Sunday, January 6, 2019

CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM (Lê Phan)




Lê Phan
January 5, 2019

Không khác gì các ông bà thầy bói đoán mò tương lai là một việc mà nhà báo thích làm. Và thường thì các nhà báo cũng sai như mọi lời tiên đoán khác bởi vì có ai trong chúng ta thực sự có khả năng nhìn vào tương lai đâu.

Chẳng hạn nhớ lại cuộc bầu cử năm 2016 khi bên Cộng Hòa có đến 17 ứng viên chính. Đa số những nhà báo đều đặt cọc đánh cá cho cựu Thống Đốc Jeb Bush của Florida. Ấy vậy mà ông đã bỏ cuộc vào Tháng Hai năm đó, tức đến phát nghẹn khi nói đến ông Donald Trump, vốn xuất hiện và trở thành rõ ràng sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng Hòa vào Tháng Năm. Thành ra chuyện tiên đoán ai sẽ ra đại diện cho đảng Dân Chủ sẽ là đề tài nhiều người chú ý.

Đi tìm một đối thủ Dân Chủ cho tổng thống
Năm 2019 này cũng bắt đầu vào một chu kỳ bầu cử. Tổng Thống Donald Trump đương nhiên sẽ ra ứng cử. Câu hỏi đầu tiên và cũng vô cùng quan trọng là liệu bất cứ một đại diện nào bên Dân Chủ có đủ khả năng để đối phó với ông Trump trong các cuộc tranh luận không. Bên Dân Chủ, theo ông Harold Evans của Reuters cần có một người có thể “dạy bảo” ông Trump, hay là làm ông ta cứng họng chỉ với một nụ cười khi ông lập lại cái màn trong cuốn phim về cá mập Jaws, đi vòng vòng quanh đối thủ, như ông đã làm với bà Hillary Clinton, vốn thấp hơn ông Trump, khi đến phiên bà nói.

Danh sách các ứng cử viên bên Dân Chủ chưa có, nhưng ông Evans đề nghị Đô Đốc hồi hưu William McRaven, mặc dầu ông này chưa tuyên bố ra ứng cử, nhưng ông có một cuốn hồi ký sắp xuất bản vào Tháng Năm vốn cho thấy ông rõ ràng là một anh hùng. Cựu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Seal cũng phải nói là người có tiểu sử tốt nhất hành tinh: Chính ông đã thảo kế hoạch và chỉ huy cuộc tấn công đã hạ sát Osama bin Laden đó sao, mặc dầu ông Trump bảo là nếu ông cầm quyền thì chuyện đó sẽ xảy ra sớm hơn.

Hơn thế, không kể can đảm, học thức và có tài hùng biện, vị cựu viện trưởng hệ thống Đại Học Texas là một người đủ bình tĩnh để đẩy lùi bất cứ một cuộc tấn công nào của một tổng thống vốn không để cho sự thực cản trở một lời nhục mạ thô lỗ. Chả thế mà khi tổng thống tước cựu giám đốc CIA quyền xem tài liệu mật, Đô Đốc McRaven, viết cho tổng thống trong tờ Washington Post, bảo tổng thống hãy rút luôn quyền của ông đi bởi vì “Qua các hành động của ông, ông đã làm chúng ta xấu hổ trước con mắt của con cháu chúng ta, làm nhục chúng ta trên trường thế giới, và tệ nhất, chia rẽ quốc gia chúng ta.” Sau cái từ chức kinh hoàng của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, đô đốc sẽ giúp nhân dân Mỹ hoàn hồn.

Còn có những nhân vật khác. Ông Howard Schultz, người đã làm cho chúng ta ghiền ly Americano hay cappuccino, cũng to lớn và ồn ào đủ để không bị tổng thống uy hiếp. Là cựu tổng quản trị của Starbucks, ông là một thiên tài về tiếp thị và là một nhà tạo công ăn việc làm thứ thiệt – 277,000 người theo thống kê mới nhất – một địch thủ xứng đáng cho tổng thống.

Bà Oprah Winfrey cũng nói bà không ra ứng cử, nhưng thành tích của bà vận động cho ứng cử viên Stacey Abrams cho chức vụ thống đốc tiểu bang Georgia cho thấy bà có hấp lực đến mức có thể là một thứ Obama nữ dễ dàng. Vả lại show của tổng thống làm sao địch nổi với show của Oprah. Chiến dịch “kêu gọi Oprah” rồi sẽ ồn ào quá nên bà khó cưỡng.

Biến đổi khí hậu

Những nhà tiên đoán của tổ chức Khí Tượng Thế Giới đã đặt tên cho các trận bão năm 2019. Bắt đầu với Andrea và kết thúc với Wendy, rồi chúng ta sẽ biết trận nào kinh khủng. Những người bác bỏ biến đổi khi hậu sẽ chọn lối hành xử này: khí hậu càng nghiệt ngã thì họ càng chuyển sang chuyện khác rất nhanh. Bất chấp một mùa hỏa hoạn ở California đã gây nhiều tử vong nhất, sát hại 86 người, thiêu hủy gần 1.9 triệu mẫu Anh và biến một thị trấn 26,000 cư dân thành tro bụi. Những trận bão đổ vào vùng bờ biển miền Đông cũng đã gây chết chóc và thiệt hại đến $33 tỷ.

Dư luận nói chung nay đã ngả sang chấp nhận lập luận của các nhà khoa học, bất chấp những luận điệu chống lại của ngành kỹ nghệ năng lượng và luận điệu của tổng thống. Nhưng ngoại trừ một trận bão tàn phá khu Mar-a-Lago của tổng thống, mọi hành động chống biến đổi khí hậu sẽ phải chịu thua sức mạnh của các công ty nhiên liệu hóa thạch. Với kỹ nghệ nhiên liệu hóa thạch tạo ra một sự bất định và nghi ngờ những cuộc nghiên cứu khoa học, thái độ của tổng thống sẽ là: “Tôi tin là có thời tiết. Tôi tin là có thay đổi và tôi tin là nó đi lên rồi nó đi xuống. Và nó thay đổi tùy theo từng năm và từng thế kỷ, nhưng tôi không tin và chúng ta có chuyện lớn hơn phải lo.”

Thế còn thị trường chứng khoán thì sao?

Sau một năm như là đi roller coaster 2018, các nhà đầu tư đang lo sợ nhìn quanh xem ngõ quẹo đã đến chưa.

Đầu năm Apple đã thả một quả bom khổng lồ làm rúng động thị trường. Như thường lệ, Apple đã đổ tội cho tất cả mọi sự, nào là kinh tế suy yếu ở Trung Cộng khiến người Hoa không chịu mua điện thoại của họ nữa, nào là Brexit làm thị trường Âu Châu yếu kém, ấy là chưa kể chiến tranh mậu dịch làm mọi người không ai chịu mua điện thoại nữa.

Chờ đợi năm nay sẽ có thêm những tại bị như vậy. Ông Elon Musk đã chứng tỏ là ông rất có tài trong việc đổ tội. Năm ngoái, bị dồn vào chân tường, ông sau cùng chứng tỏ là Tesla có thể tăng mức sản xuất đáng kể nhưng thấp hơn con số ông có lúc hứa. Năm nay ông sẽ phải chứng tỏ cho thị trường là ông có thể sản xuất đủ những cái xe với giá đủ rẻ để cho có thể có một thị trường lớn, bởi vì ông sẽ phải thuyết phục những nhà đầu tư đang lo sợ là họ có lý khi trị giá công ty của ông gấp 40 lần trị giá của General Motors, vốn sản xuất 40 lần nhiều xe hơn của ông.

Nhưng nếu không muốn lúc nào cũng phải ngoái cổ xem tình hình ở phía sau ra sao, mỏi cổ lắm, thì chúng ta có thể đi hỏi nhà ngân hàng John Pierpont Morgan. Khó điện thoại cho ông ta lắm – thực ra chưa bao giờ thì đúng hơn – nhưng đây là lời cố vấn của ông ta, vốn chứng tỏ hữu hiệu qua vô số cuộc khủng hoảng.

Nhà đầu tư hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra cho thị trường chứng khoán năm nay?”
Ông Morgan, sau khi suy nghĩ đắn đo khá lâu trả lời “Nó sẽ trồi lên trụt xuống. Nó sẽ thay đổi.” (Lê Phan)




No comments: