Thắng Đỗ
Gửi
tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ
19/1/2019
Sự
kiện một cá nhân như ông Donald Trump trở thành Tổng Thống Mỹ sau khi thắng số
phiếu đại cử tri (tuy thua tới hơn 3 triệu số phiếu đại chúng) chưa có tiền lệ
trong lịch sử Hoa Kỳ.
Một thương gia không mảy may kinh nghiệm lãnh đạo với
chủ trương bài di dân và thói quen sử dụng ngôn ngữ thô tục và xúc phạm, trở
thành người lèo lái siêu cường số một của thế giới.
Không những thế, đây là một nhân vật đầy rẫy các
xì-căng-đan, từ đời sống cá nhân bê bối cho đến các sinh hoạt thương mại thiếu
minh bạch.
Ông Trump đã từng lập ra "Trump
University" sau bị đóng cửa và còn phải đền
25 triệu đôla cho những sinh viên bị lừa, đã từng khai
phá sản bốn lần và quỵt nhiều chủ nợ, cũng như tạo ra quỹ từ thiện
dưới tên mình để thu hút tiền của những người nhẹ dạ (Trump Foundation, vừa bị
tiểu bang New York đóng cửa do sử dụng tiền quỹ vào việc riêng của
ông Trump).
Không chỉ người Mỹ, mà người dân ở nhiều quốc gia
khác cũng lo ngại: Nước Mỹ đang đi về đâu? Nước Mỹ có còn là một cường quốc
đáng tin cậy nữa không? Nước Mỹ đang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí
Phát-xít? Có gì mờ ám trong quan hệ của Tổng Thống Trump và Putin không?
Những biến chuyển gần đây
Trong vài tuần nay, các diễn biến thời sự cho le lói
hy vọng là các lo ngại trên sẽ được giải quyết trong một thời gian không xa. Vở
tuồng chính trị mà ông Donald Trump đóng vai chính dường như đang đến hồi kết,
ít ra chúng ta có thể mong thế. Hệ thống lập pháp, tư pháp, truyền thông và xã
hội dân sự của một quốc gia dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ đã bắt đầu chứng tỏ có
khả năng kiểm soát sự thao túng và lạm quyền của người lãnh đạo hành pháp.
Khởi đầu là
cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, khi Đảng Dân chủ thắng Hạ viện một
cách quyết liệt với hơn 10 triệu lá phiếu. Cử tri toàn quốc đã biểu lộ ý muốn
thay đổi đường hướng mà chính quyền Trump theo đuổi trong hai năm trước đó.
Do chiếm được đa số, đảng đối lập đã nắm tất cả các ủy
ban của viện này, với khả năng điều tra đến nơi đến chốn các tội phạm của ông
Trump và bè phái mà Quốc hội dưới quyền của Đảng Cộng hòa trước đó đã bao che.
Cuộc điều tra của Hạ viện có thể còn gay gắt và hữu hiệu hơn cả của Công Tố
Viên Đặc Biệt Mueller, do họ có khả năng kiểm soát ngân sách và bổ định nhân sự
cần thiết.
Về phía Bộ Tư Pháp, ông Mueller đã cho sa lưới nhiều
nhân vật quan trọng có thời rất thân cận với Tổng thống Trump và hiểu biết tường
tận các sinh hoạt hậu trường: Michael Cohen, cựu luật sư riêng, phải đi
tù do vi phạm luật tranh cử khi che giấu việc trả tiền cho các phụ nữ để che đậy
quan hệ của họ với ứng cử viên tổng thống; Paul Manafort, người từng quản
lý cuộc tranh cử của ông Trump cũng đi tù do che giấu quan hệ bất hợp pháp với
các chính phủ nước ngoài như Ukraine và Nga. Những người này, cùng với gần 20
nhân vật đã cộng tác mật thiết với ông Trump và bị kết án như Michael Flynn,
Rick Gates và George Papadopoulos, đã khai gì với ông Mueller? Còn ai nữa sẽ
bị bắt? Ông Mueller đang từ từ thắt chặt vòng dây thừng và tới lúc nào đó, có
khả năng xiết luôn cả Tổng Thống?
