Sunday, February 3, 2019

FB TRẦN NGỌC PHÚC, NẠN NHÂN ĐẦU TIÊN CỦA LUẬT AN NINH MẠNG? (tổng hợp)





Báo Đồng Khởi, tờ báo của đảng bộ tỉnh Bến Tre vừa đưa tin “Công an làm việc với Trần Ngọc Phúc”. Theo thông tin trên trang này, vào ngày 1/2/2019, Phòng An ninh đối nội, CA tỉnh Bến Tre đã “làm việc” với em Trần Ngọc Phúc (1998) về “hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tuyên truyền chống đảng và nhà nước”. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên bị triệu tập làm việc sau khi Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Những hành vi bị kết tội bao gồm: “sử dụng tài khoản Facebook Ngọc Phúc tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị như: Miền Nam Việt Nam, Đô Thành Sài Gòn Fanclub, Thích BBC Vietnamese..., Đồng thời, Phúc viết bài đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh.”

Bạn nghĩ gì khi đọc thông tin này?

“Viết bài, đăng tải, chia sẻ, bình luận” là hành vi sẽ bị công an kết tội “sử dụng Facebook để tuyên truyền chống đảng và nhà nước.”

Công an vẫn để ngỏ khả năng bắt giữ em Trần Ngọc Phúc khi bắn tin cho báo chí: “Vụ việc đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.”

Với những cá nhân ở những tỉnh thành nhỏ, nghiệp vụ của công an sẽ bắt đầu từ những việc thế này: mời làm việc, bắn tin lên hệ thống truyền thông lề đảng, tạo sự phiền toái, sợ hãi cho gia đình và những người xung quanh, theo dõi dư luận và quyết định chiến thuật đàn áp tiếp theo.

Tôi đã đọc khá nhiều bài viết bày tỏ thái độ về Luật An ninh mạng, và tôi hy vọng những trường hợp như em Trần Ngọc Phúc sẽ không cô đơn khi thể hiện quyền tự do của mình.

Luật An ninh mạng đã và đang bắt đầu được sử dụng để đo lường phản ứng của người dân. 

Bạn lên tiếng hay im lặng trước sự việc này?

03.02.2019


--------------------------------------

RFA
2019-02-02

Ngày 1/2/2019, anh Trần Ngọc Phúc, sinh năm 1998, thường trú ở tỉnh Bến Tre bị Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh này yêu cầu làm việc vì có hành vi “sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tuyên truyền chống đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.”

Anh Trần Ngọc Phúc ở cơ quan Công An.  Courtesy of CAND

Mạng báo Đồng Khởi, tiếng nói của đảng bộ cộng sản và nhân dân tỉnh Bến Tre cho hay, thời gian qua anh Phúc “sử dụng tài khoản Facebook tên ‘Ngọc Phúc’ tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị như: Miền Nam Việt Nam, Đô Thành Sài Gòn Fanclub, Thích BBC Vietnamese…
Đồng thời, Phúc viết bài đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh,” tờ báo này nêu rõ.

Bài báo trên được mạng báo Công an nhân dân online đăng lại vào chiều ngày 2/2/2019 cho biết, tại cơ quan điều tra Phúc thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình và vụ việc đang được cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Anh Trần Ngọc Phúc, năm nay 21 tuổi, hộ khẩu thường trú xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Hiện anh đang là sinh viên của trường đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM.
Được biết, đây là trường hợp thứ 2 bị cơ quan an ninh tỉnh này triệu tập làm việc vì có liên quan đến Facebook.

Trước đó, hôm 21/1/2019, kênh Youtube của Truyền hình An ninh TV đăng tải phóng sự điều tra có tiêu đề “Facebook lộng hành, vi phạm pháp luật Việt Nam thế nào?”

Video dài hơn 10 phút này cũng nêu trường hợp ông Đặng Trí Thức, sinh năm 1964 trú ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị triệu tập làm việc vào ngày 20/12/2018 vì “có hành vi sử dụng Facebook cá nhân kích động biểu tình”.

Ông Đặng Trí Thức ở cơ quan Công An.  Courtesy CAND

Cũng theo đó, tại cơ quan công an ông Đặng Trí Thức thừa nhận hành vi sai phạm của mình là “trong 2 ngày 21/9 và 10/12/2018, tại nhà riêng của mình, Đặng Trí Thức đã sử dụng Facebook để live stream kêu gọi người dân trong nước xuống đường biểu tình tại các tuyến đường giao thông quan trọng trong trong các ngày 22 và 28/12/2018.”

Theo thông cáo mới nhất của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, tổ chức này ghi nhận chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện đối với ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger trong hai năm 2017 và 2018, với vụ gần đây nhất, bắt Nguyễn Văn Viễn, một nhà hoạt động dân chủ, diễn ra chỉ chín ngày trước phiên UPR.

Cũng theo thông cáo này, năm 2017, các tòa án đã xử và kết tội ít nhất 15 nhà hoạt động và blogger theo các cáo buộc an ninh quốc gia ngụy tạo, và con số này tăng gần gấp ba lần, lên 42 người, trong năm 2018. Nhiều bản án bị áp ở mức hơn 10 năm tù giam.

Luật An ninh mạng mới của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 yêu cầu các công ty nước ngoài như Googlee, Facebook… khi cung cấp dịch vụ ở Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu tại địa phương để tiện việc xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật của người dùng.

Hồi đầu năm 2019, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử đồng loạt cáo buộc Facebook đã không đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ những thông tin “phản động, chống nhà nước” cũng như cho quảng cáo chính trị.





No comments: