Wednesday, January 16, 2019

ÔNG (TRUMP) NÓI GÀ, BÀ (PELOSI) NÓI VỊT (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
January 15, 201

Bà chủ tịch Hạ Viện và ông tổng thống Mỹ đang đấu trí. Giống như hai em bé trong sân trường nhìn nhau chằm chằm, đứa nào chớp mắt trước là thua! Vì thế, vụ chính phủ đã “đóng cửa” lần này đã dài kỷ lục. Một phần tư công bộc nghỉ không lương, một phần tư khác phải đi làm nhưng chưa được lãnh lương!

Tấn tuồng “chính phủ đóng cửa” ở Mỹ tới hồi gay cấn nhất: Donald Trump và Nancy Pelosi đã đẩy nhau đến chân tường. Khán giả là các cử tri Mỹ, họ coi tuồng coi ai thắng ai bại, và họ sẽ đi bỏ phiếu năm 2020. Tình trạng giằng co này còn kéo dài. Donald và Nancy không bên nào muốn chớp mắt trước. Vì mỗi bên đều biết có những khán giả trung thành “phe ta” đang ngắm mình trình diễn trên sân khấu! Không thể nào để họ thất vọng, phụ lòng giới mộ điệu!

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất mà các nhà chính trị đấu với nhau khiến cho một phần guồng máy nhà nước phải ngưng chạy; vì không có ngân sách.

Ở Mỹ, Quốc Hội biểu quyết luật ngân sách, hành pháp thi hành. Nhưng đạo luật nào cũng bắt buộc phải được Hạ Viện, Thượng Viện thông qua, và được tổng thống ký thì mới thành. Năm nay Hạ Viện do Đảng Dân Chủ nắm, đề nghị một luật ngân sách mà Tổng Thống Trump nói trước sẽ không ký, vì không cho đủ $5.7 tỷ cho ông xây bức tường tại biên giới Mexico. Thượng Viện, nơi Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, soạn một ngân sách tạm ba tháng, không nhắc gì đến tiền xây tường, ông Trump cũng không ký.

Thế là đến ngày chấm dứt, không tiền tiêu, nhà nước ta phải đóng cửa. Bà Nancy Pelosi bèn cắt lẻ ra, soạn những bản ngân sách cho một số bộ phận trong chính phủ có tiền làm việc, riêng Bộ Nội An lo việc phòng bị biên giới để đó, hai bên sẽ bàn sau, kể cả chuyện xây tường biên giới. Nhưng ông Trump cũng không chịu ký; không có $5.7 tỷ là không ký. Ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số ở Thượng Viện tuyên bố nếu tổng thống không chấp thuận thì không đưa các dự luật của bà Pelosi ra bàn. Trong đó có cả một dự luật giống như bản văn mà chính ông McConnell cho Thượng Viện thông qua mà ông Trump đã từ chối. Ông McConnell là nghị sĩ tiểu bang Kentucky và sang năm sẽ tái tranh cử. Hiện nay chỉ có 30% cử tri ủng hộ ông, trong khi 50% ở Kentucky hoan nghênh Tổng Thống Trump.

Dân chúng Mỹ coi tấn tuồng chính trị diễn ra trên ti vi và trên Twitter thấy cảnh ông (Trump) nói gà, bà (Pelosi) nói vịt. Họ cãi nhau nhưng không nói về một đề tài. Ông nói chuyện xây tường. Bà nói chuyện nhà nước đóng cửa. Ông đổ lỗi cho bà không bảo vệ an ninh quốc gia trước đạo quân người Trung Mỹ bị gậy kéo lên xin nước Mỹ tị nạn. Bà đổ lỗi ông cứng đầu chỉ vì chưa có mấy tỷ bạc mà khiến việc quốc gia ngưng trị, bắt 800,000 công chức không được lãnh lương; nhiều hành khách chờ quá lâu ở phi trường vì thiếu người kiểm soát an ninh; và nhiều trường học không còn tiền mua sữa cho học sinh ăn trưa!

Trong ngân sách chính phủ Mỹ, số tiền $5.7 tỷ chỉ đủ tiêu trong nửa ngày! Nhỏ như cái đầu que tăm, tiếng Mỹ gọi là “hạt đậu phộng” (peanuts). Cuộc đấu Nancy với Donald có mục đích chính trị. Ai cũng muốn tạo ảnh hưởng trên lá phiếu của cử tri Mỹ vào năm 2020.

Chính trị nước Mỹ hấp dẫn hơn cảnh tượng các nước dân chủ khác, vì hệ thống chính quyền ở Mỹ độc đáo. Tại các nước theo chế độ nghị viện, không có cảnh quốc hội và chính phủ bất đồng ý kiến về ngân sách. Vì đảng nào chiếm đa số ở quốc hội thì cũng là đảng đề cử người làm thủ tướng.

Quan niệm về luật ngân sách cũng khác nhau. Ở Mỹ, mỗi ngân sách là một đạo luật mới cho mỗi tài khóa, đến ngày hết hạn thì không còn hiệu lực. Ở những nước khác, người ta coi ngân sách mỗi năm chỉ là “bản tu chính” cho luật ngân sách năm cũ. Nếu bà Theresa May ở Anh quốc đưa ra ngân sách mà Hạ Viện không thông qua, thì nước Anh không có ngân sách mới, nhưng luật ngân sách cũ sẽ tiếp tục được áp dụng. Nghĩa là các cơ quan chính phủ được phép chi tiêu như ngân sách cũ quy định.

Năm 1974, luật mới về thủ tục ngân sách chuyển quyền “chi tiền” sang cho quốc hội. Nhưng năm 1977, hai viện quốc hội không đồng ý với nhau nên Bộ Lao Động, Y Tế và Giáo Dục phải đóng cửa 28 ngày.

Trước năm 1980 chính quyền cũng không bị đóng cửa vì các cơ quan có thể tiếp tục chi tiền theo ngân sách cũ, chờ sẽ được quốc hội chuẩn y sau bằng luật ngân sách mới. Nhưng ông Benjamin Civiletti, bộ trưởng Tư Pháp trong chính phủ Jimmy Carter, đã chấm dứt tình trạng này, khi ông nhận xét việc chi tiêu đó vi phạm quyền chuẩn chi của quốc hội. Từ đó, hiện tượng nhà nước đóng cửa đã trở thành thói quen, không ông tổng thống nào không gặp.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đóng cửa hai lần cũng vì vấn đề ngân sách, mặc dù đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hành pháp và hai viện quốc hội. Nhưng lần thứ ba kéo dài tới năm nay thì do đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ Viện. Vì thế, cuộc đấu nhuốm màu sắc chính trị nặng hơn, và gay cấn hơn. Cả hai bên đều nhắm vào cuộc bỏ phiếu năm 2020. Bên nào sẽ được dân chúng ủng hộ? Ủng hộ được bao lâu?

Dân không thích chuyện chính phủ đóng cửa quá dài, sinh ra đầy phiền phức. Năm ngoái, ông Trump đã dọa sẽ đóng cửa chính phủ, và còn nói ông rất hãnh diện về hành động can đảm của mình. Năm nay, ông bảo rằng đảng Dân Chủ gây ra vụ đóng cửa. Hiện nay, trên một nửa dân Mỹ coi ông Trump là người gây ra vụ đóng cửa này, một phần tư kết tội đảng Dân Chủ. Nhưng đảng Dân Chủ không nên mừng vội. Vì chưa biết cuối cùng ngã ngũ ra sao, bên nào sẽ thua, bên nào được, hay là huề cả làng?

Hơn nữa, trong quá khứ, người dân quên chuyện chính phủ đóng cửa rất nhanh. Hai vị tổng thống lâm vào cảnh chính phủ đóng cửa gần đây, cả hai đều mất uy tín trong thời gian đóng cửa, sau đó lại được dân ủng hộ. Cả hai đều thuộc đảng Dân Chủ.

Năm 1995 qua 1996, trong cuộc đấu giữa Tổng Thống Bill Clinton và Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich, giống như cảnh ông Trump và bà Pelosi bây giờ, hai lần đóng cửa kéo dài tổng cộng 28 ngày, lần đầu ông Clinton nhượng bộ, lần sau (21 ngày) ông nhất định chống cự. Sau đó, ông Clinton đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Năm 2013, đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện muốn cắt tiền y tế của đạo luật Obamacare nhưng đảng Dân Chủ nắm Thượng Viện không chịu, ngân sách không có, chính phủ đóng cửa 16 ngày. Cuối cùng, ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, phải chịu thua. Ông tuyên bố, “We fought the good fight. We just didn’t win!” Bây giờ đa số dân Mỹ muốn bảo vệ phần lớn các chương trình trong đạo luật y tế này.

Trận đấu Trump – Pelosi vẫn còn tiếp tục. Chúng ta phải chờ coi hồi sau mới biết kết quả! Nhưng có một điều phải khen ngợi ông Donald Trump trong cuộc đấu này, là chúng ta chưa bao giờ nghe ông nói, hay ông “tuýt” một lời nào có vẻ miệt thị, chế nhạo hay bôi nhọ bà Chủ Tịch Hạ Viện Nacy Pelosi. Xưa nay, những đối thủ của ông Trump, từ bà Clinton đến ông Marco Rubio, nghị sĩ Cộng Hòa, đều được ông Trump tặng cho những biệt hiệu ghê gớm. Hyllary bị gọi là “Hillary gian xảo” (crook), còn Marco được gọi là “Little Marco,” một tai họa (a disaster for Florida) và không đủ khả năng được bầu làm người bắt chó (couldn’t get elected dogcatcher).

Từ đầu trận đấu đến giờ, ông Trump không nói về bà Pelosi một lời nào theo lối đó. Có lẽ ông Trump đã thành thật khi tuyên bố về bà Pelosi, sau khi bà chiếm lại chức chủ tịch Hạ Viện, mà đảng Dân Chủ mới chiếm thêm 40 ghế. Ông nói, “I like her. Can you believe it? I like Nancy Pelosi. I mean, she’s tough and smart.” “Tôi thích bà này. Tin được không? Tôi thích Nancy Pelosi. Tôi muốn nói, bà ta cứng rắn và thông minh.” Sau trận đấu, hy vọng hai con người “tough and smart” có thể cộng tác với nhau lo việc nước! Trong khi đó, họ lại tiếp tục các cuộc đấu khác, cho tới cuối năm 2020! (Ngô Nhân Dụng)





No comments: