Friday, February 1, 2019

CHẲNG LẼ TÔI KHÔNG BAO GIỜ CÓ TẾT NỮA! (Nguyễn Đình Ấm - VNTB)




2/2/2019

Từ đó cứ đến tết hàng năm mẹ tôi lại khóc ròng bên mâm cỗ tất niên khấn “con ơi về đi...”


Những ngày này cách nay 52 năm, Mậu Thân 1968 tôi cùng đồng đội thức thâu đêm ở những căn hầm dã chiến trên một quả đồi toàn cây hồi ở Thất Khê (Lạng Sơn).

Trời đen như mực, những làn gió lạnh rít qua tán rừng như tiếng hú, rét cắt da thịt. Chúng tôi cặm cụi đánh những bức điện móc về căn cứ ở Yên Dũng Bắc Giang và nhận điện từ đấy, y như đang phục vụ chiến đấu thật. Mặc dù chỉ là một cuộc luyện tập chuẩn bị đi “B” (vào miền nam) nhưng sự gian khổ, khắc nghiệt thì sau này chúng tôi mới biết còn “khốn nạn” hơn thực tế, trừ cái chết. 

Cách đó 4 ngày đang đêm đơn vị  báo động hành quân chúng tôi  với ba lô, bao gạo, súng, lựu đạn, pin, máy thu, máy phát 15W... mải miết  bước đi trong đêm tối ... 22h hạ trại ở một quả đồi  rậm rạp giữa mênh mông vô định, không biết thuộc địa phương nào. Vừa đặt ba lô xuống là người trèo cây mắc anten, kẻ đào hầm máy, người đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm, số còn lại triển khai máy thu, phát điện về trung tâm.

Tôi được thay ca 6h30 nghỉ ăn sáng. Cả đêm không ngủ, hành quân đói, mệt nhoài. Dù cơm chỉ có canh thịt hộp nhưng ngon vô cùng. Khi ăn đến bát thứ 2 thì trời sáng rõ, nhìn vào bát cơm tôi thấy lỗ mỗ vật gì là lạ. Lấy đũa gạt ra thì đó là những con nòng nọc đã bị rụng hết đuôi mình tròn tròn, mắt thô lố ... Hóa ra cậu anh nuôi đêm đi lấy nước nấu ăn múc phải cái vũng trâu đằm có nòng noc. Lúc ấy tôi mới cảm nhận mùi cơm tanh tanh...

Ngày thứ ba chúng tôi đến địa phận huyện Hữu Lũng(Lạng Sơn) hành quân len lỏi giữa trùng trùng núi đá ngút ngàn. Hôm ấy chúng tôi phải leo trèo 36 đèo, dốc toàn rừng núi đá tai mèo.Quá khủng khiếp, những cái dốc phải ngửa mặt lên mới nhìn thấy đỉnh dốc trong rừng núi âm u, mưa phùn rả rích. Bàn chân phải lách những kẽ đá tai mèo, tay bám vào cành cây, mẩu đá phía trước đu người để bước lên ... 

Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi ra khỏi con đèo cuối cùng tới một cái bản đường ngập bùn trộn lẫn  phân trâu, bò ngập đến cổ chân phải xục giày trong đám bùn mà lần tìm cây gỗ lát bên dưới để đi ... Không biết ai đã tìm ra con đường rèn luyện cực kỳ hiểm trở ấy.Thảo nào ngày xưa chúa Trịnh Bồng chạy lên đây ẩn náu an toàn. 

Ngày 29 tết Mậu Thân ấy chúng tôi đến Thất Khê  trên rừng hồi nói trên và luyện tập “thông báo” qua tết. 

Dù cả nước chiến tranh nhưng vùng Thất Khê ít có bom đạn, bà con chủ yếu dân tộc Tày vẫn tương đối bình yên. Đêm 30 tết trời quá lạnh, trên tán lá rừng lấm tấm những hạt tuyết, chúng tôi chen chúc trong cái hầm dã chiến nông choèn, người quay máy phát điện, kẻ phát nhấn ma nip trong bàn tay lạnh cóng... 

Tôi không ngờ đêm ấy anh trai tôi cùng đồng đội mò mẫm vào phía bắc sân bay Công Tum để tập kích căn cứ VNCH. Anh Mưu người xã Lãng Công cùng đơn vị với anh sống sót về  kể: “Đêm 30 tết Mậu Thân C4 tiều đoàn 1 tỉnh đội Công Tum được lệnh tập kích vào phía tây sân bay Công Tum. Anh Phước (anh trai tôi) thuộc tiểu đội trinh sát đi trước.Khi ta chưa đột nhập được vào sân bay thì “địch” phản kích, pháo nổ vang trời, mìn, cối ùng oàng ... 

Trong ánh sáng chớp lòa của những làn pháo tôi thấy anh Phước bị thương rất nặng được đưa ra nhưng chưa đến được nơi an toàn thì bộ binh “địch” truy kích, tiếng  đạn pháo,  trung liên, đại liên, AR15 nổ “tặc tặc” liên hồi, cả vùng sáng rực ... Sáng ra tiểu đoàn tan tác chỉ còn vài người  bộ phận hậu cần sống sót tìm ra hậu cứ.

Năm 1974 gia đình tôi được thông báo: Anh tôi “ hy sinh ở mặt trận phía nam”. Và cho đến nay đất nước hòa bình đã qua 52 năm nhưng không có thông tin gì khác.Tôi đã nhiều lần tìm đơn vị anh tôi xem có thêm tung tích gì nhưng thông tin của anh Mưu vẫn là duy nhất vì tiểu đoàn đã không còn. Tôi cũng không hy vọng gì nữa vì đơn vị anh thua trận bên đối phương chiếm lĩnh trận địa thì họ không hơi đâu nhận diện từng người chôn cất mà sẽ thu gom xác cả tiểu đoàn rồi dùng xe ủi mai táng hàng trăm số phận ngắn ngủi kia một hố. Sau này chứng kiến những cái chết bởi những trận B52, B 57, mìn cóc, mìn vướng, người bị vùi sâu dưới khe suối, người bị bom xả ra từng mảnh, ruột gan lủng lẳng trên cành cây, những xác bộ đội trương phềnh trôi trên sông, suối ... thì tôi hoàn toàn vô vọng.

Từ đó cứ đến tết hàng năm mẹ tôi lại khóc ròng bên mâm cỗ tất niên khấn “con ơi về đi...”.
Nay mẹ tôi không còn nhưng không ai có thể vui khi mâm cỗ tất niên cũng là mâm giỗ anh.
Việc anh em tôi sẽ bỏ xác trên chiến trường là điều đã mường tượng khi chúng tôi vào bộ đội (năm 1966 anh và năm 1967 là tôi). Chúng tôi ra đi không hẹn ngày về để lại mẹ già và hai em nhỏ lần hồi cơ cực ở vùng quê nghèo khó.Thế  nhưng chúng tôi vẫn cứ đi vì tin đi để  bảo vệ tổ quốc với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”

Thế nhưng, trớ trêu thay, từ khi hòa bình, thống nhất đất nước đến nay đã 44 năm, đảng CS đã cai trị toàn cõi VN mà  “độc lập, tự do” vẫn không hề có. Đất nước đã, đang quá phụ thuộc Trung Quốc, mấy cái quyền cơ bản nhất của dân ta như hiến pháp quy định: Tự do bầu cử, ngôn luận, lập hội, biểu tình... vẫn xa vời. Khắp nơi quan chức đại vơ vét tài nguyên quốc gia, cướp đất của dân sống cực kỳ xa hoa trên sự đau khổ của thiên hạ. Tệ hơn, đất nước mất bao nhiêu lãnh thổ, biển, đảo vào tay Tàu cộng và hứa hẹn chúng sẽ xóa sổ đất nước này...

Chẳng lẽ tôi không bao giờ có tết nữa?




No comments: