Thứ Tư, 01/16/2019 - 11:30 — tuankhanh
Không cần quá lâu sau sự kiện cưỡng chiếm kinh hoàng
ở vườn rau Lộc Hưng đầu tháng 1/2019, khi quyền sở hữu đất của người dân tại
đây gồm các giấy tờ, bằng chứng… được tung ra, thì không còn ai có thể tiếp tục
nói về chuyện “đất công” – vốn là ngôn luận chính của phía nhà cầm quyền trong
thời gian qua.
Thậm chí, về vấn đề “xây cất trái phép” mà nhà cầm
quyền Quận Tân Bình vội loan đi sau đó, mọi thứ đã được làm rõ trong thư minh định
với chữ ký của Tổng đại diện TGP Sài Gòn, linh mục Huỳnh Công Minh gửi cho
chính quyền cấp thành phố từ năm 2009. Văn bản dài 8 trang này cũng vạch rõ những
khó khăn mà nhà cầm quyền cố tình tạo ra, gài bẫy nhằm đưa người dân ở vườn rau
Lộc Hưng phải rơi vào thế bất hợp pháp.
Điều ấm áp nhất, là chuyện xảy ra với một số gia
đình người di cư từ Bắc vào Nam từ năm 1954, phần lớn là người Công giáo, đã được
Hội đồng Liên tôn Việt Nam tổ chức đến tìm hiểu, ủy lạo. Bất chấp những vị chức
sắc của Hội đồng Liên Tôn là những cao niên và hành động ôn hòa, việc cản trở
và gây khó đã diễn ra từ phía các lực lượng đang bao vây vườn rau Lộc Hưng vào
ngày 14/1/2019.
Ngay sau cuộc thăm viếng, cùng với những tin tức diễn
ra xung quanh sự kiện vườn rau Lộc Hưng, hòa thượng Thích Không Tánh đã nói đôi
điều suy nghĩ của ngài về những gì nhìn thấy.
------------------
Thưa thầy, cuộc viếng thăm mới đây ở vườn rau Lộc
Hưng, đã cho thầy những suy nghĩ gì?
- Trước bối cảnh bà con
dân oan, vốn đã may mắn có được một chỗ nương tựa lâu nay, ấy vậy mà mà nhà cầm
quyền nỡ lòng nào tước đoạt đất đai, sự sống của họ như vậy. Làm như vậy là vô
cùng tàn ác. Thật lòng trong cuộc sống của mình, tôi chưa thấy cái chế độ nào
như vậy.
Trước đây, nhà cầm quyền
nói đất này là đất công, tức đất của họ. Nhưng nay khi người dân ở đây trưng bằng
chứng ra thì rõ là mọi thứ không phải vậy. Những người dân này mất hết mọi thứ
khi vô Nam, được giao đất đai để mưu sinh, và bình an qua thời Pháp đến hai ba
đời của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, sao đến lúc này lại cướp của họ?
Thật đau lòng. Đối với một
con vật, có cái tổ cái hang, làm người có tính từ bi không ai nỡ và phá nát hay
đào xới ngang nhiên như vậy. Tôi hoàn toàn không thể hiểu được. Vì sao nói là
chính quyền của nhân dân mà lại không có những cuộc họp để bàn thảo, giải quyết
cho người ta con đường sống? Sao lại có một tâm tưởng muốn diệt tận người dân
như vậy, và cố ý làm ngay sát Tết Nguyên Đán để mọi người hoảng loạn, không ai
còn sức phản đối.
Chuyện này chắc đã có sự
đồng ý của lãnh đạo từ cấp dưới đến cấp trên, và nếu chủ trương như vậy, họ
lãnh đạo nhân dân để làm chi? Lãnh đạo nhân dân để nhìn mọi thứ tan tác, đau khổ
vậy sao. Tại sao chính quyền luôn kêu gọi một sự phát triển văn minh, tiến bộ
nhưng lại gìn giữ những tư tưởng lạc hậu, tiểu nhân với con người. Vậy thì làm
sao để có một ánh sáng cho tương lai của dân tộc được?
Trong những lúc người dân vườn rau Lộc Hưng khó
khăn, đã có nhưng luận điệu nói rằng những người sống ở đó là không tốt nên
không nên đứng về phía họ. Thậm chí ngay trong giới Công giáo cũng có lời như vậy.
Rồi ngay sau khi Hội đồng Liên Tôn đến thăm các nạn nhân ở vườn rau Lộc Hưng,
có ý kiến nói rằng đây là chuyện của một nhóm giáo dân Công giáo, người tôn
giáo khác không nên tham gia. Thầy nghĩ sao về chuyện này?
- Những tư tưởng kỳ thị
chia rẽ như vậy, không có giá trị trong thế giới rộng mở và nhân ái hôm nay. Mỗi
con người đều có sự liên đới với nhau, tương tác với nhau. Chuyện tạo ra sự
phân biệt để kỳ thị Phật giáo – Công giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác cũng chỉ
là âm mưu để làm chậm lại sự phát triển của đất nuớc và tình đoàn kết của con
người. Nỗi đau của một Phật tử hay của một giáo dân Công giáo đều có chung sự
liên hệ là nỗi đau của con người, mà ở đây là người Việt.
Tinh thần của Phật giáo
là bao dung, vị tha, vô ngã. Vì sự khổ đau của chúng sanh mà đạo Phật ra đời để
cứu độ muôn loài. Nên sao lại có thể ngồi ở vị trí chức sắc tôn giáo này rồi chỉ
trích, bôi xấu tôn giáo khác? Phật không ở trong những ngôi chùa lộng lẫy, vĩ đại.
Phật ở bên cạnh sự khốn khổ của con người và không phân biệt. Đức Phật không đợi
đệ tử của mình có tuổi Đảng hay có huân chương, rồi tự ngợi ca mình, chỉ trích
tôn giáo khác. Đó chỉ là nghiệp chướng. Tất cả những thứ đó hoàn toàn không phải
là di huấn của Đức Phật để lại.
Là một đệ tử của Phật,
tôi xin hết lòng cầu nguyện cho những nạn nhân đau khổ của vườn rau Lộc Hưng. Với
trái tim từ bi, chúng ta không thể nào dửng dưng trước đồng loại đang nguy nan,
hay nói rõ hơn là của quý bà con tôn giáo bạn như vậy. Mong rằng họ sẽ vững
tinh thần, sớm vượt qua được tai nạn lớn lao này.
Hiện nay, dù giấy tờ và bằng chứng hiện rõ, nhưng
dường như phía nhà cầm quyền vẫn lấn tới. Mới đây có tin công an Quận Tân Bình
khởi tố 20 người vì chống lại việc đập phá nhà cửa, tài sản của người dân tại
vườn rau Lộc Hưng. Thầy nghĩ gì về điều này?
- Nếu họ cứ làm vậy thì
ngày càng lún sâu vào tội ác. Và đồng thời hành động đó sẽ là một minh chứng rõ
về bản chất chế độ cho tất cả mọi người đều thấy. Hành động như vậy sẽ không có
chỗ đứng trong thế giới văn minh nhân bản. Cường quyền và bạo lực chỉ có thể
chiếm ưu thế tạm thời, lịch sử đã lưu lại biết bao điều như vậy.
Hồi nhỏ, tôi có đọc nhà
văn William Faulkner, ông nói ý như vầy “khi ta nghe tiếng chuông gọi hồn của một
ai đó, thì đừng nghĩ rằng đó chuông gọi hồn cho riêng một người, mà có thể là gọi
hồn cho chính bản thân chúng ta” (*). Chuyện của vườn rau Lộc Hưng, tôi nghĩ nó
như một tiếng chuông gọi đến cả tương lai đất nước. Tôi thật sự đau buồn khi chứng
kiến mọi thứ tan hoang. Đừng nghĩ chuyện vườn rau Lộc Hưng là của riêng một
nhóm giáo dân hay của một khu đất đang tranh chấp với chính quyền. Mà đó
là câu chuyện để nhìn, để nghĩ cho chính bản thân chúng ta về cuộc sống hôm
nay.
Tôi nhớ lại những câu
chuyện thời Pháp thuộc, dù là đô hộ, họ cũng phải đến chuyện an dân. Nhưng hôm
nay, chế độ này lại đi cướp lại đất và cuộc sống của con người có được từ thời
đó. Văn hóa bao dung, đạo đức của người Việt nay ở đâu? Tôi mong chờ được thấy
điều đó nơi những người cầm quyền.
----------
(*) Nguyên văn
câu nói này thuộc về tác phẩm Chuông Nguyện Hồn Ai của nhà văn Ernest
Hemingway. Hòa thượng Thích Không Tánh có thể nhớ nhầm trong lúc trò chuyện
nhanh, Nhưng vì tôn trọng nguyên văn trong băng ghi âm, nên người phỏng vấn vẫn
giữ lại.
No comments:
Post a Comment