Friday, January 25, 2019

BẢN TIN NGÀY 25/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




25/01/2019

Tin Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về cuộc diễn tập ở Biển Đông của tàu chiến Anh – Mỹ, VnExpress đưa tin. Ngày 24/1/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực”.

Đối với cuộc tập trận của hải quân Anh – Mỹ vừa diễn ra nhằm “xử lý những ưu tiên an ninh chung” ở Biển Đông, bà Hằng nhận định thêm: “Mọi hoạt động ở Biển Đông của các nước cần được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và đóng góp vào mục tiêu chung này”.

Báo Thanh Niên có bài: Cựu Tổng thống Philippines phản đối khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vừa chỉ trích chuyện “chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông” hồi tháng 11/2018.


Tin nhân quyền

Sau phiên kiểm điểm nhân quyền: VN nói vẫn cần án tử hình và Luật An ninh mạng, BBC đưa tin. Nhằm ngụy biện cho luật An ninh mạng, lãnh đạo CSVN lại đổ lỗi cho “thế lực thù địch”, là những người dân tố cáo sai phạm của chính quyền nhưng bị “chụp mũ” là tuyên truyền “thông tin sai sự thật, vu khống các cá nhân, các tổ chức lan truyền trên mạng, nguy cơ khủng bố và đe dọa tới an ninh quốc gia. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho chính phủ Việt Nam phải xây dựng luật ANM”.

Hôm thứ ba 22/1/2019, tại Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR, hàng trăm người Việt khắp nơi trên thế giới đã tụ họp trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva, lên tiếng tố cáo những vi phạm nhân quyền của Việt Nam. RFA có clip:

RFA bàn về UPR Vietnam 2019: Nhân quyền vẫn còn tồi tệ. Một người Việt từ Sydney đến biểu tình trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ chia sẻ: “Vé tàu em đi đến 43 tiếng mới tới, nhưng em rất vui hôm nay được tham gia cùng các cô bác anh chị ở đây để phản đối Việt Nam vi phạm Nhân quyền và em cũng mong rằng càng ngày càng nhiều các bạn trẻ hơn hoặc là người Việt Nam ở hải ngoại nói lên tiếng nói của người Việt trong nước”.

Các báo “lề đảng” chủ yếu dẫn lời quan chức CSVN khẳng định, họ luôn “tôn trọng” quyền con người. Báo Hà Nội Mới có bài: Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định: “Việt Nam nhìn nhận việc rà soát theo cơ chế UPR là thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc”. Tuy nhiên, số lượng dân oan, tù nhân lương tâm và người bất đồng chính kiến bị đàn áp ở Việt Nam ngày càng tăng.  


Hậu cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng

Báo Người Việt có bài: Giới luật sư thách đấu báo Pháp Luật vì ‘theo đuôi chính quyền’ vụ Lộc Hưng. Chuyện báo Pháp Luật TP HCM dẫn ra luật lệ CSVN để ngụy biện cho vụ chính quyền phá nhà, cướp đất của dân, bài viết nhận định: “Lâu nay, việc một cơ quan truyền thông thuộc Sở Tư Pháp thành phố ở Sài Gòn viết tuyên truyền theo chủ ý của nhà cầm quyền không có gì lạ”.

Tuy nhiên, “có thể hiểu được sự khó chịu của giới luật sư trong vụ này” vì báo Pháp Luật TP.HCM khẳng định, bài báo của họ “dựa trên các thông tin pháp lý được minh định” nhưng “lại không dám nêu danh tính tác giả bài báo” ngoài dòng chữ “Nhóm PV”.

Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo có clip, ghi lại lời kể của người dân về “án oan Vườn rau Lộc Hưng – Mẹ ơi nhà của mình bị xe phá nát rồi!”

Cũng clip từ trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, tổng hợp nhiều khoảnh khắc trước và sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng: Mẹ ơi, xuân này con không nhà.


Sai phạm ở thành Hồ

Báo Tiền Phong dẫn lời Chủ tịch TPHCM: Nhiều vụ sai phạm rất nặng nhưng chỉ phê bình, khiển trách. Trong Hội nghị Thanh tra TP HCM tổ chức chiều 24/1/2019, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận: “Có những vụ việc tôi chủ trì họp giữa Thanh tra thành phố và đơn vị được thanh tra, thấy kết luận thanh tra là sai phạm rất rõ ràng, thậm chí rất nặng nhưng khi đưa ra xử lý thì chỉ phê bình, khiển trách. Làm nhưng vậy là không nghiêm minh”.

Ông Phong không nói rõ đó là những vụ nào, nhưng có lẽ mọi người không quên chuyện một số lãnh đạo TP HCM đã từng hứa xử lý thích đáng sai phạm Thủ Thiêm, để rồi đến khi Thành ủy bỏ phiếu quyết định mức kỷ luật với ông Tất Thành Cang thì đa phần chỉ là cảnh cáo với khiển trách.


“Công bộc” của dân?

Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chỉ đạo làm rõ nghi án “xẻo” gần 17.000m2 đất chùa ở Phú Quốc, báo Dân Trí đưa tin. Hồi đầu tháng 1/2018, Sở TN-MT Kiên Giang báo cáo UBND tỉnh và khẳng định UBND huyện Phú Quốc “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Mười là đúng đối tượng và đúng trình tự”, dù trước đó có người tố cáo ông này được cấp giấy bìa đỏ trái pháp luật.

Người tố cáo tiếp tục gửi đơn nên vụ việc không dừng lại ở đây. Ngày 23/1/2019, một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hiện Sở TN – MT đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ giúp việc đang kiểm tra lại văn bản trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản trả lời cho các cơ quan báo chí”.

Đơn của ông Thái Ngọc Lý, người tố cáo vụ việc, gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Nguồn: Dân Trí

Cựu chủ tịch cũng là bố vợ Chủ tịch xã xây nhà trái phép trên đất trường học, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Người dân xã Ia Krăi, huyện huyện Ia Grai, Gia Lai phản ánh, ông Siu Sen, cựu Chủ tịch UBND xã, bố vợ của ông Ksor Thuyn, Chủ tịch UBND xã “đã thực hiện hành vi lấn chiếm đất và xây dựng nhà kiên cố trên đất của trường Tiểu học Lê Lợi”. Trước mắt, huyện chỉ… vận động gia đình ông này tự nguyện dỡ nhà và trả lại đất.

VOV đưa tin, vụ cán bộ Cục QLTT ăn tiền của dân: Lãnh đạo Cục chính thức thông tin. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Nghệ An, cho biết, “lúc đầu, các cán bộ này không thừa nhận lỗi của mình và khẳng định không vi phạm, nhưng khi lãnh đạo Cục và báo chí đưa ra các chứng cứ, hình ảnh” thì 4 người gồm lãnh đạo Đội Quản lý Thị trường số 8 và các đồng sự mới thừa nhận sai phạm.

Bài báo cho biết: Trước đó, 4 cán bộ nói trên đi xe biển xanh đến nhà ông Vi Văn Hùng ở Khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ lấy lý do ông này hành nghề “không có giấy phép kinh doanh nên yêu cầu nộp phạt từ 60 đến 70 triệu đồng”, rồi lấy 6 triệu đồng.


Tài xế chiến đấu chống BOT

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Sao không cho xả trạm BOT? Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện giải thích lý do từ chối để BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được xả trạm khi người dân phản đối: “Việc xả trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ tác động tới tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc”.

Bài viết lưu ý: “Tết cổ truyền là dịp mà mọi người được nghỉ ngơi nhiều ngày và nhu cầu đi lại tăng cao so với ngày thường nên đúng ra, Bộ GTVT mới phải là bên chủ động đề nghị vấn đề xả trạm chứ không phải chờ đợi các chủ đầu tư chủ động xin xả trạm rồi bác bỏ”.

Tài xế Huỳnh Long có clip, ghi lại cảnh đoàn xe gồm các xe từ “Bắc-Trung-Nam phản đối BOT An Sương An Lạc”: https://www.facebook.com/long.huynh78/videos/vb.100000508370063/2594120017281585/?type=2&video_source=user_video_tab

Cũng clip của tài xế Huỳnh Long, ghi lại cảnh “các xe đang bị giam giữ trái pháp luật. Tàn ác hơn nữa khi họ cắt luôn lương thực thực phẩm, 2 chiếc xe gắn máy chở 1 thùng nước và cơm đến cho anh em tụi tui thì bị cả trăm người bao vây và bắt đi”.


Giao thông đầy bất cập

BBC bàn về tình hình giao thông VN: Tai nạn giao thông ‘là hậu quả của chính sách nhiều năm’. Nhà báo Trung Bảo nhận định: “Tình trạng giao thông hiện nay nó là hậu quả của những chính sách về giao thông suốt mấy mươi năm qua. Liên quan đến hạ tầng giao thông, nhập và sản xuất xe máy giá rẻ tràn lan, quy hoạch đô thị, giáo dục”.

Một chuyên gia giao thông ẩn danh từ Hà Nội nói với BBC: “Vấn đề chính mà không thấy báo nào ở Việt Nam đề cập là dường như Bộ Giao thông-Vận Tải đã bất khả trong việc cấp bằng lái xe, an toàn xe. Ngoài ra là thực trạng quản lý giao thông đường bộ đáng báo động”.

Công an tỉnh Bình Thuận chặn tài xế dương tính với ma túy đang chở gần 20 hành khách, Zing đưa tin. Sáng 24/1/2019, tổ công tác liên ngành Công an tỉnh kiểm tra trên quốc lộ 1 thì phát hiện tài xế xe khách giường nằm Nguyễn Văn Hưng dương tính với ma túy. “Tổ tuần tra phát hiện trên xe có gần 20 hành khách nhưng tài xế Hưng không xuất trình được lệnh vận chuyển hành khách”.


Ô nhiễm môi trường

Báo Người Lao Động đưa tin: Dân vây xe tải nghi chở hóa chất độc hại vào nhà máy ngày cận Tết. Trưa 24/1/2019, Trưởng Công an xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, xác nhận “người dân thôn 3 của xã vẫn đang tập trung chặn xe tải chở nguyên liệu vào nhà máy luyện kim loại Nam Việt đóng trên địa bàn”.

Chiều 21/12/2018, “5 chiếc xe container bị người dân chặn lại do nghi chở hóa chất độc hại vào nhà máy”. Và “đây là lần thứ 2 người dân xã Vân Sơn kéo nhau ra đường chặn xe chở nguyên liệu vào nhà máy luyện kim này”. Chính quyền tìm cách thuyết phục nhưng không thành và người dân “buộc 5 xe phải quay đầu trở lại”.

Báo Tổ Quốc có bài: Ám ảnh ngôi làng 10 năm gần 60 người chết vì ung thư. Đó là làng Trung Trinh, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều “thanh niên trai tráng đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra ốm, đi khám thì ung thư giai đoạn cuối”.
Một người dân cho biết: “Chừng 10 năm trở lại đây, trong thôn đã có 58 trường hợp chết vì bệnh ung thư, trong đó ảm đạm nhất là năm 2016, 2017, năm nào cũng có chục người cả già lẫn trẻ chết vì ung thư”. Người dân nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu nặng.


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Vụ án chạy thận: Có dấu hiệu chỉnh sửa chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương, báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin. Phiên xử ngày 24/1/2019, LS Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết, trong quá trình tranh luận, đại diện VKS “khẳng định dùng bút lục 3074 kết tội bị cáo Hoàng Công Lương. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đã phát hiện chứng cứ có dấu hiệu chỉnh sửa”.

LS Kiều nói: “Việc sửa chữa rất nhiều nội dung trong đó, tôi nghi ngờ đây là việc sửa chữa năm 2016 thành 2017, điền thêm seri máy. Chứng cứ không đảm bảo tính khách quan, chân thực để buộc tội thân chủ của mình”.

Tài liệu buộc tội BS Lương có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Nguồn: PNVN

Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn khẳng định: “Hoàng Công Lương có đủ dấu hiệu phạm tội vô ý làm chết người”. Phó Viện trưởng VKS tỉnh Hòa Bình lập luận: “Nghe bác sĩ Lương ra y lệnh, các điều dưỡng mới thực hiện bước cắm kim chuyền vào người bệnh nhân”, đồng thời cho rằng, BS Lương “đã bỏ qua mọi thông tin, mới chỉ nghe một điều dưỡng không có trách nhiệm báo cáo, đã ra y lệnh”.

Bên cạnh đó, đại diện Viện kiểm sát khẳng định ‘Không có dấu hiệu đầu độc như suy luận của luật sư’, theo báo Thanh Niên. Chiều 24/1, LS Phạm Quang Hưng cho rằng, “vẫn có nhiều điểm bất thường nếu đối chiếu các kết luận giám định về hàm lượng florua tồn dư dẫn tới cái chết của 9 bệnh nhân”.

Đại diện VKS đáp lại, “có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, vì hàm lượng florua trong hệ thống RO thay đổi liên tục khi vận hành. Bên cạnh đó, thời gian bệnh nhân cắm kim truyền vào người cũng ảnh hưởng đến hàm lượng florua tồn dư”.



***







No comments: