Saturday, January 5, 2019

TRUNG QUỐC SẼ XUỐNG DỐC VÌ THIẾU NGƯỜI (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
January 4, 2019

Tháng Mười Hai năm ngoái, 22 phụ nữ đang có bầu ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vượt biên sang Trung Quốc bán đứa con chưa sinh của họ, theo báo chí trong nước thuật lời giám đốc công an tỉnh. Đầu Tháng Giêng, 2019, một người Tàu và ba người Việt bị bắt ở Sài Gòn khi đang mưu tính đưa sáu phụ nữ Hà Nội qua Campuchia để cấy giống. Họ sẽ đẻ con thay cho dân Trung Quốc.

Có lẽ ông Tập Cận Bình không đặt ra những kế hoạch “mua bào thai” này. Nhưng cả hai sự kiện trên cho thấy một mối lo lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang lo sẽ thiếu người! Trong 80 năm nữa, nước Tàu có thể chỉ còn 500 triệu dân, theo tính toán của các chuyên gia về dân số học người Trung Quốc.

Hôm Thứ Ba vừa rồi, ông Hà Á Phúc (亚福), một chuyên gia nhân khẩu (人口专家) Trung Quốc đã báo động trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) rằng số trẻ ra đời mỗi năm đang đi xuống. Trong năm ngoái, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù đảng Cộng Sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số.

Sau khi được phép sinh hai con, dân Tàu có hăm hở lo việc truyền giống! Năm 2016 số trẻ sơ sinh đã lên tới 17.86 triệu, cao hơn con số 16.55 triệu năm 2015. Nhưng họ chỉ hăng hái được một năm, mặc dù nhà nước khuyến khích. Trong năm 2018, số trẻ mới ra đời chưa tới 15 triệu, so với con số 17.23 triệu năm 2017.

Nhà kinh tế Hoa Xương Xuân (昌春), trong công ty chứng khoán Cử Nam Quốc Thái (莒南国泰证券), đã viết một bài nghiên cứu vấn đề này. Ông lo rằng theo đà số trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm giảm 20% như hai năm qua, dân số nước Tàu sẽ sụt giảm, với những hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Ông lo Trung Quốc đang trên đà sụt giảm dân số!

Hậu quả của tình trạng số sinh giảm bớt sẽ thấy rõ trong vài chục năm tới. Số người làm việc, gọi là lực lượng lao động, thuộc lớp tuổi từ 20 đến 60 ở Trung Quốc sẽ giảm dần. Trong khi đó, số người già trên 60, 65 tuổi ngày càng cao hơn, nhờ các điều kiện vệ sinh, y tế tốt hơn thế hệ trước.

Dân càng trẻ thì kinh tế càng dễ phát triển. Nhìn lại thập niên 1980, tuổi trung vị (median) ở nước Tàu là 20 tuổi, trung vị tức là có một nửa số dân cao hơn, một nửa thấp hơn tuổi 20. Cùng năm 1980, tuổi trung vị ở Mỹ là 30 tuổi. Lúc đó dân Tàu trẻ hơn dân Mỹ. Kinh tế Trung Quốc bộc phát từ năm 1980 phản ảnh chính sách theo gót tư bản của Đặng Tiểu Bình, nhưng một phần cũng nhờ lực lượng lao động trẻ trung được tung vào thị trường nhân dụng. Nước Tàu đã chạy đuổi theo kinh tế nước Mỹ trong 30 năm, càng ngày càng bám sát gần hơn, nhờ nhân lực trẻ trung đó.

Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị ở Mỹ là 38, trong khi ở bên Tàu lại lên tới 40 tuổi. Dân Mỹ bắt đầu trẻ hơn dân lục địa Trung Hoa. Tình trạng này còn tiếp tục, Mỹ đang dần dần chiếm ưu thế trên mặt dân số. Đến năm 2030 và 2050, tuổi trung vị ở Tàu sẽ là 46 và 56 tuổi; già hơn so vớ ở Mỹ sẽ là 40 và 44 tuổi.

Trong tương lai, đối thủ kinh tế của Mỹ sẽ không phải nước Tàu mà là nước Ấn Độ; nếu chúng ta nhìn vào dân số trẻ trung của nước Á Châu lớn này. Năm 1980, tuổi trung vị người Ấn là 20, giống như bên Trung Quốc. Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị của Ấn Độ chỉ là 28 tuổi, và sẽ lên tới 32 tuổi năm 2030, 40 tuổi năm 2050. Dân số trẻ thì khả năng kinh doanh còn mạnh, nhiều phát minh, sáng kiến hơn. Ngay bây giờ, nước Mỹ nên lo trước, đối thủ kinh tế trong tương lai sẽ là nước Ấn Độ chứ không phải nước Tàu.

Tình trạng nhân khẩu ở nước Tàu hiện nay giống như Nhật Bản đầu thập niên 1990. Khi đó, dân số Nhật bắt đầu “già” nhanh chóng, cũng vì sanh con ít mà người già sống lâu hơn. Năm 2015, ở nước Tàu có 10% dân trên 65 tuổi, đến năm 2050 sẽ tăng lên thành gần 37%. Có thể so sánh với nước Mỹ; năm 2015 người trên 65 tuổi chiếm 14.6% dân số; đến năm 2050 cũng chỉ chiếm 23.2%. Ấn Độ vẫn là nước dân trẻ nhất. Năm 2015 có 5.6 dân số già trên 65 tuổi, đến năm 2050 cũng chỉ có 14.2% già như vậy.

Giáo Sư Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian, 易富), một nhà dân số học (hay nhân khẩu học) Trung Quốc, giáo sư Đại Học Trung Nam và University of Wisconsin-Madison, đã viết cuốn “Big Country with an Empty Nest” (Nước Lớn Không Trẻ Con); ông tính rằng nếu sinh xuất Trung Quốc giữ bình ổn ở tỷ lệ cứ mười phụ nữ sanh 12 đứa con trong đời, bình quân mỗi người sanh 1.2 con, thì cũng khiến dân số nước Tàu giảm bớt. Tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 1 tỷ 70 triệu người; tới năm 2100 sẽ chỉ còn 480 triệu!

Khi tỷ lệ số người làm việc giảm mà số người già tăng, vấn đề phụng dưỡng các người trên 65 tuổi sẽ trở thành một gánh nặng cho cả xã hội. Theo ông Dịch Phú Hiền, năm 2015, ở Trung Quốc, để nuôi một người trên 65 tuổi thì có bảy người trong lớp tuổi lao động, từ 20 đến 64 tuổi, đang làm việc. Vì số người già tăng lên trong khi số người trong tuổi lao động giảm, tới năm 2030 sẽ chỉ có 3.6 người trong tuổi 20-64 làm việc nuôi một người già hơn; và con số này sẽ giảm chỉ còn 1.7 người vào năm 2050.

Phần lớn những người cần được phụng dưỡng là phụ nữ vì các bà sống thọ hơn các ông, trung bình 6 đến 7 tuổi. Vì hệ thống an sinh xã hội còn chưa vững chãi như ở các nước tiên tiến, phụ nữ lớn tuổi ở nước Tàu là nạn nhân chính của tình trạng dân số sụt giảm, mà nguyên nhân chính là chủ trương mỗi gia đình chỉ được có một con của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Dân đông thì sẽ tiêu thụ nhiều, sẽ thúc đẩy sản xuất. Hiện nay, vì toàn bộ kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, dân Trung Quốc đã giảm số tiền tiêu. Người dân lo trước cảnh kinh tế bấp bênh nên dè sẻn hơn. Giá nhà cửa lên cao khiến họ càng bớt các món chi tiêu khác. Năm 2017 số tiêu thụ tăng đã đóng góp ba phần tư vào số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, năm 2018 xuống chỉ còn hai phần ba, theo Bộ Thương Mại ở Bắc Kinh. Nếu dân số tiếp tục giảm, tiêu thụ sẽ giảm theo, một động lực thúc đẩy kinh tế sẽ mất đà.

Trước những dự báo dân số như trên, người Việt Nam sẽ không phải lo lắng quá trước đà đi lên của kinh tế Trung Quốc; không lo họ sẽ đè bẹp nước mình. Sức bành trướng của nước Tàu tăng mạnh trong 30 năm qua, hiện đang giảm tốc. Nếu có những người Trung Hoa qua Việt Nam hay Campuchia mướn người đẻ giúp thì cũng không khiến cho dân số nước Tàu đứng vững, tránh khỏi cảnh sụt giảm.

Nhưng đó cũng không chắc chắn là một tin mừng cho dân tộc Việt Nam. Dân nước mình trẻ hơn, nhưng không có gì bảo đảm rằng lực lượng lao động của mình được dùng đúng, đưa tới hiệu quả kinh tế.

Các bà bầu gốc Nghệ An qua Tàu bán bào thai của họ với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (nếu sanh con trai, khoảng $1,700 đến $2,100) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái, khoảng $3,000 đến $3,400). Với số tiền đó, họ sống được mấy tuần, mấy tháng? Tiêu hết tiền rồi thì sao? Lại nỗ lực mang bầu tiếp để xuất khẩu bào thai chăng? Nếu người Việt cũng chỉ đóng vai làm thuê, sinh đẻ thuê cho người phương Bắc, thì đời đời sẽ không ngóc đầu lên nổi!

Chính quyền hiện nay đang bắt, phạt những phụ nữ đáng thương sinh sống bằng cách này. Nhưng muốn chấm dứt cảnh thê thảm đó thì phải làm gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã tính chưa? (Ngô Nhân Dụng)






No comments: