Tác giả: Trương Duy Nghênh (Trung Quốc)
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Posted on 14/01/2019 by The Observer
Lời
giới thiệu:
Trong nhiều năm qua, các học giả Trung Quốc (TQ) và thế giới đã và đang
bàn cãi không ngớt về vấn đề tại sao khoa học kỹ thuật cận đại không ra đời tại
TQ, vì sao văn minh Trung Hoa thời cổ từng dẫn đầu thế giới nhưng về sau lại tụt
hậu. Có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ Dương Chấn Ninh cho rằng đó là do người
TQ không có tư duy logic, hoặc tư duy truyền thống của họ không có phương pháp
suy diễn. Lê Minh nói đó là do người TQ kém thông minh nhưng lại tự cho là
thông minh… Trong bài nói ngày 1/7/2017 tại lễ tốt nghiệp của các học viên Viện
Nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, nhà kinh tế nổi tiếng TQ
Trương Duy Nghênh công khai đưa ra quan điểm: do thể chế chính trị truyền thống
của TQ luôn hạn chế sự tự do của dân chúng cho nên người TQ không thể có phát
minh sáng tạo. Bài nói của ông (được giới thiệu dưới đây) đã gây tiếng vang lớn
trong dư luận TQ, người khen kẻ chê đều rất nhiều.
Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying张维迎, 1959-), tiến sĩ kinh tế học Đại
học Oxford Anh Quốc, Giáo sư Đại học Bắc Kinh, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu
phát triển quốc gia, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Quang Hoa, Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu Kinh tế Mạng (ba cơ quan này đều thuộc Đại học Bắc Kinh).
*****
Chào các bạn sinh viên! Trước tiên tôi xin chúc mừng
các bạn đã tốt nghiệp!
Tên gọi “Người Bắc Đại” [tức người của trường ĐH Bắc
Kinh] là một vầng hào quang, cũng có nghĩa là trách nhiệm, đặc biệt là trách
nhiệm đối với dân tộc chịu bao khổ cực, chịu đủ mọi vùi dập của chúng ta.
Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh cổ
nhất thế giới, đồng thời cũng là nền văn minh cổ xưa duy nhất được giữ gìn cho
tới ngày nay. Trung Quốc thời cổ từng có thành tựu phát minh sáng tạo vẻ vang,
có đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng trong 500 năm qua, về
mặt phát minh sáng tạo thì Trung Quốc không có gì nổi trội đáng nói. Chúng ta
hãy dùng con số để nói rõ điểm này.
Theo thống kê của học giả Jack Challoner ở Viện Bảo
tàng Khoa học Anh Quốc, trong thời gian từ thời kỳ đồ đá cũ (2,5 triệu năm trước)
cho đến năm 2008, đã có 1001 phát minh lớn làm thay đổi thế giới, trong đó
Trung Quốc có 30 phát minh, chiếm 3%. Toàn bộ 30 phát minh này đều xuất hiện
trước năm 1500, chiếm 18,4% trong số 163 phát minh lớn trên toàn cầu trước năm
1500. Trong đó, phát minh cuối cùng là bàn chải đánh răng xuất hiện năm 1498,
đây cũng là phát minh lớn duy nhất đời nhà Minh. Trong hơn 500 năm sau năm
1500, toàn thế giới có 838 phát minh, trong đó không có phát minh nào đến từ
Trung Quốc.
Kinh tế tăng trưởng bắt nguồn từ sự xuất hiện không
ngừng các sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới. Xã hội truyền thống chỉ
có vài ngành nghề như nông nghiệp, luyện kim, gốm sứ, thủ công nghệ, trong đó
nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo tuyệt đối. Hiện nay chúng ta có bao nhiêu
ngành nghề? Xét theo tiêu chuẩn phân loại đa tầng quốc tế, chỉ riêng về sản phẩm
xuất khẩu, số ngành được mã hóa bằng mã 2 chữ số có 97 ngành, mã 4 chữ số có
1222 ngành, mã 6 chữ số có 5053 ngành, và vẫn không ngừng tăng thêm. Toàn bộ
các ngành mới này đều được sáng tạo trong 300 năm qua, đều có thể tra cứu được
nguồn gốc của mỗi sản phẩm mới này. Trong số rất nhiều ngành nghề mới, sản phẩm
mới này không một ngành nghề mới hoặc sản phẩm quan trọng mới nào do người
Trung Quốc phát minh cả!
Lấy ngành sản xuất xe hơi làm ví dụ. Ngành này được
những người Đức như Karl Benz, Daimler và Maybach sáng lập vào khoảng giữa thập
niên 1880, sau đó trải qua hàng loạt tiến bộ kỹ thuật, chỉ từ năm 1900 đến 1981
đã có hơn 600 sáng tạo đổi mới quan trọng (theo sách Industrial Renaissance của
Albernathy, Clark và Kantrow, 1984).
Trung Quốc hiện nay là nước sản xuất xe hơi lớn nhất
thế giới, nhưng nếu bạn viết một bộ lịch sử tiến bộ công nghệ của ngành chế tạo
xe hơi, thì trong bảng những nhân vật được vinh danh sẽ có hàng nghìn nhà phát
minh tên tuổi, trong đó có người Đức, người Pháp, người Anh, người Ý, người Mỹ,
người Bỉ, người Thụy Điển, người Thụy Sĩ, người Nhật, nhưng sẽ không có người
Trung Quốc!
Ngay cả trong những ngành nghề truyền thống mà Trung
Quốc từng dẫn đầu từ trước thế kỷ XVII như luyện kim, gốm sứ, dệt may, những
phát minh sáng tạo lớn xuất hiện trong 300 năm qua không có cái nào do người
Trung Quốc làm ra.
Tôi cần đặc biệt nhấn mạnh sự khác nhau của thời
gian trước và sau năm 1500. Trước năm 1500, thế giới chia thành những khu vực
khác nhau, các khu vực này về cơ bản đều ở tình trạng khép kín với nhau, một kỹ
thuật mới xuất hiện ở một nơi nào đó thì có ảnh hưởng rất nhỏ tới các nơi khác,
và cống hiến của nó đối với toàn nhân loại rất hạn chế.
Ví dụ năm 105, ông Thái Luân [Cai Lun] thời Đông Hán
phát minh ra kỹ thuật làm giấy, nhưng đến sau năm 751, kỹ thuật sản xuất giấy của
Trung Quốc mới truyền tới thế giới các nước theo đạo Islam [Hồi giáo], lại qua
300 – 400 năm nữa mới truyền tới Tây Âu. Hồi tôi học tiểu học, khi luyện viết
chữ còn phải viết trên bàn đất sét mà không viết trên giấy.
Nhưng sau năm 1500, toàn thế giới bắt đầu quá trình
nhất thể hóa, chẳng những tốc độ phát minh kỹ thuật đã tăng nhanh, mà tốc độ
truyền bá kỹ thuật cũng tăng lên, khi một kỹ thuật mới xuất hiện ở nơi này, nó
sẽ nhanh chóng du nhập vào nơi khác, và sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Ví dụ
năm 1886 người Đức phát minh ra xe hơi, 15 năm sau, Pháp trở thành nước đứng đầu
sản xuất xe hơi, lại qua 15 năm nữa, nước Mỹ thay Pháp trở thành cường quốc số
một về sản xuất xe hơi. Đến năm 1930, tỷ lệ phổ cập xe hơi ở Mỹ đã lên đến 60%.
Vì thế sau năm 1500 mới thực sự có thể so sánh được
trình độ sáng tạo đổi mới giữa các nước, ai giỏi ai kém rõ rành rành! Trung Quốc
trong 500 năm gần đây không làm ra được một phát minh sáng tạo mới nào đáng ghi
vào sử sách, điều đó có nghĩa là cống hiến của chúng ta cho sự tiến bộ của nhân
loại gần như bắng số không! Kém xa tổ tiên ta!
Tôi còn muốn nhấn mạnh vấn đề quy mô số dân. Các nước
có quy mô lớn hoặc nhỏ, nếu chỉ so sánh đơn giản giữa các nước với nhau về số
lượng phát minh sáng tạo, xem ai nhiều ai ít thì sẽ dễ làm cho mọi người hiểu
nhầm.
Nói về lý luận, dưới những điều kiện khác đã cho, một
nước càng đông dân thì sáng tạo đổi mới sẽ càng nhiều, tiến bộ kỹ thuật sẽ càng
nhanh. Hơn nữa, tỷ lệ sáng tạo đổi mới và tỷ lệ dân số có mối quan hệ số mũ
[lũy thừa] với nhau, không phải đơn giản là mối quan hệ tỷ lệ đồng đẳng. Ở đây
có hai nguyên nhân: thứ nhất, về mặt sản xuất, tri thức có hiệu ứng kinh tế và
hiệu ứng lan tràn quan trọng; thứ hai, về mặt sử dụng, tri thức không có tính
loại trừ các sự vật khác.
Hơn 10 năm trước, nhà vật lý người Mỹ Geoffrey West
phát hiện: trong đời sống đô thị, mối quan hệ giữa số lượng phát minh sáng tạo
của con người với số lượng dân thì tuân theo quy luật lũy thừa với số mũ dương
5/4: Nếu đô thị A có số dân đông gấp 10 đô thị B thì tổng lượng phát minh sáng
tạo của A sẽ bằng 10 lũy thừa 5/4 [tức 101,25 ] tổng lượng phát minh sáng tạo của
B, tức 17,8 lần [chính xác: 17,78279].
Qua đó có thể thấy, cống hiến về mặt phát minh sáng
tạo của Trung Quốc cho thế giới quá ư không tỷ lệ với quy mô số dân của Trung
Quốc. Dân số Trung Quốc gấp 4 lần dân số Mỹ, 10 lần Nhật, 20 lần Anh Quốc, 165
lần Thụy Sĩ. Xét theo quy luật lũy thừa về sáng tạo tri thức nói trên, lẽ ra số
lượng phát minh sáng tạo của Trung Quốc phải bằng 5,6 lần số lượng phát minh
sáng tạo của Mỹ, 17,8 lần của Nhật, 42,3 lần của Anh và 591 lần của Thụy Sĩ.
Nhưng tình hình thực tế là trong 500 năm gần đây,
cống hiến về mặt phát minh sáng tạo của Trung Quốc gần như bằng số không. Chưa
cần so sánh với Mỹ, Anh, mà chúng ta cũng chưa đạt được ngay cả con số lẻ của
Thụy Sĩ. Người Thụy Sĩ phát minh ra kìm phẫu thuật, máy trợ thính điện tử,
dây an toàn, công nghệ chỉnh hình, màn hình tinh thể lỏng v.v…
Công nghệ mực chống giả được Ngân hàng Nhân dân
Trung Quốc dùng để in đồng Nhân dân tệ là công nghệ của Thụy Sĩ, 60% -70% lượng
bột mỳ của Trung Quốc được chế biến bằng máy móc của công ty Bühler (Thụy Sĩ).
Nguyên nhân do đâu vậy? Lẽ nào do gene của người
Trung Quốc có vấn đề? Hiển nhiên không phải thế! Nếu không, chúng ta chẳng có
cách nào giải thích được vì sao nền văn minh Trung Quốc cổ đại lại rực rỡ như
thế.
Hiển nhiên đó là do thể chế và chế độ của Trung Quốc.
Sức sáng tạo dựa vào tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành động. Đặc
điểm cơ bản của thể chế Trung Quốc là hạn chế sự tự do của con người, bóp chết
tính sáng tạo, bóp chết tinh thần doanh nhân. Thời đại người Trung Quốc có sức
sáng tạo nhất là thời Xuân Thu Chiến Quốc và thời nhà Tống. Đây không phải là sự
ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là những thời đại người Trung Quốc được tự do
nhất.
Trước năm 1500, phương Tây không sáng sủa, phương
Đông tối tăm. Sau năm 1500, một số nước phương Tây trải qua tiến trình cải cách
tôn giáo và phong trào Khai sáng đã dần dần tiến tới tự do và pháp trị, còn
chúng ta lại giẫm chân tại chỗ, thậm chí đi ngược đường với họ.
