Ngô Nhân Dụng
January 22, 2019
Chắc quý vị đã đọc bài “Lộc
Hưng – Cô Bé Áo Đỏ” của nhà văn Từ Thức ở Paris, đã đăng trên báo
này. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho phá sập khu nhà đồng bào sống hơn nửa thế kỷ
ở Lộc Hưng, ngay trong vùng Sài Gòn. Để chiếm lấy đất.
Ông Từ Thức kể mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng, ông lại nhớ
hai hình ảnh. Thứ nhất là cảnh một người cha trèo trên đống nhà bị phá sập, té
lên té xuống. Ông đi tìm những mảnh đồ chơi của con ông.
Thứ nhì là hình một cháu gái đã mất nhà, mặc áo đỏ,
vai đeo túi đi học về, buồn bã ngồi nhìn xuống phía trước. Chung quanh là chân
cẳng những người đứng nhìn cảnh nhà mình bị kéo sập.
Nhà văn Từ Thức viết, “Nhìn cháu gái ngồi trước ngôi
nhà, khu phố của mình bị san bằng, tự nhiên nghĩ tới một truyện ngắn của Nam
Cao, tựa là ‘Mua Nhà,’ viết thời 1940.”
Nhân vật trong truyện “Mua Nhà” rất nghèo, cái lều của
anh bị phá sập sau một con bão. Anh đi tìm mua vật liệu để làm lại, nhưng có
người muốn bán cái nhà của mình, cho anh gỡ đi đem dựng trên nền nhà cũ. Nam
Cao kể, “Kẻ bán nhà là một kẻ nhiều công nợ. Anh ta góa vợ. Anh ta phải nuôi
hai đứa con thơ dại.” Anh bán nhà còn cho biết anh mới đánh bạc thua, bán nhà lấy
300 đồng để đi đánh bạc tiếp, gỡ lại.
Nhân vật của Nam Cao can ngăn anh ta đừng bán nhà để
đánh bạc, nhưng vô ích. Biết mình không mua thì anh ta cũng bán cho người khác,
đành bỏ tiền mua. Mua xong, đến gỡ cái nhà đem về, nhân vật thấy hai đứa con
người bán, “Đứa con bé ngồi ngay dưới đất, ôm cái chân giường, rên. Nó đau bụng
từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu, vừa đấm lưng em thùm thụp.”
Khi ngôi nhà bắt đầu bị gỡ, Nam Cao kể, “Những mè,
rui đã xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những
tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé bừng mắt. Nó không nhe răng
ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói
chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy? Lòng tôi thắc
mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:
– Mẹ ơi!…”
Hai đứa trẻ đang mất nhà cũng đã từng mất mẹ. Tiếng
kêu “Mẹ ơi” của cô bé khiến cho, “Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi
nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ
của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! …”
Sau đó, nhân vật sống trong cái nhà mới, rộng rãi và
sạch sẽ hơn cái trước. Nhưng anh viết cho một người bạn: “Phải, tôi ác quá, anh
Kim nhỉ.” Và, “Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái
xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!…”
Nhìn hình ảnh cô bé mặc áo đỏ trong khu nhà bị phá sập
ở Lộc Hưng, Từ Thức nhớ đến cô bé trong truyện “Mua Nhà” của Nam Cao. Ông tự hỏi
sau gần 80 năm, nước Việt Nam có gì thay đổi không. Một cháu bé bị mất nhà ngày
nay cũng đau khổ không khác gì một bé gái thời 1940. Không có gì thay đổi.
Nhưng Từ Thức nhận ra là xã hội vô tình trước cảnh
em bé gái mặc áo đỏ: “Cái thay đổi ghê rợn là… người Việt Nam đã đánh mất nhân
tính, trở thành những cái máy vô cảm.”
“Cái khác nhau là, trong tác phẩm Nam Cao, người
mua nhà bị ám ảnh mãi” sau khi nghe cháu bé gái kêu “Mẹ ơi!” Anh ta hối hận,
ray rứt, tự oán trách mình đã làm chuyện ác.
“Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê
chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi
buồn bã trước cuộc đời tan vỡ…”
Nhân vật trong truyện Nam Cao còn “dằn vặt, thao thức”
sau khi gỡ ngôi nhà mua, đem về làm nhà mình ở. Ngày nay, những anh công an và
côn đồ đi phá nhà người dân, về lãnh tiền thưởng, họ có cảm thấy “dằn vặt, thao
thức” hay không? Người ta đã đánh mất lương tâm, mất lòng trắc ẩn.
Từ Thức lên án, “Cái lương tâm đó, người Cộng Sản đã
đánh tan hoang” bằng nền giáo dục, và “bằng lối hành xử tàn tệ giữa người với
người… Cái bất nhân trở thành một chuyện bình thường.”
Giới văn nghệ, trí thức trong nước ta đã viết, đã
nói rất nhiều về tình trạng “vô cảm” tràn ngập xã hội Việt Nam. Đọc các tác phẩm
của Nguyễn Huy Thiệp trước đây 30 năm chúng ta thấy cảnh băng hoại đạo lý cùng
cực sau mấy chục năm sống dưới chế độ Cộng Sản.
Một thành công lớn của chế độ Cộng Sản là biến lòng
người thành gỗ đá. Trong năm điều mà Hồ Chí Minh bắt trẻ em học thuộc lòng
không một điều nào nói đến lòng tôn kính cha mẹ, thương anh chị em, “thương người
như thể thương thân” như Nguyễn Trãi đã dạy. Một thi sĩ nói, “Muốn yêu thương
phải biết căm thù.” Những chiến dịch tuyên truyền dạy người Việt Nam phải biết
căm thù lẫn nhau. Trẻ em phải tố cáo cha mẹ, thầy cô giáo. Hàng xóm láng giềng
phải tố cáo nhau.
Các chế độ bạo tàn đều gieo rắc sợ hãi và giết chết
tình thương giữa người với người. Để củng cố quyền lực. Khi mỗi người nhìn
chung quanh chỉ thấy kẻ thù, ai cũng chỉ lo cho chính mình; hiện tượng xã hội học
gọi là “phân ly cùng cực, atomization,” thì bạo quyền có thể kiểm soát tất cả mọi
người.
Cộng Sản đã dùng chế độ tem phiếu để kiểm soát bao tử.
Ai cũng chỉ lo sao cho mình có miếng ăn, manh áo. Đâu còn thời giờ nghĩ đến người
khác?
Cộng Sản thúc đẩy cho mọi người nhìn nhau mà trong
lòng chỉ sợ người khác tranh miếng ăn, tiền bạc, địa vị của mình; đâu còn chỗ
cho lòng trắc ẩn, tình yêu thương? Nhìn thấy cảnh người khác bị đánh, giết, chỉ
cảm thấy mình may mắn, vẫn còn sống và được yên thân!
Cuối cùng, đảng Cộng Sản chỉ muốn biến tất cả thành
một đàn cừu, đảng dẫn đi đâu thì đi.
Như đàn cừu trong cuốn tiểu thuyết của một nhà văn
Trung Quốc.
Đó là cuốn “Tô Tem Sói,” nguyên văn là “Lang Tú Đằng”
(狼图腾). Tác giả là Lưu Gia Dân (Lü
Jiamin, 呂嘉民), bút hiệu Khương Nhung (Jiang Rong, 姜戎). Nhân vật kể chuyện là một sinh viên đại học Bắc
Kinh bị đầy lên Mông Cổ đi chăn cừu để “học tập lao động” trong thời “cách mạng
văn hóa,” giống tác giả.
Đọc đến trang 319 trong bản dịch sang tiếng Anh
“Wolf Totem” do Penguin Press xuất bản, thấy cảnh con sói tấn công đàn cừu, bắt
một con cừu ăn thịt ngay tại chỗ.
Khi con sói cắn cổ, vật ngã một con cừu rồi, nó xé
da xả thịt ăn ngay tại chỗ. Anh sinh viên đứng quan sát, tính chờ con sói ăn no
nặng bụng rồi mới động thủ thì sẽ hạ được nó. Đàn cừu bị tấn công lúc đầu hoảng
sợ chạy trốn, nhưng khi thấy con sói bắt đầu ngồi xuống ăn rồi thì cả đàn lại
bình thản gặm cỏ như cũ. Nhiều con cừu tò mò còn đến gần nhìn xem con sói nó ăn
thịt “đồng bào” mình như thế nào. Tác giả mô tả bộ mặt của mấy chú cừu
kia có vẻ như muốn nói: “May quá! Con sói nó ăn thịt mày, nó không ăn thịt
tao!” Nhiều con cừu bạo dạn tiến đến gần coi cho rõ cảnh con sói đang ăn tiệc một
mình. Cả đám chen chúc nhau mà coi.
Nhân vật của Khương Nhung nhìn cảnh đó, chợt nhớ tới
một đoạn văn của Lỗ Tấn. Nhà văn tả cảnh thời trước Đại Chiến Thứ Hai có một
đám đông người Trung Hoa đứng coi một quân nhân Nhật Bản chuẩn bị chém đầu một
người Trung Hoa khác. Chắc họ tò mò muốn biết một người bị chặt đầu sẽ chết như
thế nào. Lưỡi đao Nhật có sắc như lời đồn hay không. Họ có thể tự hào, thấy đao
phủ Nhật không chém gọn như đao phủ nhà Đại Thanh! Anh sinh viên tự nhủ, “Chẳng
trách được, những người du mục Mông Cổ họ coi người Hán cũng giống như đàn cừu.”
Có bao nhiêu người Việt Nam đã tới coi cảnh công an
phá nhà và vườn rau của bà con Lộc Hưng? Họ có thương cảm các người bị giật sập
nhà hay không? Có ai tiếc rẻ những luống rau bị dầy đạp không? Họ có thán phục
kỹ thuật phá nhà của nhà nước Cộng Sản hay không?
Bao giờ thì chúng ta thấy mình cũng giống những con
cừu? (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment