J.B Nguyễn Hữu Vinh
2019-01-23
2019-01-23
Mới đây, trước Quốc hội, khi nói về chế độ giam giữ
trong nhà tù Việt Nam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu lo ngại rằng: “Có
người nói như thế này thì đi tù còn hơn. Thành ra có người cố gây ra điều gì đó
để được xử tù”.
Điều này đã gây sự chú ý rất lớn trong xã hội.
Vì sao, một Bộ trưởng Công an, chuyên môn đi bắt người,
giam giữ người trong tù đày lại phát biểu một điều về thực tế xã hội Việt Nam
là người dân tìm cách để đi tù?
Phải chăng, chế độ nhà tù Việt Nam quá sung sướng và
hấp dẫn đến mức người dân bất chấp tình trạng “Nhất nhật tù thiên thu tại
ngoại” – nghĩa là một ngày ở tù bằng một ngàn năm ở ngoài?
Chế độ
nhà tù quá cao?
Và điều Tô Lâm giải thích là: “ở quê tôi người
dân bình thường lao động cần cù đang rất nghèo, không được 1 tháng 17 kg gạo,
15 kg rau và bao nhiêu thịt, bao nhiêu đường, quần áo”.
Theo Nghị định số 117/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Quy
định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế
đối với phạm nhân từ 2011, thì chế độ cho mỗi phạm nhân gồm có: “17kg gạo
tẻ thường; 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá; 0,5 kg đường loại trung bình; 01 kg muối; 15
kg rau xanh; 0,75 lít nước mắm; 0,1 kg bột ngọt; chất đốt tương đương 17 kg củi
hoặc 15 kg than.”
Như vậy nếu tính theo thời giá những ngày giáp tết
2019 này, thì mỗi phạm nhân mỗi tháng được hưởng chế độ giam giữ khoảng 600 ngàn
đồng Việt Nam, tương đương khoảng 25 đola.
Hẳn nhiên là ai cũng biết điều này: Quy định thì như
thế, nhưng trên thực tế, phạm nhân được ăn uống ra sao, được bảo đảm như thế
nào, bị ăn bớt xén còn bao nhiêu và chất lượng nó là gì thì cũng chỉ công an biết.
Chính vì thế, hàng tháng, người nhà phạm nhân phải lẽo
đẽo theo sau các phạm nhân để “thăm nuôi”. Điều rất hài hước là nhà nước bắt
người dân đi tù, nhưng thân nhân phải đến thăm nuôi hàng tháng.
Cũng chính vì thế, các trại tù tổ chức kinh doanh
ngay trên thân phận của những người tù này bằng hình thức hạn chế thân nhân họ
gửi hàng hóa, vật phẩm vào cho tù nhân, để bán hàng hóa với giá cắt cổ mà các
phạm nhân phải mua từ trại để trại “Làm kinh tế” trên số tiền họ “ký gửi”.
Một thủ đoạn để tăng lượng “khách hàng” là tù nhân,
nhằm góp phần “làm kinh tế” cho Công an, là các tù nhân được đưa đi ở các trại
thật xa gia đình, thân nhân họ, vào những nơi hẻo lánh và đầy hiểm trở khó
khăn. Và như thế thì lượng thân nhân thăm nuôi hàng tháng sẽ giảm, hẳn nhiên là
thân nhân sẽ phải gửi tiền “ký gửi” nhiều hơn để phạm nhân trở thành khách hàng
thường xuyên hơn cho Công an trại giam kinh doanh.
Nếu chế độ cho tù nhân là cao, là đầy đủ đến mức “những
người đi tù còn được chế độ rất cao như thế” – Tô Lâm – thì chắc chắn
rằng những người có thân nhân bị bắt đi tù chẳng công hơi đâu mà lặn lòi ngoi
nước từ xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số để thăm nuôi nạn nhân.
Nhưng, những tù nhân nào không được thăm nuôi bởi
không có người thân, thì đó là “tù mồ côi” và cuộc sống của họ hết sức khốn đốn
trong tù.
Ở trong tù, chế độ giam giữ khắc nghiệt, nạn “đại
bàng” “đầu gấu” hành hạ, đánh đập và đủ mọi thứ hạn chế quyền sống, quyền con
người đến mức tối thiểu. Vụ án em Đỗ Đăng Dư, một trẻ vị thành niên ở Hà Nội bị
công an bắt giam rồi gọi gia đình đến bệnh viện nhận xác mà công an cho là tại
“rửa bát bẩn” là một ví dụ.
Cũng chính ở đó, cán bộ, công an, quản tù thi nhau
bóp nặn, hành hạ tù nhân bằng mọi cách để tù nhân phải gọi điện về nhà yêu cầu
người nhà đưa tiền cho công an mới mong yên ổn. Vụ án hai công an trại giam Tỉnh
Đắc Nông bị lộ là một trong những ví dụ.
Không chỉ có thế, các phạm nhân bị buộc lao động cưỡng
bức trong các nhà tù, làm ra các sản phẩm bằng sức lao động của mình. Những
đoàn tù nhân buộc phải đi lao động trong tù, phục vụ cán bộ, công an, trong các
công trường khai thác, trên các công trình… thậm chí về tận quê xây nhà cho cán
bộ công an. Họ làm việc dưới áp lực của nòng súng, của kỷ luật roi vọt, xiềng
xích, biệt giam, của trăm thứ áp chế cả tinh thần lẫn vật chất.
Thế nhưng, thành quả của họ đều là con số không sau
khi mãn án. Số tiền công sức lao động của họ hầu như chẳng được trả đồng nào lận
lưng. Nếu ai có hỏi, thì được trả lời rằng đã chi vào tiền ăn, tiền bồi dưỡng.
Cho đến gần đây, thì bộ Luật thi hành án hình sự dù
đã ngâm cả chục năm chưa xong, cũng chỉ mới đưa vào khái niệm rằng “kết
quả lao động của phạm nhân sau khi trừ các chi phí được sử dụng thì sẽ dùng để
chi bổ sung mức ăn, lập quỹ hòa nhập cộng đồng, bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng
của trại giam, chi cho phạm nhân có kết quả lao động vượt chỉ tiêu, kế hoạch,
chi hỗ trợ giáo dục, dạy nghề…” chứ không hề có đồng tiền nào trả cho
công lao của người tù.
Chế độ lao tù Việt Nam đã không phải là nơi cải tạo,
giáo dục, mà ngược lại chỉ là nơi trả thù và hành hạ, bòn rút nốt chút sức lực,
xương máu của người tù mà thôi.
Do vậy, sau khi mãn hạn tù hầu hết các tù nhân không
có ai tiến bộ hơn, hối cải hơn mà ngược lại. Nếu bị bắt về tội trộm cướp, ra tù
nó sẽ trộm cướp có nghề và táo bạo hơn. Nếu bị bắt về ma túy, mãi dâm thì sau
khi ra tù, nó sẽ hành nghề ma túy và mại dâm quy mô hơn, tinh vi hơn.
Đặc biệt, nhà tù là nơi nhà cầm quyền dùng trả thù
những tù nhân lương tâm, những nhà chính trị, bất đồng chính kiến… thì chế độ
nhà tù chỉ làm cho họ khinh bỉ, hiểu rõ bản chất chế độ hơn và khẳng định con
đường mình đi là hoàn toàn đúng đắn để tiếp tục bước đi trên con đường đấu
tranh.
Vậy, với một chế độ lao tù như vậy mà Tô Lâm, cho rằng
người dân tìm cách để vào tù chỉ vì “chế độ nhà tù quá cao”, thì cần xem lại
không ở chỗ câu nói của Tô Lâm, mà ở chỗ đời sống của người dân ra sao để đến mức
phải vào tù.
Những
Chí Phèo hiện đại, thành quả của đảng lãnh đạo tuyệt đối
Theo Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, thì “ở quê
tôi người dân bình thường lao động cần cù đang rất nghèo, không được 1 tháng 17
kg gạo, 15 kg rau và bao nhiêu thịt, bao nhiêu đường, quần áo”. Vậy
miền quê ông ta sao đến nông nỗi thế để người dân sẵn sàng đi tù chỉ vì hơn chục
cân gạo mỗi tháng?
Tô Lâm quê quá ở Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên, một huyện
ngay sát Thủ đô Hà Nội. Lượn một vòng báo chí nhà nước ta sẽ thấy những lời ca
ngợi Văn Giang là nơi có đầy đủ những yếu tố để con người không thể không văn
minh, sống có văn hóa và dư thừa vật chất.
Nào là: Hưng Yên là nơi ngàn năm văn hiến, là nơi
văn minh, khi người ta nhắc tới Hưng Yên thì không thể nào không nói tới câu:
"Thứ nhất kinh kì, thứ nhì phố Hiến".
Nào là: Nằm kề Thủ đô Hà Nội, Văn Giang có lợi thế
tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (với các chủng loại sản phẩm thế mạnh như gạo
ngon, rau sạch, hoa quả tươi, cây cảnh...), đồng thời có điều kiện tốt để phát
triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ và phát triển đô thị.
Nào là: Những cánh đồng tiền tỷ ở Văn Giang, Hưng
Yên, nơi nghề cây cảnh hết sức phát triển và ở đó mỗi người dân như một nghệ
nhân…
Thế nhưng, cũng chính Văn Giang đã trở nên nghèo đói
và nghèo đói đến độ mức sống của họ không bằng mức sống một tù nhân cộng sản.
Có lẽ nhiều người sẽ không hiểu lý do nếu không quan
sát những chính sách của người Cộng sản đối với người dân Việt Nam từ xưa đến
nay, và đối với Văn Giang nói riêng.
Ở đó, cũng như trong cả nước, qua một thời kỳ dài dưới
sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, người dân đã mất dần tài sản. Những bờ xôi ruộng
mật, đất đai thổ canh, thổ cư bao đời nay của cha ông họ, nay được nhà nước cướp
trắng thành “Sở hữu toàn dân” để rồi nhà nước dùng bạo lực cướp sạch.
Vụ cướp đất Văn Giang bằng cả mấy ngàn công an gần
đây, bằng mọi biện pháp trắng trợn vô lương tâm, vô luật pháp nhất đã biến người
dân nơi đây thành những kẻ sống lưu vong ngay trên đất đai quê hương mình.
Sau những chính sách, những Dự án, những chủ trương
của đảng mấy chục năm qua, người dân Văn Giang cũng như cả nước từ những chủ đất,
những nông dân chất phác, chăm chỉ côi cút làm ăn trên đất đai tài sản của mình
bỗng biến thành những kẻ chiếm hữu đất của nhà nước nên nhà nước đưa chó, công
an, súng, lựu đạn và xe chuyên dụng đến để… “Thu hồi”.
Và rồi bần cùng sinh đạo tặc, sinh ra lắm thứ tội phạm,
tệ nạn… tất cả mọi thứ có nguyên nhân ở cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội đã tạo ra họ.
Và ngày nay, trên các con đường nông thôn đến thành
thị, dòng người bị buộc trở thành dân oan ngày càng dài.
Và người ta thấy phảng phất những chi tiết mà nhà
văn Nam Cao đã mô tả cách đây gần 80 năm. Đó là những thanh niên trong thôn xóm
lấy rượu làm niềm vui, rồi “Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”,
“Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục
ra mà chửi.”
Rồi người ta cũng thấy những thanh niên “lăn
lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào mặt” để ăn vạ.
Rồi cũng xuất hiện những người như Năm Thọ, Binh Chức…
toàn là những người mà “Người ta đã phải gọi hắn là cục đất. Ai bảo làm
sao thì ư hữ làm vậy, mới quát một tiếng thì đã đái cả ra quần, thuế bổ một đồng
thì đóng quá hai, đến nỗi có con vợ hay hay mắt, bị người ta ghẹo cũng chỉ im
im rồi về nhà hành vợ chứ chẳng dám ho he gì…”. Thế nhưng đã phải vác
dao đến nhà Bá Kiến để đòi tiền. Để rồi đi tù lớp này thay lớp khác.
Và cảnh đời người dân Việt cứ tin tưởng tuyệt đối
vào sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cho đến lúc xuất hiện những Chí Phèo.
Cho đến hôm nay, lớp Bá Kiến hiện đại mà Tô Lâm là đại
diện, đã phải lo lắng đến câu xin của Chí Phèo: “Ði ở tù còn có cơm để
mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước đất cắm dùi không có, chả làm gì nên
ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi tù...”
Bởi Tô Lâm sợ, sẽ có một ngày nào đó, hàng loạt Chí
Phèo sẽ đến nhà hắn để diễn lại cảnh xưa ở nhà Bá Kiến:
- Tao muốn làm người lương thiện!
Bởi tiền bạc thì Bá Kiến hiện đại rất nhiều, nhưng
món lương thiện thì đào đâu ra cho có.
Ngày 21/1/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------------------
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA
VIDEO
:
No comments:
Post a Comment