Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 21-02-2019
Chính
sách đối ngoại của tổng thống Donald Trump – lãnh đạo nước Mỹ từ hai năm qua –
gây nhiều chỉ trích trong nước. Thái độ co cụm, phản ứng đơn phương, thiên về sức
mạnh của chính quyền Trump trong hàng loạt hồ sơ quốc tế rất phức tạp gây nhiều
lo ngại là sẽ làm suy yếu hơn nữa vị thế của Hoa Kỳ, trong bối cảnh « trật tự
quốc tế » đang bước vào thời kỳ thay đổi lớn, đặc biệt với sự trỗi dậy của
Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử Donald Trump (T) gặp tổng thống mãn nhiệm Barack Obama
tại Nhà Trắng, Washington, ngày 10/11/2016. Wikipedia
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde, đăng tải
ngày 19/02/2019, ông Robert Maller, giám đốc trung tâm xử lý khủng hoảng quốc tế
International Crisis Group (ICG), nguyên thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ,
đã nêu ra một số phân tích tổng quan về chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ
trong hàng loạt hồ sơ. Từ Trung Cận Đông cho đến Afghanistan, hồ sơ Bắc Triều
Tiên hay Venezuela, cũng như cuộc đối đầu với Trung Quốc, cũng như quan hệ giữa
Hoa Kỳ với Liên Âu (1).
Vừa chỉ trích rất nhiều điểm hạn chế, cực đoan, các
phương thức hành động nguy hiểm, nhưng cũng vừa ghi nhận một đôi điểm tích cực
trong chính sách của Donald Trump (2), giám đốc ICG tìm cách thúc đẩy một đường
lối đối ngoại khác hiệu quả hơn cho nước Mỹ, cho cộng đồng quốc tế. Sau đây là
phần tóm lược bài phỏng vấn.
***
Bức
tường Mêhicô : Cách hành xử điển hình
Trước hết giám đốc ICG nhận định về quyết định của tổng
thống Mỹ vừa đưa ra, tuyên bố « tình trạng khẩn cấp quốc gia » bất chấp thực tế,
chỉ với mục tiêu có được hàng tỉ đô la để xây dựng bức tường biên giới với
Mêhicô. Đối với chuyên gia Mỹ, đây là một vụ việc hết sức tiêu biểu, cho thấy
các phương cách hành xử điển hình của tổng thống Trump. Cụ thể là : khăng khăng
thực hiện bằng mọi giá các cam kết tranh cử nhằm thỏa mãn tâm lý của bộ phận cử
tri cốt lõi, coi thường Hiến pháp, sẵn sàng bóp méo hiện thực v.v.
Ẩn đằng sau kế hoạch xây dựng bức tường đình đám của
tổng thống Mỹ là một chính sách nhập cư mang đầy tính kỳ thị, chống lại người
theo đạo Hồi, quay lưng lại với người tị nạn, không thèm đếm xỉa đến quyền lợi
của trẻ em người nhập cư, khi tách các em nhỏ ra khỏi gia đình chúng.
Hành động
bản năng, bất chấp các giá trị
Robert Maller phân biệt ba khía cạnh. Khía cạnh thứ
nhất : Những điều mà những cố vấn thân cận nhất với tổng thống Trump phát biểu
chỉ có một mối quan hệ xa xôi với những mong muốn thực sự của Donald Trump.
Khía cạnh thứ hai : Những điều mà ông Trump khẳng định thường là không nhất
quán. Tác giả nhấn mạnh đến khía cạnh thứ ba. Bản năng là điều sâu xa nhất quyết định hành động của
Donald Trump,
mà điều cốt lõi là trong tất cả những gì mà nước Mỹ làm, điều quan trọng là nước
Mỹ phải được hưởng lợi qua các cuộc mặc cả tay đôi. Ảnh hưởng chính trị,
các giá trị, lòng trung thành hay các liên minh : Tất cả những khái niệm đó rất
ít quan trọng với Donald Trump.
Mỗi khi tổng thống Mỹ nói về Liên Hiệp Châu Âu như một
đối thủ, về châu Phi như một đám các quốc gia « nhơ bẩn », nói
về Syria như một vùng đất cát hoang mạc, khi nói chuyện bạn bè với các lãnh đạo
độc tài Ả Rập Xê Út, khi tỏ ra khinh rẻ khối NATO, thì đấy là những lúc mà bản
năng sâu xa của tổng thống Mỹ trỗi dậy. Cái bản năng đó cộng với thái độ cao ngạo
về bản thân, tâm trạng ác cảm thâm căn cố đế với người tiền nhiệm, làm nên
phong cách hành xử của tổng thống Mỹ.
Trật tự
quốc tế của « thế giới tự do » vốn đã xuống dốc
Robert Maller phân biệt xu thế lịch sử mang tính dài
hạn và hiện tượng Donald Trump mang tính nhất thời. Theo ông, « trật tự
quốc tế mang tính tự do » thực ra đã bị đặt thành vấn đề trước khi ông
Trump lên nắm quyền. Bởi, chính « trật tự » này cũng không phải
là hài hòa (nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu cho thấy điều đó), cũng không thực sự
là mang tính quốc tế (bởi do Hoa Kỳ và Châu Âu thống trị), và cũng không phải
là tự do (hãy so sánh các hành xử « nhất bên trọng, nhất bên khinh »
liên quan đến dân chủ hay nhân quyền). Trên thực tế, tiến trình đi xuống « mang tính
tương đối » của Hoa Kỳ đã bắt đầu từ khá lâu. Đó là sự xuống
dốc mang tính lịch sử của một siêu cường, sự trỗi dậy của các đối thủ, và niềm
tin trật tự nói trên là « bất công », điều mà nhiều người trên
khắp thế giới chia sẻ.
Donald Trump chính là người làm tăng tốc và làm biến
dạng quá trình này. Với việc khẳng định lập trường thuần túy mang tính thực dụng,
lợi ích đánh đổi lợi ích, không thèm đếm xỉa đến các giá trị, cùng với việc kết
bè kết đảng với nhiều chính quyền độc tài nhất thế giới, Donald Trump đã mang lại
cho Hoa Kỳ một hình ảnh xấu, xác nhận điều mà nhiều người vốn đã nghi hoặc từ
lâu. Ông Trump đã và đang
đẩy nhanh tiến trình xuống dốc của nước Mỹ.
Obama mở
rộng hợp tác, Trump co cụm và độc đoán
Cái chung mà chính sách của hai tổng thống Mỹ cùng
thể hiện, đó là nước Mỹ ngày càng « đuối sức ». Có ba hiện tượng
khiến quá trình này tăng tốc. Thứ nhất là cuộc xâm lăng Irak năm 2003, vốn được
coi là một biểu tượng cho sức mạnh của nước Mỹ, nhưng một cách nghịch lý lại
cho thấy giới hạn của nước Mỹ. Thứ hai là cuộc chiến tại Syria và thứ ba là việc
Donald Trump đắc cử năm 2016.
Điểm khác biệt là tổng thống tiền nhiệm Obama đã ý
thức được sự mệt mỏi của người dân Mỹ và những giới hạn về quân sự của nước Mỹ.
Cương lĩnh tranh cử của Obama năm 2008 tập trung vào mục tiêu rút quân Mỹ khỏi
Irak, và quan điểm nước Mỹ không thể một mình đảm nhiệm mọi thứ. Tổng thống
Obama trước đây đã cố gắng thích ứng với các biến chuyển mới của thế giới, bằng
cách xoay trục - hướng sang một thế giới đa phương hơn. Ví dụ như với thỏa thuận
đa quốc gia với Iran trong hồ sơ hạt nhân, thỏa thuận Paris về khí hậu, Hiệp Định
Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay lập liên minh quốc tế chống Daech… Tất
cả là nhằm phân chia lại một cách hiệu quả hơn các nhiệm vụ quốc tế. Ngược lại,
tổng thống Trump đã chủ trương hành động đơn phương, thông qua các mặc cả tay
đôi, bác bỏ hầu hết những gì mà người tiền nhiệm đã xây dựng.
Với
Trung Quốc : Chuyển hướng nguy hiểm từ cực nọ sang cực kia
Trong hồ sơ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc, và thế đối đầu Mỹ-Trung nói chung, có nguy cơ dẫn đến đụng độ quân
sự, chuyên gia Robert Maller đặc biệt lưu ý đến một chiều hướng thay đổi mang
tính cực đoan trong một bộ phận lớn công luận phương Tây, đang diễn ra. Từ chỗ
tin tưởng gần như tuyệt đối là Trung Quốc có thể hội nhập vào nền kinh tế toàn
cầu, vào các định chế quốc tế, và rốt cục Bắc Kinh sẽ đi theo một mô hình kinh
tế - chính trị giống với phương Tây, đến chỗ hoàn toàn mất ảo tưởng, với quan
điểm là sự hội nhập này rốt cục chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc mà thôi.
Theo chuyên gia Mỹ, thái độ cực đoan từ phía Mỹ, từ
phía phương Tây nói chung, có thể đẩy Trung Quốc đến các phản ứng cực đoan. Vụ
ông Michael Kovrig của trung tâm xử lý khủng hoảng quốc tế ICG, một công dân
Canada, bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam cách nay hai tháng, ngay sau vụ lãnh đạo
tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị tạm giam tại Canada theo yêu cầu của tư pháp Mỹ,
là một ví dụ. Điều đáng nhấn mạnh là người đồng nghiệp ICG của Robert Maller
cũng chính là một chuyên gia về xử lý khủng hoảng quốc tế (chuyên về chính sách
đối ngoại của Trung Quốc), đang tìm cách thúc đẩy Bắc Kinh hội nhập với các
công việc chung của cộng đồng quốc tế. Tìm cách tránh các khủng hoảng quốc tế
bùng phát thành xung đột chính là sứ mạng của ICG.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Robert Maller muốn gửi đến
những người Dân Chủ tại Mỹ, đang tìm cách xây dựng một chiến lược đối ngoại mới
cho Hoa Kỳ, một thông điệp khẩn thiết. Đó là đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại
của tổng thống Trump không có nghĩa là chống lại tất cả những gì ông ấy đã làm.
Hãy tránh rơi vào hai thái cực, giữa một bên là lập trường can thiệp mang tính
cứng rắn, thô bạo (3) và bên kia là thái độ co cụm, dân tộc chủ nghĩa. Hai thái
cực hiện đang chi phối các cuộc tranh luận ở Mỹ.
Ghi chú
1. Về hồ sơ Bắc Triều Tiên, quốc gia sở hữu vũ khí hạt
nhân, vốn được coi là đối thủ của nước Mỹ, ông Robert Maller khẳng định có một
số khía cạnh tích cực trong chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng. Nhưng theo
ông, quan hệ mang tính cá nhân giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên
tuy mang lại cho công chúng rất nhiều hy vọng về một giải pháp rốt ráo cho việc
phi hạt nhân hóa và hòa bình trở lại với bán đảo Triều Tiên, nhưng rất cần cảnh
giác trước khoảng cách giữa các tuyên bố đao to búa lớn với những điều có thể đạt
được trong thực tế.
2. Về quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu, chuyên gia
ICG khẳng định nước Mỹ rất cần một châu Âu hùng mạnh, có khả năng hành động độc
lập, cụ thể trong các hồ sơ nhạy cảm hiện nay như Iran hay Venezuela. Một châu
Âu có thể nói ngược với nước Mỹ, một khi cần thiết.
3. Theo Robert Maller, nước Mỹ cần tiếp tục hiện diện
ở nước ngoài để ngăn chặn khủng bố, nhưng ít hơn về mặt quân sự và cần hiện diện
một cách khôn ngoan hơn. Ông Robert Maller cũng nhấn mạnh là chính quyền Mỹ cần
hỗ trợ đến cùng các đối thoại tìm giải pháp hòa bình giữa các phe phái
Afghanistan. Việc rút quân quá vội vã rất có nguy cơ làm quốc gia Nam Á này một
lần nữa rơi vào hỗn loạn.
No comments:
Post a Comment