Tuesday, January 22, 2019

KINH TẾ MỸ THIỆT HẠI 5,7 TỶ ĐÔLA VÌ CHÍNH PHỦ ĐÓNG CỬA, NGANG VỚI TIỀN XÂY TƯỜNG (Người Việt Online)




Người Việt Online
January 21, 2019

WASHINGTON, DC (NV) – Nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng $5.7 tỷ vì chính phủ đóng cửa, lớn bằng số tiền Tổng Thống Donald Trump yêu cầu Quốc Hội cấp để xây tường biên giới.

Bản tin của CBS News nói rằng trung bình mỗi tuần số thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới khoảng $1.2 tỷ, theo bà Beth Ann Bovino, thuộc công ty cố vấn thị trường S&P Global. Vụ đóng cửa đang bước vào tuần lễ thứ năm.

Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng $6 tỷ nếu chính phủ không mở cửa lại vào cuối tuần này, bà Bovino viết trong thư gửi cho khách hàng.

Mất mát trung bình hàng tuần sẽ gia tăng, vì thiệt hại cho các ngành kỹ nghệ cũng như cho người tiêu dùng sẽ lan rộng và sâu hơn.

“Cuộc đóng cửa chính phủ càng kéo dài thì càng có thêm các tổn thất ngoài dự tính cho nền kinh tế Mỹ,” bà Bovino viết.

Các tổn thất trực tiếp vì việc chính phủ đóng cửa do tình trạng hàng trăm ngàn nhân viên phải nghỉ việc và không được trả lương từ hôm 22 Tháng Mười Hai.

Tuy thiệt hại chính xác đến nay khó tính chính xác, Văn Phòng Phân Tích Kinh Tế (Bureau of Economic Analysis BEA) đã ước tính Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) đã giảm khoảng 0.3% trong quý thứ tư năm 2013; tính theo số giờ nhân viên liên bang nghỉ việc 16 ngày vào Tháng Mười năm đó vì chính phủ đóng cửa.

Các nhân viên chính phủ liên bang sẽ được bồi thường khi chính phủ mở cửa lại, tuy nhiên khoảng 4 triệu nhân viên các nhà thầu với chính phủ, trong khu vực tư nhân, sẽ không có lương trong thời gian đóng cửa, theo công ty Capital Economics.

Theo các dữ kiện do Bloomberg thu thập thì hàng ngàn công ty có giao kèo cung cấp cho chính quyền liên bang có thể mỗi ngày bị mất tổng cộng khoảng $200 triệu khi chính phủ đóng cửa.

Những người không lãnh lương sẽ giảm bớt tiêu thụ. Cho nên đóng cửa càng lâu thì càng ảnh hưởng hơn đến số chi tiêu của những người không được trả lương. Họ bớt mua sắm hoặc giải trí, đi ăn tiệm, các ngành bán lẻ và dịch vụ sẽ xuống. (V.Giang)

-------------------------

Linh Nguyễn/Người Việt
January 22, 2019

LITTLE SAIGON, California (NV) – Tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa đến nay đã gần một tháng với những ảnh hưởng không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Nhiều người tỏ ra bối rối, nhất là những người đang tiến hành thủ tục nhập tịch hay bổ túc hồ sơ di trú, hỗ trợ về y tế, vì không biết tình trạng sẽ kéo dài cho đến khi nào.

Một số thông tin sau đây có thể giúp người dân hiểu thêm về những ảnh hưởng có thể của tình trạng chính phủ đóng cửa.

Sở Di Trú và Nhập Tịch vẫn mở cửa
Bà Claire Nicholson, phát ngôn viên của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS), cho biết: “Hầu hết các nhân viên của USCIS không bị cho nghỉ việc do thiếu ngân sách, vì tiền lương của họ được tài trợ độc quyền bởi các tài khoản từ tiền thu lệ phí.”

Tuy nhiên, tiền lương trả cho một nhóm nhỏ nhân viên USCIS là ngân khoản được dành riêng.
“Những nhân viên này làm trong chương trình E-Verify, bị cho nghỉ việc vì Bộ Nội An không dành được ngân khoản,” bà Nicholson nói thêm.
“Vì thế, việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng đến các hoạt động có thu phí dịch vụ do USCIS thực hiện. Tất cả các văn phòng USCIS vẫn mở và tất cả các ứng viên nên tham dự các cuộc phỏng vấn và các cuộc hẹn theo lịch trình,” bà nói.

Tuy nhiên, trang mạng của USCIS cho biết có một số chương trình hoặc hết hạn, hoặc bị ngưng hoạt động phải đợi ngân khoản được Quốc Hội chuẩn thuận, hoặc tái cho phép, đại để gồm.

-Chương Trình EB-5 Trung Tâm Khu Vực Nhà Đầu Tư Nhập Cư (EB-5 Immigrant Investor Regional Center Program, khác với Chương Trình EB-5). Các trung tâm này là các đơn vị kinh tế công hoặc tư ở Mỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và do USCIS chỉ định. Còn Chương Trình EB-5 vẫn tiếp tục hoạt động.

-E-Verify là hệ thống dựa trên Internet miễn phí, cho phép các doanh nghiệp xác định tư cách hợp lệ của nhân viên của họ để làm việc tại Hoa Kỳ.

-Chương trình công nhân tôn giáo (Non-minister religious workers) làm việc đạo giáo toàn thời và có trả lương…

Ý kiến của chuyên viên kinh nghiệm làm hồ sơ di trú
Ông Nam Lộc, cựu giám đốc Cơ Quan Bác Ái Công Giáo, nay đã về hưu, trong chuyến đi Washington, DC để tình nguyện tiếp xúc với một số dân cử quan tâm đến những người bị ảnh hưởng do chính phủ đóng cửa.

Ông Nam Lộc nói thêm: “Tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm. Em bé đứng xin tiền để trả tiền co-pay cho mẹ. Mẹ em bị đuổi khỏi bệnh viện vì không đủ tiền trả co-pay.”

Riêng các trường hợp bảo lãnh thân nhân, gia đình, ông cho biết: “Dù chính phủ đóng cửa, một số cơ quan không có người làm việc. Nếu hồ sơ không bị bác, tiến trình vẫn xúc tiến, chỉ bị chậm lại thôi.”

“Tổng Thống Trump chú trọng đến việc thi hành khắt khe luật di trú. Một số người Việt chưa có giấy tờ, không được đi làm, lại còn nhận được giấy bị trục xuất,” ông nói.

“Nói đến người nhập cư bị ảnh hưởng thì trước khi chính phủ đóng cửa, họ đã bị ảnh hưởng rồi. Trước cần 6 tháng đến một năm để trải qua một thủ tục giấy tờ thì bây giờ là từ một năm đến 15 tháng.”

Ý kiến của luật sư
Là một người luôn quan tâm đến cộng đồng, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, cho biết: “Không phải tất cả các cơ quan của chính quyền liên bang đều đóng cửa. Họ đóng theo ưu tiên quan trọng đến nền an ninh quốc gia.”

“Những ai có hẹn phỏng vấn hay tuyên thệ, tốt hơn nên gọi điện thoại trước khi đi cho chắc ăn!”

Ý kiến của cơ quan phục vụ cộng đồng
Được hỏi về các dịch vụ cho người nghèo và cao niên, ông Vĩnh Lộc, quản lý Trung Tâm Phục Vụ Cộng Đồng Orange County ở Westminster, cho biết: “Việc chính phủ đóng cửa không ảnh hưởng gì đến các dịch vụ do chúng tôi cung cấp, từ MediCal, Medicare đến ngay cả Housing thuộc liên bang, chúng tôi cũng hỗ trợ đồng hương được, làm giấy tờ trước rồi đợi còn hơn là không làm gì!”

“Lý do là những nhu cầu này là ở mức tối thiểu rồi, không có không được!” ông nói thêm.

Ai bị ảnh hưởng trong quá khứ khi chính phủ đóng cửa?
Trong quá khứ, khi chính phủ đóng cửa vào năm 2013, mỗi ngày có 850,000 nhân viên bị cho nghỉ, Fox News cho biết, theo số liệu Phòng Quản Trị và Ngân Sách.

Thường thì một khi chính phủ đóng cửa, các nhân viên được coi là “cần thiết” được cho nghỉ trước. Họ là những người làm cho các công viên quốc gia, viện bảo tàng.

Nhưng không phải ai cũng phải bắt buộc nghỉ không lương. Tổng thống, các ủy viên được tổng thống bổ nhiệm, các dân biểu đều được miễn trừ. Dịch vụ bưu điện, các nhân viên TSA và Kiểm Soát Không Lưu ở phi trường tiếp tục làm việc như thường.

Người Mỹ vẫn nhận được tiền An Sinh Xã Hội và quyền lợi Medicare và phiếu thực phẩm. Tuy nhiên, các quyền lợi cựu quân nhân, trợ cấp nông trại hay tiền thuế hoàn trả có thể bị chậm trễ. (Linh Nguyễn)

Liên lạc tác giả: linhnguyen@nguoi-viet.com




No comments: