24/01/2019
Chuyện liên quan đến Hoàng Sa – một trong hai quần đảo
giữa biển Đông của Việt Nam – hóa ra vẫn nằm ngoài khả năng tưởng tượng của nhiều
người!
Tuần trước, nhiều người Việt đã dùng cả mạng xã hội
lẫn diễn đàn của các cơ quan truyền thông chính thức để tưởng niệm, bày tỏ sự
tri ân 75 người Việt hi sinh tính mạng khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại
Hoàng Sa, cách nay đúng 40 năm (19/01/1974 – 19/01/2019).
Tuy nhiên thái độ và hành động đó khiến một số người
không ưng. Vài người trong số đó không thể giấu diếm sự bực bội. Chẳng hạn ông
Hoàng Kiện, Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam,
một trong các Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ông Kiền viết hẳn một bài khá dài chỉ
nhằm khẳng định: Do nhu nhược và hèn nhát, “chính quyền ngụy Sài Gòn đã để mất
toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Thành ra theo ông Kiền, “cần lên án mạnh mẽ, vạch trần
tội lỗi” của cả chính quyền lẫn quân đội… “ngụy Sài Gòn” và “ghi vào quốc sử”.
Ông Kiền phê phán hiện tượng một số nhà sử học, nhà báo, cựu chiến binh Quân đội
nhân dân Việt Nam, không chịu tìm hiểu kỹ, nhận thức chưa đúng nên “hùa theo giọng
điệu” các đối tượng chống đối đảng CSVN. Việc ca ngợi những tử sĩ bỏ mình cách
này 40 năm là “sai lầm nghiêm trọng, cần bác bỏ”, thậm
chí “ai đòi vinh danh ‘chúng’ là phản bội tổ quốc” (1).
***
Trên thực tế, không chỉ có chính quyền và quân đội…
“ngụy Sài Gòn” để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Năm
1988, chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Cộng
hòa XHCN VN) và quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND VN) anh hùng để mất bảy bãi đá
ngầm ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga
Ven - Gaven, Gạc Ma - Johnson, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi -
Subi) vào tay Trung Quốc. Không có trận hải chiến nào, chỉ có một cuộc thảm sát
xảy ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá Gạc Ma và 64 người Việt bị giết.
Khác với chính quyền… “ngụy Sài Gòn”, dưới sự lãnh đạo
tài tình, sáng suốt của đảng CSVN, chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam làm thinh.
Sáu tuần sau ngày Trung Quốc cưỡng đoạt bảy bãi đá
ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, ông Lê Đức Anh – thời điểm ấy là Bộ trưởng
Quốc phòng – ra tận quần đảo Trường Sa để khẳng định, “nhân dân Việt Nam biết
ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc”, dù “nhất quyết bảo vệ chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ” nhưng sẽ “nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng
giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu
nghị giữa hai nước”!
Phải tới tháng 7 năm 2015, thân nhân của 64 người Việt
bị giết ở bãi đá Gạc Ma hồi tháng 3 năm 1988 mới
được khóc công khai cho chồng, cho cha, cho anh em của mình (2). Cũng tới
thời điểm đó, người Việt mới biết, mới tìm và bắt đầu hỗ trợ những người may mắn
sống sót trong đợt thảm sát ấy. Bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã chiếm của Việt
Nam trước đó 27 năm đã trở thành chuỗi căn cứ quân sự để kiểm soát toàn bộ biển
Đông.
***
Tuy mất toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hồi giữa thập niên
1970 và một phần quan trọng của quần đảo Trường Sa vào cuối thập niên 1980
nhưng đến giữa thập niên 2010, nhiều người Việt mới biết và bắt đầu nói với
nhau về Hoàng Sa, Trường Sa của họ cũng như về dã tâm của Trung Quốc.
Song cho đến bây giờ, chính quyền Cộng hòa XHCN VN
và QĐND VN anh hùng vẫn không xem việc chia sẻ thông tin, ý kiến về Hoàng Sa,
Trường Sa, dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là chính đáng. Dù thành
tâm, thiện ý đến mức nào với quốc gia, dân tộc cũng bị cáo buộc là chống đảng.
Cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là một ví dụ.
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được xem là ấn phẩm đầu
tiên hệ thống hóa những dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các
bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm
1988, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn “Gạc Ma
– Vòng tròn bất tử” có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo
tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế
Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải
quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường
trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (Đào Văn Lừng),
một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt
Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm
sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị cáo buộc là “âm mưu xét lại lịch sử, hạ
bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội, xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng”...
Cho dù chính quyền Việt Nam đã thành lập một hội đồng
cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và sau
khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản
mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) nhưng cuối cùng cuốn
sách vẫn bị… thu hồi!
***
Theo thời gian, những sự thật liên quan đến hai quần
đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, cũng như cội rễ của những biểu hiện bất thường
trong quan hệ Việt – Trung nói chung bắt đầu phát lộ từ nhiều phía, kể cả từ một
số viên chức cao cấp của đảng CSVN, chính quyền Cộng hòa XHCN VN, QĐND VN anh
hùng.
Những tác phẩm kiểu như “Hồi ức và suy nghĩ” của ông
Trần Quang Cơ (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Thứ trưởng Ngoại giao
Cộng hòa XHCN VN thập niên 1990) giúp người ta nhận ra, đảng CSVN đã đem cả vận
mệnh quốc gia, lẫn tương lai dân tộc thế chấp cho Trung Quốc để dựa vào “bình
thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện,
tuyệt đối tại Việt Nam (3).
Những cảnh báo kiểu như, phải hết sức chú ý tới “Hội
nghị Thành Đô” của ông Dương Danh Dy (từ 1977 – 1996 là Bí thư thứ nhất của Đại
sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu,
Trung Quốc), đừng để những chuyện như mất 1.500 cây số vuông khi ký Hiệp định
Phân định biên giới Việt – Trung, xảy ra thêm lần nào nữa, khiến người ta bàng
hoàng (4).
Không phải tự nhiên mà một số sĩ quan quân đội dẫu
đã nghỉ hưu như ông Hoàng Kiền, ông Nguyễn Thanh Tuấn (Trung tướng, cựu Cục trưởng
Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng), ông Khuất Biên Hòa (Đại tá,
Trợ lý của ông Lê Đức Anh),… thù hận việc tưởng niệm, tri ân các tử sĩ ở Hoàng
Sa, giận dữ trước sự ra đời của với “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”.
Quan điểm của những người như ông Kiền, ông Tuấn,
ông Hòa,… được một số người như Thanh Minh, lý giải: Không có cái gọi là lịch sử
chung chung, khách quanh chung chung. Lịch sử không đơn thuần là mô tả sự kiện
mà phải biểu đạt giá trị cơ bản của sự kiện, phải phân rõ thiện – ác – chính –
tà và “nhìn lịch sử phải dựa trên cơ sở nhân sinh quan của người làm nên lịch sử”
(5).
Đây là nhân sinh quan của ông Nguyễn Chí Vịnh, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, từng
thay mặt giới “làm nên lịch sử” để “quán triệt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”:
Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc
trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo”
và “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”,
“chi phối cách ứng xử của hai nước”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội
chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi
cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (6) .
Mỗi người Việt sẽ phải trả lời họ có chấp nhận nhân
sinh quan này như kim chỉ nam cho chính họ cũng như cho con cháu của họ hay
không.
---------------------
Chú
thích
No comments:
Post a Comment