Tôi cần phải nhấn mạnh, tự do là một chỉnh thể không
thể chia cắt, khi tư tưởng không tự do thì hành động không thể tự do; khi ngôn
luận không được tự do thì tư tưởng không thể tự do. Chỉ có tự do thì mới có
sáng tạo. Tôi xin lấy một ví dụ để nói rõ điểm này.
Ngày nay việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại
tiểu tiện đã trở thành thói quen của mọi người. Thế nhưng năm 1847, khi thầy
thuốc nội khoa người Hungari Ignaz Semmelweis đề xuất thầy thuốc và y tá phải rửa
tay trước khi tiếp xúc với sản phụ, ông đã xúc phạm các đồng nghiệp, vì thế mà
bị mất việc và chết trong một nhà thương điên lúc 47 tuổi. Quan điểm của Ignaz
Semmelweis dựa trên sự quan sát về sốt hậu sản. Hồi ấy bệnh viện của ông có hai
phòng đẻ, một phòng phục vụ người giàu, do các thầy thuốc và y tá chuyên ngành
chăm sóc chu đáo, những thầy thuốc này luôn thay đổi công việc giữa đỡ đẻ và mổ
xác; một phòng đẻ khác là để phục vụ người nghèo, do các bà đỡ phụ trách.
Semmelweis phát hiện tỷ lệ người giàu bị sốt hậu sản cao gấp 3 lần người nghèo.
Ông cho rằng nguyên nhân là do thầy thuốc không rửa tay trước khi tiếp xúc với
sản phụ. Nhưng quan điểm ấy của ông lại mâu thuẫn với lý luận khoa học đang thịnh
hành thời đó, ngoài ra ông cũng không đưa ra được các chứng minh khoa học để
thuyết minh cho phát hiện của mình.
Vậy thói quen vệ sinh của nhân loại đã thay đổi như
thế nào? Việc này có liên quan tới phát minh ra máy in.
Thập niên năm 1440, doanh nhân Đức Johannes
Gutenberg phát minh ra máy in sắp chữ bằng những con chữ rời. Nhờ có loại máy
in này mà số lượng ấn phẩm tăng lên cực nhiều, việc đọc sách trở nên phổ biến,
nhiều người bỗng phát hiện mắt họ vốn là bị “viễn thị” [?], thế là xuất hiện
nhu cầu tăng bùng nổ về kính mắt. 100 năm sau khi phát minh máy in, tại châu Âu
xuất hiện hàng nghìn nhà sản xuất kính mắt, và do đó dấy lên cuộc cách mạng về
kỹ thuật quang học.
Năm 1590, cha con doanh nhân sản xuất kính mắt
Janssen (Hà Lan) lắp vài mắt kính vào trong một cái ống và họ phát hiện những vật
thể quan sát thấy qua những lớp kính này được phóng to lên, từ đó mà phát minh
ra kính hiển vi. Nhà khoa học người Anh Robert Hook đã dùng kính hiển vi phát
hiện ra tế bào, từ đó dẫn đến một cuộc cách mạng khoa học và y học.
Nhưng kính hiển vi thời kỳ đầu chưa có độ phân giải
cao, cho đến thập niên 1870, nhà chế tạo kính mắt Carl Zeiss người Đức sản xuất
ra loại kính hiển vi kiểu mới có cấu tạo dựa trên công thức toán học chính xác.
Chính là nhờ vào loại kính hiển vi này, bác sĩ người Đức Robert Koch và một số
người khác đã phát hiện ra những con virus mà mắt người không nhìn thấy, qua đấy
chứng minh quan điểm của bác sĩ người Hungari Ignaz Semmelweis là đúng đắn, và
từ đó sáng lập ra lý thuyết vi sinh vật và vi khuẩn học. Nhờ sự ra đời hai khoa
học này mà mọi người đã dần dần thay đổi thói quen vệ sinh [rửa tay trước khi
ăn và sau khi đi toa-let], và tuổi thọ của loài người cũng được kéo dài với
biên độ lớn.
Chúng ta có thể giả thiết: nếu lúc đầu máy in
Gutenberg bị cấm sử dụng, hoặc chỉ được phép in các ấn phẩm đã bị Giáo hội và
chính quyền kiểm duyệt, thế thì việc đọc sách báo sẽ không được phổ cập, nhu cầu
về kính mắt cũng sẽ không lớn như thế, kính hiển vi và kính viễn vọng cũng sẽ
không được phát minh, khoa học vi sinh vật cũng không xuất hiện, chúng ta không
được uống sữa bò thanh trùng, tuổi thọ dự tính của loài người cũng sẽ không
tăng từ hơn 30 lên tới hơn 70 tuổi, càng không thể nào mơ tưởng đến chuyện thám
hiểm không gian vũ trụ.
Trong hơn 30 năm qua, kinh tế Trung Quốc giành được
những thành tựu cả thế giới quan tâm dõi theo. Những thành tựu ấy được xây dựng
trên cơ sở khoa học kỹ thuật mà thế giới phương Tây tích lũy được trong 300 năm
phát minh sáng tạo. Mỗi một kỹ thuật và sản phẩm quan trọng giúp cho kinh tế
Trung Quốc tăng trưởng nhanh đều do phương Tây phát minh chứ không phải do
chúng ta phát minh. Chúng ta chỉ là kẻ ăn theo chứ không phải là kẻ sáng tạo đổi
mới. Chúng ta chỉ dựng một chái nhỏ trên tòa nhà lớn do người khác xây dựng.
Chúng ta không có lý do để ngông cuồng tự cao tự đại!
Newton bỏ ra 30 năm để phát hiện lực vạn vật hấp dẫn,
tôi mất 3 tháng để làm rõ định luật vạn vật hấp dẫn. Nếu tôi nói mình dùng thời
gian 3 tháng để đi hết con đường 30 năm của Newton thì nhất định các bạn sẽ cảm
thấy nực cười. Ngược lại, nếu tôi quay sang chê cười Newton, thế thì chỉ có thể
cho thấy tôi quá vô tri!
Chúng ta thường nói Trung Quốc dùng 7% diện tích đất
có thể trồng trọt để nuôi sống 20% số dân thế giới, nhưng chúng ta cần hỏi lại:
Trung Quốc dùng cách nào để có thể làm được việc đó? Nói đơn giản, đó là sử dụng
nhiều phân hóa học. Quá nửa lượng đạm trong thực phẩm người Trung Quốc ăn là đến
từ phân bón hóa học vô cơ [phân đạm]. Nếu không sử dụng phân hóa học thì một nửa
số dân Trung Quốc sẽ chết đói.
Kỹ thuật sản xuất phân đạm đến từ đâu? Kỹ thuật này
do nhà khoa học người Đức Fritz Habe và kỹ sư Carl Bosch của công ty BASF phát
minh ra cách đây hơn 100 năm, chứ không phải do chúng ta phát minh. Năm 1972,
sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, Trung Quốc đã làm thương vụ
đầu tiên với Mỹ: mua 13 hệ thống thiết bị sản xuất chất Ure tổng hợp quy mô lớn
nhất, hiện đại nhất thế giới hồi ấy, trong đó có 8 hệ thống thiết bị của công
ty Mỹ Kellogg.
Sau đây 50 năm, 100 năm nữa, khi viết lại lịch sử
phát minh của thế giới, phải chăng Trung Quốc có thể thay đổi được tình trạng từng
không có tên trong bộ sử đó? Trên mức độ rất lớn, câu trả lời phụ thuộc vào việc
liệu chúng ta có thể nâng cao một cách bền vững mức độ tự do mà người Trung Quốc
được hưởng hay không. Bởi lẽ chỉ có tự do thì mới có thể làm cho tinh thần
doanh nhân và sức sáng tạo của người Trung Quốc được phát huy đầy đủ, làm cho
nước ta trở thành một quốc gia thuộc loại hình sáng tạo đổi mới.
Vì thế đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi
một người quan tâm tới vận mệnh của Trung Quốc, lại càng là sứ mệnh của người Đại
học Bắc Kinh! Không bảo vệ tự do thì không xứng với danh hiệu “người Bắc Đại”!
*
Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú trong ngoặc [
].
-------------------
Có
thể bạn quan tâm:
No comments:
Post a Comment