Thursday, February 7, 2019

CHỢ HEO CON (Tạ Phong Tần)




February 4, 2019

Lúc nhỏ, tôi thường theo mẹ hoặc bà ngoại đi chợ ở quê. Chợ quê chỉ là cái nhà rộng lợp tôn, diện tích khoảng 200m2, xung quanh không có vách, nền tráng xi-măng, kêu là cái nhà lồng. 

Trước chợ cũng có một khoảng sân xi măng rộng gấp ba lần diện tích chợ. Trong nhà lồng chợ là người buôn bán chuyên nghiệp, có sạp hàng cố định. Sân phía ngoài dành cho dân quê lâu lâu có được thứ gì muốn bán cứ bưng ra ngồi xổm dưới bán. Ai tới trước ngồi gần nhà lồng chợ, ai tới sau ngồi kế tiếp, cứ như vậy kéo dài ra ba, bốn hàng. Phần cuối sân là bến tàu để cho các xuồng, ghe chở hoa quả, rau củ, mắm muối bán dưới ghe, dưới xuồng của họ. Kêu là “bến tàu” cho nó oai chớ nó chỉ là cái sàn lãng xây bằng xi măng ở bờ sông, có bậc thang để đi xuống ghe xuồng lúc nước ròng mà thôi.

Gần sàn lãng người ta tập trung ở đây để mua bán heo, múc nước sông lên tắm heo cho tiện. Từ sáng tinh sương heo đã được đem ra chợ, cho nó đi đường đỡ mệt thì mặt mũi nó mới tươi tỉnh, điệu bộ lanh lẹ, bán được giá. Ði trễ bị nắng nóng, bị nhốt lâu trong lồng, trong bao, hay dẫn đi bộ nhiều nó mệt, mặt mũi lờ đờ, ra chợ nó không tung tăng nhí nhố mà nằm đờ ra như heo bịnh, bị khách chê. Ở đây chỉ bán heo con và heo lứa, heo lớn để làm thịt thì chủ heo kêu lò heo cho người tới tận nhà cân rồi bỏ lên xe đẩy chở đi luôn. Heo nhỏ từ 3-5 ký kêu là heo con. Hơn 5-20 ký kêu là heo lứa, lứa có nghĩa là lỡ cỡ không lớn không nhỏ. Người ta thích mua heo lứa nuôi hơn do nó đã vượt qua thời kỳ “khó nuôi” mà bắt đầu “tuổi ăn tuổi lớn”, không sợ chết bất ngờ. Nuôi heo con cũng khó nuôi giống như nuôi trẻ sơ sinh vậy. Người bán nhốt heo trong lồng tre hoặc bỏ trong bao nilon kiểu bao cát cho nó không bị ngộp, chở ra chợ mới thả ra, cột cọng dây ngang bụng nó, để một thau thức ăn, nước uống cho nó, họ chỉ cầm một đầu dây để giữ nó không chạy lung tung. Người mua có thể tiện lợi sờ mó, nắn bóp con heo, coi mắt, coi mũi, coi tai, coi miệng, coi chưn, quan sát nó hoạt động, cách nó ăn uống để biết nó mạnh khỏe hay là heo bị bịnh. Người ta bán heo nguyên con chớ không bán theo cân nặng. Con heo mạnh khỏe, da lông bóng mượt, giống tốt, ăn nhiều, lanh lợi, mắt trong, chưn mạnh, đuôi luôn ve vẩy… thì dù nó nhỏ vẫn bán được giá hơn con lớn mà lờ đờ, da nhăn.

Những con heo con thường  có màu lông trắng, đen hoặc bông trắng đen (kêu là heo lang), nhưng đều có chung đặc điểm da mỏng bóng mịn, mắt đen trong veo mở bự thô lố, luôn ngọ nguậy cái đầu, khịt khịt cái mũi ngắn ngủn, kêu ịt ịt ủn ủn, ngó nghiêng qua lại một cách ngơ ngác hoặc láo liên theo kiểu “Thằng Mán đi chợ huyện”, nhìn rất dễ thương. Lần nào đi chợ, tôi cũng cố “bơi” tới chỗ bán heo con rồi đứng lì ở đó… coi heo đến khi quá mỏi chưn mới chịu đi.

Vì là chợ quê ở làng xã nên không phải ngày nào cũng có người đem heo con ra bán. Muốn mua heo con có hai cách: Một là dạo vòng trong xóm, hay nhờ người quen giới thiệu nhà ai đang nuôi heo nái chửa sắp sanh, gặp chủ heo dặn trước “coi mắt” heo mẹ, muốn mua bao nhiêu con nhỏ, đực hay cái, giá bao nhiêu tiền, tới lúc heo mẹ đẻ thì chủ heo mẹ sẽ kêu tới nhà bắt heo. Người cùng xóm có thể bắt heo trước đem về nuôi, trả tiền sau cũng được. Lý do là chủ heo mẹ, sau khi chờ heo con hơn một tháng tuổi là rã bầy con liền, dành thời gian dài hơn dưỡng sức cho heo mẹ để đẻ tiếp lứa mới. Hai là nhiều người sáng nào cũng ghé qua chợ, thấy có heo con vừa ý là “hốt” liền.

Người bán heo bao giờ cũng “tập huấn cấp tốc” cách săn sóc heo con cho người mua, nếu đó là người mới tập tành nuôi heo lần đầu. Heo ở quê ăn đúng câu “cơm thừa canh cặn” gom lại, tấm cám, cá vụn, rau bằm… nấu chung lại (cháo heo) chớ không ăn thức ăn công nghiệp như bây giờ. Thành ra hầu như nhà nào cũng có nuôi một con heo, tốn tiền mua heo con chớ không tốn tiền mua thức ăn, cuối năm bán heo có tiền sắm Tết.

Khoảng 9 giờ sáng thì chợ tan. Chủ heo chưa bán được dẫn heo về nhà nếu nhà gần. Chủ heo nhà xa cho heo vô lồng đem xuống xuồng chở về, mai mốt chở ra bán tiếp. Vì bán, mua trực tiếp giữa bên sản xuất và khách hàng, không qua trung gian nên giá bán heo con ở chợ quê rẻ hơn heo mua của người bán heo chuyên nghiệp. Heo chợ quê có đặc điểm phần lớn là bán heo cỏ Việt Nam, mũi ngắn, chưn ngắn, tai xụ, bụng xệ, xương nhỏ, nhiều mỡ.

Ta nuôi chó, nuôi mèo, thấy rõ ràng bọn chó con, mèo con chộp được vú nào của chó mèo mẹ thì bú vú đó, vú nào nó bú hết sữa nó lại đổi qua vú khác. Có nhiều con chó chỉ có tám vú thôi nhưng đẻ hơn mười con chó con chó mẹ vẫn cho chó con bú bình thường. Heo con thì ngược lại, lần đầu tiên nó bú cái vú nào của heo mẹ thì nó giành duy nhứt cái vú đó để bú cho đến khi dứt sữa, không bao giờ thay đổi. Vì vậy, gặp lúc heo mẹ đẻ số con nhiều hơn số vú của heo mẹ, chủ nuôi phải chóng tách chú heo con đẻ dư ra cho nó bú bình bằng sữa bò, nếu không heo mẹ sẽ cắn chết heo con dư này. Sau đó cũng nhanh chóng đem bán nó khi dây rún vẫn còn tươi cho chủ heo nào cũng có heo nái đẻ mà số con đang có ít hơn số vú để nó không chết vì đói. Bán trễ, dây rún bị khô, heo con có mùi lạ là heo mẹ cũng cắn chết nó. Người mua đem về, chờ ban đêm heo mẹ ngủ say mới thả heo vô chuồng heo cho nhập bầy, nếu thả lúc heo mẹ còn thức, heo con lạ sẽ bị heo mẹ cắn chết. Như vậy, lẽ ra phải kêu là “heo thiếu vú”, không hiểu sao số heo con dư này người ta lại kêu là “heo thừa vú”?!

Có lần, mẹ tôi đi chợ heo dắt về một con heo cỏ lông trắng bông đen, tròn vo như trái dưa gang, hình dáng giống y con heo đất bỏ ống, cái mõm ngắn, bốn chưn ngắn, bụng xệ xệ, lỗ tai xụ. Mẹ tôi xỏ lỗ tai nó, cột cọng dây. Ban ngày tôi dẫn nó ra vườn phía sau nhà cột dưới gốc cây, ăn uống, tắm rửa ngoài đó. Trời nắng nóng, trời mưa, hay ban đêm thì dẫn nó vô nhà sau giăng mùng cho nó ngủ khỏi bị muỗi cắn. Nó thấy chủ là kêu ịt ịt, xán tới dụi dụi đầu, ngoắc đuôi như con chó. Ăn xong lăn ra ngủ; thức dậy chạy lăng xăng đào lỗ vòng quanh gốc cây.

Ở quê, nếu nuôi từ hai con heo trở lên người ta mới làm chuồng, nuôi một hai con cứ xỏ lỗ tai cột dây cho ở luôn sau nhà thôi. Mấy đứa em tôi đặt cho nó tên Mập Ðịt. Một hôm, hai đứa sanh nạnh nhau, thằng nhỏ méc thằng lớn: “Mẹ, từ sáng tới giờ nó không chịu làm gì hết. Nó cứ dẫn Mập Ðịt chạy tới chạy lui giỡn không hà.” Mập Ðịt khôn và dễ thương lắm, sau này khi bán nó cho lò heo, không thấy nó lũn cũn đi ra đi vô, không nghe nó kêu ịt ịt nữa, tôi cảm thấy như vừa đánh mất cái gì quý giá, thấy nhà bỗng nhiên hiu quạnh, trống vắng, tôi buồn đến mấy tháng trời.

TPT
Orange County, CA





No comments: