BBC Tiếng Việt
10 tháng 1 2019
Nền
kinh tế của Venezuela đang rơi tự do.
Tình trạng siêu lạm phát, bị cắt điện, thiếu thực phẩm,
thuốc men đã khiến hàng triệu người Venezuela bỏ đất nước ra đi.
Nhưng người đàn ông mà nhiều người nói là phải chịu
trách nhiệm cho tình trạng kiệt quệ của đất nước, Nicolás Maduro, đang chuẩn bị
tuyên thệ để nắm giữ ghế tổng thống thêm sáu năm nữa.
Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Venezuela, vì
sao lại dẫn tới tình cảnh như hiện nay, và ông Maduro cùng chính phủ ông đã làm
những gì để ngăn chặn việc quốc gia suy sụp?
Điều
gì đang xảy ra tại Venezuela?
Có thể nói vấn đề lớn nhất mà người dân Venezuela
đang phải đối diện với cuộc sống hàng ngày là tình trạng siêu lạm phát. Điều đó
có nghĩa là chi phí cho mọi thứ, từ thức ăn thực phẩm cho tới các hóa đơn, đều
tăng chóng mặt, trong lúc đồng tiền tiếp tục mất giá.
Theo một nghiên cứu do Quốc hội, hiện do phe đối lập
kiểm soát, đưa ra, thì tỷ lệ lạm phát hàng năm của Venezuela đạt mức khủng khiếp
1.300.000% trong 12 tháng, tính đến 11/2018.
Đến cuối năm 2018, giá cả cứ 19 ngày lại tăng gấp
đôi.
Như vậy nghĩa là gì?
Theo Miami tờ Herald, giá một phần bánh mỳ kẹp thịt
- món ăn truyền thống trong dịp Giáng Sinh - thì có giá cao hơn một tháng lương
tối thiểu trong 12/2018.
Điều này khiến nhiều người dân Venezuela chật vật,
phải vật lộn trong việc trang trải cho các sinh hoạt hết sức căn bản như thực
phẩm và đồ vệ sinh cá nhân.
Tại
sao xảy ra tình trạng này?
Trên giấy tờ, Venezuela lẽ ra phải là một quốc gia
giàu có bởi nước này có những nguồn trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới.
Thế nhưng việc dựa quá nhiều vào dầu lửa - chiếm khoảng
95% thu nhập xuất khẩu của nước này - khiến cho đất nước trở nên mất an toàn
khi giá dầu tụt mạnh vào năm 2014.
Điều đó có nghĩa là Venezuela phải đối diện với tình
trạng thiếu ngoại tệ, dẫn tới việc gặp khó khăn khi muốn nhập khẩu hàng hóa với
khối lượng, mức độ như trước. Các mặt hàng nhập khẩu trở nên ngày càng khan hiếm.
Kết quả là các công ty phải tăng giá, và lạm phát
tăng lên.
Thêm vào nữa là việc chính phủ sẵn sàng in thêm tiền
và đều đặn tăng mức lương tối thiểu nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người nghèo ở
Venezuela, dẫu cho số tiền họ nhận được nhanh chóng mất giá.
Chính phủ cũng ngày càng phải vật lộn duy trì uy tín
tài chính sau khi nước này không chi trả được một số khoản trái phiếu chính phủ
đã đáo hạn.
Với việc các chủ nợ khó có thể chấp nhận rủi ro để đầu
tư vào Venezuela, chính phủ lại đi in thêm tiền, và điều đó càng khiến cho đồng
tiền nước này mất giá thêm, và lạm phát càng tăng thêm.
Chính
phủ đã làm những gì?
Chính phủ quyết định tung ra một loại tiền mới, gọi
là "đồng bolivar chủ quyền", theo đó bỏ đi năm số 0 đằng sau "đồng
bolivar mạnh mẽ", và liên hệ đồng tiền mới với petro, một loại tiền mã hóa
(cryptocurrency) từ 8/2018.
Chính phủ cũng bắt đầu cho lưu hành tám loại tiền giấy
mới, có mệnh giá 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500 bolivar chủ quyền, cùng hai
loại đồng tiền xu mới.
Cạnh đó là một số biện pháp mới, gồm: tăng lương tối
thiểu lên 34 lần so với trước; hạn chế chính sách trợ giá hào phóng đối với
nhiên liệu đối với những ai không có "căn cước Đất mẹ" và tăng VAT từ
4% lên 16%.
Hiệu quả thế nào?
Đồng tiền tệ mới tiếp tục mất giá kể từ khi được
tung ra, và mức lương tối thiểu lại tăng tiếp. Thêm nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) dự đoán mức lạm phát có thể tăng lên tới 10.000.000% (mười triệu phần
trăm) tính đến cuối năm 2019.
Người
dân đổ lỗi cho ai?
Hầu hết sự giận dữ đều nhắm vào chính phủ Xã hội chủ
nghĩa, vốn đã nắm quyền từ 1999, đầu tiên là dưới sự lãnh đạo của ông Hugo
Chávez đã quá cố, và nay là ông Nicolás Maduro.
Ông Chávez điều hành vào lúc tại Venezuela có tình
trạng bất bình đẳng to lớn; các chính sách mới được đưa ra áp dụng nhằm giúp
người nghèo thay đổi tình thế.
Trong số này có những thứ như kiểm soát giá, là
chính sách do Tổng thống Chávez đưa ra, nhằm khiến các mặt hàng căn bản có mức
phải chăng hơn cho người nghèo. Giá cả được kiểm soát đối với các mặt hàng bột
mỳ, dầu ăn và đồ vệ sinh cá nhân, và điều đó khiến một số ít các công ty
Venezuela chuyên sản xuất những mặt hàng này trở nên kinh doanh không có lời.
Những người chỉ trích cũng nói chính sách kiểm soát
ngoại tệ mà Tổng thống Chávez đưa ra hồi 2003 khiến cho việc buôn bán đô la
trên thị trường chợ đen trở nên nhộn nhịp.
Những người khác thì đổ lỗi về các vấn đề Venezuela
cho phe đối lập thù nghịch bên trong đất nước và "các lực lượng đế quốc"
như Mỹ và quốc gia láng giềng Colombia.
Họ nói các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến đất nước gặp
khó khăn trong việc tái cơ cấu các khoản nợ.
Thường thì họ được hưởng lợi từ các chương trình xã
hội của chính phủ, và nói rằng dù có thiếu thốn nhưng họ vẫn có đời sống tốt đẹp
hơn so với trước khi ông Chávez lên nắm quyền, 1999.
Cũng một phần nhờ có lực lượng trung thành này mà Tổng
thống Marudo được đủ phiếu bầu trong kỳ bầu cử 2018.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phe đối lập đã tẩy chay kỳ
bầu cử, và có nhiều nhóm khác đã bị cấm tham gia tranh cử.
Điều
gì đang diễn ra với người dân Venezuela?
Khoảng 3 triệu người, chiếm chừng 10% dân số, đã quyết
định rời đi kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nghiêm trọng, 2014, theo các số
liệu của Liên hiệp quốc.
Cuộc di dân ồ ạt này là một trong những cuộc ra đi bắt
buộc lớn nhất tại Tây Bán cầu.
Trong số những người ra đi hồi tháng Giêng có một thẩm
phán Tòa án Tối cao và là người từng trung thành với ông Maduro, ông Christian
Zerpa. Ông nói ông ra đi để phản đối việc tổng thống nắm tiếp nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Delcy Rodríguez cho rằng
đó là các con số không chính xác, và nói chúng đã bị thổi phồng bởi "các
quốc gia thù nghịch", nhằm kiếm cớ can thiệp quân sự.
Hầu hết mọi người chạy sang quốc gia láng giềng
Colombia, rồi từ đó đi tiếp tới Ecuador, Peru và Chile. Những người khác đi
theo ngả phía nam tới Brazil.
Khoảng hơn 200 ngàn người Venezuela đã tới Tây Ban
Nha. Nhiều người trong số họ là con cháu của những người Tây Ban Nha từng sang
Venezuela thời thập niên 1950, 1960.
Tuy nhiên, chỉ có một phần rất nhỏ được Tây Ban Nha
cấp quy chế tị nạn - chỉ 15 trong tổng số 12.875 trường hợp trong năm 2017.
Những
người ở lại thì sao?
Mọi thứ vẫn tiếp tục khó khăn. Giá tiếp tục tăng bất
chấp các nỗ lực của chính phủ trong 2018.
Các chủ lao động thì nói họ không biết làm sao họ có
thể trả được mức lương tối thiểu tăng gấp 60 lần kể từ tháng Tám tới nay. Lần
tăng cuối cùng là trong tháng 11, nay đang ở mức 4.500 đồng bolivar một tháng,
đáng giá hơn 6 đô la Mỹ một chút trên thị trường chợ đen.
Các kệ hàng ở siêu thị vẫn trống trơn, và tại một số
thành phố đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện do hệ thống cơ sở hạ tầng
của Venezuela thiếu sự đầu tư, bảo dưỡng.
Các bệnh viện công lâm vào tình trạng nguy ngập chết
người do thiếu điện, nước.
Những người không thể ra đi thường phải dành thời
gian nhiều ngày thậm chí nhiều tuần để tìm kiếm những loại thuốc y tế cần thiết.
Thực phẩm khan hiếm khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở
trẻ em tăng cao kỷ lục.
-------------------------------------
Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 13-01-2019
Căng
thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đang tăng lên. Washington không công
nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Maduro, vừa nhậm chức hôm 10/01, và
hôm qua 12/01/2019 công khai kêu gọi thành lập chính phủ mới.
Chủ tịch Quốc Hội Venezuela Juan Guaido trong cuộc mít tinh ngày
11/01/2019 tại Caracas. REUTERS/Manaure Quintero
Phát ngôn viên Robert Palladino của bộ Ngoại Giao Mỹ
nhấn mạnh : « Dân tộc Venezuela đáng được sống tự do trong một xã hội
dân chủ do một Nhà nước pháp quyền điều hành », đồng thời kêu gọi «
Quốc Hội và toàn thể người dân Venezuela cùng hành động ôn hòa, để thành lập một
chính phủ đúng theo Hiến Pháp và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn ».
Trước đó, đang công du Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo khẳng định « chế độ Maduro là bất hợp pháp ». Hoa Kỳ chỉ
coi Quốc Hội Venezuela là « cơ chế hợp pháp nắm quyền duy nhất, do người
dân bầu lên ». Tương tự, Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ cũng không công nhận
tính chính đáng của tổng thống Maduro, tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu hôm
20/05/2018 và bị phe đối lập tẩy chay.
Liên
Hiệp Quốc trợ giúp nhân đạo Venezuela
Ông Maduro nhậm chức nhiệm kỳ hai trong bối cảnh
kinh tế Venezuela bị khủng hoảng trầm trọng. Ngày 12/01, Liên Hiệp Quốc đã đề
xuất trợ giúp một số lĩnh vực « khẩn cấp » cho quốc gia dầu mỏ
này, bao gồm thực phẩm và y tế.
Trong buổi làm việc với ông Peter Grohmann, điều phối
viên của Liên Hiệp Quốc tại Venezuela, tổng thống Maduro « kêu gọi sự hỗ
trợ của mọi hệ thống lương thực vì đây là một trong số các vấn đề mà chúng tôi
phải đối phó trong các năm 2016, 2017 và 2018 » nhưng ông không thừa
nhận « khủng hoảng nhân đạo ». Ông Maduro cáo buộc các biện pháp trừng
phạt của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay.
Vào tháng 10/2018, tổ chức UNICEF đã viện trợ 32 triệu
đô la cho Venezuela nhằm giảm bớt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh và bảo vệ trẻ
em.
No comments:
Post a Comment