02/01/2019
Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức có hiệu lực
từ ngày đầu tiên của năm 2019, nhưng trong những ngày này, liên tục có nhiều
nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và những người khác có nhiều ảnh hưởng trên mạng
xã hội cùng đưa ra lời kêu gọi hãy bất tuân hoặc thách thức luật này.
Các nhà hoạt động phản đối Luật An ninh mạng của Việt
Nam kể cả sau khi nó có hiệu lực từ 1/1/2019
Bộ luật gây nhiều tranh
cãi, lo lắng đã được ban hành từ hồi tháng 6/2018. Hôm 1/1/2019, các báo lớn ở
Việt Nam, trong đó có Lao Động và trang Zing News, công bố tóm tắt “những hành
vi bị cấm trên mạng” kể từ thời điểm luật có hiệu lực.
Đứng hàng đầu là các hành
vi được coi là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, hay “xuyên
tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân
tộc”.
Đưa ra thông tin “sai sự
thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã
hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ”
cũng là hành vi có thứ tự cao trong danh sách cấm.
Ngoài ra, bản tóm tắt đề
cập đến những hành vị bị cấm khác, trong đó có việc “thực hiện tấn công mạng,
khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập,
chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại
hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, cùng thời
điểm đầu năm mới, nhóm các nhà hoạt động trẻ có tên SaveNET đã tung ra trên mạng
cuốn cẩm nang "Luật An Ninh Mạng: Những điều cần biết", mà theo lời
giới thiệu của nhóm, có mục đích xóa đi những “đồn đoán rằng giờ đây bất cứ ai
lên tiếng chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội đều dễ dàng bị bắt bớ và xét xử”.
Nhóm được thành lập vào
tháng 6/2018 và hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền tự do
ngôn luận, cho biết thêm rằng cuốn sách 90 trang của họ cũng giúp trả lời câu hỏi
đặt ra là “chúng ta có nên ‘tự kiểm duyệt’ mình hay không?”
Cẩm nang về Luật An ninh mạng, sách của nhóm SaveNET
Theo SaveNET, cuốn sách
có những phân tích thấu đáo về luật, nhờ đó “mỗi người có thể đưa ra những quyết
định sáng suốt và chủ động hơn trong cách ứng xử trên internet, đặc biệt trong
việc nói lên chính kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội”.
Trong phần cuối cuốn cẩm
nang, các tác giả khẳng định rằng một số điều của Luật An ninh mạng là “không cần
thiết” và “không phù hợp” trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Dù luật đã được thực thi,
nhóm tác giả vẫn đưa ra đề xuất “hoãn thi hành”, và đề nghị các cơ quan nhà nước,
bao gồm cả Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hãy “nghiên cứu và đánh
giá lại”, và nếu cần, hãy “điều chỉnh Luật An ninh mạng và các quy định liên
quan”.
Hai ngày trước khi luật
có hiệu lực, nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang viết trên trang Facebook
cá nhân rằng trong khi có những người lo sợ, chị không tin rằng Đảng Cộng sản
và Bộ Công an có thể “bịt miệng” được những người như chị.
Người được vinh danh với
nhiều giải thưởng nhân quyền của nước ngoài lý giải về niềm tin của chị, trong
đó điều hàng đầu, theo chị, là “đến lúc này, khi người dùng Việt Nam đã quen với
internet và mạng xã hội, đã nghiện, bắt họ trở về trạng thái câm mù điếc như
trước kia là điều bất khả thi”.
Một lý do khác, theo nhà
hoạt động nữ có khoảng 58.000 người theo dõi trên mạng xã hội, đó là “với năng
lực quản lý tồi tàn của mình, nhà cầm quyền độc tài chẳng hy vọng làm được cái
gì triệt để”. Chị viết thêm: “Không kẻ độc tài nào có thể kiểm soát 100% đời sống
của nhân dân, kể cả trong chế độ toàn trị như Việt Nam. Đơn giản là chúng không
đủ nguồn lực, nhất là trong tình trạng kinh tế sa sút, ngân sách thâm hụt, lòng
dân đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay”.
Từ góc nhìn của một cựu
luật sư, ông Lê Công Định đưa ra phân tích trên trang Facebook cá nhân cho
thấy Luật An ninh mạng một mặt “cho phép nhà nước thu thập thông tin cá nhân của
công dân”, mặt khác lại “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận
thông tin của công dân”, vốn là các quyền được nêu trong Hiến pháp.
Nhà hoạt động từng là tù
nhân lương tâm nhấn mạnh rằng luật này thật “bất công” và “bất hợp lý”, vì nó
“xâm phạm quyền con người và quyền công dân”. Trên trang Facebook có khoảng
40.000 người theo dõi, ông Định đưa ra lời kêu gọi rằng với “bổn phận lương tâm
và đạo đức của mỗi công dân”, họ hãy “xem nó như chưa bao giờ tồn tại, thậm chí
khi cần, hãy vi phạm nó!”
Nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân có lượng theo dõi lên đến xấp xỉ 75.000 người
trên Facebook không trực tiếp nhắc đến Luật An ninh mạng và một quy định mới
đây về những điều nhà báo không được làm trên mạng xã hội. Song ông đưa ra ý kiến
hôm 2/1 rằng “Khi chúng ta viết đúng, viết không đổi trắng thay đen hay ngược lại,
khi chúng ta viết một cách vô tư không vì lợi ích của ‘phe nhóm’ nào mà chỉ vì
lợi ích của đất nước và người dân thì chẳng sợ bất cứ thứ gì. Nếu sợ thì không
nên làm báo”.
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội và
có lượng người theo dõi lên đến trên 305.000, đăng một ý kiến ngắn hôm 2/1, bày
tỏ rằng cho dù Luật An ninh mạng đã đi vào thực thi, song nếu mọi người “viết
đúng, phê đúng, đặt câu hỏi đúng… thì cứ việc viết thôi”. Theo bà, khi làm như
vậy, những người lên tiếng trên internet, trên mạng xã hội không phải sợ bất cứ
ai cả.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là nhà văn và phóng viên, trong
bài viết mà ông gọi là “đôi lời đầu năm” với bạn bè trên Facebook, ông cho rằng
Luật An ninh mạng hay bất kỳ một luật nào sinh ra “cũng không bao giờ khiến những
con người yêu quý sự thật và có khát vọng cải tạo xã hội bằng ngòi bút nao núng
chứ đừng nói tới run sợ”.
Liên hệ đến cuộc đấu
tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Châu
bày tỏ quan điểm rằng nếu người dân “không dũng cảm lên tiếng”, nếu mạng xã hội
“bị hạn chế sức mạnh”, nhiều quan chức bị nghi phạm tội tham nhũng ở các địa
phương “sẽ thoát tội và sẽ ‘hạ cánh’ an toàn”.
Do vậy, võ sư có tầm ảnh
hưởng tới gần 100.000 người theo dõi đã gửi đi thông điệp tới giới lãnh đạo nhà
nước rằng “Các ông hãy chọn người thực thi Luật An ninh mạng một cách tử tế để
tránh lạm quyền, dùng luật sai mục đích, cản trở sự phát triển của đất nước”.
Nhà
hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phản đối Luật An
ninh mạng
Các bài viết của các nhà
hoạt động và những người có nhiều ảnh hưởng như kể trên đã nhận được nhiều ủng
hộ, thể hiện qua hàng nghìn phản ứng “yêu thích” và hàng trăm lời bình luận đồng
tình.
Trên Facebook những ngày
này, giới hoạt động chia sẻ những hình ảnh cho thấy nhiều người cầm các biểu ngữ
kêu gọi “bất tuân”, “phản đối” Luật An ninh mạng” hoặc các biểu ngữ viết rằng
“Luật An ninh mạng tước đoạt tự do, nhân quyền”.
Trong một bài báo đăng
hôm 1/1, trang Zing.vn ở Việt Nam trích lời Trung tướng Hoàng Phước Thuận,
nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống
tội phạm công nghệ cao, khẳng định Luật An ninh mạng “không ảnh hưởng đến quyền
tự do ngôn luận”.
Theo lời vị trung tướng
công an, “không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của
chúng ta mà không vi phạm”. Ông Thuận giải thích thêm rằng Luật An ninh mạng nhắm
đến việc cấm những hành vi trên mạng tương ứng với “29 nội dung mà Bộ luật hình
sự cấm”.
Quan chức công an này đưa
ra ví dụ minh hoạ: “Không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do,
trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào
kích động biểu tình ngoài đời thì bị xử lý còn trên mạng thì không…”.
Trang Facebook chính thức
của chính phủ Việt Nam hôm 30/12/2018 đăng thông báo “Luật An ninh mạng chính
thức có hiệu lực từ 1/1/2019, với phần tóm tắt các quy định chính trong luật.
Bài viết nhận được hơn
600 phản ứng “yêu thích” và 28 lời bình luận, trong đó, bình luận hiện lên trên
cùng viết rằng “Mấy đứa phẫn nộ [về Luật An ninh mạng] thì 1 là phản động, 2 là
hay đặt điều vu oan, 3 là bán hàng online”.
Lời bình luận hiện lên ở
vị trí thứ nhì cho rằng người dân Việt Nam ủng hộ luật này vì nó “đúng đắn, hợp
lòng dân”. Vẫn lời bình luận này nói thêm rằng luật “đã ngăn chặn” những người
bị xem là “bọn phản động, lưu vong, xuyên tạc chống nhà nước Việt Nam”.
Hai lời bình luận này nhận
được lần lượt 45 và 11 phản ứng “yêu thích” trên trang Facebook Thông tin Chính
phủ.
-------------------
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment