại hơn hai trăm năm mươi năm với ưu tiên hàng đầu là chủ nghĩa cá nhân và tự do. Bất đồng về tư tưởng chính trị cũng là yếu tố dẫn đến xung đột giữa hai nước. Với một nước dân chủ như Mỹ, chế độ tự trị dĩ nhiên là không dễ chịu gì. Trong sâu thẳm Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc làm chủ khu vực châu Á còn với Trung Quốc, trải qua một thời kỳ lịch sử đầy huy hoàng xen lẫn đau thương, bị xâu xé bởi các nước phương Tây, Trung Quốc nuôi tham vọng xây dựng và làm sống lại tinh hoa, giá trị dân tộc, đưa Trung Hoa trở nên vĩ đại.

Hướng giải quyết cho những xung đột không đáng có

Tác giả đưa ra bốn đề xuất chính sách nhằm tránh những xung đột không mong đợi đồng thời thúc đẩy hơn quan hệ của hai nước bao gồm: (i) hợp tác đảm bảo an ninh mạng; (ii) lên kế hoạch phòng thủ chung; (iii) lường trước những sự kiện bất ngờ có thể xảy ra; (iv) không ngừng xây dựng niềm tin, nỗ lực hợp tác.

Đối với vấn đề an ninh mạng, tác giả đề xuất hai bên nên thừa nhận những khó khăn có thể gặp phải và đề xuất hai bên minh bạch. Trong lĩnh vực này, mặc dù đã có các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai bên nhưng có rất ít biến chuyển tích cực. Trong những năm gần đây, Mỹ đã gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Đơn cử như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với sự can thiệp của Nga hay những vụ tấn công mạng gần đây đều có dấu ấn của tin tặc Trung Quốc. Tác giả đề xuất hai bên nên tuân thủ các quy tắc khi sử dụng Internet và cảnh báo rằng, nếu như có tấn công mạng xảy ra, hai nước sẽ gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.

Trong lĩnh vực chi tiêu quân sự, minh bạch là yếu tố rất cần thiết. Tuy nhiên, cả hai nước đã đủ minh bạch, công khai đầy đủ mức chi tiêu quân sự của mình hay chưa thì đó vẫn là câu hỏi lớn. Để xoa dịu dư luận, Trung Quốc đã cam kết giảm mức chi tiêu quân sự của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc thực sự bắt tay vào thực hiện cam kết của mình, bằng chứng là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng từ 115 tỉ đô năm 2013 đến 145 tỉ đô năm 2015. Về phía Mỹ, Mỹ đã tích cực cho thấy dấu hiệu giảm mức chi tiêu quân sự, đặc biệt dưới thời tổng thống Obama. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn lớn gấp đôi của Trung Quốc. Nếu như hiện diện của Mỹ nhằm đảm bảo nước này vẫn có trách nhiệm với các nước đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin, thì Trung Quốc lại càng coi Mỹ là mối đe dọa và càng tích cực chạy đua vũ trang.

Mỹ cũng nhấn mạnh mục tiêu phòng thủ của mình không gây hại gì cho Trung Quốc và bày tỏ mong muốn có đối thoại để củng cố niềm tin hai nước về vấn đề hạt nhân nhưng trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại chưa có một cuộc đối thoại nào diễn ra.

Trong nỗ lực hòa giải và xây dựng niềm tin của cả hai phía, Trung Quốc đã có những thiện chí nhất định như trong công cuộc tìm kiếm máy bay mất tích, vấn đề Áp-ga-ni-xtan, chống chọi với dịch bệnh, tham gia vào công tác giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc.

Tóm lại, nếu chiến tranh Mỹ - Trung thực sự nổ ra, sẽ rất khó để khẳng định được nước nào sẽ giành chiến thắng nhưng mất mát là điều tất yếu. Tuy nhiên, không phải không thể ngăn chặn được điều đó xảy ra. Có nhiều việc mà cả hai nước sẽ phải đối mặt và giải quyết để phòng, tránh chiến tranh. Thúc đẩy hợp tác, tăng cường minh bạch vẫn là yếu tố cần thiết để tìm ra những hướng giải quyết phù hợp trong quan hệ song phương, cũng như trật tự khu vực, do sự nổi lên của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ cùng với các đồng minh./.

*
*
Nhóm tác giả: Ngô Thị Thu Hương, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Nguyễn Phương Hoài, thực tập sinh tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.














No comments: