Sunday, February 10, 2019

DI DÂN BẤT HỢP PHÁP Ở HOA KỲ (Trần Thị Ngự - Dân Luận)




Trần Thị Ngự
Tác giả gửi tới Dân Luận
08/02/2019

Di dân bất hợp pháp hiện đang là đề tài chính trị được bàn luận rộng rãi ở Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đề nghị xây tường dọc biên giới Hoa Kỳ – Mexico vì cho rằng Mexico đã gởi thành phần tội phạm, buôn bán ma túy, hiếp dâm đến Hoa Kỳ [1]. Việc thảo luận càng trở nên sôi nổi trước cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm 2018 khi tổng thống Donald Trump gọi đoàn người di dân (migrant caravan) từ Honduras hướng đến Hoa Kỳ là một cuộc xâm lăng (invasion) [2]. Việc khêu gợi nỗi sợ hãi người di dân đã có ảnh hưởng tích cực đến nhiều cử tri, trong đó có cử tri người Mỹ gốc Việt. Nhiều người ủng hộ ông Trump và các ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa vì cho việc “xâm lăng” của đoàn người di dân từ Honduras là không thể chấp nhận được.

Di dân không có giấy tờ hợp pháp không phải là hiện tượng mới mẻ ở Hoa Kỳ. Hiên nay có khoảng 11 triệu người ở Hoa Kỳ không có giấy tờ hợp lệ [3]. Vậy di dân bất hợp pháp đến từ đâu, đặc tính của di dân bất hợp pháp cũng như ảnh hưởng của di dân bất hợp pháp đến xã hội Mỹ là trọng tâm của bài viết này.

NGUỒN GỐC DI DÂN BẤT HỢP PHÁP Ở HOA KỲ

Kể từ khi lập quốc (1776) cho đến cuối thế kỷ 19, biên giới Hoa Kỳ hoàn toàn mở rộng. Để đến Mỹ sinh sống, người ta không cần thông hành (passport) và chiếu khán nhập cảnh (visa). Cũng không có cái gọi là thẻ xanh (green card). Người ta chỉ cần có mặt ở Ellis Island (cảng New York City) đi đứng không khập khiễng, có chút tiền trong túi, và qua được cuộc sát hạch đơn giản về thông minh (IQ test) bằng ngôn ngữ tự chọn là được chấp nhận [4].

Quyền lực của liên bang trong lãnh vực di dân đầu tiên được thể hiện qua luật loại trừ lao động Trung Quốc (Chinese Exclusion Act of 1882). Lao động từ Trung Quốc được nhập vào Hoa Kỳ từ thập niên 1840s để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng họ bị nguyền rủa thậm tệ trong thời kỳ kinh tế suy thoái ở thập niên 1870s [5]. Di dân Trung Quốc bị cho là đã đẩy mức lương xuống dưới mức tiêu chuẩn cũng như đã giành lấy công việc của người da trắng [6]. Các nghiệp đoàn lao động ở phía Tây nước Mỹ công khai bày tỏ sự ủng hộ việc loại trừ người Trung Quốc [7]. Dưới áp lực của quần chúng, Chinese Exclusion Act được ban hành năm 1882 để tạm ngưng lao động đến từ Trung Quốc trong 10 năm (thương gia Trung Quốc không bị cấm), không cho phép người Trung Quốc đã sống ở Mỹ nhập tịch, và qui định trục xuất người Trung Quốc vào Mỹ bất hợp pháp. Chinese Exclusion Act được tái ban hành nhiều lần và chỉ được bãi bỏ năm 1943 [8].

Qui định toàn diện về di dân đầu tiên là Luật Di Dân 1891 (Immigration Act of 1891). Luật thiết lập Văn Phòng Di Dân (Bureau of Immigration) và qui định trục xuất trực tiếp di dân bất hợp pháp. Một năm sau, luật Geary Act 1892 ra đời để nhắm vào di dân Trung Quốc. Luật đòi hỏi tất cả lao động Trung Quốc đã ở trong nước Mỹ phải đăng ký và có hai người da trắng làm chứng về việc họ vào Hoa Kỳ hợp pháp. Nếu không đăng ký và không có người làm chứng theo luật thì sẽ bị coi là di dân bất hợp pháp và sẽ bị trục xuất [9]. Sau lao động Trung Quốc, lao động từ Nhật cũng bị cấm vào Mỹ từ 1907 theo luật Gentlemen Act. Đến năm 1917 thì tất cả người Á Châu bị cấm vào Mỹ qua luât Immigration Act of 1917 hay còn gọi là Asiatic Barred Zone Act [10].

Ngoại trừ việc cấm người Á Châu, vốn bị coi là không thể đồng hóa về chủng tộc và văn hóa (racially and culturally unassimilable) với người da trắng, chính sách di dân ở Hoa Kỳ cho tới năm 1924 vẫn rất rộng rãi do nhu cầu lao động trong thời kỳ kỹ nghệ hóa (industrialization). Trên giấy tờ, luật di trú cấm tội phạm hình sự, người hành nghề mãi dâm, người mắc bệnh thể xác hay tâm thần (physical and mental illnesses) hay những người có khả năng trở thành gánh nặng xã hội (paupers). Thực tế thì chỉ có 1% những người có mặt ở Ellis Island bị từ chối, chủ yếu là vì lý do sức khỏe tâm thần hay thể xác [11].

Sự hiện diện đông đảo di dân khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalists) lên tiếng phản đối: “Họ không nói tiếng Anh. Họ không đồng hóa được (unassimilable). Họ trông đen hơn. Họ là tội phạm. Họ có bệnh tật.” [12] Trong khung cảnh đó, Quốc Hội biểu quyết luật National Origins Act năm 1924. Tổng thống Calvin Coolidge phát biểu khi ký ban hành luật National Origins Act: “Nước Mỹ vẫn phải là Mỹ” (America must remain American) [13]. Đây là lần đầu nước Mỹ đặt ra giới hạn về số người nhập cư, qui định chiếu khán nhập cảnh, và giới hạn con số nhập cảnh hàng năm không quá 150,000 người từ Âu Châu (người Á Châu tiếp tục bị cấm toàn diện). Hạn ngạch (quota) nhập cư từ các nước Âu châu được qui định căn cứ trên số người từ các nước đó sống ở Hoa Kỳ vào lúc kiểm tra dân số năm 1890. Vì kiểm tra dân số năm 1890 xảy ra trước khi có làn sóng di dân từ Nam và Đông Âu, luật 1924 rõ ràng là một nỗ lực để bảo đảm đa số di dân vào Mỹ sẽ là người từ Tây và Bắc Âu, vốn đã nhập vào Mỹ với số lượng lớn từ nhiều năm trước [14]. Đến năm 1965 thì luật National Origins Act bị bãi bỏ.

Sau khi luật National Origins Act 1924 được ban hành, số di dân bất hợp pháp gia tăng nhanh chóng. Khi số chiếu khán nhập cảnh đã đạt chỉ tiêu, những người không xin được chiếu khán tìm cách vào lén lút. Để đối phó với số lượng lớn di dân bất hợp pháp, chính phủ liên bang cho thi hành Luật Đăng Ký ban hành năm 1929 (Registry Act of 1929). Luật cho phép di dân bất hợp pháp được đăng ký với lệ phí 20 mỹ kim để trở thành thường trú nhân nếu họ chứng minh được là họ đã sống ở Mỹ từ 1921 và có hạnh kiểm tốt (good moral characters). Nhiều trăm ngàn người đăng ký và được hợp thức hoá, đại đa số là người Âu Châu [15].

Trong khi tuyệt đại đa số di dân từ Âu Châu tìm đến vùng đông bắc Hoa Kỳ nơi diễn ra cuộc cách mạng kỹ nghệ, lao động từ Mexico cũng đã có mặt ở miền tây nam Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ 20. Người Mexico vốn bị xem thường và bị cho là không thể đồng hóa với người da trắng. Do tình trạng thiếu hụt lao động trong thời cách mạng kỹ nghệ và trong Thế Chiến I, di dân đến từ Mexico bắt đầu khi những nhà trồng trọt và các công ty đường sắt ở Hoa Kỳ cho người vào nội địa Mexico để tuyển mộ và đưa lao động về Mỹ [16]. Đối diện với sự chống đối người Mexico của dân chúng Mỹ, các chủ nhân xử dụng lao động Mexico đã phải nghĩ ra cách giải thích. Những thành kiến tiêu cực về người Mexico, như lạc hậu, chậm lụt, dễ bị lôi kéo, vốn được dùng để loại trừ họ khỏi cộng đồng người Mỹ, nay được dùng để lý giải cho việc xử dụng lao động Mexico bằng cách lập luận rằng những cá tính đó khiến người Mexico trở thành một nguồn lao động rẻ lý tưởng [17].

Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn trong thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression) làm nổi lên làn sóng chống đối lao động Mexico. Tại những nơi có đông lao động Mexico, họ trở thành cái bung xung cho các vấn đề xã hội: họ bị coi là đã mang đến bệnh tật, tham gia tôi ác, và lấy mất công việc của người Mỹ [18]. Khi số người Mexico thất nghiệp và những người Mỹ gốc Mexico đi xin trợ cấp tại các văn phòng phúc lợi xã hội bắt đầu gia tăng, các cộng đồng ở khắp nước Mỹ bắt đầu làm áp lực đòi người Mexico trở về nguyên quán. Kết quả là nhân viên di trú liên bang đã trục xuất khoảng nửa triệu người gốc Mexico trong một chương trình gọi là “hồi hương” (repatriate) mà không qua một thủ tục trục xuất chính thức nào. Hơn một nửa những người bị trục xuất là các công dân Hoa Kỳ (gốc Mexico) [19].

Chẳng bao lâu sau những đợt “hồi hương” lao động Mexico xảy ra trong thập niên 1930s, những nhà trồng trọt ở vùng tây nam Hoa Kỳ lại nhìn về phía Mexico như một nguồn lao động rẻ. Họ thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ ban hành chương trình “Bracero,” một chương trình lao đông thời vụ (guest workers; temporary workers) được ký kết giữa hai chính phủ Hoa Kỳ-Mexico. Khởi đầu từ 1942 và kết thúc năm 1964, chương trình Bracero đã chính thức đưa đến Mỹ gần 5 triệu lượt lao động từ Mexico. [20]

Mặc dù nhiều Braceros đã trở về nhà ở Mexico khi hết hợp đồng ngắn hạn, và tiếp tục quay lại Hoa Kỳ làm việc qua chương trình Bracero trong nhiều năm, một số không nhỏ đã ở lại để tham gia lao động bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Lao động Mexico thì luôn có sẵn, nhưng nhiều lao động không muốn phải trả tiền hối lộ để được lên danh sách từ Mexico, trong khi có những chủ nông trại ở Mỹ cũng không muốn phải trả các phí tổn chuyên chở cùng các chi phí giấy tờ khi thuê mướn lao động qua chương trình Bracero. Do đó, nhiều chủ nông trại và lao động đã hợp tác với nhau ngoài hệ thống chính thức [21].

Để giải quyết tình trạng lao động bất hợp pháp ở các nông trại, chính phủ Hoa Kỳ cho phép hợp thức hoá lao động bất hợp pháp [legalization], cấp cho họ giấp tờ để trở thành thành viên chính thức của chương trình Bracero và đưa họ trở lại nông trại nơi họ đã bị bắt. Chủ nông trại cố tình thuê mướn lao động bất hợp pháp cũng không bị phạt. Chẳng bao lâu sau, số lao động bất hợp pháp vượt quá số lao động hợp pháp qua chương trình Bracero [22].

Vào đầu thập niên 1960s, chương trình Bracero bị chỉ trích từ nhiều phía (nghiệp đoàn, cơ sở tôn giáo, giới nghiên cứu) vì những lạm dụng (abuse) và thiếu kiểm tra xảy ra trong quá trình thực hiện. Sau khi chương trình chấm dứt năm 1964, số lao động bất hợp pháp từ Mexico tăng lên nhanh chóng. Đồng thời với việc cắt giảm chiếu khán lao động, các qui định mới từ Bộ Lao Động, như mức lương hay giấy chứng nhận lao động làm tăng chi phí cho cả chủ nông trại lẫn người lao động, đã thúc đẩy chủ nhân cũng như người lao động đi vào con đường làm ăn chui [23].

Hai mươi năm sau, để đối phó với số di dân bất hợp pháp ngày càng gia tăng, Quốc Hội biểu quyết luật Cải Tổ và Kiểm Soát Di Dân [Immigration Reform and Control Act 1986, gọi tắt là IRCA] được tổng thống Ronald Reagan ban hành năm 1986. Với chủ tâm ngăn chận di dân bất hợp pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ an toàn kinh tế cho lao động trong nước, luật IRCA 1986 có hai phần chính: 1) Luật qui định việc cố tình thuê mướn lao động không hợp pháp là vi phạm luật dân sự hay có thể là tội hình sự; 2) Thực hiện chương trình ân xá (amnesty) cho những ai đã sống tại Hoa Kỳ liên tục từ 1982 hay những ai đã từng làm việc trong các nông trại tại Hoa Kỳ. Luật IRCA đã đưa đến việc hợp thức hóa (legalization) gần 3 triệu di dân, một cuộc hợp thức hoá được xem là lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ [24].

Sau năm 1986, số di dân bất hợp pháp giảm hẳn, nhưng lại gia tăng không lâu sau đó. Chương trình Bracero đã chấm dứt hơn hai thập kỷ trước được xem là đã gieo hạt giống cho việc di dân từ Mexico đến Hoa Kỳ. Sự hiện diện của chương trình Bracero đã giúp mở rộng kỹ nghệ trồng trọt xử dụng nhiều lao động chân tay để đáp ứng nhu cầu về rau quả ngày càng gia tăng, đồng thời tạo ra nhu cầu xử dụng lao động rẻ từ Mexico. Nhiều khu vực nông thôn ở Mexico cũng bị lệ thuộc vào tiền kiếm được từ việc làm ở Mỹ. Các mạng lưới được thiết lập nhanh chóng để kết nối các làng xã ở Mexico với công việc ở các nông trại Hoa Kỳ. Những công nhân Mỹ đối diện với sự cạnh tranh của chương trình Bracero rời bỏ thị trường lao động nông nghiệp để gia nhập thị trường lao động ngoài lãnh vực nông nghiệp, tạo ra một sự thiếu hụt lao động khiến lao động từ Mexico lại càng được xem là cần thiết [25].

Luật IRCA 1986 đã không giải quyết được tình trạng di dân bất hợp pháp như mục đích của nó. Qui định trừng phạt chủ nhân xem ra rất khó thực hiện do việc xử dụng giấy tờ giả lan tràn trong khi nguồn lực dành cho cơ quan di trú để thi hành luật lại vô cùng giới hạn. Di dân bất hợp pháp tiếp tục gia tăng sau 1986. Mặc dù ban đầu di dân bất hợp pháp thường tập trung trong lãnh vực nông nghiệp, hiện tại họ cũng thường có mặt trong ngành xây dựng, sản xuất cấp thấp [đơn giản], dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh, và công việc chuẩn bị thức ăn (food preparation).

Ngày nay, lao động từ Mexico không phải là thành phần duy nhất của di dân bất hợp pháp. Thành phần di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ ngày càng đa dạng, và họ đến Mỹ không phải chỉ bằng cách bước qua biên giới Mexico-Hoa Kỳ, mà còn bằng nhiều cách khác nhau.

(Còn tiếp)

------------------

Chú thích:

[1] From the economy to race, see where the candidates stand on the big issues: https://www.npr.org/2016/10/18/496926243/from-the-economy-to-race-see-where-the-candidates-stand-on-the-big-issues

[5] Michael Fix and Jeffrey S. Passel, Immigration and Immigrants: Setting the Record Straight (Washington, D.C: The Urban Institute, 1994).

[6] The United States Commission on Civil Rights, The Tarnished Golden Door (Washington, DC: U.S. Commission on Civil Rights, 1980).

[7] Arthur W. Helweg, The Immigration Act of 1917: The Asian Indian Exclusion Act. In Hyung-Chan Kim (Ed.), Asian Americans and Congress (Westport, Conn.: Greenwood Press, 1996).

[8] Xem chú thích [5]

[9] Hudson N. Janisch, The Chinese Exclusion Laws: Congress and the Politics of Unbridled Passion. In Hyung-Chan Kim (Ed.), Asian Americans and Congress (Westport, Conn.: Greenwood Press, 1996).

[10] xem chú thích [5]
[11] xem chú thích [1]
[12] xem chú thích [1]

[14] Xem chú thích [5]
[15] Xem chú thích [1]

[16] Alejandro Portes and Ruben G. Rumbaut, Immigrant America: A Portrait (Berkeley, CA: University of California Press, 1996).

[17] David Gregory, Walls and Mirror: Mexican Americans, Mexican Immigrants, and the Politics of Ethnicity (Berkeley: University of California Press, 1995).

[18] Xem chú thích [17]

[19] Wayne Moquin, A Documentary History of the Mexican Americans (New York: Praeger, 1971).

[20] Braceros: History, Compensation. Rural Migration News, 2006, vol. 12, # 2: https://migration.ucdavis.edu/rmn/more.php?id=1112

[21] Xem chú thích [20]
[22]. Xem chú thích [20]

[23]. Deportation Didn't End Illegal Migration in the '50s – Legal Immigration Did: https://fee.org/articles/enforcement-didnt-end-illegal-immigration-in-the-50s-legal-immigration-did/

[24]. Xem chú thích [20]
[25]. Xem chú thích [20]


*
*
Trần Thị Ngự
Tác giả gửi tới Dân Luận
09/02/2019

SỐ LƯỢNG VÀ ĐẶC TÍNH CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP Ở HOA KỲ

Trước khi ban hành luật IRCA 1986, có khoảng từ 3.5 triệu đến 5 triệu di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Sau đợt hợp thức hoá do luật IRCA 1986, số di dân bất hợp pháp giảm còn dưới 2 triệu, nhưng đến đầu thập kỷ 1990s lại tăng lên hơn 3 triệu. Ước tính cho thấy sau 1990 có khoảng từ 200,000 đến 500,000 di dân bất hợp pháp vào Mỹ mỗi năm [26]. Dân số di dân bất hợp pháp lên đến mức cao nhất năm 2007 với 12.2 triệu người. Số liệu mới nhất cho thấy, số di dân bất hợp pháp năm 2016 là 10.7 triệu, giảm 13% so với năm 2007 [27].

Di dân bất hợp pháp đến Mỹ bằng nhiều cách. Đa số (60%-70%) di dân bất hợp pháp khi vào Mỹ thì hoàn toàn hợp pháp và có đầy đủ giấy tờ (sinh viên du học, khách du lịch, lao động thời vụ, v.v.) nhưng sau đó trở thành bất hợp pháp vì đã không chịu rời nước Mỹ khi chiếu khán nhập cảnh hết hạn. Chỉ có khoảng 30% đến 40% di dân bất hợp pháp đến Mỹ bằng cách vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp [28].

Khi nói đến di dân bất hợp pháp, người ta thường nghĩ đến di dân từ Mexico, nhưng thật sự, di dân bất hợp pháp đến từ Mexico chỉ chiếm một nửa số di dân bất hợp pháp. Ngoài ra, số di dân bất hợp pháp đến từ Mexico đã giảm từ 2007 trong khi di dân bất hợp pháp đến từ những nơi khác không giảm mà có khi tăng [29].

Bảng 1: Xuất Xứ Của Di Dân Bất Hợp Pháp Tại Hoa Kỳ. Nguồn: An Analysis of Unauthorized Immigrants in the United States by Country and Region of Birth [30]

Thật vây, di dân bất hợp pháp từ Trung Mỹ, Á Châu và Phi Châu được coi là gia tăng nhanh nhất kể từ 2000. Từ năm 2000 đến 2013, di dân bất hợp pháp đến từ Trung Mỹ và Á Châu tăng gấp ba, và đến từ Phi Châu tăng gấp hai [31]. Theo số liệu mới nhất, di dân bất hợp pháp từ Mexico chiếm 53%, Trung Mỹ (đa số từ El Salvador, Guatemala và Honduras) 14%, Asia 16% (trong đó China 3%), Nam Mỹ 6%, Phi Châu 3%, Âu châu, Canada và Đại Dương Châu (đa số là Úc và Tân Tây Lan) 5% [32].

Đa số di dân bất hợp pháp đã sống dài hạn ở Hoa Kỳ. Tính đến năm 2014, 50% di dân bất hợp pháp đã sống ở Hoa Kỳ trung bình 13.6 năm, và con số những người sống ở Hoa Kỳ trên 10 năm ngày càng gia tăng. Năm 2014 có 66% di dân bất hợp pháp đã sống ở Hoa Kỳ trên 10 năm (so với 40% năm 2005), trong khi chỉ có 14% di dân bất hợp pháp sống ở Hoa Kỳ dưới 5 năm (so với 31% năm 2005) [33].

Về tuổi tác, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ người trong tuổi lao động cao hơn dân bản xứ (US born). Trong số di dân bất hợp pháp, những người từ độ tuổi 16 đến 55 chiếm 81%, trong khi người dưới 16 tuổi chỉ chiếm 7%, và người trên 55 chiếm 12% [34].

Di dân bất hợp pháp có trình độ học vấn thấp hơn người bản xứ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì đa số di dân bất hợp pháp đến Mỹ để tìm việc lao động chân tay. Trong số những người từ 25 tuổi trở lên, gần một nửa (47%) chưa tốt nghiệp trung học; 25% có bằng trung học hay tương đương; 13% có học đại học nhưng chưa tốt nghiệp 4 năm, và 15% có bằng đại học 4 năm hay cao hơn [35].

Bảng 2: Tuổi Tác và Học Lực Của Di Dân Bất Hợp Pháp Tại Hoa Kỳ. Nguồn: An Analysis of Unauthorized Immigrants in the United States by Country and Region of Birth [36].
Di dân bất hợp pháp tập trung đông nhất ở 6 tiểu bang: California (21%), kế đến là Texas (15%) Florida (8%), New York (7%), New Jersey (5%) và Illinois (4%) [37].

ẢNH HƯỞNG CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP ĐỐI VỚI KINH TẾ HOA KỲ

Hiện nay có khoảng 8 triệu di dân bất hợp pháp tham gia lao động, chiếm 5% lực lượng lao động ở Hoa Kỳ [38]. Họ thường làm các công việc không cần kỹ năng hay chỉ cần rất ít kỹ năng, nhưng họ có những ảnh hưởng nhất định đến kinh tế toàn quốc cũng như địa phương.

Đáp Ứng Tình Trạng Thiếu Hụt Lao Động Giản Đơn
Ở Hoa Kỳ, với tỷ lệ tốt nghiệp trung học ngày càng tăng, lao động bản xứ (native-born Americans) có học lực thấp ngày càng hiếm. Từ thập kỷ 1960s đến năm 2000, thành phần người Mỹ bản xứ trong tuổi lao động có học vấn thấp hơn lớp 12 đã giảm từ 52% xuống còn 12% [39]. Kết quả là nguồn lao động không cần kỹ năng từ người bản xứ bị giảm mạnh. Trong khi đó, lao động không cần kỹ năng thật sự là một phần thành quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ: họ làm các công việc trong xây dựng, sản xuất thực phẩm, lau chùi quét dọn, hay thu hoạch nông phẩm. Lao động bất hợp pháp, vốn có trình độ học vấn thấp, sẵn lòng làm các công việc trên cũng như lấp vào những chỗ thiếu nhân công trong hãng xưởng.
Nói chung, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ tham gia lao động cao hơn người bản xứ. Một trong những lý do là vì đại đa số di dân bất hợp pháp ở trong độ tuổi lao động (80%). Ngoài ra, di dân bất hợp pháp trong tuổi lao động, nhất là thành phần nam giới, có tỷ lệ tham gia lao động cao hơn người bản xứ cùng lứa tuổi. Trên 90% nam giới di dân bất hợp pháp ở tuổi lao động có làm việc so với 79% nam giới người bản xứ cùng lứa tuổi, trong khi 61% nữ giới di dân bất hợp pháp ở tuổi lao động có làm việc làm so với 72% phụ nữ bản xứ cùng lứa tuổi [40].

Do tình trạng pháp lý và vì học vấn thấp,di dân bất hợp pháp thường làm các công việc chỉ cần kỹ năng thấp (low-skilled jobs) hay công việc không cần kỹ năng. Ngoài ra, tình trạng bất hợp pháp của họ cũng giới hạn cơ hội nghề nghiệp. Hơn quá nửa (56%) lao động bất hợp pháp tập trung trong lãnh vực dịch vụ (service), giải trí và khách sạn (leasure and hospitality), cũng như xây dựng (construction) trong khi chỉ có 31% lao động bản xứ làm việc trong các lãnh vực này. [41].

Lao động bất hợp pháp chiếm một phần quan trọng ở một số bộ phận trong các kỹ nghệ chính ở Hoa Kỳ. Họ chiếm gần một phần tư (24%) tổng số công nhân cắt cỏ và chăm sóc cây cảnh (mowing and landscaping), gần một phần tư (23%) công nhân làm việc trong các tư gia, 20% công nhân sản xuất nông phẩm (crop production), 20% công nhân trong ngành may mặc và trang sức (apparel manufacturing), 19% công nhân trong lãnh vực lau chùi và giặt ủi (cleaning and laundry), và 19% công nhân bảo trì các toà nhà (building maintenance)[42].

Lao đông bất hợp pháp cũng thường tập trung trong một số công việc nhất định. Thí dụ, họ chiếm một phần ba tổng số thợ lắp tường nhà (drywall installers), gần một phần ba (30%) công nhân ở các nông trại, hơn một phần tư (27%) lao động lợp mái nhà (roofers), một phần tư những người giúp việc nhà và thợ sơn, cũng như gần một phần tư thợ xây nhà (masons) và thợ lót thảm hay làm sàn nhà (carpet and floor installers)[43].

Theo quan điểm kinh tế, đem di dân đến các ngành nghề đang thiếu hụt lao động sẽ đưa đến sự gia tăng về lợi tức của Mỹ, bất kể kỹ năng cao hay thấp của di dân [44]. Trong trường hợp của Hoa Kỳ hiện nay, có nhiều lý do khiến lao động bất hợp pháp đáp ứng nhu cầu lao động hữu hiệu hơn lao động di dân hợp pháp. Hàng năm, Hoa Kỳ cấp môt số chiếu khán nhập cảnh cho lao động kỹ thuật cao (H-1B Visa), cũng như lao động đơn giản thời vụ trong các nông trại (H-2A Visa), cho ngành xây dựng, du lịch hay các hoạt động ngoài nông nghiệp (H-2B Visa). Tuy nhiên, thủ tục hành chánh trong việc xin phép tuyển dụng lao động tạm thời, các giới hạn về ngành nghề, cũng như thời gian dài chờ đợi để được nhận chiếu khán nhập cảnh thường không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về lao động thời vụ trong xây dựng hay nông nghiệp, hay những thay đổi về nhu cầu lao động do các biến động kinh tế gây ra. Thực tế là chiếu khán nhập cảnh cho lao động thời vụ ở Mỹ thường đến sau nhu cầu gia tăng lao động khoảng hai hay ba năm [45]. Lao động bất hợp pháp, vì không phải tuân theo các thủ tục hành chánh, đáp ứng được nhu cầu lao động của các chủ nhân nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, các điều kiện áp dụng cho lao động thời vụ khiến lao động di dân chính thức không thể thay đổi công việc một cách dễ dàng trong thời hạn chiếu khán. Họ thường phải làm việc cho chủ nhân đã bảo lãnh họ, mặc dầu người chủ nhân này, vì nhiều lý do, có thể không cần lao động nữa. Trong khi đó, lao động bất hợp pháp không có giao kèo (contract) qui định điều kiện làm việc, mà chỉ có giao ước theo ý muốn của chủ nhân và công nhân. Việc sàng lọc lao động cũng được thực hiện một cách không chính thức. Lao động bất hợp pháp giúp bạn bè và người thân có việc làm ở Mỹ bằng cách thề thốt về phẩm chất của họ. Lao động bất hợp pháp đắp vào những nơi thiếu công nhân bản xứ khi kinh tế bùng nổ, chuyển từ chủ nhân này qua chủ nhân khác cũng như di chuyển đến các vùng khác nhau trong nước Mỹ tùy theo các thay đổi về nhu cầu lao động ở địa phương. Tính không chính thức và linh động tạo ra sự hấp dẫn của lao động bất hợp pháp đối với giới chủ nhân [46].

Ảnh Hưởng Đến Thu Nhập Của Lao Động Bản Xứ
Sự hiện diện của lao động bất hợp pháp đã làm nảy sinh nhiều lo ngại rằng lao động bất hợp pháp tạo sức ép làm hạ thấp lương bổng ở thị trường lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên lao động bất hợp pháp không luôn luôn có ảnh hưởng tiêu cực trên mức thu nhập của lao động bản xứ.

Theo một số nhà kinh tế học chuyên về lãnh vực lao động, lao động bất hợp pháp hạ thấp lương của người Mỹ bản xứ có học vấn thấp, tức là những người có cạnh tranh lao động với di dân bất hợp pháp, từ 0.4% tới 7.4% [47].

Trong khi đó ảnh hưởng của lao động bất hợp pháp lên thu nhập của các thành phần kinh tế khác lại có chiều hướng tích cực. Mức lương thấp trả cho lao động không có kỹ năng làm hạ giá thành hàng hoá và dịch vụ cần nhiều lao động chân tay. Nghiên cứu cho thấy trong hai thập kỷ 1980s và 1990s, giá cả đã giảm xuống cho các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, giữ trẻ, giặt ủi cũng như các dịch vụ cần nhiều lao động chân tay tại các thành phố ở Mỹ có nhiều di dân không có kỹ năng hay kỹ năng thấp. Giá cả hàng hóa và dịch vụ thấp có nghĩa là thu nhập (incomes) có giá trị cao hơn, và hiệu quả tích cực này được thấy rõ nhất ở những nơi có đông di dân [48]. Nghiên cứu ở California, nơi có số lượng di dân cao nhất nước Mỹ, cũng cho thấy lao động bất hợp pháp không kỹ năng ở Hoa Kỳ đã không tạo ra tình trạng thất nghiệp nơi những người bản xứ cùng trình độ. Nhiều người trong số này, do có nhiều cơ hội tự cải thiện hơn lao động bất hợp pháp, đã đi ra khỏi lãnh vực lao động không kỹ năng để tránh cạnh tranh và chuyển sang loại lao động có kỹ năng với thu nhập cao hơn [49].

Ngoài ra, lao động bất hợp pháp lại còn hỗ trợ cho lao động có kỹ năng đế gia tăng sản xuất. Ông tổ của kinh tế tư bản Adam Smith từng lý luận trong tác phẩm “Wealth of Nations” rằng các nền kinh tế sẽ phát triển tốt nhất khi công nhân được chuyên môn hoá và phân công lao động với nhau. Lao động bất hợp pháp làm các công việc lao động chân tay nặng nhọc, dọn dẹp và làm vệ sinh trong xây dựng hay nơi hãng xưởng để các lao động có kỹ năng chuyên chú vào chuyên môn giúp gia tăng sản xuất [50]. Trong vòng gần 20 năm (từ 1990 đến 2007), những công việc hỗ trợ của lao động bất hợp pháp giúp gia tăng lương của lao động hợp pháp lên 10% [51]

ẢNH HƯỞNG CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP ĐẾN KHU VỰC CÔNG

Sống ở Hoa Kỳ, di dân bất hợp pháp có ít nhiều ảnh hưởng đến khu vực công do xử dụng các tiện ích công cộng (đường xá, cầu cống, trường học cho con em, bệnh viện, cũng như sự bảo vệ an ninh trật tự của cảnh sát). Di dân bất hợp pháp cũng ảnh hưởng đến ngân sách của chính phủ qua việc đóng thuế. Theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office), từ 50% đến 75% di dân bất hợp pháp có đóng thuế liên bang, tiểu bang và địa phương [52]. Tuy nhiên có sự khác biệt trong ảnh hưởng của di dân bất hợp pháp lên khu vực công ở ba cấp liên bang, tiểu bang, và địa phương.

Ảnh Hưởng Đến Ngân Sách Liên Bang
Ngân sách liên bang hầu như được lợi từ di dân bất hợp pháp vì những người này đóng góp nhiều vào ngân sách liên bang nhưng nhận được rất ít phúc lợi do liên bang quản lý. Cơ Quan Thuế Vụ Hoa Kỳ (Internal Revenue Service, IRS) ước tính hàng năm có khoảng 6 triệu di dân bất hợp pháp đóng thuế [53]. Mặc dù không có số xã hội (social security number, vốn cũng dùng làm căn cước về thuế hay tax identification), nhiều lao động bất hợp pháp khai và đóng thuế bằng cách xử dụng “Số Căn Cước Cá Nhân Của Người Đóng Thuế” (Individual Taxpayer Identification Number, ITIN). Nhận định rằng có nhiều người làm việc ở Mỹ nhưng không có giấy tờ hợp lệ, IRS thành lập ITIN vào năm 1995 để những người này có thể khai và đóng thuế trên các khoản thu nhập của họ (IRS không chia sẻ thông tin về người xử dụng ITIN với cơ quan di trú) [54]. Những người xin và xử dụng ITIN để đóng thuế hy vọng rằng một ngày nào đó nếu có chương trình hợp thứ hoá di dân (như đã xảy ra vào năm 1986) thì họ đã có “hồ sơ” (record) chính thức về việc làm và đóng thuế ở Mỹ. Trong năm 2015, hơn 4 triệu người xử dụng ITIN đã đóng 23 tỷ mỹ kim thuế, trong đó có gần 6 tỷ mỹ kim là thuế từ tiền lương (payroll tax) và thuế bảo hiểm y tế (medicare tax) [55].

Nhiều lao động bất hợp pháp không xử dụng ITIN nhưng vẫn đóng thuế. Để thỏa mãn đòi hỏi về số xã hội khi đi xin việc, nhiều di dân bất hợp pháp xử dụng số xã hội giả, và chủ nhân các cơ sở nơi họ làm việc dùng những số xã hội giả này để giữ lại phần thuế từ tiền lương và nộp cho liên bang và tiểu bang (ở những tiểu bang có thu thuế lợi tức cá nhân). Cơ Quan Quản Lý An Sinh Xã Hội (Social Security Administration, SSA) ước tính khoảng gần 2 triệu di dân bất hợp pháp làm việc và xử dụng số xã hội không khớp với tên của họ [56].

Mặc dù đóng góp hằng năm nhiều tỷ tiền thuế cho liên bang, hầu hết di dân bất hợp pháp, do tình trạng pháp lý của họ, không được nhận lợi ích do chính quyền liên bang cung cấp qua các chương trình an sinh xã hội (social security), bảo hiểm y tế (Medicare, trừ trường hợp cấp cứu), trợ cấp thực phẩm (food stamps), và trợ cấp tạm thời cho các gia đình khó khăn (Temporary Assistance for Needy Families). SAA ước tính trong năm 2010, Quỹ An Sinh Xã Hội (Social Security Trust Fund) thu được 13 tỷ mỹ kim thuế an sinh xã hội đóng góp từ tiền lương của di dân bất hợp pháp, nhưng chỉ chi ra có 1 tỷ mỹ kim cho một số di dân bất hợp pháp trên 62 tuổi. Trong nhiều năm, ước tính là lao động bất hợp pháp đã đóng góp tới 300 tỷ mỹ kim vào Quỹ An Sinh Xã Hội, khoảng 10 phần trăm của quỹ này [57]. Số tiền thặng dư tất nhiên được dùng để hỗ trợ cho người Mỹ cao niên bản xứ hay di dân hợp pháp.

Ảnh Hưởng Đến Ngân Sách Tiểu Bang và Địa Phương
Thu nhập của di dân bất hợp pháp và tiền thuế họ đóng cũng như các dịch vụ và tiện ích họ nhận được cũng ảnh hưởng đến ngân sách tiểu bang và địa phương. Phần lớn nguồn thu của tiểu bang đến từ thuế tiêu thụ (sale tax), thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức cá nhân (chỉ có ở một số tiểu bang). Nguồn thu của địa phương phần lớn đến từ thuế bất động sản (property tax) và thuế tiêu thụ [58].

Theo báo cáo năm 2017 của Institute of Taxtion and Economic Policy, di dân bất hợp pháp một năm đóng gần 12 tỷ mỹ kim tiền thuế các loại cho ngân sách tiểu bang và địa phương (tính trung bình khoảng 8% thu nhập cá nhân) [59]. Tuy nhiên, phần đóng góp của di dân bất hợp pháp không bù lại được các khoản chi cho họ từ tiểu bang và địa phương vì đóng góp của họ tương đối ít (chi tiêu ít, nhà ở giá trị thấp) hơn dân bản xứ và các nhóm di dân hợp pháp do họ có mức thu nhập thấp [60]. Một nghiên cứu vào cuối thập niên 1990s cho thấy di dân bất hợp pháp ở tiểu bang New York đóng khoảng 15% tiền lương cho thuế liên bang, tiểu bang và địa phương trong khi các nhóm di dân khác đóng khoảng 21% đến 31% tiền lương của họ [61].

Trong khi đó, tiểu bang phải gánh chịu, mà ít có cách né tránh, các chi phí nảy sinh từ việc cung cấp các dịch vụ tiện ích cho di dân bất hợp pháp, trong đó có giáo dục và y tế. Vì giáo dục được coi là một nhân quyền ở Mỹ, các trẻ em di dân bất hợp pháp đều được theo học ở các trường phổ thông công lập. Ngoài ra, nhiều trẻ em và thiếu niên (và cả thanh niên) trong các gia đình di dân bất hợp pháp do được sinh ra ở Mỹ nên là công dân Mỹ và đương nhiên được hưởng nền giáo dục công lập, kể cả đại học.

Những gia đình đình di dân bất hợp pháp thường không có bảo hiểm y tế. Do đó, hầu hết di dân bất hợp pháp dựa vào các phòng cấp cứu hay bệnh viện công để điều trị các bệnh thông thường hay để giải quyết các vấn đề sức khoẻ của họ [62]. Ước tính chi phí y tế cho di dân bất hợp pháp vào khoảng từ 6 tỷ tới 10 tỷ mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 1.5% tổng số chi phí y tế cho toàn quốc [63].

Di dân bất hợp pháp làm gia tăng dân số tiểu bang và địa phương. Do đó, hai cấp chính quyền địa phương phải gia tăng chi phí bảo vệ an ninh trật tự (cảnh sát, cứu hỏa) cũng như các dịch vụ đường xá và cầu cống.

Tính chung, dù các tiểu bang và địa phương phải gánh chịu các chi phí nảy sinh do sự có mặt của di dân bấp hợp pháp, các chi phí này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa tới 5% tổng số chi phí cho các dịch vụ nói trên. Tại một vài địa phương ở California, nơi có số di dân bất hợp pháp cao nhất Hoa Kỳ, các chi phí cho di dân bất hợp pháp có cao hơn, nhưng vẫn dưới 10% tổng số chi phí cho toàn địa phương [64].

(Còn tiếp)

-------------------

Chú thích

[26] Gordon H. Hanson, The Economic of Illegal Immigration (Washington, D.C.:, Brooking Institute, Council on Foreign Relation, 2007).

[28] Michael Fix and Jeffrey S. Passe, Immigration and Immigrants: Setting the Record Straight (Washington, D.C: The Urban Institute, 1994); Most Immigrants Who Enter the Country Do So Legally: https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2018/06/25/most-immigrants-who-enter-the-country-do-so-legally-federal-data-show/?utm_term=.4b76298aa44e

[29] Xem chú thích [27]

[30] Profile of the Unauthorized population: United States: https://www.migrationpolicy.org/data/unauthorized-immigrant-population/state/US

[31] M. R. Rosenblum and A. G. Ruiz Soto. An Analysis of Unauthorized immigrants in the US by Country and Region of Birth. Migration Policy Institute: https://www.migrationpolicy.org/research/analysis-unauthorized-immigrants-united-states-country-and-region-birth

[32] Xem chú thích [30]

[34] Xem chú thích [30]
[35] Xem chú thích [30]
[36] Xem chú thích [30]

[37] U.S. unauthorized immigration population estimates: http://www.pewhispanic.org/interactives/unauthorized-immigrants/

[38] Testimony of Jeffrey S. Passel – Unauthorized Immigrant Population: National and State Trends, Industries and Occupations: http://www.pewhispanic.org/2015/03/26/testimony-of-jeffrey-s-passel-unauthorized-immigrant-population/

[39] Gordon H. Hanson, The Economic of Illegal Immigration. (Washington, D. C., Brooking Institute, Council on Foreign Relation, 2007).

[40] Xem chú thích [38]
[41] Xem chú thích [38]
[42] Xem chú thích [38]
[43] Xem chú thích [38]
[44] Xem chú thích [39]
[45] Xem chú thích [39]
[46] Xem chú thích [39]

[48] Xem chú thích [39]

[49] Giovanni Peri, Immigrants’ Complementaries and Native Wages: Evidence from California. Working paper # 12956. National Bureau of Economic Research: https://www.nber.org/papers/w12956.pdf

[50] Giovanni Peri and Chad Sparber, Task Specialization, Comparative Advantages, and the Effects of Immigration on Wages. Working paper # 13389. National Bureau of Economic Research: https://www.nber.org/papers/w13389.pdf

[51] Xem chú thích [47]

[52] The Impact of Unauthorized Immigrants on the Budgets of State and Local Governments: https://www.cbo.gov/sites/default/files/110th-congress-2007-2008/reports/12-6-immigration.pdf

[53] Paula N. Singer and Linda Dodd-Major, Identification Numbers and U.S. Government Compliance Initiatives. Tax Notes, vol. 104 (2004).

[55] Individual Taxpayer Ientification Nnumbers (ITINs): IRS Processes Create Barriers to Filing and Paying for Taxpayers Who Cannot Obtain Social Security Numbers: http://taxpayeradvocate.irs.gov/Media/Default/Documents/2015ARC/ARC15_Volume1_MSP_18_ITIN.pdf

[56] Effects of Unauthorized Immigration on the Actuarial Status of the Social Security Trust Funds. Social Security Administration, Acturial Note Number 151: https://www.ssa.gov/oact/NOTES/pdf_notes/note151.pdf

[57] Xem chú thích [47]
[58] Xem chú thích [52]

[59]. Undocumented Immigrants’ State & Local Tax Contributions: https://itep.org/immigration/

[60] Xem chú thích [52]

[61] Jeffrey S. Passel and Rebecca L. Clark, Immigrants in New York: Their Legal Status, Incomes, and Taxes (Washington, D.C.: Urban Institute, 1998).

[62] Xem chú thích [52]

[63] Dana P. Goldman, James P. Smith, & Neeraj Sood, Immigrants and the cost of medical care. Health Affairs, vol. 25, 2006; Susan Okie, “Immigrants and health care: At the intersection of two broken systems. The New England Journal of Medicine, vol. 357(6), 2007.

[64] Xem chú thích [52]

*
*
Trần Thị Ngự
Tác giả gửi tới Dân Luận
09/02/2019

ẢNH HƯỞNG CỦA DI DÂN BẤT HỢP PHÁP ĐẾN AN NINH TRẬT TỰ

Mối quan tâm của quần chúng ở Hoa Kỳ về ảnh hưởng của di dân đến an ninh trật tự trong xã hội có một lịch sử lâu dài từ trước thế kỷ 20. Hiện tượng tội phạm gia tăng xảy ra đồng thời với những làn sóng di dân đến từ Châu Âu trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution) khiến nhiều người cho rằng có mối liên hệ giữa di dân và tội phạm. Bước qua đầu thế kỷ thứ 20, để đáp ứng mối quan tâm của quần chúng, ba cơ quan: Industrial Commission, Immigration Commission và National Commission on Law Observance and Enforcement đã thực hiện ba cuộc nghiên cứu trong ba thập kỷ để tìm hiểu mối liên hệ giữa di dân và tội phạm. Cả ba cuộc nghiên cứu (thực hiện năm 1901, 1911 và 1932-1933) đều cho thấy di dân, đặc biệt là thế hệ thứ nhất, có tỷ lệ phạm tội thấp hơn dân bản xứ. Rất nhiều nghiên cứu từ thập kỷ 1960s trở về sau với các kỹ thuật nghiên cứu tinh vi hơn cũng cho ra kết quả tương tự [65]. Tuy nhiên đa số các nghiên cứu này không phân biệt di dân hợp pháp hay bất hợp pháp.

Gần đây, khi vấn đề di dân bất hợp pháp trở thành một đề tài thảo luận trong xã hội, nhóm di dân này bị nhiều người coi là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất an ninh trật tự trong xã hội Mỹ [66]. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây cho thấy kết quả ngược lại với mối quan tâm của quần chúng về ảnh hưởng tiêu cực của di dân bất hợp pháp đối với an ninh xã hội: không có bằng chứng di dân bất hợp pháp làm gia tăng tình trạng mất an ninh trong xã hội Mỹ.

Về tội phạm nói chung, các nghiên cứu xử dụng dữ liệu vĩ mô (macro-level data) cho thấy trong thời kỳ di dân bất hợp pháp gia tăng, tội phạm thực sự lại giảm. Thí dụ, số di dân bất hợp pháp tăng gần 4 lần trong khoảng 1993-2006, trong khi tội phạm không bạo lực (non-violent crime) giảm 26%, và tội phạm bạo lực (violent crime) giảm 34%. Tội phạm cũng giảm trong cùng thời gian ở các thành phố có đông di dân bất hợp pháp nhất nước Mỹ như Los Angleles, New York, Chicago, và Miami [67]. Dữ liệu thu thập từ 1990 đến 2014 tại 50 tiểu bang và District of Columbia cũng cho thấy di dân bất hợp pháp không làm gia tăng tội phạm bạo lực. Trái lại, có mối liên hệ đảo ngược [negative relationship] giữa di trú bất hợp pháp và tội phạm [68]. Dữ liệu từ cảnh sát (arrest data) cho thấy gia tăng di trú bất hợp pháp không làm gia tăng các tệ nạn liên quan đến rượu và ma túy. Trái lại, gia tăng di trú bất hợp pháp tương ứng với việc giảm thiểu các vụ bắt giữ vì ma túy, các trường hợp chết vì dùng ma túy quá liều, các vụ bắt giữ vì lái xe say rượu hay do ảnh hưởng của ma túy, cũng như các trường hợp tử vong vì say rượu khi lái xe [69].

Nghiên cứu xử dụng dữ liệu cá nhân (personal data) cũng cho kết quả tương tự. Di dân bất hợp ít tham gia hành vi phạm pháp nói chung (self-reported offending) so với người Mỹ bản xứ (US born) [70]. Di dân bất hợp pháp cũng ít xử dụng các loại ma túy hơn người Mỹ bản xứ, ngoại trừ cocaine dạng bột [71].

Nghiên cứu tại tiểu bang Texas, nơi có số di dân bất hợp pháp cao thứ hai nước Mỹ, chỉ sau California, cho thấy di dân bất hợp pháp ít phạm tội hơn người bản xứ về nhiều phương diện. Trước hết, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ bị kết án nói chung (conviction) chỉ bẳng không tới một nửa tỷ lệ bị kết án của dân bản xứ (782 người bị kết án/100,000 di dân bất hợp pháp so với 1,749 người bị kết án/100,000 dân bản xứ). Về chi tiết, tỷ lệ kết án vì tội sát nhân và tội tấn công tình dục của di dân bất hợp pháp thấp hơn tỷ lệ của dân bản xứ 25% và 12%, trong khi tỷ lệ kết án vì tội trộm cắp của di dân bất hợp pháp thấp hơn tỷ lệ của người bản xứ 79%. Trái lại, di dân bất hợp pháp có tỷ lệ bị kết án cao hơn dân bản xứ 3% về các tội cờ bạc (gambling), bắt cóc (kidnapping), lang thang hay du đãng (vagrancy), và buôn lậu hay đưa người nhập cảnh bất hợp pháp (smuggling) [72]

NGĂN CHẶN DI TRÚ BẤT HỢP PHÁP

Dù mang lại những lợi ích về kinh tế và dù không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, di trú bất hợp pháp hiển nhiên có nhiều khiếm khuyết và không phải là điều đáng mong muốn. Trước hết, tình trạng di trú bất hợp pháp cao độ có thể sói mòn tinh thần thượng tôn luật pháp ở Hoa Kỳ và làm suy yếu khả năng của chính phủ trong việc thực thi các qui định tiến bộ về thị trường lao động. Về phương diện nhân quyền, tình trạng di trú bất hợp pháp ở mức độ cao làm giảm sự cam kết của chủ nhân đối với các định chế trong thị trường lao động ở Hoa Kỳ, đồng thời tạo ra một tầng lớp công nhân với cơ hội thăng tiến rất hạn chế và chỗ đứng trong xã hội không chắc chắn. Do đó, ngăn chặn di dân bất hợp pháp là việc đáng phải suy nghĩ.

Cho đến gần đây, các biện pháp ngăn chặn di dân bất hợp pháp quan trọng nhất là việc tăng cường kiểm tra (increased border patrol) và dựng hàng rào (fence) dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Vào đầu thập kỷ 1990s khi thấy con số di dân bất hợp pháp tiếp tục gia tăng nhanh chóng sau chương trình ân xá/hợp thức hóa được thực hiện năm 1986, chính phủ Hoa Kỳ quyết định gia tăng kiểm tra các khu vực biên giới được cho là “cửa ngõ” nơi các di dân nhập lậu vào Mỹ. Trong hai thập kỷ (1986-2008), số nhân viên kiểm tra biên giới (border patrol officers) gia tăng 5 lần, thời gian kiểm tra (tính theo giờ) tăng 4 lần, và tiền tài trợ tăng 20 lần [73].

Song song với việc tăng cường kiểm tra ở biên giới là việc dựng hàng rào để ngăn chặn vượt biên trái phép. Năm 1990, một hàng rào thép cao 10 bộ (10 feet, tức 3 mét) và dài 14 dặm (14 miles) được dựng lên ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico thuộc khu vực San Diego, California, chỗ sát với biển Pacific. Năm 1996, ngân sách cho phép dựng thêm lớp hàng rào thứ hai (hàng rào đôi) ở San Diego. Đến năm 2000, 60 dặm hàng rào được dựng lên ở biên giới phía nam gần các khu vực thị tứ (urban areas). Sau đợt khủng bố ngày 11 Tháng 9 năm 2001, yêu cầu dựng thêm hàng rào tăng cao. Năm 2006, Quốc Hội biểu quyết và tổng Thống George W. Bush ký Secure Fence Act để dựng 700 dặm hàng rào ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Năm 2009, 617 dặm hàng rào đã được dựng lên, trong đó 36 dặm là hàng rào kép. Chiều cao của hàng rào thay đổi từ 6 bộ (6 feet) đến 18 bộ (18 feet) tùy theo khu vực [74].

Chủ trương tăng cường kiểm tra biên giới cũng như thiết lập hàng rào dọc theo biên giới Hoa-Mexico đã không ngăn chặn được tình trạng di trú bất hợp pháp như mong đợi. Trong khi hai chương trình này được thực hiện (1990-2008), số di dân bất hợp pháp tăng 4 lần, từ 3 triệu lên 12 triệu [75]. Hàng rào được coi là không đủ mạnh và bền chắc để ngăn chặn người đi bộ cũng như xe vượt qua. Đó là chưa kể nhiều đường hầm được thiết lập phía dưới hàng rào để phục vụ cho các nhóm buôn lậu ma túy cũng như đưa người lậu qua biên giới [76]. Việc gia tăng kiểm tra biên giới cũng được cho là đưa đến hậu quả không mong đợi: gia tăng tình trạng định cư trái phép của những người trước đây vượt biên với ý định tạm cư (sojourners) để tìm việc làm. Trước khi hai chương trình gia tăng kiểm tra biên giới và dựng hàng rào, nhiều người vượt biên trái phép chỉ ở Mỹ một thời gian ngắn để làm việc rồi trở về với gia đình ở phía bên kia biên giới, trước khi tiếp tục các chuyến đi ngắn hạn đến Mỹ để kiếm tiền. Việc tăng cường kiểm tra ở biên giới khiến chi phí vượt biên trở nên đắt đỏ khi những người muốn vượt biên phải xử dụng các tổ chức đưa người vượt biên để có nhiều cơ hội thành công. Chi phí tốn kém cho mỗi lần vượt biên khiến nhiều người quyết định ở lại Mỹ lâu hơn. Thời gian dài ở Mỹ hình thành khuynh hướng “định cư,” cùng với việc vượt biên trái phép của những người thân để đoàn tụ gia đình [77].

Hàng rào và tăng cường kiểm tra biên giới cũng đã làm thay đổi cách thức di trú bất hợp pháp. Hai chương trình tăng cường an ninh biên giới có làm giảm một phần số người vượt biên giới trái phép, nhưng đồng thời làm gia tăng nhanh chóng số người nhập khẩu hợp pháp nhưng sau đó ở lại trái phép khi hết hạn chiếu khán. Pew Research Center ước tính vào năm 2006 khoảng hơn 1/3 di dân bất hợp pháp đã vào Mỹ hợp lệ nhưng sau đó đã ở lại trái phép. Hiện nay, gần 2/3 di dân bất hợp pháp là do ở lại quá hạn chiếu khán nhập cảnh [78].

Trong thực tế, việc tăng cường kiểm tra cũng như lập hàng rào biên giới đã không làm gì để giải quyết lý do kinh tế thúc đẩy di dân bất hợp pháp: nhu cầu cần lao động và mức lương cao tại Hoa Kỳ cũng như tình trạng dư thừa lao động và mức lương thấp ở Mexico. Muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề di trú bất hợp pháp cần phải giải quyết nguyên nhân kinh tế của nó. Một trăm năm qua, Hoa Kỳ đã liên tục xử dụng lao động bất hợp pháp trong việc phát triến kinh tế, ban đầu chỉ trong nông nghiêp, nhưng nay lao động bất hợp pháp đã lan ra trong mọi khu vực (thông tin mới đây cho biết một số cơ sở làm ăn của tổng thống Donald Trump, người từng đòi Quốc Hội chi tiền để xây tường ngăn di dân lậu khiến gây ra việc đóng cửa một phần chính phủ dài nhất lịch sử Hoa Kỳ, cũng đã xử dụng di dân bất hợp pháp) [79]. Sức hút của thị trường lao động Mỹ là lý do chính thúc đẩy di trú bất hợp pháp. Vì tuyệt đại đa số di dân bất hợp pháp đến Mỹ để kiếm việc, ngày nào Hoa Kỳ (các công ty, hãng xưởng, cơ sở thương mại và cả tư nhân) còn xử dụng lao động bất hợp pháp thì tình trạng di trú bất hợp pháp vẫn chưa thể giải quyết được.

---------------

Chú thích:

[65] Hoan N. Bui, Immigration and Crime. In J. Mitchell Miller (ed.), 21st Century Criminology: A Reference Handbook (Thousand Oak, CA: Sage, 2009).

[66] Democrats overwhelmingly say undocumented immigrants are no more likely than U.S. citizens to commit serious crimes; Republicans are divided. http://www.people-press.org/2018/06/28/shifting-public-views-on-legal-immigration-into-the-u-s/graphic5/

[67] Rubén G. Rumbaut. Undocumented Immigration and Rates of Crime and Imprisonment: Popular Myths and Empirical Realities. Paper presented to the Police Foundation National Conference on The Role of Local Police: Striking a Balance Between Immigration Enforcement and Civil Liberties (Washington, DC, August 21-22, 2008).

[68] Michael T. Light and Ty Miller, Does Undocumented Immigration Increase Violent Crime? Criminology, vol. 56, pp. 370-401, 2008.

[69] Michael T. Light, Ty Miller and Brian C. Kelly, Undocumented Immigration, Drug Problems, and Driving Under the Influence in the United States,1990-2014. American Journal of Public Health. doi:10.2105/AJPH.2017.303884.

[70] Bianca E. Bersani et al. Investigating the Offending Histories of Undocumented Immigrants. Migration Letters, Vol. 15, pp. 147-166, 2008.

[71] Charles M. Katz, Andrew M. Fox, and Michael D. White, Assessing the Relationship between Immigration Status and Drug Use. Justice Quarterly, vol. 28, pp. 541-575, 2011.

[72] Alex Nowrasteh, Criminal Immigrants in Texas: llegal Immigrant Conviction and Arrest Rates for Homicide, Sexual Assault, Larceny, and Other Crimes. Research and Policy Brief. Cato Institute, February 26, 2018.

[73]. Douglas S. Massey, Jorge Durand, and Karen A. Pren, Why Border Enforcement Backfired. American Journal of Sociology, vol. 121, pp. 1557-1600, 2017.

[75] Xem chú thích [72]
[76] Xem chú thích [73]
[77] Xem chú thích [72]







No comments: