Phạm
Chí Dũng - VNTB
24-1-2019
Tin
sốc!
Từ cuối tuần trước đã hé lộ một vài tin tức về khả
năng Hội đồng châu Âu, dù phải chịu sức ép không nhỏ của một nhóm nghị sĩ và
phía sau đó là những doanh nghiệp châu Âu đốc thúc cơ quan này phải
nhanh chóng phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu
Âu), vẫn ra quyết định hoãn lại việc phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh
‘nhân quyền trên hết’ - điều kiện cần của Nghị viện châu Âu - cho tới nay đã
hoàn toàn bị chính thể độc trị ở Việt Nam phớt lờ.
Đến ngày 21/1/2019, đã có tin chính thức về quyết định
hoãn EVFTA trên.
Theo Thoibao.de, bà Jude Kirton-Darling, nghị sĩ Quốc
hội châu Âu và là thành viên của Ủy ban về Thương mại quốc tế của Quốc hội EU,
cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn lại việc phê chuẩn EVFTA vì lý do „kỹ
thuật“.
Mặc dù lý do chính thức được nêu ra là „kỹ thuật“,
nhưng bà nghị sĩ Jude Kirton-Darling đánh giá rằng mối quan hệ EU – Việt Nam thực
sự là quan trọng, nhưng phải có sự tiến bộ về nhân quyền. Nhưng chúng tôi đã tự
hỏi mình: Việc trì hoãn này có thể xảy ra không nếu phía VN đã thúc đẩy cải thiện
vấn đề nhân quyền?
Ngày 21/01/2019, Đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã
đề cập với phái đoàn VN tại LHQ về việc hoãn lại Hiệp định Thương mại tự do EU
– Việt Nam vì EU yêu cầu Việt Nam cải thiện về nhân quyền nhưng không được Việt
Nam đáp ứng.
Sau
đây là bản dịch từ bản nghi chép từ Video về nội dung mà đại diện EU đề cập với
phái đoàn VN tại LHQ ngày 21/01/2019:
– Mối quan hệ với VN cực kì quan trọng đối với chúng
tôi, và bản Hiệp định thương mại sắp tới là 1 tín hiệu tốt. Chúng tôi muốn
thương mại công bằng, Nhân quyền và các chương bền vững phải được tuân thủ trong
các bản thỏa thuận đó.
– Nhưng vẫn có những trở ngại lớn – đó là tình huống
về Nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền là giá trị cốt lõi của EU và nó là dòng chảy
liên tục trong tất cả các mối quan hệ thương mại của chúng tôi.
– Tự do Tôn giáo không được tôn trong, ví dụ như Sư
thầy Thích Quảng Độ 90 tuổi vẫn bị giam lỏng.
– Tình hình của VN rất là quan ngại. Riêng tháng
này, luật An ninh mạng đi vào hiệu lực đưa ra những quy định khiến giới hạn hơn
nữa quyền tự do phát biểu. RFA hãng thông tin độc lập đưa tin về việc thu hồi đất
quy mô lớn diễn ra ở TPHCM. Và vẫn có hơn 100 tù nhân chính trị còn trong tù
hay bị giam lỏng khi họ thực quyền căn bản của mình.
– Trong suốt buổi tranh luận, chúng tôi đã yêu cầu
VN cải thiện nhưng không có phản hồi thích đáng. Ủy viên Maelstrom đang hết sức
thuyết phục VN tham gia và đi đúng hướng.
– Hiện thời, Hội đồng liên minh Âu châu đã hoãn lại
sự phê chuẩn bản hiệp định thương mại EU-VN, đáng lẽ diễn ra vào tháng tới, cho
rằng với lý do kỹ thuật. Nhưng chúng tôi đã tự hỏi mình: Việc trì hoãn này có
thể xảy ra không nếu phía VN đã thúc đẩy cải thiện vấn đề nhân quyền?
– Sự trì hoãn này mở ra cơ hội xem xét tình hình 1
cách nghiêm túc và đạt được nền tảng nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi đối với
bản Hiệp định ở Nghị viện Châu Âu.
– Nếu mọi thứ còn tồn đọng không được thay đổi thì
khó mà đạt được sự phê chuẩn Hiệp định trong nhiệm kỳ Quốc hội EU kế tiếp.
(Bản dịch của Ann Đỗ)
Bản Anh ngữ
Theo lịch trình dự kiến trước đây mà chính phủ Việt
Nam đặt rất nhiều hy vọng và hết sức nỗ lực thúc đẩy, Hiệp định EVFTA có thể sẽ
được Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét phê chuẩn vào tháng Hai năm 2019. Tiếp
đó, vào tháng Ba, hiệp định này sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để thông qua.
Việt
Nam được quốc tế ‘đánh giá cao’ về nhân quyền như thế nào?
Một trùng hợp rất đáng chú ý là quyết định hoãn
EVFTA của Hội đồng châu Âu diễn ra cùng với sự kiện chính thể Việt Nam phải điều
trần Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Ngay sau đó, báo Công An Nhân Dân - cơ quan ngôn luận
của bộ Côn gan, bộ đã trở nên nởi tiếng với thành tích đàn áp khốc liệt và dã
man quyền làm người ở Việt Nam - đã ‘tự sướng’ với tiêu đề một bài báo ‘Quốc tế
đánh giá cao nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam’.
Nhưng đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho
lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá
nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành
viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp
truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ
mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết
Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra
quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân
biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số
trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại
quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng
lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm
quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn
ba chục người hoạt động nhân quyền, chủ yếu thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội Anh
Em Dân Chủ - một hội đoàn độc lập đã giúp cho người dân các tỉnh miền Trung
cách thức phản đối thảm họa xả thải của Formosa và chống lại sự bao che lộ liễu
của giới quan chức trung ương. Chiến dịch đó tuy có thuyên giảm đôi chút do bị
cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng cái đuôi của
nó vẫn còn ngắc ngoải đà bắt bớ chưa hề muốn dừng lại đối với giới đấu tranh
dân chủ nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp
nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng
độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt
Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối
với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng
nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Đúng vào khoảng thời gian chính quyền Việt Nam đệ
trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do
tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ
Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không
thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách
nhiễu, hành hung và đấu tố…
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp trên chính là
nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15/11/2018, gần một
tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban
châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết
EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), Nghị viện
châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản
nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam
mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP)
giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt
Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do
biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền,
không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức
nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở châu Âu. Rõ ràng là tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng ghê gớm của
chính thể độc đảng ở Việt Nam, cộng hưởng với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay
tại Berlin, đã khiến phát sinh hiệu ứng nước tràn ly và nhiều chính phủ đã phải
bày tỏ thái độ phản ứng trực tiếp với sự trơ tráo của Hà Nội.
Mới đây, Đảng Xanh (Bündnis 90 /
Grünen) - một trong những chính đảng chiếm vai trò quan trọng trong
Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức - vừa phát ra một ‘tối hậu thư’ liên quan đến số
phận chơi vơi của EVFTA. Đảng Xanh đã đưa ra kiến nghị trước Quốc hội Liên
bang Đức yêu cầu đàm phán lại EVFTA và từ chối Hiệp định bảo vệ đầu tư (Hiệp định
Bảo hộ đầu tư được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây, thành một hiệp định
riêng), vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại.
Trong số 3 khuyến nghị của đảng Xanh, khuyến nghị thứ
ba trùng khớp rất cao về nội dung với một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng
châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự
trong và ngoài Việt Nam; cũng trùng khớp cao với nội dung mà bản nghị quyết về
nhân quyền của Nghị viện châu Âu phát ra vào giữa tháng 11 năm 2018 đối với Việt
Nam.
Khuyến nghị
thứ ba của đảng Xanh yêu cầu Quốc hội Liên bang yêu cầu Chính phủ Liên
bang tác động:
· Việt
Nam phê chuẩn và thực hiện các Công ước ILO số 87, 98 và 105.
· để
tất cả những người bảo vệ nhân quyền mà đang bị cầm tù hoặc quản chế tại gia được
trả tự do (đặc biệt là những người được nêu tên trong tuyên bố của
32 nghị sĩ Quốc hội châu Âu vào ngày 17/9/2018).
· Chính
phủ Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập.
· một
lệnh hoãn thi hành hình phạt tử hình được đưa ra".
Nhân
quyền trên hết!
Quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng
chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem
là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này
là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền
của Nghị viện châu Âu.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật
câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo
cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia
vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể
Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến
cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Giờ đây, nhân quyền trên hết!
Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp
đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực
tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui
vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.
Và nếu những kẻ đó vẫn chỉ biết ăn mà không biết
làm, thậm chí quốc hội mới của châu Âu sau tháng 5 năm 2019 cũng sẽ không tái
xem xét hiệp định này cho những kẻ chỉ biết đàn áp đồng bào của mình.
No comments:
Post a Comment