Mặt khác, hầu hết các nhân vật tương đối độc lập
trong nội các Trump dần dần đều tự ý rút lui do không chấp nhận được chính sách
liều lĩnh khó hiểu của Tổng thống. Gần đây nhất là Tướng Jim Mattis đã từ
chức vì không đồng ý với quyết định rút vội vã khỏi mặt trận Syria.
Theo Tướng Mattis, lệnh này gây thiệt hai cho vị trí
địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông, vì nó giúp Nga và Iran củng cố thế lực của họ
trong vùng. Nó cũng làm Mỹ mất uy tín vì bỏ rơi quân đội người Kurds, một đồng
minh đã cùng Mỹ chiến đấu trong nhiều năm chống nhóm khủng bố ISIS và chính phủ
độc tài của Tổng Thống Assad. Người Việt tị nạn không thể không liên tưởng đến
việc Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, dẫn đến biến cố 1975 và thảm kịch thuyền nhân
sau đó.
Trừ một thiểu số trung thành, ngoài ra đa số người Mỹ
dường như không ủng hộ kết quả cuộc bầu cử năm 2016.
Trong cuộc thăm dò ngay sau cuộc bầu cử năm
2018, Đài
CBS cho biết khoảng 60 phần trăm cử tri nghĩ rằng nước Mỹ đang đi
sai hướng và cần thay đổi; 54% phần trăm đánh giá thấp khả năng của ông Trump;
Các con số này còn bất lợi cho ông Trump hơn nữa với giới cử tri phụ nữ, trẻ tuổi,
học thức (có bằng đại học trở lên), hay da màu.
Gần đây nhất, Tổng thống Trump cho đóng cửa chính phủ
để áp lực đòi Hạ Viện Dân Chủ chấp thuận ngân quỹ 5,7 tỉ đôla để xây bức tường
biên giới. Chính Fox
News, cơ quan truyền thông luôn luôn ủng hộ ông Trump triệt để, đã cho
biết kết quả thăm dò của họ: 63% cử tri đồng ý với Đảng Dân chủ rằng cần mở cửa
chính phủ trở lại, và chỉ có 30% không đồng ý. Cũng con số 63% này phản đối
phương cách của ông Trump dùng chính phủ làm con tin để có được ngân quỹ xây tường.
Các con số này đi sát với tỉ lệ chống và bênh ông Trump qua các cuộc thăm dò
khác.
Tóm lại, giới quan sát cho rằng xác suất ông Trump mất
ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tới vào năm 2020 không nhỏ, nếu như ông không
bị Quốc hội truất phế trước đó. Xác suất ông bị truất phế không thể bị loại ra,
nếu các cuộc điều tra chứng minh một cách cụ thể rằng ông Trump đã phạm tội.
Ông Trump sẽ để lại di sản gì sau bốn năm tại chức?
Xét một cách khách quan nhất có thể, nước Mỹ và thế
giới đã và sẽ còn bị tổn hại nhiều do chính sách ông Trump theo đuổi. Chúng ta
có thể liệt kê những tổn hại chính như sau:
Nước Mỹ
bị chia rẽ trầm trọng
Có lẽ từ sau cuộc nội chiến đến giờ, nước Mỹ chưa
khi nào chia rẽ như trong hai năm nay.
Chiêu bài kỳ thị chủng tộc mà ông Trump xướng lên:
người đạo Hồi toàn là khủng bố, người Mexican là lũ hiếp dâm, các xứ sở da đen
Phi Châu là các hố phân, trong khi bào chữa cho, thậm chí khen ngợi các nhóm
người da trắng độc tôn, đã gây 'sốc' cho người dân khắp nơi.
Ông Trump tạo nên một nước Mỹ của "ta và
nó", nếu không là bạn thì là kẻ thù không thể thỏa hiệp, với một cái rãnh
sâu ngăn cách hai bên. Ông miệt thị hầu hết tất cả mọi giới, từ phụ nữ đến người
da màu, và bất cứ ai không hoàn toàn ủng hộ ông một cách tuyệt đối. Hình ảnh của
nước Mỹ trước thế giới chưa bao giờ đã xuống cấp như hiện nay.
Đâu là
sự thật ở thời đại Trump?
Chưa bao giờ sự dối trá, giả dối lại tràn lan như dưới
thời đại Trump.
Nhiều cơ quan truyền thông đã làm thống kê thành
tích nói dối kỷ lục của Tổng thống. Vào tháng 5, năm 2018, tờ Washington
Post đã đếm được là ông Trump đã nói dối 3.000 lần sau 466 ngày giữ
chức vụ nguyên thủ, trung bình là 6,5 lần mỗi ngày. Ít người làm chính trị nào
nói thật 100 phần trăm, nhưng ông Trump dễ dàng đạt quán quân và bỏ xa các
chính khách khác trong khoản này.
Cụm từ 'fake news' (tin giả) trở nên phổ biến từ khi
ông ra tranh cử. Trên mạng xã hội tràn lan các tin giả được rất nhiều người
tin. Theo điều tra của FBI và các cơ quan truyền thông, chủ mưu chính loan tin
thất thiệt trên mạng xã hội là tình báo Nga, với mục đích lũng đoạn cuộc bầu cử
Mỹ và giúp cho ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.
Các cơ quan truyền thông uy tín từ lâu đời, như các
tờ New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, và các đài CNN, NPR,
BBC, đều bị ông Trump và giới ủng hộ ông quy là 'truyền thông tả phái' hay thậm
chí 'kẻ thù của nhân dân', vì họ đăng những tin bất lợi cho ông.
Sự thật có quan trọng không?
Trong một thể chế dân chủ, người dân cần biết sự thật
để thi hành nghĩa vụ công dân, như đi bầu. Sự dối trá có lợi cho các chế độ độc
tài cộng sản hoặc phát-xít, nhưng nó đi ngược lại với quy ước của một xã hội
dân chủ. Ít phương pháp nào gây tổn hại cho nước Mỹ hữu hiệu hơn là làm mất niềm
tin vào truyền thông và chính phủ. Khi hoang mang, người ta dễ bám víu vào các
tin giả và vô hình trung trở thành nạn nhân của âm mưu tuyên truyền.
Uy tín
của nước Mỹ xuống cấp
Sức mạnh của nước Mỹ trong một thế kỷ nay là đã tạo
được uy tín để lãnh đạo một mạng lưới đồng minh chặt chẽ, chống lại phe độc tài
đại diện bởi Nga và Trung Quốc. Chính phủ Trump đã đơn phương hủy và không tôn
trọng các hiệp ước các vị tiền nhiệm đã ký như TPP, Nafta và Hiệp Ước Khí Hậu
Paris.
Rút khỏi TPP - Hiệp Định Châu Á Thái Bình Dương - là
món quà vô giá cho Trung Quốc, vì một mục đính chính của hiệp định này là xây dựng
một hệ thống đồng minh bao vây kinh tế Trung Quốc. Quyết định rút lui của Tổng
Thống Trump hầu như không được sự hậu thuẫn của bất cứ chính khách nào, Dân chủ
hay Cộng hòa, và chưa ai có thể thật sự giải thích được.
Sự khôi
phục của nước Nga
Trước nhiệm kỳ của ông Trump, Nga đã bị suy yếu nhiều
do giá dầu hỏa tuột dốc, và sau khi Nga xâm lăng Ukraine, thế giới đã phong tỏa
kinh tế Nga và một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.
Thái độ cực
kỳ thân thiện của ông Trump với nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga
là điều rất khó hiểu.
Putin là chính khách duy nhất, trong và ngoài nước Mỹ,
mà ông Trump không tiếc lời ca ngợi: "Putin xuất sắc qua mặt nước Mỹ"
(trả lời phỏng vấn vào ngày 10 tháng 3, 2013 và 10 tháng 2, 2014). Ông khen
Putin là nhà lãnh đạo tài giỏi, bào chữa cho việc Putin xâm lăng Ukraine và thủ
tiêu nhà báo (trả lời phỏng vấn vào ngày 18 tháng 12, 2015). Ông công khai kêu
gọi tình báo Nga xâm nhập vào hệ thống email của đối thủ Hillary Clinton. Vừa
nhậm chức, ông lập tức tìm cách hủy cấm vận đối với Nga, nhưng không thành do bị
các quan chức chính phủ và Quốc Hội phản đối.
Khi tranh cử, ông Trump đã chối mình không có bất cứ
quan hệ nào với Putin, tuy trước đó ông đã nhiều lần công khai khoe gặp gỡ và
quen biết Tổng Thống Nga. Mới đây nhất, theo tờ Washington Post, ông Trump đã tịch
thu tất cả giấy tờ ghi chép của nhân viên thông dịch sau các buổi họp tay đôi
giữa ông và Putin để không ai khác biết hai người đã trao đổi những gì.
Chính sách dễ dãi và thân thiện của ông Trump đã cho
phép nước Nga trỗi dậy và trở thành một thế lực đáng kể ở Trung Đông cũng như
đe dọa trở lại Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO (ông Trump cũng dọa rút ra
khỏi tổ chức này).
Nợ công
khổng lồ gây suy thoái kinh tế
Cuộc giảm thuế lớn nhất lịch sử Mỹ do ông Trump và đảng
Cộng hòa thông qua năm 2018 đã tạo ra thâm thủng ngân quỹ và một món nợ công vĩ
đại.
Cùng lúc, ông Trump khởi xướng chiến tranh mậu dịch
với Trung Quốc và vài quốc gia khác, hành động mà các nhà kinh tế đều cho rằng
sẽ đưa đến tổn hại cho
cả hai bên.
Vài tuần trước, ông cho đóng cửa chính phủ để áp lực
Quốc Hội cung cấp ngân quỹ xây bức tường biên giới, tạo tình trạng bế tắc đến
nay vẫn chưa giải quyết được.
Tất cả các việc này đã và đang gây ra hậu qủa xấu
nghiêm trọng: tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị khựng lại; thị trường chứng
khoán tuộc dốc; tiền lời tiếp tục tăng trong khi thâm thủng với Trung Quốc trở
lại mức kỷ lục. Các công ty Mỹ như Apple đã dự báo một tương lai đen tối sắp tới
cho kinh doanh của họ.
Bảo vệ
môi trường cho các thế hệ con em
Biến đổi khí hậu là một nguy cơ rất thật, đe dọa đến
sự sống khắp nơi trên thế giới, không phân biệt biên giới quốc gia.
Nhiệt độ trái đất đang tăng dần lên. Các tảng băng của
hai cực địa cầu đã và sẽ tan, nâng cao mặt biển và làm cho nhiều vùng đất gần
biển bị ngập nước. Các trận bão ngày một lớn và thất thường như chúng ta đã chứng
kiến trong những năm gần đây.
Nước Mỹ, cũng như tất cả các quốc gia khác, đều có
nhiệm vụ phải ngưng sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu hỏa và than đá để
giảm bớt khí thải. Quyết định vô trách nhiệm của ông Trump khi rút khỏi Hiệp Định
Khí Hậu Paris để lại một di sản rất xấu cho các thế hệ con em.
Chúng ta cần hy vọng rằng câu nói được gán cho vua
Louis XV của Pháp "sau tôi, sẽ là trận đại hồng thủy" (Après moi, le
deluge - có thể hiểu là sau tôi, đại họa sẽ xảy ra) sẽ không áp dụng cho ông
Trump.
Đa số người Mỹ, kể cả nhiều người gốc Việt, hiểu rõ
cái hố sâu chúng ta đã tự đào cho mình trong hai năm nay, và đã tham gia vào
các sinh hoạt cộng đồng và chính trị để tạo thay đổi. Sau ông Trump, chúng ta cần
chung sức nỗ lực để đảo ngược các nguy hại thời đại Trump đã tạo ra và xây dựng
trở lại một nước Mỹ và thế giới an bình cho mọi người.
----------------
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thắng
Đỗ một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên
của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ.
BBC đón nhận và sẽ đăng tải các bài nêu quan điểm ủng hộ đảng Cộng
hoà, mời các bạn đón đọc.
Độc giả muốn chia sẻ quan điểm của mình, xin liên lạc
với BBC: vietnamese@bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment