Tuesday, January 8, 2019

BẢN TIN NGÀY 8-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




08/01/2019

Tin Biển Đông

Sáng 7/1/2019, tàu chiến Mỹ áp sát 3 đảo ở Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc, theo Zing. Rachel McMarr, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương, xác nhận rằng, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS McCampell đã tiến hành sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và đã tiến vào phạm vi 12 hải lý của các đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bà McMarr nói thêm: “Mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”.
RFA đặt câu hỏi: Hoa Kỳ tăng cường tuần tra Biển Đông giúp gì cho Việt Nam? Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định: “Việt Nam gần đây gần như đơn độc trong việc có một tiếng nói riêng ở khu vực Biển Đông. Trước đây Philippines có tiếng nói mạnh mẽ ở Biển Đông thì gần đây Tổng thống Duterte lại muốn hướng về Trung Quốc nên có hòa hoãn hơn. Cho nên Việt Nam cần một đồng minh tự nhiên, không phải là đồng minh ký kết”.

RFI đặt câu hỏi, 2019 : Hải quân phương Tây dồn về Biển Đông, Việt Nam được lợi gì? Không chỉ Hoa Kỳ thường xuyên điều tàu chiến đến Biển Đông, lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến II, Nhật Bản điều tàu ngầm xuống Biển Đông vào giữa tháng 09/2018. Pháp, Anh cũng điều tàu đến tuần tra Biển Đông.

Ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne, nhận định: “Điều này có lợi cho quốc phòng của Việt Nam, vì Trung Quốc buộc phải tập trung nhiều hơn vào sự hiện của hải quân các nước nằm ngoài khu vực”.



Vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên cho biết: Chính quyền chơi trò bẩn, dùng loa phóng thanh công suất lớn để át tiếng cầu kinh của bà con dân oan Vườn rau Lộc Hưng. Mời xem clip:

Facebooker Mai Trung Chinh đưa tin hôm qua: “Biểu ngữ giăng đầy dọc đường Hưng Hóa (Hưng Hóa là tên Địa Phận, cũng là dân di cư Sơn Tây), quanh đài Đức Mẹ và dân túc trực quanh khu Vườn Rau, đề phòng lấn tiếp. Lẫn với tiếng loa phường lải nhải yêu cầu trật tự suốt ngày. Biểu ngữ dân oan có cả tiếng Anh, để share lên với quốc tế“. Hình ảnh từ Facebooker Mai Trung Chinh:

Chính quyền thông báo tiếp tục cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng, theo VOA. Người dân địa phương kể với VOA, “qua loa phát thanh công suất lớn, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, TPHCM, thông báo sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những ngôi nhà còn lại” trong khu “xóm đạo” Vườn rau Lộc Hưng, sau đợt cưỡng chế lần đầu tiên ngày 4/1, bất chấp sự phản đối của người dân.

Một người dân cho biết: “Nhà nước đang triệt đường sống của chúng tôi. Đầu tiên, họ công bố quy hoạch. Chúng tôi đi tìm công lý không được. Rồi các đường cống thoát nước xung quanh thì họ không moi móc, cải thiện, cố tình để nước ở các nơi chảy vào vườn rau chúng tôi, gây ngập lụt”.

Vụ cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Nguồn: VOA

BBC có bài: Ý kiến một luật sư về vụ Vườn rau Lộc Hưng. LS Phùng Thanh Sơn bình luận: “Theo tôi thì chính quyền chỉ rút kinh nghiệm nhằm để đối phó hiệu quả với người dân và thu hồi trót lọt khu đất chứ không phải rút kinh nghiệm để tìm ra bài học để an dân hay kiến nghị cấp có thẩm quyền thay đổi chính sách đất đai đang rất bất cập hiện nay”.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nhận định: “Hiện tại, tôi cảm nhận được rằng người dân ở đây rất đông và phản ứng rất cương quyết để giữ nhà cửa, tài sản mà gia đình họ đã gầy dựng từ năm 1954 đến nay”. Ông Lâm đặt câu hỏi rằng nếu chính quyền cho rằng việc cưỡng chế là đúng thì tại sao hầu như không có tờ báo “lề đảng” nào đưa tin về vụ này?

Linh mục Giuse Ngô Văn Kha viết: Vườn Rau Lộc Hưng, “một cái tên” trong lịch sử? Trong bài có đoạn: “Những người dân ở Vườn Rau Lộc Hưng hiện đang ở trong tình trạng nguy nan, đời sống bị đe dọa, một tương lai bất ổn đang chờ đón. Cảnh hoang tàn của những ngôi nhà hôm qua sẽ còn tiếp diễn cho đến khi nào nhà cầm quyền này biến Vườn Rau Lộc Hưng chỉ còn là ‘một cái tên’ trong lịch sử”.


Chiến dịch “đốt lò” đầu năm mới

VOV dẫn lời Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng: Cương quyết xử lý tiêu cực là nâng cao uy tín quân đội. Phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương sáng 7/1/2019, ông Trọng nói: “Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần xử lý kiên quyết, dứt điểm, quyết liệt hơn những tồn tại, hạn chế, nhất là những vụ việc tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng”.

Đây có lẽ là tín hiệu cho thấy chiến dịch “đốt lò” sẽ tiếp tục trong năm 2019 và lửa sẽ cháy lan hơn nữa sang cánh quân đội, trong tình hình ngày càng nhiều vụ bê bối đất quốc phòng bị phanh phui, như vụ hơn 32h đất quân đội ở quận 9, TP HCM vào tay người Hàn Quốc, liên quan đến đại tá Huỳnh Văn Tài và thiếu tướng Trần Ngọc Thổ.

Trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên sáng 7/1/2019, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Chủ động phong tỏa tài sản vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế“, theo VOV. Ông Bình lưu ý, “các cơ quan truy tố, xét xử phải đặt 3 yêu cầu về làm rõ, chứng minh tội phạm, không để xảy ra án hình sự về tham nhũng, kinh tế oan sai và thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng”.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò, Khai thác Dầu khí bị bắt, theo báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Công an xác định, bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc PVEP, từ năm 2012 đến năm 2014 đã lạm dụng chức vụ để “nhận tiền từ OceanBank chi lãi ngoài (tiền chăm sóc khách hàng) sau đó chiếm đoạt tài sản”.

Bài viết lưu ý: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án từ ngày 13/9/2017, nhưng mãi tới ngày 6/1/2019, mới có quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Lan. Ngày 7/1, VKSND Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nói trên.


40 năm cuộc chiến Việt – Campuchia

Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Thanh Niên về vụ thảm sát hơn 40 năm trước ở huyện Bù Đốp: Đời sau phải nhớ. Một người dân kể về đêm 15/3/1978: “Dân địa phương chạy trốn khắp nơi nên không có người chôn cất thi thể, phải chờ tỉnh điều động lực lượng về. Thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn và thiếu thốn phương tiện nên khi lực lượng hỗ trợ đến nơi nhiều thi thể đã phân hủy không thể cho vào áo quan, phải đào hố chôn”.

VTC đặt câu hỏi: Kẻ nào đã dối trá với toàn thế giới về tội ác ghê rợn của tập đoàn đồ tể Pol Pot? Bài viết hiếm hoi trên báo “lề đảng” vạch mặt chính các cựu “đồng chí” của chế độ CSVN. Theo đó, các chính khách và tuyên truyền viên của các chế độ cộng sản Rumani, Trung Quốc, Nam Tư, Triều Tiên… đã được “chính quyền Pol Pot lựa chọn mời sang, và sau đó họ cho ra lò các bộ phim, phóng sự, phóng sự ảnh ca ngợi đất nước Campuchia”.

Lực lượng cộng sản ở các nước phương Tây như Canada, Thụy Điển từng được Hà Nội ca ngợi vì đã tuyên truyền có lợi cho họ trong chiến tranh với người Mỹ, giờ cũng bị vạch mặt: “Chỉ hai tuần trước khi CPC sụp đổ”, Liên đoàn cộng sản Canada do Chủ tịch Roger Rashi dẫn đoàn đến thăm Pol Pot. Ông này khi về nước đã tuyên bố rằng… Việt Nam xâm lược Campuchia.

RFA đặt câu hỏi: Rụt rè kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam, còn chiến tranh phía Bắc thì sao? Bài viết lưu ý mâu thuẫn xung quanh lễ kỷ niệm 40 chiến thắng Khmer Đỏ ở Hà Nội: Trong khi Tạp Chí Cộng Sản cho rằng “đây là nghi lễ cấp quốc gia do các tổ chức Trung ương Đảng, Chính Phủ và Quốc Hội tổ chức”, thì báo Nhân Dân “hạ bậc” xuống thành “nghi lễ của các tổ chức quần chúng cấp trung ương và chính quyền Hà Nội”, như thể họ sợ làm mất lòng “người bạn vàng” đã kéo quân qua, “dạy cho Việt Nam một bài học” hồi tháng 2/1979, còn có mục tiêu khác là hỗ trợ, giải vây cho chế độ Pol Pot.

RFA có bài: Chiến tranh Campuchia, cuộc chiến không tránh khỏi và những bài học. Ông Phạm Sỹ Sáu, một cựu binh từng tham chiến ở Campuchia nhận định: “Pol Pot là con đẻ của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam nhận chịu hậu quả từ sự lãnh đạo, là các anh đã nuôi một bè lũ như vậy từ trong trứng nước. Từ năm 1972 họ đã tỏ ra không đồng tình với anh mà anh cho là vì tình quốc tế vô sản anh bỏ qua hết”. Thực tế, lính Khmer Đỏ đã bắt đầu tàn sát người Việt từ năm 1975, nhưng lãnh đạo CSVN bỏ qua vì “tình đồng chí”.

Giáo dục VN: Côn đồ kiêm giáo viên

Thêm vụ bạo hành học sinh ở Quảng Bình: Học sinh lớp 1 bị cô giáo tát chảy máu tai, nghi chấn động sọ não, theo báo Dân Trí. Vụ việc xảy ra ngày 28/12/2018 tại trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Bà Lê Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.1 tổ chức kiểm tra môn viết, khi thấy cháu Trương Ngọc H làm cả 2 đề A và B, bà đến bàn học cháu H xách tai và tát 2 cái vào má cháu. Sau đó, bố cháu H thấy cháu “có dấu hiệu bị chảy máu tai, kêu chóng mặt”.
Sau khi chụp X quang và làm các xét nghiệm tại bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, các bác sĩ chẩn đoán “cháu bị chấn động sọ não, cần phải nhập viện điều trị theo dõi dài ngày”. Tuy nhiên, do gia cảnh nghèo, bố cháu H “từ chối điều trị và đưa cháu về nhà. Hiện tại cháu H vẫn đến lớp nhưng thường xuyên kêu mệt mỏi, đau đầu”.

Cháu Trương Ngọc H, học sinh bị cô giáo tát chảy máu tai. Nguồn: Dân Trí

Trang Gia Đình Mới đặt câu hỏi vụ cô giáo tát học sinh chảy máu tai: Hiệu trưởng nhà trường nói gì? Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cẩm xác nhận toàn bộ vụ việc và nói thêm: “Sau khi phụ huynh học sinh tới thông báo với nhà trường về sự việc xảy ra, một mặt nhà trường tới thăm, động viên em H và gia đình, mặt khác đã yêu cầu cô giáo Lê Thị Hải tường trình sự việc”.

Báo Người Đưa Tin có bài: Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Bình sốc trước việc học sinh bị tát dẫn đến nhập viện. Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Bình, nói: “Tôi thực sự sốc về việc này, cô Nguyễn Thị Phương Thuỷ đã bị khởi tố sau sự việc tát học sinh 231 cái vẫn còn nóng hổi. Báo chí thông tin, các cấp lãnh đạo, ban ngành của tỉnh cũng chỉ đạo nhưng có vẻ như cô giáo này đã không rút được bài học cho mình”.

Khi sự tha hóa đạo đức đã trở thành một làn sóng ăn sâu vào xã hội, khi “bệnh thành tích” đã khiến những giáo viên tiểu học – đáng ra phải là những người rất thương trẻ em – trở thành côn đồ, thì chuyện kỷ luật vài cá nhân hầu như không còn tác dụng.  


Tài xế vs BOT

Báo Dân Việt đưa tin: Ngàn người “chôn chân” giữa trưa nắng, BOT An Sương – An Lạc lại xả trạm. Gần trưa 7/1, nhiều tài xế lưu thông trên Quốc lộ 1, đến đoạn qua trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM “đã tập trung phản đối vì cho rằng trạm thu phí này thu lố nhiều tháng và cho biết không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn bị thu phí”.

Một tài xế cho biết: “Chúng tôi đâu có lưu thông trên các cầu vượt của đơn vị này đầu tư đâu mà sao lại thu phí”. Trước đó, chủ đầu tư BOT này tuyên bố: “Thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện từ 2/1/2017 đến 31/1/2033, theo quy định của Nhà nước”. Tuy nhiên, đã hết thời cái ô “Nhà nước” có thể khiến người dân sợ mà chịu bị “tận thu”.


Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Trước phiên xét xử dự kiến diễn ra ngày 8/1/2019, vợ bác sĩ Hoàng Công Lương làm đơn xin cho chồng được xét xử vắng mặt, theo báo Người Lao Động. Gia đình BS Lương cho biết, họ “đã phải đưa bác sĩ Lương đi cấp cứu tại Khoa Nội thần kinh BV Hòa Bình và điều trị tại đây”, vì BS Lương đang hoảng loạn, sốc tâm lý.

Trước đó, BS Võ Xuân Sơn viết: Báo động về tình trạng sức khỏe của BS Lương. Bài viết bày tỏ sự đồng cảm với BS Lương trong hoàn cảnh chịu “búa rìu” của dư luận “lề đảng”, của “những người căm ghét ngành y, và những kẻ mong BS Lương vào tù”.

Zing đặt câu hỏi: Vì sao 7 bị cáo phải hầu tòa vụ chạy thận làm chết 9 người? BS Lương “cùng 6 bị cáo gồm nhiều cựu lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và 2 giám đốc doanh nghiệp phải hầu tòa sau sự cố chạy thận nhân tạo làm chết 9 bệnh nhân”. Theo cáo trạng, các bị cáo “không làm tròn trách nhiệm được giao, thiếu kiểm tra, giám sát và đôn đốc nên để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng”.


***






No comments: